1- AI CÔNG? AI TỘI?
Năm ngoái, phải nói là tôi rất ứa
gan khi đọc trên Báo Tổ Quốc, ở phần góp ý của bài viết “Nói lấy được, làm lấy
được” của bà đạo diễn Song Chi, bài trả lời phỏng vấn báo Thời Đại Mới
(TĐM) của ông “Tiến sĩ Bác Hồ” Cao Huy Thuần, do chính ông này post lên
- như một comment.
Hình như về cuối đời, những kẻ
làm chuyện ác nhân, thất đức như Tố Hữu và đồng bọn luôn tìm mọi cách giảm
thiểu tội lỗi của mình như tôi đã trình bày trong mấy bài “Nói dối như… Tố Hữu”.
Trong bài phỏng vấn kiểu “ngư,
tiều vấn đáp”, ông “tiến sĩ Bác Hồ” Cao Huy Thuần tìm cách chạy tội cho “nhà sư
hổ mang” Thích Trí Quang và “ông Tổng Thống 2 ngày” Dương Văn Minh.
Trích:
“-Thời Đại Mới(TĐM): Hôm nay
là ngày 30-4. Anh có ý nghĩ gì để nói thêm? Ít nhất về hoà bình, phương châm thứ
hai của Phật Giáo?
-Cao Huy Thuần (CHT): Tôi vừa đọc
báo Đại Đoàn Kết viết bài để kỷ niệm ngày 30-4 năm nay 2011. Thú thật , tôi cảm
động. Bài báo có trích một câu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
"Chiến thắng của chúng
ta vĩ đại, nhưng chúng ta cũng phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả một nỗi
đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam vào hoàn
cảnh có người thân vừa ở phiá bên này vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng nhà
tôi cũng vậy. Vì vậy một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng
triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của
dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. Ông nói thêm:
"Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của
các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong
nước hay bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sàigòn
năm 1975, một Sàigòn nguyên vẹn sau chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể
không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập Mỹ-Thiệu, có quan hệ
với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ”.
Cố Thủ Tướng gọi chính phủ
Dương Văn Minh là “chính phủ” và ông vinh danh một “Sàigòn nguyên vẹn”. Giá
như Thủ tướng còn sống để đọc câu hồi ký của hoà thượng Trí Quang mà tôi
trích nguyên văn ở đây nhân ngày 30-4:
“Cuối cùng, vào một buổi chiều,
ông Minh gặp tôi. Ông đưa ra 2 mảnh giấy người ta báo cáo mật cho ông. Một, cho
biết ngân hàng đã bị rút tiền gần sạch. Một, vẽ 1 hoạ đồ quân sự tuyệt vọng - mảnh
giấy ghi chú bằng chữ Mỹ. Ông nói, nếu vì tiền thì tiền hết rồi, nếu vì chức
thì chức Quốc Trưởng ông đã làm, nếu vì cứu vãn quân sự thì đã vô vọng. Nhưng,
ông nói, ông phải cứu dân khỏi chết vô ích. Tôi nói, đại tướng nói y như
ý hoà thượng Viện Trưởng Trí Thủ nói sáng nay. Tôi thuật lại câu nói ấy,
và rằng xin làm chứng cho đại nguyện “thay người chịu khổ” của bản thân và bằng
hữu của Đại Tướng”.
Hòa Thượng Trí Thủ nói gì sáng ấy? Giữa buổi họp
đông đảo của Viện Hoá Đạo, Hoà Thượng nói: "Tôm cá còn mua mà phóng
sinh, huống hồ người chết mà không cứu?”
Người Pháp có câu nói:
"Các đầu óc lớn thường gặp nhau (Les grands esprits se rencontrent).
Tất nhiên họ muốn nói gặp nhau trên tư tưởng. Tuy vậy, hai đầu óc lớn trên đây,
hai con người cùng đặt Dân Tộc lên trên hết ấy, hai nhân vật lịch sử ấy dám gặp
nhau không phải chỉ trên tư tưởng. Nhưng một người đã chết quá bất ngờ, một
cánh cửa chưa kịp gõ, và con tàu rời nhà ga thiếu một hành khách. Lịch sử vốn vậy,
không vô tình nhưng lắm trớ trêu, khiến bao nhiêu cuộc hẹn bỗng thành lỗi hẹn”.
(Hết trích).
Không biết những điều được viết
trong hồi ký của HT Trí Quang có “chân thật” cỡ như “Thiền sư” “ăn chay, ngủ
mặn” Nhất Hạnh tố cáo vì du kích VC bắn lên máy bay Mỹ nên Hoa Kỳ đã dội
bom giết chết và tàn phá 300.000 căn nhà ở thị xã Bến Tre, hay không? Và ông
thiền sư này đã kết luận là vì Mỹ tàn ác như vậy nên mới bị quả báo là bị tên
trùm khủng bố (vừa mới bị giết chết sau 10 năm bị săn đuổi Bin Laden) dùng máy
bay đánh sập Tòa Tháp Đôi ở NewYork gây ra cái chết cho hơn 3.000 người.
Chuyện Hoà Thượng Trí Quang viết
“Trí Quang tự truyện” bênh vực cố Tổng Thống Dương Văn Minh và “xin
làm chứng cho đại nguyện thay người chịu khổ” chỉ là chuyện gỡ gạc cuối đời
để chạy tội cho ông Dương Văn Minh và ông ta mà thôi!
*
Trong bài viết “Võ Văn Kiệt
như tôi biết” đăng trên báo Pháp Luật (tpHCM) số Xuân Quý Mùi của Lý Quý
Chung viết có đoạn như sau:
“Mối hảo cảm dành cho ông
Dương Văn Minh
… Cách đây 2 năm, vào một
chiều cận Tết, tôi được thư ký riêng của ông (Võ Văn Kiệt) nhắn mang vợt tennis
đến sân trong Dinh Thống Nhất. Sau các trận đấu là buổi tiệc tất niên thân tình
của anh em chơi ở sân này. Các câu chuyện cuối năm, từ chuyện này bắt sang chuyện
khác, đến một lúc nói về Dương Văn Minh. Tôi sực nhớ chính cái sân tennis này từng
được ông Minh đề cập đến trong những ngày ông chuẩn bị lạt đổ chính quyền Nguyễn
Văn Thiệu thì sẽ vào Dinh Độc Lập đánh tennis! Sở dĩ tôi kể chuyện này cho ông
Kiệt nghe vì ông Kiệt cũng là người say mê quần vợt, ngoài ra vì tôi biết ông
Kiệt thường dành những lời lẽ tốt đẹp khi đề cập tới ông Minh. Nghe xong câu
chuyện của tôi, nôg Kiệt tiết lộ một câu chuyện giữa ông và ông Minh như sau:
Trước ngày rời đất nước cùng vợ sang Pháp, ông Minh đã tặng cho ông mọt túi
xách bằng da dùng để vợt tennis, họp banh và quần áo thể thao. Ông Võ Văn Kiệt
kể tiếp: “Tôi đã tặng lại cho ông Minh và vợ hay huy hiệu thành phố Hồ Chí
Minh. Tôi muốn hai ông bà nhớ rằng sống ở đâu, hai ông bà vẫn là công dân của
thành phố này”.
Đọc xong cái bài viết nịnh bợ
ông Võ Văn Kiệt của ông “trí thức thành phần thứ ba” Lý Quý Chung thì ứa gan lắm,
lại càng ứa gan hơn khi biết là ông cố Tổng Thống Dương Văn Minh và vợ của ông
ta có nhận 2 cái huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh do Võ Văn Kiệt. Hèn chi mà 9,
10 năm trước đây, khi còn sống ông đã tuyên bố muốn về Việt Nam như một người
bình thường và có ở trong lòng đất nước, ông mới có điều kiện “đem tiếng
nói thuyết phục bên kia tại quê nhà…”.
Cố Tổng thống Dương Văn Minh
trước đây đã từng có lần trả lời phỏng vấn của (cố) ký giả Nguyễn Ang Ca
rằng nếu lịch sử được lặp lại thì ông cũng sẽ hành động giống như ông đã hành động ngày 30-4-1975.
Phải! Nếu lịch sử được lặp lại
thì chắc chắn các vị Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần
Văn Hai, Lê Nguyễn Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Phạm Đức Lợi,
Nguyễn Văn Long… cũng sẽ hành động giống như họ đã làm trong tháng 4 năm
1975.
“… Phải cứu dân khỏi chết vô
ích”, cứ cho rằng ông Dương Văn Minh đã nói thật lòng đi nữa; cách xử sự của
ông sau đó hẳn không thể giống như Phan Kinh lược đã làm một trăm lẻ tám năm
trước đó. Ông Dương Văn Minh, qua cách nói của ông, muốn nói rằng việc làm của
ông ngày 30-4-1975 là đúng, ông chẳng những vô tội mà có công nữa.
Điều ấy có thể đúng ở một mặt
nào đó. Đối với Cộng sản Hà Nội, ông Dương Văn Minh có công chứ không có tội.
Đã chẳng phải chính cố Thủ Tướng VC Võ Văn Kiệt đã “khen ngợi” lực lượng chính
trị đối lập Mỹ-Thiệu do Dương Văn Minh lãnh đạo đã bàn giao cho ông ta “một
Sàigòn nguyên vẹn”?!
Nói như ông vậy thì bao nhiêu
xương máu của quân dân miền Nam đổ ra để kéo dài cuộc chiến, có nghĩa là kéo
dài cuộc sống tự do của miền Nam đều là vô ích cả hay sao? Và những người đổ
xương máu ấy ra đều có tội cả hay sao?
Thôi hãy để lịch sử phán xét
hành động của ông ấy. Chúng ta chỉ nói tới những gì ông nói, ông làm sau ngày
30-4-1975 đen tối đó.
Ông Dương Văn Minh mặc áo ngắn
tay, bỏ ngoài quần hèn nhát khúm núm trao quyền cho một tên Trung Tá Chính ủy của
VC. Sau đó, ông Đại Tướng Tổng thống Dương Văn Minh ung dung sống, ung dung đi
bầu cử Quốc Hội CS, ung dung tuyên bố: “Tôi năm nay 60 tuổi, rất vui mừng được
làm người dân một nước độc lập”, ung dung lên phi cơ sang Pháp mang theo
hai huy chương thành phố Hồ Chí Minh do (cố) Thủ tướng VC Võ Văn Kiệt trao tặng,
ung dung tuyên bố là nếu lịch sử tái diễn lần nữa, ông sẽ đầu hàng lần nữa. Và
10 năm trước khi chết già tại Mỹ, ông ung dung tuyên bố rằng ông sẽ về Việt Nam
sống với Cộng Sản, không cần biết tới một việc mà ai cũng thấy: ông chắc chắn sẽ
là một công cụ tuyên truyền đắc lực cho Hà Nội; không cần biết rằng, chẳng đợi
lịch sử tái diễn gì cả, ông đang chuẩn bị đầu hàng một lần nữa!
*
“… Bổn chức đáng tội chết…”
Tháng 6 năm 1867, Kinh lược Đại
thần Phan Thanh Giản đã hạ bút viết câu ấy tại thành Vĩnh Long sau khi để
mất 3 tỉnh miền Tây về tay bọn Phú Lang Sa và sau đó ông uống thuốc độc tự vẫn.
Bốn mươi tám năm sau, một con
người tên Dương Văn Minh đã được sinh ra tại đất Vĩnh Long ấy. Năm ông
này 60 tuổi ông làm một chức vụ lớn nhất,
lớn hơn chức Kinh lược sứ của Phan Thanh Giản nhiều. Đó là chức Tổng thống Việt
Nam Cộng Hoà. Ông Tổng thống đã ra lệnh đầu hàng trước kẻ thù và sau đó ông nói
với những kẻ ông đầu hàng:
“Tôi năm nay 60 tuổi, rất
vui mừng được làm một người dân nước độc lập”.
Hai con người, hai câu nói, hai
thái độ xử sự và dĩ nhiên là tên tuổi sẽ được ghi vào lịch sử ở hai trang khác
nhau.
“… Bổn chức đáng tội chết…”
Kinh lược Đại thần Phan Thanh
Giản.
“… Tôi sẽ về Việt Nam…”
Cố Tổng thống Dương Văn Minh.
Hai câu nói khó quên! Hai con
người khó quên!
Ánh trăng rằm tháng Giêng và
con đom đóm trên cây bần ven sông ở vùng đất mới bồi!
2. AI VUI? AI BUỒN?
Nói về chuyện ngày 30-4 có triệu
người vui, có triệu người buồn - theo như (cố) Thủ tướng VC Võ Văn Kiệt phát biểu
lúc còn sinh thời, theo Lão Móc vào thời điểm này là một chuyện không còn cần
thiết, vì có ai đó đã nói: “Ở Việt Nam hiện nay chỉ có cái loa là vui!”;
Do đó, xin ghi lại đây cảm tưởng về ngày 30-4 năm 1975 mà nhà văn Dương Thu
Hương đã trả lời ký giả Đinh Quang Anh Thái của đài phát thanh
Little Saigon cách đây 12 năm như sau:
-Đinh Quang Anh Thái: Bà từng
viết rằng, ngày 30-4 năm 1975, khi các phụ nữ khác trong đoàn quân của bà trầm
trồ trước sự trù phú vật chất của miền Nam chỉ bà là ngồi khóc trên lề đường
Sàigòn. Bà có thể nhắclại tâm trạng của bà lúc đó.
-Dương Thu Hương: (thở dài) Điên
rồ thì tôi nhiều lần điên rồ. Khóc thì tôi có hai lần khóc.
Lần thứ nhất khi đội quân
chiến thắng vào Sàigòn 1975, trong khi tất cả mọi người trong quân đội chúng
tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh
một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà
vì tác phẩm của tất cả nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự
do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bày trong các
hiệu sách, ngay trên vĩa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV,
radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là một giấc mơ. Ở
miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dânchúng chỉ được
nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe
đài Sơn Mao tức đài Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ nghe được loa phóng
thanh tập thể, có nghĩa là chỉ nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng,
chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con
người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ đài nào Pháp,
Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ
man rợ. Đó là sư hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm
phải.”…
Xin mượn lời phát biểu của nhà
văn Dương Thu Hương để chấm dứt bài viết này.
LÃO MÓC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét