QUẢNG CHÂU (NV) - Nhà cầm quyền Trung Quốc đòi tiền chuộc mỗi ngư dân Việt Nam bị bắt ở gần quần đảo Hoàng Sa là 70,000 nhân dân tệ, tức khoảng hơn $11,000 đô la Mỹ, theo tin của Tân Hoa Xã hôm Thứ Tư, 28 tháng 3, 2010.
|
Ngư dân miền Trung Việt Nam vá
lưới trên bãi biển. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty
Images)
|
Tân Hoa Xã thuật lời Lưu Thiêm Vinh, phó cục trưởng Cục Ngư Chính thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc nói về số phận của 21 ngư dân thuộc hai chiếc tàu đánh cá của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bị Trung Quốc bắt giữ ngày 3 tháng 3, 2012 vừa qua.
Trước đây, Trung Quốc chỉ đòi 70,000 nhân dân tệ để chuộc mỗi chiếc tàu bị họ kéo về đảo Phú Lâm khi bị bắt giữ đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, không kể số ngư dân trên đó là bao nhiêu người. Nhưng nay, số tiền chuộc đòi tăng gấp bội, chứng tỏ Bắc Kinh gia tăng cứng rắn với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Số tiền nói trên rất lớn đối với ngư dân Việt Nam, họ có thể phải làm việc suốt nhiều năm mà không biết có nổi hay không.
Ngày 21 tháng 3, 2012, Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội họp báo phản đối Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam khi họ hoạt động trong vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông đòi Trung Quốc trả tự do ngay và vô điều kiện cho các ngư dân. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Ngư dân đảo Lý Sơn thường đánh cá hay lặn bắt hải sâm ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vì đây là ngư trường truyền thống của họ. Vì vậy, rất nhiều tàu đánh cá của Lý Sơn đã bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ. Một số được thả mà không phải nộp tiền nhờ các cuộc điều đình của nhà cầm quyền Hà Nội. Một số chủ tàu tự nguyện nộp tiền để tránh những thiệt hại nặng hơn hoặc có thể bị giam cầm tù tội không biết đến bao giờ.
Có tàu từng bị bắt giữ đến 3 lần, chủ tàu bị tịch thu hết ngư cụ, hải sản, dầu chạy máy và trang bị hải hành đến sạt nghiệp. Ðó là không kể những chiếc tàu bị tàu tuần Trung Quốc dâm chìm mà báo chí của nhà nước chỉ dám gọi là “tàu lạ.”
Trước cách hành xử ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc, từ bắt giữ ngư dân đến đâm chìm tàu cũng như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, nhiều người ở Hà Nội và Sài Gòn đã biểu tình hồi tháng 6 đến tháng 8, 2011 chống Trung Quốc bá quyền và bày tỏ lòng yêu nước. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã cản trở và bắt các người biểu tình vì sợ mất lòng nhà cầm quyền bắc Kinh.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã phản đối Bắc Kinh nhiều lần liên quan đến khu vực quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc không có vẻ gì coi là quan trọng đối với những lời phản đối suông của Hà Nội.
Ðầu năm nay, Trung Quốc loan báo sẽ cấm đánh cá trên Biển Ðông từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 như những năm trước. Nhân dịp đại hội đảng mới đây, nhiều quan chức và tướng lãnh Trung Quốc loan tin những chương trình phát triển liên quan đến quần đảo Hoàng Sa từ du lịch đến chuẩn bị mở thầu dò tìm dầu khí ở Hoàng Sa.
Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 21 tháng 3, 2011 loan tin Việt Nam yêu cầu Trung Quốc trả tự do tức khắc và vô điều kiện các ngư dân nói trên. Nay Bắc Kinh cho cục phó Cục Ngư Chính bắn tiếng trở lại tăng số tiền phạt lên gấp bội. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét