Ngày 21-8-2006, diễn đàn Quốc hội nóng lên với chuyện “tín nhiệm”. Đó là thời điểm dư luận, báo chí, và bản thân các vị đại biểu QH đang rất bức xúc về vụ đánh bạc và tham nhũng tại PMU 18. Trường hợp Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó được các vị đại biểu QH cho là “có vấn đề”. ĐBQH Nguyễn Thị Vân Lan thậm chí nêu đích danh Bộ trưởng Đào Đình Bình với đề nghị “Thường vụ Quốc hội nên tổ chức lấy ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm, chứ không nhất thiết phải có 20% tổng số đại biểu kiến nghị".
Kết quả thì ai cũng biết: Chưa từng có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nào diễn ra ở Quốc hội Việt Nam kể từ khi Luật tổ chức QH có hiệu lực vào năm 2002.
Tuần qua, dư luận lại một lần nữa nóng lên, trước là vì thông cáo của Ủy ban thường vụ QH về việc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh cao cấp nhất, sau là phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị. “Kết quả bỏ phiếu được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu QH 2 lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức”- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trịnh trọng nói. “Theo cơ chế mới, nhiều người cùng đánh giá một người thì khách quan hơn, ai mà né tránh không tham gia thì cũng bị đánh giá. Nếu sau 2 năm tín nhiệm quá thấp thì cũng phải thôi chức. Tôi sẵn sàng chịu bỏ phiếu tín nhiệm”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Nhưng vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm cũng không phải là điều gì quá lạ, quá mới. Chỉ có điều, không ai biết trong số các lá phiếu đã từng được bỏ, cái nào là phiếu xanh, cái nào là phiếu đỏ. Và kết quả thì chưa chắc đã phản ánh chính xác sự “tín nhiệm”.
Còn nhớ năm 2006, ở chính Hà Nội, MTTQ TP đã tổ chức hàng loạt các hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm, tự nhận là “làm tốt nhất”, “bài bản nhất”- với các chức danh “hàng xã”. Kết quả, chẳng có gì bất ngờ: 71,3% chủ tịch UBND xã đạt tín nhiệm từ 90-100%; tỷ lệ này đối với chủ tịch HĐND là 69,5%, với trưởng thôn là 64,05%. Nói chính xác hơn thì phải là “99% cán bộ chủ chốt xã phường có số phiếu tín nhiệm đều đạt. 70% cán bộ đạt số phiếu tín nhiệm từ 90-100%”. Một kết quả mà ngay chính một quan chức của Mặt trận cũng cho là “Chưa thực chất”. “Cán bộ tốt như vậy, sao người dân còn khiếu kiện vượt cấp, kêu ca nhiều? Để xảy ra những vụ việc nhức nhối về xây dựng như phường Trúc Bạch, Bạch Mai mà cán bộ vẫn được đánh giá tốt là có “vấn đề”- Phó Chủ tịch Mặt trận Phạm Ngọc Thảo nói.
Chỉ có 20 trưởng thôn, 3 chủ tịch HĐND và 1 Chủ tịch có số phiếu thấp hơn 50%. Nhưng đối với các trường hợp phiếu thấp “cấp trên lại đề nghị không bãi miễn, có trường hợp đề nghị cho “bảo lưu” để phấn đấu”- ông Thảo nói.
Cũng cần phải nói thêm, những người được quyền bỏ phiếu đều là các “đại cử tri”, nhưng là các “đại cử tri” do chính quyền chỉ định, chứ không phải do dân bầu.
Việc quan lại “hàng xã”- quyền chỉ hơn “thảo dân” tí chút, mà đã có chuyện nể nang, chuyện “bảo lưu”, chuyện “phiếu xanh phiếu đỏ”, huống chi ở cấp cao hơn, thậm chí những chức danh nguyên thủ.
Dẫu sao, việc bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, và định kỳ 2 năm sắp tới tại Thủ đô cũng đáng được đánh giá là một đổi mới tích cực. Quốc hội sẽ thực quyền hơn. Nhưng vấn đề là chưa có gì đảm bảo việc bỏ phiếu sẽ thực sự “mang tính cách mạng”, mà không tiếp tục rơi vào sự hình thức!
Nếu muốn việc bỏ phiếu tại QH sẽ không hình thức và không rơi vào tình trạng “Không thể thực hiện” thực ra chỉ cần sửa một số 0 trong Luật: “Chỉ cần 2 đại biểu (thay vì 20% số đại biểu) có văn bản hoặc kiến nghị trực tiếp trên hội trường về việc bỏ phiếu tín nhiệm thì Thường vụ Quốc hội cần xem xét, tổ chức lấy ý kiến đại biểu”. Đây là ý kiến phát biểu trực tiếp tại nghị trường của ĐBQH Trần Công Kích vào năm 2006.
Nếu muốn việc bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ 2 năm không phải là chuyện “phiếu xanh, phiếu đỏ”, cũng chỉ cần bỏ bớt một chữ “đại” trong số các cử tri có quyền được bầu. Còn nhớ khi thảo luận về Luật tổ chức QH (sửa đổi) tháng 8-2006, đại biểu QH Lê Văn Cuông đã đề nghị “Cần có cả cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm và cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn”. “Khi có những vấn đề báo chí, dư luận không đồng tình, chỉ cần một tỉ lệ ĐB có ý kiến đề nghị thì cũng phải tiến hành bỏ phiếu, nhưng là bỏ phiếu… bất tín nhiệm … như vậy sẽ không còn chuyện đánh đồng giữa những bộ trưởng làm việc tốt với một vài bộ trưởng “có vấn đề” như vừa qua” - ông Cuông nói.
Việc tiến hành định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm đối với quan chức cần làm, nhưng điều cần làm ngay, nhất thiết phải làm là việc bỏ phiếu “bất tín nhiệm” đối với những trường hợp “có vấn đề”, để các quan chức không thể dễ dàng “không làm gì cả”, hoặc ban hành những chính sách bị dân chửi bới thậm tệ mà vẫn “Kệ thôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét