Marek Rybarczyk - Newsweek - Lê Diễn Đức dịch
Lời người dịch:
Bài viết của ký giả M. Rybarczyk đăng trên tuần báo quốc tế Newsweek ngày
23/3/2012, ấn bản tiếng Ba Lan, phân tích tình hình Miến Điện nhân cuộc bầu cử
lịch sử vào ngày 1/4/2012, sau 22 năm kể từ khi nhà cầm quyền quân sự Miến Điện
huỷ bỏ chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, ban hành thiết quân luật và quản
thúc bà.
Trong bài tác giả có nói đến sự giống nhau của cuộc bầu cử tại Miến Điện
trong ngày 1/4/2012 với cuộc bầu cử tử do đầu tiên trong hệ thống cộng sản diễn
ra tại Ba Lan ngày 4/6/1989 và nhìn nhận Tổng thống Miến Điện hiện nay rất có
thể sẽ là một Jaruzelski Miến Điện. Ông W. Jaruzelski là đại tướng, nhà lãnh đạo
cao nhất cuối cùng của đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan. Vì sao? Liệu Lộ trình
dân chủ của Miến Điện sẽ lặp lại con đường của Ba Lan?
Năm 1989, trước áp lực đòi dân chủ mạnh mẽ phong trào “Đoàn Kết”, Tướng
Jaruzelski đã đồng ý thương lượng với phe đối lập, chấp nhận bầu cử tự do: cho
100% số ghế của Thượng viện và cho 35% số ghế quốc hội (Hạ viện).
Những người cộng sản Ba Lan đã bị “nockout” thảm hại: tất cả 35% số ghế
quốc hội và 100% số ghế Thượng viện rơi hết vào phe đối lập trong cuộc bầu cử
này. Một chính phủ không cộng sản đầu tiên ra đời. Công thức điều hành được
chia: Thủ tướng của các anh (đối lập), Tổng thống của chúng tôi (cộng sản). Ông
Jaruzelski trở thành Tổng thống chuyển tiếp của nước Ba Lan mới.
Vào tháng 1/1990, đảng cộng sản Ba lan tuyên bố giải tán và cuối năm đó
Ba Lan tổ chức bầu cử tổng thống, Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa, Giải
Nobel Hoà bình năm 1983, giành chiến thắng.
Năm 1991, trong cuộc bầu cử quốc hội tự do, phe đối lập giành chiến
thắng, kết thúc chế độ toàn trị tại Ba Lan sau 44 năm cầm quyền của đảng cộng
sản.
Sau hơn 20 năm xây dựng dân chủ tự do, trong các cuộc thăm dò dư luận xã
hội Tướng W. Jaruzelski vẫn giành được sự ủng hộ cao của người Ba Lan, có lúc
gần 50%, là con số lớn trong một nước hơn 38 triệu dân.
Với thực tế trên, mặc dù có nhiều đánh giá gây tranh cãi, ông W.
Jaruzelski đã được nhiều nhà quan sát chính trị cho là một nhà độc tài thức
thời, khôn ngoan.
Lê Diễn Đức
********
Là tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất thế giới và bây giờ phải giành
chiến thắng trong cuộc bầu cử và tìm ra phương pháp kéo Miến Điện ra khỏi suy
sụp kinh tế, liệu bà Aung San Suu Kyi có qua được sự thử thách tự do
này?
Quân đội đang cầm quyền tại Miến Điện. Nhưng linh hồn của đất nước thuộc về
một người phụ nữ kín đáo, nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Những tấm hình
nhăn nheo của bà được gắn vào túi áo trên ngực của dân chúng và được chỉ trỏ cho
nhau bởi những người lái xe taxi lậu, chủ các cửa hiệu, sinh viên trong thành
phố lớn nhất của đất nước, Rangoon. Cách đây không lâu, việc làm này có nguy cơ
bị bắt giữ. Nhưng không phải hôm nay.
Miến Điện đang trải qua một mùa xuân chính trị. Ngày 1 tháng Tư sẽ tổ chức
cuộc bầu cử nghị viện. Lần đầu tiên trong gần 22 năm, phe đối lập có cơ hội để
giành 47 ghế trong quốc hội 600 ghế. Không nhiều nhặn gì, nhưng nó sẽ là cái tát
đối với quân đội cầm quyền kể từ năm 1962. Cuộc bỏ phiếu có thể mở đường cho
những thay đổi tương tự như cuộc bầu cử chuyển tiếp ở Ba Lan vào năm 1989.
Những niềm hy vọng không phải là vô căn cứ, bởi vì chế độ độc tài đang suy
yếu. Các phương tiện truyền thông đối lập được hoạt động. Nhà chức trách đã hợp
pháp hóa quyền đình công. Dân chúng diễn hành trong những chiếc áo in hình Suu
Kyi. Báo chí tuy vẫn bị kiểm duyệt, nhưng đã có thể đăng ảnh lớn của biểu tượng
dân tộc: người phụ nữ gầy gò với hoa cài trên mái tóc mà người Miến Điện xem gần
như là một vị thánh. Dù sao thì đây cũng là con gái của Tướng Aung San nổi
tiếng, cha đẻ của Miến Điện độc lập. Khi bà đi vận động tranh cử, đứng trên
chiếc xe hở mui, người ta chạy theo, vẫy vẫy những chiếc nơ đỏ và hét lên: “Amay
Suu” (Mẹ Suu). Với quân đội đã kiểm soát đất nước trong nửa thế kỷ thì bà là kẻ
thù số một. Cựu lãnh đạo chính quyền quân sự, tướng Than Shwe, thậm chí còn cấm
nói đến tên mình trong sự hiện diện của bà.
Trong mắt của phương Tây bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Năm
1991, bà nhận Giải Nobel Hòa bình, một năm trước đó Nghị viện châu Âu trao tặng
giải thưởng Sakharov. Năm ngoái, Luc Besson đã xây dựng bộ phim “Lady” nói về
bà. Những lời kêu gọi của San Suu Kyi được hiển thị trên màn hình lớn của ban
nhạc rock U2 trong buổi trình diễn. Bà được xem đơn giản là người kế thừa
Mahatma Gandhi. Cũng giống như ông, trong cuộc đấu tranh cho tự do chỉ nhìn nhận
phương pháp hòa bình. Bà không bao giờ mặc áo chống đạn. Có lần trong cuộc biểu
tình, một binh sĩ cầm súng đi thẳng tới bà và sẵn sàng bắn. Nhưng cuối cùng anh
ta đã không dám!
Bà bắt đầu cuộc tranh đấu cho nền dân chủ vào tháng 8 năm 1988, khi quân đội
đã thẳng tay giết chết khoảng 3.500 sinh viên biểu tình phản đối chính quyền
quân sự. Từ Anh quốc, bà San Suu Kyi trở về Miến Điện. Bà đã theo học tại đại
học Oxford và kết hôn với một chuyên gia ngành Phật giáo, ông Michael Aris. Bà
có ý về nước một thời gian ngắn chỉ để chăm sóc người mẹ bị đột quỵ. Tuy nhiên
bà đã bị sốc trên đất nước của mình. Tại Rangoon bà tận mắt chứng kiến binh lính
giết chết sinh viên, bắn vào đầu họ từ khoảng cách chỉ vài bước. Bà không còn
lương tâm nào để quay lại cuộc sống yên bình ở Oxford nữa. Bà thành lập đảng đối
lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, và đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào
năm 1990, nhưng giới cầm quyền quân sự đã không thừa nhận và ban hành tình trạng
thiết quân luật.
Miến Điện đóng cửa với thế giới: người nước ngoài hiếm khi nhận được chiếu
khán nhập cảnh, còn nếu thì chỉ thời gian ngắn. Ngay cả với chồng bà đang chờ
chết vì ung thư và hai con trai bà muốn được nhìn thấy mẹ mình, cũng không.
Trong 20 năm tiếp theo với một số lần đứt quãng, thì 15 năm San Suu Kyi đã bị
quản thúc tại gia. Tại biệt thự bên bờ hồ ở Rangoon bà viết những lời tuyên bố,
thiền và nghe những bản nhạc yêu thích của Bach và Mozart. – “Không bao giờ
bà lo lắng, tức giận ngay cả với những kẻ thù của dân chủ. Bà đã đạt đến sự tĩnh
tâm mà chỉ có một số tu sĩ Phật giáo đạt được” – Bác sĩ riêng của bà, tiến
sĩ Tin Myo Win, cho biết.
Trong bốn bức tường khép kín, người phụ nữ đối lập liên kết với thế giới bên
ngoài bằng radio. Bà không có máy tính hay điện thoại di động. Thay vì chúng, bà
say sưa nghe BBC World Service. Nhờ đó mà bà theo dõi sát sao thông tin hàng
ngày về địa ngục tiếp theo mà quân đội đã nhấn chìm dân Miến Điện. Trong năm
2007, quân đội đàn áp dã man cuộc nổi dậy của các tu sĩ Phật giáo, được gọi là
“cuộc cách mạng màu vàng nghệ”. Hàng trăm người biểu tình đã đến trước nhà bà
San Suu Kyi để tưởng tỏ lòng kính trọng.
Một năm rưỡi nay San Suu Kyi đã lấy lại được quyền được tự do. Chính quyền
quân sự đang suy yếu kết luận rằng việc trả lại tự do cho nhà dân chủ đối lập
nằm trong lợi ích của họ. Họ công bố xây dựng “một nền dân chủ có kỷ luật”. Họ
hy vọng rằng trong bối cảnh này, San Suu Kyi sẽ kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu
dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng.
Chủ nghĩa xã hội quân sự
Nền kinh tế của Miến Điện, mặc dù có nguồn lực đáng kể về khí đốt và dầu hoả,
đã bị phá hoại bởi chủ nghĩa xã hội do quân đội đưa ra, hay đúng hơn là bởi một
thứ hỗn hợp mang tính địa phương gồm những giáo điều vô lý nhất của chủ nghĩa
Mác, lẫn với triết lý của Phật giáo. Cuộc khủng hoảng triền miên càng sâu sắc
hơn trong năm 2008, khi cơn bão Nargis tàn phá đất nước. Hai trăm ngàn người bị
chết.
Trong tháng mười hai năm ngoái nhà cầm quyền quân sự cho phép bà San Suu Kyi
gặp người đứng đầu ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton (vị đại sứ Mỹ có mặt tại
Myanmar sau 20 năm). Nhà hoạt động đối lập năm nay 66 tuổi, từ một tháng nay
tham gia chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị cách ly và vấn đề sức
khỏe bà đã không còn thực hiện được các hoạt động chính trị một cách tốt nhất.
Trong chuyến thăm gần đây tới phía bắc đất nước bà bị xỉu vì choáng, các bác sĩ
đã phải cho bà uống và tiêm thuốc hỗn hợp vitamin với protein. Chính bà cũng
than phiền rằng chiến dịch bầu cử đã gây khó khăn cho bà trong việc thiền định
hàng ngày.
Trong cuộc bầu cử vào ngày 1 tháng Tư San Suu Kyi nằm trong khu vực làng Wah
Thi Ka. Cư dân của làng thắp sáng bằng điện từ bình ác-quy của xe hơi. Họ thiếu
nước uống và vẫn cày ruộng bằng bò. “Mẹ Suu” nhận thức rất rõ những vấn đề này
và nổi tiếng có tài trong các cuộc trò chuyện với những nguời dân bình thường.
Toát ra từ bà sự lôi cuốn của một nhà lãnh đạo. – “Một số người nói rằng để
có thể chết yên tĩnh, chỉ cần nhìn bà là đủ” – Một cư dân của làng Ka Thi
Wah nói với các phóng viên Mỹ.
Đất nước Miến Điện với 59 triệu người là một trong 20 quốc gia nghèo nhất
trên thế giới (660 USD thu nhập GDP bình quân đầu người một năm), và 1/3 dân số
sống dưới mức nghèo. Để duy trì một đội quân 400 ngàn lính phải chi tới 40% GDP
quốc gia. Phần còn lại bị ăn cắp phần lớn bởi các quan chức quân sự và doanh
nhân bắt tay với chính phủ. Chỉ 1% GDP được dành cho giáo dục và chăm sóc sức
khỏe. Tuy nhiên, Tướng Than Shwe đã từng mơ ước làm bom hạt nhân và xem xét mua
lại đội bóng đá Manchester United. Ông muốn để dành 1 tỷ USD cho việc này, bởi
vì cháu ông là một fan hâm mộ bóng đá… Điều này đã không xảy ra, nhưng chế độ đã
chi rất nhiều tiền bạc xây dựng thủ đô mới Naypyidaw. Nhà ở của các quan chức
được bao quanh bởi sân golf nối với Rangoon bằng đường cao tốc có tám lằn xe.
Quân đội vẫn tiếp tục chia lợi nhuận từ các hợp đồng bán dầu và khí đốt cho
Trung Quốc.
Trong khi đó thủ đô cũ Rangoon bị tàn phá. Nhưng trên các mái nhà ngày càng
có nhiều ăng-ten vệ tinh hơn, thứ mà hai năm trước đây bị cấm. Nhưng điều này
không có nghĩa là các vị tướng thực sự mềm mỏng và muốn trao cho lực lượng đối
lập quyền lực như món ăn sẵn trên đĩa. Đúng hơn họ đang cho bà San Suu Kyi một
sự thử thách của tự do. Họ hy vọng rằng huyền thoại về con người của bà, cũng
giống như trong trường hợp của nhiều nhà bất đồng chính kiến từ Trung và Đông
Âu sẽ tiêu tan khi đối mặt với những vấn đề bi kịch của đất nước.
Cạm bẫy của nhà cầm quyền
Nhà lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giờ đây dành cả ngày ở văn
phòng của đảng mình, một tòa nhà tồi tàn ở trung tâm thành phố Rangoon. Bà phải
đối đầu với những chia rẽ trong phe đối lập, mà cho đến nay vẫn chưa vượt qua
hết sự sợ hãi đối với chính quyền quân sự. Bà cũng phải trẻ hóa đội ngũ lãnh
đạo. – “Tôi chỉ là một biểu tượng hữu ích của phong trào thống nhất” –
Bà nói khiêm tốn. Nhưng chính bà là người sẽ thương lượng với nhà cầm quyền trả
lại tự do cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến đang ở trong quần đảo ngục tù
Miến Điện: hệ thống nhà tù, các trại lao động, những phòng tra tấn mà trong đó
những nhà đối lập bị tra tấn bằng điện, bị hãm hiếp và bị đánh bằng gậy kim
loại. Chính bà là lãnh đạo phe đối lập sẽ tranh đấu với Tổng thống Thein Seine
đòi cải cách tiếp theo. Con người được đưa ra bởi nhà cầm quyền quân sự (đến năm
2010 là tướng) đang đứng đầu chính phủ dân sự mới này có thể là một Jaruzelski
Miến Điện.
Nhà hoạt động đối lập đoạt Giải thưởng Nobel Hoà bình cũng có vấn đề rất lớn:
rất tốt với bà khi thốt lên những lời kêu gọi cao cả tới các nhà lãnh đạo nước
ngoài, nhưng tệ hơn sẽ là – vạch ra một chương trình cải cách kinh tế. –
“Đây là một trong tất cả các yếu tố của rủi ro. Nếu giành được chiến thắng
trong cuộc bầu cử, bà sẽ phải đối diện với chính sách thuế và cải cách hệ thống
y tế” – Thant Myint-U, sử gia, tác giả của các ấn phẩm về lịch sử Miến Điện
bị cấm gần đây ở Rangoon, nói. – “Chúng tôi phải cẩn thận trong việc đánh
giá tình hình. Không có đảm bảo nào cho những cải cách sẽ tiếp tục. Các lý do
cho tự do hóa chế độ không rõ ràng. Quân đội vẫn còn vi phạm quyền con người,
hãm hiếp và tra tấn tù nhân” – Anna Roberts chủ tịch Burma Campaign UK, một
tổ chức tại Anh hoạt động vì tự do của Miến Điện, nói với Newsweek.
Đất nước này đang một bước để tới nền dân chủ khát khao. Tuy nhiên, ăn mừng
chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi là quá sớm.●
Ngày 29/12/2013
Bản Việt ngữ © 2012 Lê Diễn Đức —————————————————–
Nguồn: http://swiat.newsweek.pl/aung-san-suu-kyi–czyli-swieta-idzie-do-wyborow,89633,1,1.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét