Trang

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Đọc lại tài liệu về cuộc chiến Việt Hoa và Việt Miên năm 1979

Vào tháng Hai năm 2012, nhân kỷ niệm năm thứ 33 của cuộc chiến tranh biên giới Việt Hoa và Việt Miên (1979 – 2012), một số bài báo của nhiều tác giả đã trình bày thêm các chi tiết mới mẻ liên quan đến cuộc chiến tranh này. Để bạn đọc có thêm thông tin về cuộc chiến tranh tay ba giữa ba nước cộng sản là Việt nam với Trung Hoa và Cambodia vào năm 1979 đó, tôi xin giới thiệu với quý bạn đọc về 2 cuốn sách sau đây:

1 – Cuốn sách viết bằng tiếng Việt: “Chiến tranh Đông Dương III”
Chiến tranh biên giới Hoa Việt & Miên Việt 1979
* Tác giả: Hoàng Dung
* Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành tại Hoa Kỳ năm 2000
2 – Tập sách viết bằng tiếng Anh :
“The Third Indochina War”
Conflict between China, Vietnam and Cambodia, 1972 – 79.
* Edited by Odd Arne Westad and Sophie Quinn-Judge
* First published 2006 by Routledge.
Như ta đã biết, các học giả quốc tế thường đặt tên cho cuộc chiến tranh Việt – Pháp 1946 – 1954 là “Chiến tranh Đông Dương I”. Và cuộc chiến tranh ở Việt nam 1960 – 1975 là “Chiến tranh Đông dương II”. Và cuộc chiến tranh 1979 là “Chiến tranh Đông Dương III” – mà ta đề cập đến trong bài viết này.
I – Sách “Chiến tranh Đông Dương III” dày 250 trang
Tác giả Hoàng Dung là bút hiệu của Bác sĩ Hoàng Xuân Trường hiện cư ngụ tại Virginia.Là một y sĩ trong quân đội Việt nam Cộng hòa, nên sau 1975, ông phải “đi tù cải tạo” một thời gian. Và sau khi ra tù, ông đã vượt biên qua Mỹ. Tại đây, ông đã đi học lại và đã có bằng cấp để có thể tiếp tục hành nghề y khoa ở Mỹ. Ông Trường còn là bào đệ của Nhà thơ Hoàng Song Liêm – một nhân vật họat động văn hóa quen thuộc trong cộng đồng người Việt tại vùng thủ đô Washington DC.
Vốn là người có niềm say mê tìm hiểu về những vấn đề khoa học cũng như xã hội, bác sĩ Trường đã dành toàn thời gian rảnh rỗi ngoài chuyện làm việc chuyên môn – để tham khảo tài liệu sách báo và biên sọan thành những cuốn sách có giá trị như cuốn “Chiến Tranh Đông Dương III” xuất bản năm 2000. Ngoài ra, tác giả Hoàng Dung còn cho xuất bản hai cuốn sách sưu khảo khác do Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành có nhan đề là : “Sau bức màn đỏ” ra mắt năm 2007 và ” Cõi Trời cõi Ta” ra mắt năm 2011. Cả hai cuốn sách đó thì cũng được nhiều bạn đọc chú ý.
* Cuốn sách này không có bản Mục lục, mà lại cũng không chia thành từng chương, từng phần, nên đối với một số người đọc sơ qua ban đầu, thì việc theo dõi câu chuyện sẽ gặp một vài khó khăn.
Tuy vậy, về mặt nội dung nếu kiên nhẫn để mắt coi kỹ các tiểu đề mục, thì người đọc sẽ tìm ra được những mục được trình bày rất mạch lạc, hấp dẫn. Và ở trang cuối của mỗi mục, tác giả đều ghi ra một số tài liệu tham khảo, để chúng ta có thể tin cậy được xuất xứ của những thông tin do tác giả đưa ra.
Đại cương, ta có thể tóm lược cách trình bày của tác giả như sau đây :
1 – Riêng về cuộc chiến biên giới Tây Nam Việt – Miên, cuốn sách đã dành ra đến gần 120 trang với các tiết mục đáng chú ý như :
A/ Lịch sử tranh chấp Việt Miên trước năm 1975
B/ Sự thành lập Đảng Cộng sản Cambodia.
C/ Chiến trường biên giới Tây Nam năm 1977.
D/ Biên giới Tây Nam năm 1978 – 79. Trận chiến quyết định.
2 – Về cuộc chiến biên giới phía Bắc Việt – Hoa, cuốn sách dành ra gần 100 trang với các tiết mục đáng chú ý như sau :
A/ Sơ lược Lịch sử Trung Hoa và Những quan hệ với Việt nam
B/ Mục tiêu và sách lược chuẩn bị chiến tranh của Trung Hoa.
C/ Trận chiến biên giới Việt – Hoa năm 1979.
3 – Về tình hình chính trị ngọai giao của Việt nam, Trung Hoa, Cambodia, thì tác giả đề cập trong các mục sau đây :
A/ Tình hình nội bộ Việt nam – Cambodia – Trung Hoa.
B/ Những cố gắng thiết lập ngọai giao với Mỹ của Việt nam và Trung Hoa.
C/ Tình hình chính trị ngọai giao ba nước Việt Miên Hoa trong năm 1978.
4 – Hai mục cuối cùng trong sách cũng thật đáng chú ý. Đó là :
A/ Ghi chú các nhân vật : tất cả 166 nhân vật người Việt, Hoa, Miên, Lào và cả Nga, Mỹ, Pháp đều được ghi ra trong ít dòng tiểu sử về từng người đã có đề cập tới trong sách.
B/ Sơ lược về 37 đại đơn vị của Quân đội cộng sản Việt nam mà có tham dự các trận chiến với Trung Cộng và Miên Cộng.
Nói chung, thì cuốn sách cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tương đối khách quan và chính xác về cả hai cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1979. Tác giả đã bỏ ra nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu, so sánh đối chiếu và gạn lọc ra được những thông tin chính xác để giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về bối cảnh chính trị quân sự của hai cuộc chiến tranh này. Các tài liệu tham khảo gồm nhiều chứng từ khả tín của nhiều nhân vật Việt nam cũng như ngọai quốc, mà chỉ người Việt ở nước ngòai mới có điều kiện thâu thập dễ dàng và tương đối đày đủ .
Tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Việt ngữ, vừa ngắn gọn vừa đáng tin cậy này. Đồng thời cũng xin được gửi tới tác giả sự cảm phục và lời cảm ơn về sự cống hiến quý báu này.
II – Tập sách “The Third Indochina War” dày 242 trang chữ nhỏ.
Khác với cuốn sách viết bằng tiếng Việt của một tác giả duy nhất là Hòang Dung đã giới thiệu ở trên, cuốn sách viết bằng tiếng Anh này là một công trình của nhiều chuyên gia có tên tuổi mà các bài được tuyển lựa để sắp xếp vào một trong những tác phẩm của tủ sách “Lịch sử Chiến tranh Lạnh” (Cold War History) thuộc Đại học London School of Economics. Sách này do hai giáo sư Odd Arne Westad và Sophie Quinn-Judge hợp tác giữ nhiệm vụ biên tập.
1 – Giới thiệu sơ lược về các tác giả
A – Các biên tập viên của cuốn sách: Odd Arne Westad và Sophie Quinn-Judge
*Giáo sư Odd Arne Westad chuyên giảng dậy và nghiên cứu về lịch sử cận đại thế giới tại London School of Economics. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về chiến tranh lạnh (2005), về cuộc nội chiến ở Trung Hoa 1946 -1950 (2003). Trong tập sách được giới thiệu trong bài viết này, ông viết chương mở đầu với tiêu đề : “Introduction : From war to peace to war in Indochina”.
*Giáo sư Sophie Quinn-Judge hiện giảng dậy về lịch sử Á châu tại Đại học Temple ở Philadelphia. Bà là tác giả cuốn sách nổi tiếng : “Ho Chi Minh : The Missing Years” (2003). Bà còn là Phó Giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt nam tại Đại học Temple. Trong tập sách này, bà viết chương cuối với tiêu đề : “ Victory on the battlefield; isolation in Asia : Vietnam’s Cambodia decade, 1979 – 1989″, và hai bản Phụ lục liệt kê các biến cố từ 1972 đến 1979 và về cuộc khủng hỏang người tỵ nạn Hoa kiều ở Việt nam.
B – Bốn tác giả người Việt Nam: Lưu Doãn Huỳnh, Nguyễn Vũ Tùng (hiện ở trong nước) và Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Thị Liên Hằng (hiện ở Mỹ).
* Ông Lưu Doãn Huỳnh là một viên chức ngọai giao kỳ cựu đã từng tham gia hội nghị tại Geneva về Lào năm 1961 – 62. Ông còn làm cố vấn tại Sứ quán Việt nam ở Bangkok và Canberra. Ông cùng hợp tác biên tập với Giáo sư Jayne Werner trong cuốn sách “The Vietnam War, Vietnamese and American perspectives” (1993). Ông là tác giả của bài ” The Paris Agreement of 1973 and Vietnam’s vision of the future” trong tập sách này.
* Ông Nguyễn Vũ Tùng có bằng Tiến sĩ về chính trị học năm 2003 tại Đại học Colombia. Ông tham gia Viện Bang Giao Quốc tế từ năm 1990 và hiện là giảng viên của Phân khoa Chính trị Quóc tế và Ngọai giao Việt nam. Ông là tác giả của bài “The Paris Agreement and Vietnam-ASEAN relations in the 1970s” trong tập sách này.
* Ông Ngô Vĩnh Long là Giáo sư về môn Á châu học tại Đại học Maine. Ông chuyên nghiên cứu về vấn đề phát triển kinh tế và xã hội tại Á châu và quan hệ ngọai giao giữa Mỹ và các quốc gia Á châu. Trong tập sách này, ông viết về đề tài : ” The Socialisation of South Vietnam”.
* Bà Nguyễn Thị Liên Hằng có bằng Tiến sĩ từ Đại học Yale với luận án nhan đề “Between the Storms: An International History of the Vietnam War, 1968 – 1973″. Bà Liên Hằng hiện là nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ (postdoctoral fellow) tại Đại học Harvard. Trong tập sách này, bà Liên Hằng viết về đề tài “The Sino-Vietnamese split and the Indochina War, 1968 – 1975″.
C – Bốn tác giả khác: Chen Jian, Cécile Menétrey-Monchau, Christopher E. Goscha và Ben Kiernan.
* Ông Chen Jian là giáo sư về môn Lịch sử bang giao Mỹ-Hoa tại Đại học Cornell. ông là tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Hoa. Trong tập sách này, ông viết về đề tài: “China, the Vietnam War, and the Sino-American rapprochement, 1968 – 1973″.
* Bà Cécile Menétrey-Monchau có bằng tiến sĩ về nghiên cứu sử học từ Đại học Cambridge năm 2003. Bà hiện làm tham vấn cho Liên hiệp quốc. Trong tập sách này, bà viết về đề tài: “The changing post-war US strategy in Indochina”.
* Ông Christopher E. Goscha là phó giáo sư tại Đại học Québec ở Montréal. Ông viết nhiều sách báo về chế độ thực dân và công cuộc giải thực ở Đông Dương. Trong tập sách này, ông viết về đề tài: “Vietnam, the Third Indochina War and the meltdown of Asian Internationalism” (Sự tan rã của chủ nghĩa quốc tế ở Á châu).
* Ông Ben Kiernan là giáo sư về sử học tại đại học Yale. Ông là sáng lập viên của Chương trình Diệt chủng ở Cambodia và là tác giả của 2 cuốn sách ” How Pol Pot came to Power” và “The Pol Pot Regime”. Trong tập sách này, ông viết về đề tài :” External and indigeneous sources of Khmer Rouge ideology”.
2 – Nhận xét chung về tập sách “The Third Indochina War”.
Nói chung các bài viết của những chuyên gia nghiên cứu có tên tuổi này, thì đều đạt tiêu chuẩn hàn lâm với những luận cứ, phân tích số liệu và dữ kiện vững chắc đáng tin cậy. Các tác giả đều trưng dẫn khá đày đủ tài liệu tham khảo có giá trị thuyết phục và khả tín để cho người đọc dễ dàng kiểm chứng hoặc tìm hiểu sâu xa hơn nữa.
Nhờ khai thác được nguồn tài liệu đã được giải mật từ nhiều văn khố trên thế giới, mà các tác giả đã có thể trình bày cho chúng ta cái thực trạng phức tạp của cuộc chiến tranh “xâu xé nội bộ giữa các nước cộng sản với nhau”, đặc biệt là giữa hai đàn anh lớn là Trung Cộng và Liên Xô. Và hơn nữa, cuộc chiến tranh năm 1979 này còn làm tan nát cái huyền thọai “Việt nam Anh hùng” đối với các quốc gia ở khắp ba lục địa Á châu, Phi châu và Mỹ La tinh. Việc Việt nam chiếm đóng Cambodia còn gây ra tình trạng Việt nam bị cô lập đối với nhiều nước tại Đông Nam Á nữa.
Nhân tiện, người viết cũng xin ghi lại phát biểu của tiến sĩ Henry Kissinger trong cuốn sách vừa mới xuất bản năm 2011 nhan đề “Kissinger on China”, trong đọan ” The Third Vietnam War” từ trang 367 – 376. Kissinger thuật lại rằng : ” Ông Hoa Quốc Phong lúc đó là Chủ tịch Trung Hoa có nói trong một cuộc gặp gỡ vào mùa hè năm 1979 ; “Chúng tôi vẫn có thể sờ đít con cọp (Liên Xô) rồi đấy” (We could still touch the buttocks of the tiger). Mặc dầu quân đội của họ bị thiệt hại nặng nề, nhưng rõ ràng là Trung quốc đã đạt được mục tiêu chiến lược lâu dài là ngăn cản được sự bành trướng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Và trong vụ này, Trung quốc đã có được sự hậu thuẫn rõ rệt về nhiều mặt của Hoa Kỳ nữa. Và đa số các tác giả trong tập sách này cũng đều có nhận định tương tự như thế của Kissinger vậy.
Nhân tiện, người viết cũng xin ghi nơi đây lời cảm ơn chân tình đến với tác giả Sophie Quinn-Judge vì đã gửi cho tập sách The Third Indochina War thật quý giá này nữa./
Westminster, tháng Ba năm 2012
© Đoàn Thanh Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét