Người đem “Nỗi đau Hoàng Sa” tới Ba Lan không phải ai khác chính là tác giả
và đạo diễn của bộ phim, ông Andre Hồ Cương Quyết. Sau khi đem đứa con tinh thần
của mình rong ruổi khắp nước Pháp, qua Đức rồi đến Cộng Hòa Séc, sáng nay ông
Andre Hồ Cương Quyết đã có mặt tại Ba Lan để tiếp tục “phá vỡ bức tường im lặng”
như ông từng tuyên bố.
Sinh trưởng ở miền Nam nước Pháp, duyên cơ với Việt Nam của ông đến từ một
hợp đồng dạy học. Năm 1968, đặt chân tới Sài Gòn, tận mắt chứng kiến cuộc chiến
huynh đệ hương tàn, ông đã phản đối chiến tranh và treo cờ mặt trận Giải phóng
Dân Tộc miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi đó đã cho ông vô tù
gần 3 năm. Sau khi ra tù, bị trục xuất khỏi Việt Nam, ông tiếp tục đi nhiều nơi
trên thế giới để phản chiến.
Những năm gần đây, ông nhiều lần quay trở lại Việt Nam thăm thú, sinh sống.
Năm 2009, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao cho ông quốc tịch Việt Nam.
Cái tên theo ông từ thưở tù đầy “Hồ Cương Quyết” trở thành tên gọi chính thức.
Với người Việt ông là anh Quyết, bác Quyết, ông Tây Lý Sơn và cũng có người gọi
đó là ông Tây Việt cộng.
Yêu thương, gắn bó với Việt Nam, ông cùng đau nỗi đau của người Việt; uất ức
tới trào nước mắt khi biển đảo bị lấn chiếm dần và ngư dân tả tơi bầm dập vì bị
bắt, bị đánh, bị đòi tiền chuộc, thậm chí bị sát hại. Xuất phát từ tình cảm đó,
ông đã nằng nặc đòi ra khơi, đánh bắt cá cùng dân đảo Lý Sơn, đòi trực tiếp xâm
nhập và vùng biển ‘nhạy cảm’ nơi ‘tầu lạ’ thường xuyên bắt bớ, hành hung những
ngư dân thân cô, thế cô giữa biển cả mênh mông.
Và như ông kể, một
sự ”đổi chác” nho nhỏ đã diễn ra, để ông già ương bướng này đừng khăng khăng bơi
ra Hoàng Sa nữa. Ông được phép dựng một bộ phim.
“Tôi tập trung 5 năm cho bộ phim, nghiên cứu kỹ càng, gần 3 tháng với ngư
dân trong 5 chuyến đi, 10 ngày quay phim và một tháng rưỡi để chỉnh“. Andre
chia sẻ.
Ông vui sướng và xúc động được sống trong những ngôi nhà mà ông gọi là “giản
dị” của ngư dân. Được ăn, ở, làm việc cùng họ. Rồi trở thành bạn bè, người đưa
tin, thành phát ngôn viên cho họ.
Không phải tất cả, nhưng đã có những người trong bộ máy chính quyền ủng hộ và
giúp đỡ ông, có khi ngấm ngầm, có lúc công khai.
Phim “Hoàng Sa, Việt Nam – Nỗi đau mất mát” được ra đời trong bối cảnh như
thế. Bộ phim được sự đỡ đầu của bộ Ngoại Giao Việt Nam và chủ tịch nước Nguyễn
Minh Triết, cùng sự giúp đỡ kỹ thuật một cách chuyên nghiệp của Hãng phim TFS.
Nhưng rồi, hình như sự thật trong đó trần trụi quá, phũ phàng quá. Kẻ ác, kẻ phi
nghĩa thì ngang nhiên hoành hành, ra vào vùng biển Việt Nam như vào chốn không
người. Ngư dân thấp cổ bé họng, dường như không được ai bảo vệ, không được ai
bênh vực. Người ta không thấy chính quyền ở đâu, tính đảng ở chỗ nào. Thêm vào
đó, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bất ngờ bùng nổ hết sức mạnh mẽ trong
mùa hè vừa rồi đã khiến một bộ phim tài liệu hết sức xúc động và chân thực rơi
vào thế kẹt ‘nhạy cảm’.
Ngay trong buổi công chiếu lần đầu tại thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11 năm
ngoái, vì lý do không được giải thích rõ ràng nào đó, nơi chiếu phim đã bị ngắt
điện và buổi chiếu bị giải tán trong sự ngơ ngác của tác giả, khán giả và các
bạn hữu.
Chưa đưa được nỗi đau Hoàng sa ra công luận, ông Tây Lý Sơn cảm thấy day dứt
không nguôi, không phải vì sự phí hoài công sức bao tháng ngày lặn lội mà vì
tiếng kêu, tiếng thét của bà con ngư dân vẫn chưa được nghe thấu. Ông quyết định
đem đứa con tình thần của mình sang châu Âu.
Và bà con kiều bào ở đây trở thành những khán giả chính thức đầu tiên của bộ
phim. ”Hoàng Sa, Việt Nam – Nỗi đau mất mát” đã được chiếu tại nhiều thành phố
của Pháp, tại 2 địa điểm ở Đức và 2 thành phố của Cộng Hòa Séc. Mỗi nơi chỉ có
chừng trên dưới 100 khán giả nhưng đã là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho đạo diễn
Andre Hồ Cương Quyết. Ông cảm thấy mình như trẻ lại ở tuổi 20 và quên hết mệt
nhọc.
Ở xa ngàn dặm nhưng ông vẫn luôn giữ mối liên hệ với bà con Lý sơn và dõi
theo những chặng ra khơi của họ. Từ Pháp, ông viết e-mail thông báo về việc
Trung Quốc mới bắt giữ 2 tầu cá Việt Nam và khẳng định chắc nịch: “Anh biết rõ
vì vẫn trao đổi hàng ngày với bà con”. “Đó là bắt cóc, là khủng bố”- ông phẫn nộ
nói.
Chính thông tin đó, nhưng nhiều ngày sau, báo chí Việt Nam mới đưa tin.
“Không có gì có thể làm Andre nản lòng”- những người tiếp xúc với ông đề có
chung một nhận xét như vậy.
Long đong ngay từ lần công chiếu đầu tiên, tại Pháp, chính quyền thành
phố Montpellier, quê hương của tác giả đã từ chối cho mượn hội trường tại Ủy ban
chỉ vì lo sợ thiệt hại kinh tế từ những hợp đồng xuất khẩu rượu vang sang Trung
Quốc.
Mặc dù, được chính quyền bố trí cho một phòng nhỏ ở vùng ngoại ô nhưng Andre
đã thẳng thắn từ chối vì bộ phim xứng đáng được chiếu ở một nơi trang trọng hơn
và ông tin rằng, một ngày gần đây nó sẽ xuất hiện trong một rạp chiếu phim
chuyên nghiệp.
Tháng Năm Andre sẽ quay lại với bà con Lý Sơn. “Chỉ ở Sài Gòn 2 ngày thôi,
rồi anh sẽ đi Lý Sơn với bà con khoảng 2 tháng và sẽ tiếp tục chiếu bộ phim này
ở Việt Nam”. “Cá ở đó rất tươi và ngon, tỏi Lý Sơn ngon nhất thế giới”- Andre
nhắc khi cùng chúng tôi ăn trưa trong một tiệm ăn nhỏ ở Wólka.
Ông thực sự giản dị, dễ gần và luôn nhắc nhở phải tiết kiệm để dành tiền đó
cho bà con ngư dân. “Đừng thuê khách sạn, anh ở nhà các em cho tiện và đỡ tốn
tiền”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét