Người dân và doanh nghiệp cần lưu ý
Ngày 24/11/2010, Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) được Quốc hội thông qua,
có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Luật này thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các
vụ án hành chính (Pháp lệnh TTGQCVAHC) ban hành năm 1996 được sửa đổi bổ sung
trong các năm 1998, 2006.
Thời hạn khởi kiện theo Luật TTHC nói chung là 1 năm tính từ ngày nhận được
hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính, trong khi Pháp lệnh TTGQCVAHC quy
định thời hiệu khởi kiện là 30 hoặc 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải
quyết khiếu nại.
Liên quan đến những hành vi hành chính, quyết định hành chính về quản lý đất
đai bị khiếu nại trước ngày Luật TTHC có hiệu lực, Nghị quyết số 56/2010/QH12
ngày 24/11/2010 của Quốc hội được ban hành để thi hành Luật TTHC đã quy định cụ
thể tại Điều 3 như sau:
“Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực,
người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành
chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đến ngày Luật này có hiệu lực, nếu khiếu nại không
được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với
quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo
quy định của Luật tố tụng hành chính.”
Trước đây, Pháp lệnh TTGQCVAHC liệt kê tại Điều 11- khoản 17 những khiếu kiện
quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền
giải quyết của tòa án, nhưng đã liệt kê không đầy đủ. Ví dụ: Khiếu kiện các
quyết định, hành vi hành chính cưỡng chế thu hồi đất đã không được coi thuộc
thẩm quyền của tòa án hành chính. Khi các cơ quan hành chính giải quyết hoặc
thậm chí không giải quyết các khiếu nại của người dân, doanh nghiệp liên quan
đến cưỡng chế thu hồi đất, người dân dù không đồng ý cũng không được khởi kiện
tại tòa án. Số lượng khiếu nại về cưỡng chế thu hồi đất đã gia tăng trong thời
gian qua, và việc giải quyết những khiếu nại này đã bế tắc cho đến khi Luật TTHC
có hiệu lực, gây bức xúc trong nhân dân, và gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Luật
TTHC đã khắc phục tình trạng trên, quy định hầu hết khiếu kiện quyết định hành
chính, hành vi hành chính (trong đó cả trong lĩnh vực quản lý đất đai) thuộc
thẩm quyền của tòa án (trừ một số trường hợp thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Đồng thời với Điều 3 của Nghị quyết số 56/2010/QH12 nêu trên đã tạo điều kiện
cho người dân, doanh nghiệp đã khiếu nại những quyết định hành chính, hành vi
hành chính trong thời gian từ ngày 1/6/2006 – 30/6/2011.
Đáng tiếc, một quy định rất quan trọng như trên đã không được phổ biến rộng
rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí nhiều chuyên gia pháp lý,
kể cả luật sư, cán bộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bộ phận tiếp dân và thanh
tra chính quyền các cấp, các cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Tòa án các cấp),
các phóng viên về mảng nội chính, các báo Pháp luật cũng chưa nắm rõ quy định
này. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết thời hạn khởi kiện đối với những quyết định
hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại trước ngày 1/7/2011. Sau ngày
30/6/2012, những người dân và doanh nghiệp liên quan nếu không thực hiện quyền
khởi kiện trước hạn trên họ sẽ bị mất quyền và lợi ích hợp pháp trong những vụ
việc liên quan, vì nhiều cơ quan có thẩm quyền và tòa án sẽ dựa vào quy định
trên để từ chối giải quyết các đơn khiếu nại và khởi kiện của họ.
Về việc khởi kiện đối với những hành vi hành chính, quyết định hành chính
loại này, ngày 29/07/2011, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành
Nghị quyết số 01/2011/NQ-HĐTP “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị
quyết số 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng
hành chính”, có quy định tại Điều 4: “Điều kiện thụ lý khiếu kiện quyết
định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai quy định tại Điều 3 NQ số
56”
1 – Toà án chỉ thụ lý giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi
hành chính về quản lý đất đai (nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy
định tại khoản 2 Điều 6 của Luật đất đai năm 2003) quy định tại Điều 3 NQ số 56
khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Việc khởi kiện được thực hiện trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Luật tố
tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011);
b) Người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương từ ngày 01-6-2006 đến ngày Luật tố tụng hành chính có
hiệu lực (ngày 01-7-2011) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải
quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và họ chưa khởi kiện
vụ án hành chính tại Toà án nhân dân hoặc đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà
án nhân dân, nhưng Toà án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ việc giải quyết
vụ án hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải
quyết các vụ án hành chính.
2- Đối với trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án
nêu tại điểm b khoản 1 Điều này và đương sự có đơn khởi kiện thì Tòa án căn cứ
vào Điều 3 NQ số 56 để thụ lý giải quyết.
3- Khi thụ lý giải quyết các khiếu kiện quy định tại Điều 3 NQ số 56 và được
hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, ngoài việc yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ
theo quy định tại Điều 72 của Luật tố tụng hành chính thì phải yêu cầu người
khởi kiện cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc họ đã thực hiện
việc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày
01-6-2006 đến ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực. Trường hợp người khởi
kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc họ đã thực
hiện việc khiếu nại thì Toà án yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ về việc người khởi kiện đã thực hiện
việc khiếu nại và hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có). Trường hợp cơ quan có
thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo là người khởi kiện chưa thực hiện việc
khiếu nại thì Toà án không thụ lý giải quyết.
Như vậy, người dân và doanh nghiệp cần lưu ý đến thời hạn 30/6/2012, nếu họ
không đồng ý với những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực
đất đai được ban hành trước ngày 1/7/2011. Họ cần chú ý, họ phải có bằng chứng
đã khiếu nại những quyết định hành chính, hành vi hành chính này trong thời gian
từ ngày 1/6/2006-1/7/2011. Bằng chứng được thể hiện như giấy báo phát của bưu
điện, giấy biên nhận của cơ quan bị kiện, cơ quan tiếp dân hoặc thông báo của
những cơ quan này về việc đã nhận khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu
nại…Trong trường hợp họ không lưu được những giấy tờ biên nhận này, sẽ khó khăn
cho họ trong việc khởi kiện.
Chúng tôi đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan nhà nước có
thẩm quyền, giới luật sư, luật gia cần nhanh chóng phổ biến những nội dung Nghị
quyết đã nêu trên của Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao, để người dân và doanh
nghiệp biết được quyền khởi kiện của mình và không vì sự thiếu hiểu biết mất đi
quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mặt khác, chúng tôi kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị Quốc
hội gia hạn thời hạn trên thêm 6 tháng, vì các cơ quan chức năng đã có thiếu sót
không phổ biến rộng rãi quy định quan trọng này cho nhân dân. Nếu chỉ vì thiếu
sót từ các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp không biết quyền của
mình, bị mất quyền khởi kiện, mất cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, rõ
ràng trách nhiệm thuộc về Nhà nước.
Luậ sư Trần Vũ Hải
Nguồn: Anhbasam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét