Bà Bùi Thị Minh Hằng, người bị chính quyền Hà Nội đưa vào Trại giáo dục Thanh
Hà vì tội gây rối trật tự công cộng, bác bỏ tin tức cho rằng bà được thả vì làm
đơn xin nhà nước khoan hồng.
Bà đã được chính quyền trả tự do và về đến nhà chiều Chủ nhật ngày 29/4.
Lý do bà được thả, theo báo An ninh Thủ đô một ngày trước đó, là để thực hiện
“chính sách khoan hồng của Nhà nước” nhân kỷ niệm ngày 30/4.
Trong phỏng vấn với BBC từ Vũng Tàu ngày thứ Ba 1/5, bà cho hay năm tháng
trong trại Thanh Hà là ‘khoảng thời gian hãi hùng’.
Bùi Thị Minh Hằng: Thực tế đó là một khoảng thời gian rất
hãi hùng đối với tôi, kể ra thì nó dài vô cùng. Nhưng phải nói một điều rằng tôi
xác định tôi không có tội.
Tôi vẫn tin vào pháp luật cần phải có trong một
quốc gia, nhưng quả thật thời gian mà họ giam giữ tôi một cách trái phép cho đến
lúc họ thả ra thì tôi mới thấy họ không làm theo luật pháp.
Việc họ thả tôi ra hôm vừa rồi thì ngay đến giờ phút cuối cùng họ vẫn đối xử
với tôi hết sức nhẫn tâm.
BBC: Vậy bà được thả ra theo đơn xin khoan hồng của nhà nước?
Không đúng. Tôi nhận được Quyết định miễn thời gian chấp hành còn lại. Gần
một tháng trước đó, họ vận động tôi viết đơn xin khoan hồng.
Tôi trả lời là tôi không có tội gì mà viết đơn xin khoan hồng cả. Trong những
lá đơn tôi gửi chỉ có đơn khiếu nại và tố cáo thôi.
Tôi khiếu nại Quyết định của UBND thành phố Hà Nội và tôi tố cáo những hành
xử sai trái pháp luật trong việc bắt cóc tôi từ Sài Gòn đưa ra và những cư xử
đến mức độ tôi phải hủy hoại thân thể và phải nhịn ăn vài ngày trong trại.
Sau đó, họ tiếp tục vận động là do cơ thể tôi quá yếu, vì thời gian tôi tuyệt
thực chính thức trong đó chiếm gần hết thời gian tôi ở cơ sở nên tôi sút cân
nhiều quá.
Tôi cho rằng họ không coi trọng tính mạng của tôi. Mặc dù tôi tuyệt thực rất
nhiều lần, nhưng họ không có động tĩnh gì.
Đến khi biết rằng từ bên ngoài, sức đấu tranh của quần chúng rất cao, cộng
với không chịu được cách hành xử của họ, ở trong đó tôi đã một lần rạch chân
rạch tay, do vậy họ bắt đầu có động thái.
Tuy nhiên, đây không phải là những động thái sửa sai mà là vận động tôi làm
đơn xin khoan hồng.
Sau khi tôi không chấp nhận làm đơn xin khoan hồng, họ vận động tôi làm đơn
xin đi chữa bệnh.
Rất nhiều đơn khiếu nại, đơn từ tố cáo tôi đã làm trong thời gian ở trong
trại nhưng tôi cho rằng có lẽ họ không gửi những đơn từ đó của tôi đi đâu
cả.
Vì biết tôi hay làm đơn từ, cho nên khi vào trong trại họ thu giữ hết giấy
tờ, sách bút. Và cũng vì vấn đề này mà giữa tôi và cơ sở giam giữ tôi đã xảy ra
rất nhiều lần đối đầu.
Tôi cũng làm đơn tố cáo việc quản giáo thu giữ giấy tờ không cho tôi viết vì
đây không phải là những việc bị cấm đoán theo quy định.
BBC: Có nhiều bài viết trên báo chí chính thống về bà. Vậy bà có đọc được
những bài viết đó không?
Có, tôi có đọc được những bài viết đó.
Trong chỗ chúng tôi ở thì có TV và họ nói là cho đọc báo Pháp luật, nhưng
thực tế họ không bao giờ cho chúng tôi đọc một loại báo gì.
Nhưng khi có những sự kiện như thế, cách họ thông tin là các cán bộ, quản
giáo cho những trại viên gần gũi với cán bộ mang vào như một cách truyền tải đến
tôi.
Họ gần như dàn xếp một lịch trình để cho tôi và trại viên trong trại
được xem những sự kiện như thế.
Gia đình
BBC: Nhiều bài báo đã trích dẫn nhận xét của một số ‘người thân’ của bà,
vậy xin bà cho biết nhận xét của mình?
Tôi chưa thể một lúc mà nói hết được. Nhưng tôi tin rằng bằng những hành xử
không chính danh của chính quyền thì người dân sẽ tự phân tích điều đó.
Tôi rất tin tưởng vào chính nghĩa. Tôi đã viết ra thành những bài thơ rất đau
xót trong những ngày tôi ở trong tù thông qua những lá thư gửi cho con tôi.
Từ những khổ đau như thế, tôi biết phải làm gì và làm gì nhiều hơn nữa để xã
hội không còn những cảnh như gia đình tôi, không còn những nỗi đau như của con
trai tôi trong những ngày tháng phải bỏ học đi nuôi tôi.
Tôi đã dặn con tôi là “một kẻ làm chó thì ta phải chịu khó để làm người”.
Cho phép tôi không nói sâu hơn về những gì thuộc về cá nhân tôi vì những điều
đó tôi đã chịu đựng trong rất nhiều năm qua. Đó là điều mà tôi phải rời xa gia
đình để đi tìm cuộc sống ở nơi khác trong cảnh mẹ góa con côi.
Đó là những nỗi đau mà tôi không bao giờ muốn một lần trong đời bởi vì chọn
bạn bè thì chúng ta chọn được, người này không tốt ta chọn người khác ta chơi,
nhưng không ai chọn được nơi mình sinh ra.
‘Không phải chính trị gia’
BBC: Nhưng xin bà cho biết ý kiến riêng của bà trước sự tin cậy đằng sau
những bài báo đó?
Tôi chưa nói đến độ tin cậy mà tôi nói đến độ bỉ ổi bởi vì bản thân tôi không
phải là một chính trị gia cũng không phải là nhân vật trong giới kinh tế chính
trị ở Việt Nam để họ làm điều đó nhắm vào tôi.
Tôi chỉ là một người rất bình thường từ những áp bức bất công trong xã hội.
Những nền tảng duy nhất để chúng tôi đấu tranh là quyền của một người dân trong
xã hội có luật pháp, có tôn ti trật tự.
Nhưng họ đã dùng những điều đó để trả thù tôi một cách điên cuồng đến mức tôi
cho rằng họ lú lẫn. Đến bây giờ tôi nghĩ rằng họ biết là đã bị phản tác dụng.
Bởi vì, từ hai hôm nay trở về đây, rất nhiều người dân từ Sài Gòn, Biên Hoà, Bà
Rịa và những người xung quanh đây đến với tôi bằng tình cảm.
Có những anh xe ôm chỉ có mấy trái dừa, những lẵng hoa. Tôi tin là người dân
bây giờ đã rất trưởng thành và vững vàng.
‘Sẽ làm sáng tỏ’
BBC: Có nguồn tin cho biết bà có ý định tự vẫn?
Tôi từng có quyết định tự vẫn vì những bức xúc trước hành xử sai trái của
chính quyền.
Nhưng trong những cuộc biểu tình tôi đi với bạn bè và chứng kiến
cảnh họ đàn áp, bản thân tôi xuất phát là một dân oan, tôi từng nói rằng tôi sẽ
tự thiêu nếu nhà nước này đối xử với dân như thế.
Cho đến giờ phút này, tôi đang dồn tâm huyết để viết lá thư cho chủ tịch nước
và tổng bí thư rằng người dân trong chế độ hiện nay bị quá nhiều áp bức và chịu
quá nhiều bất công đến mức không thể chịu đựng nổi.
Và nếu nhà nước không có được những động thái gần dân, vì dân, hoặc khắc phục
những điều này thì tôi sẽ hiến tấm thân của tôi cho dân oan nhưng duy nhất tôi
chỉ giữ ý định chọn cái chết là tự thiêu. Ngoài ra, nếu như có bất cứ sự kiện gì
khác xảy đến với tôi thì đấy là sự tấn công từ bên ngoài.
BBC: Xin bà cho biết ý định của bà trong thời gian tới?
Tôi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi trong vòng 10-15 ngày để lấy lại sức khoẻ vì
bản thân tôi đã sút trên 15 kg từ lúc vào trại đến lúc về, cộng với rất nhiều
vấn đề xảy đến gia đình và con cái tôi.
Hiện nay, tôi vẫn còn một cháu phải bỏ học giữa chừng để đi nuôi mẹ bị bắt.
Trước mắt tôi khắc phục những việc của cá nhân tôi.
Sau khi ổn định, việc đầu tiên là tôi sẽ cương quyết làm sáng tỏ về sự bắt
giữ oan sai và những hành xử đối với tôi trong thời gian bị chính quyền giam
giữ.
Nguồn: BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét