Đến
tận bây giờ, gõ những dòng E-mail trần tình này gửi đến Cô em vẫn còn trách ông
trời, phải chi cuối tiết "Lịch Sử" hôm ấy trời đừng mưa to thì giảng
đường Đại Học không ai còn ngồi lại và Cô cũng đâu có thời gian trò chuyện khuyến
khích sinh viên mình... Và, hôm nay, em cũng không phải gõ email này gửi Cô mà
em biết khi đọc Cô sẽ không vui...
Em
còn nhớ hôm ấy lời Cô nói: "Lịch sử là những gì diễn ra trong quá khứ, được
tái hiện lại, trong hôm nay và ngày mai, phải trung thực, chân thật nhằm cho
người sau biết và lấy đó làm kinh nghiệm, xấu xa sai trái thì tránh nếu tốt đẹp
có ích thì tự hào để nhân bản thêm lên, vì vậy đề tài bài tham luận: '37 mùa
xuân Đại Thắng' nói về 'chiến công thần thánh' của quân dân ta chống 'đế quốc Mỹ
xâm lược, cứu nước' của mỗi bạn, cần phải gọt giũa đánh giá cho xứng tầm vĩ đại
của dân tộc, trong khi chờ mưa tạnh, chúng ta cùng nói chuyện bên lề ngoài tiết
học, các bạn còn điều gì lấn cấn chưa rỏ ở chiều sâu và rộng của bài tham luận
mà mỗi bạn sẽ phải hoàn thành, thì cứ hỏi Cô, xem như bạn bè thoải mái bày tỏ
quan điểm khách quan và thắc mắc của mình để chúng ta rộng đường suy luận mà viết
bài cho sắc sảo có tính thuyết phục cao, ở đây có nhiều bạn theo khoa 'báo chí'
mà! Nào mời các Phóng Viên tương lai nói chuyện chuyên đề, chờ mưa tạnh...".
Và
Cô cười, nụ cười giao lưu rất thoải mái.
Em
cũng nhớ, mình là người thứ tư, sau các bạn, vô tư ngập ngừng cười, nói với Cô:
"Chiến tranh với Mỹ là có thật, nhưng nếu nói đó là chống xâm lược để cứu
nước – thì không phải – thưa Cô! Em nghĩ như vậy..."
Sau
lời nói, thoáng nhiên giảng đường im phăng phắc làm em chột dạ bối rối thấy
mình tự nhiên như đông cứng lại tại chỗ ngồi... Em nhớ, nghe xong lời em Cô
quay nhanh bước ra gần cửa sổ ngóng màn mưa ngoài trời một thoáng rồi trở lại.
Cô nhìn em trong ánh mắt tuồng như rất giống ánh mắt mẹ em khi đi chợ nhìn người
bán hàng trước khi trả giá mua. Cô nói với riêng em một câu ngắn gọn nhỏ thôi đủ
cho em nghe: "Hình như bạn đùa không phải lúc..." rồi bình thản cô
quay lên bục giảng lấy áo mưa, chần chừ chờ giảng đường thưa người, Cô ra về
sau cùng. Không mang theo áo mưa nên em ngồi nán lại. Đi ngang qua, Cô dừng
chân, như thầy giáo nhắc bài học trò, cô nói với em: "Bạn cần phải lên thư
viện nhiều hơn, tìm trong sách, ở đó có nhiều câu trả lời cho vấn đề của bạn vừa
nêu ra, tôi nghĩ, không khéo danh hiệu Đoàn viên Thanh niên CS/HCM ưu tú, xuất
sắc, đối tượng của đảng nơi bạn sẽ lung lay..."
Thưa
Cô, Email này của em chắc chắn không phải là chất liệu để em trông đợi giữ cho
chặt lại cái danh hiệu "ưu tú-xuất sắc" ấy, mà đơn giản em muốn chứng
minh thông điệp – lời cô nói – lịch sử rất cần sự "trung thực, chân thật".
Thưa Cô! Không phải vui đùa đâu ạ, mà em nói thật lòng: "Chiến tranh với Mỹ
là có thật, nhưng nếu nói đó là chống xâm lược để cứu nước – thì… không phải vậy..."
Xin phép cô, cho em giữ nguyên nhận định này của mình dù em biết có những di luỵ
nhất định không mong đợi... Bởi vì có rất nhiều dẫn chứng để "ai đó có thể
lừa dối một số người trong một lúc, và lừa dối hết mọi người trong vài lúc,
nhưng không thể mãi mãi lừa dối được tất cả mọi người." (Abraham Lincoln)
Nói lên điều này em biết Cô sẽ phiền lòng. Nhưng...
Thưa
Cô! Em tìm thấy trong tác phẩm dịch từ nguyên tác Nhật Bản "12 người làm
nên nước Nhật" của Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô (có thể Cô cũng biết!) Viện
sĩ Hàn Lâm Viện Khoa học New York, năm 1992. Uỷ Ban Nhân Dân TP. HCM khen thưởng
kiều bào có công với đất nước, năm 2003.
Trong
danh sách "12 nhân vật mà người dân Nhật Bản tôn vinh" - 12 người đã
lập nên một nước Nhật hùng mạnh ngày nay, chúng ta lưu ý đến người mang số 10
không phải là người Nhật: (1) Thái tử: Shotoku, (2) Chính khách: Hikaru Genji,
(3) Lý Thuyết Gia: Minamoto Yoritomo, (4) Anh Hùng: Oda Nobunaga, (5) Kỹ sư:
Ishida Mitsunari, (6) Nhà cải cách: Tokugawa Yeyasu, (7) Triết Gia: Ishida
Baigan, (8) Chính Khách: Okubo Toshimichi, (9) Nhà tư bản học: Shibusawa
Ei-ichi, (10) Thống Tướng Hoa kỳ: Douglas MacArthur, (11) Giáo Sư lý thuyết
gia: Ikeda Hayato, (12) Doanh Nhân: Matsushita Konosuke.
Ông
ta, chính xác là Thống Tướng quân đội Mỹ. Thật không hề dễ dàng chút nào cho gần
hai trăm triệu con cháu "Thái Dương thần nữ" phải nhìn nhận một Tướng
Lãnh khét tiếng của Mỹ, kẻ thù không đội chung trời của họ trong Đệ II Thế chiến
trên Thái Bình Dương và khắp các mặt trận Châu Á, là Tư lệnh quân đội Mỹ chuẩn
thuận văn bản đầu hàng của CP/Nhật Bản sau đó đại diện cho LHQ và CP/Mỹ chiếm
đóng Nhật Bản... trở thành một Anh Hùng, ân nhân của Nhật Bản sau 2 quả bom
nguyên tử của Mỹ cũng rơi trên lãnh thổ nước này gây nên nhiều tang thương.
Phải
là người có nhiều công trạng thực tiễn mang lại một thành quả lớn lao mà giá trị
của nó bao hàm đặc tính rõ rệt của chân, thiện, mỹ trong một nhân cách mà người
Nhật ví như Anh Hùng (Anh hùng là bậc Chính Nhân Quân Tử) để nhân dân Nhật công
nhận, tri ân sánh ngang hàng với Thái Tử và 11 người con cháu ưu tú của
"Thần Nữ Thái Dương".
"Nhân
vô thập toàn" Thưa Cô! Tướng Mỹ Douglas MacArthur và quân đội của họ không
phải là không có nhược điểm, nhưng bù lại họ tạo ra rất nhiều ưu điểm đôi khi
vượt lên trên tập quán thông thường mà nhân danh những người chiến thắng đã xử
sự với kẻ chiến bại, khiến những nhược hay điểm yếu không còn là đáng kể.
Cuối
Đệ II Thế chiến, ở Đông Nam Châu Á, đạo quân Mỹ hùng mạnh do Tướng MacArthur chỉ
huy đã đánh bại và quét sạch quân phiệt Nhật khỏi Indonesia, giải phóng
Philippines, hỗ trợ bảo vệ cho Trung Hoa Dân Quốc tại đảo Đài Loan, rồi thay mặt
LHQ giải giới vũ khí chiếm đóng Nhật Bản, Sau đó từ Nhật lại tiến qua giải
phóng Cao Ly cứu Nam Hàn sắp bị CS Bắc Hàn nuốt chửng. Nhưng thưa Cô! Quân Mỹ đổ
máu xương giải phóng (đúng nghĩa giải phóng) các quốc gia này nhưng hoàn toàn
không có tham vọng 1 cm2 đất đai nào từ các lãnh
thổ ấy. Vì sao vậy? Còn bên kia bán cầu, cũng đạo quân Mỹ (xâm lược?) phối hợp
với 2 (cựu đế quốc thực dân) Pháp và Anh chiếm đóng, giải giới, quân phát xít Đức,
toàn quyền định đoạt số phận một nửa quốc gia Đức, nhưng sao họ không cùng nhau
chia phần xâu xé Tây Đức, mà ngược lại, bảo trợ toàn diện (kẻ thù của họ ở đầu
hôm) phát triển vững mạnh trên cái nền tự do dân chủ đến nỗi cảm hoá được phần
phía Đông, giả từ CNXH thống nhất quốc gia trong yên bình êm ái?
Tại
Nhật Bản, Tướng MacArthur và quân đội Mỹ đã áp dụng một chính sách chưa có tiền
lệ trong lịch sử thế giới với Nhật Bản "quốc gia tù binh" của họ. Ông
tôn trọng Thiên Hoàng Nhật Bản, không ép buộc thoái vị (dù LHQ và CP/Hoa Kỳ
không cấm ông truất phế).
Chưa
được QH Mỹ chính thức phê chuẩn, nhưng trên cái nền Kế hoạch Marshall (Marshall
Plan tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall người đã khởi xướng) nhằm viện trợ
tái thiết một nền móng kinh tế chính trị vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu
nâng cao mức sống và kiến thức của người dân để đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau
Thế chiến II. Trong vòng 2 thập kỷ, nhiều quốc gia ở Tây Âu đạt được mức tăng
trưởng và phồn vinh chưa từng có nhờ kế hoạch Marshall này.
Chính
phủ Mỹ thông qua tướng MacArthur cũng có chủ trương tương tự với Nhật Bản, bên
cạnh còn cải tổ hệ thống chính quyền, lãnh đạo, từ chính trị, kinh tế, tới sửa
đổi hiến pháp, nghi lễ của hoàng gia, nhất thiết mỗi việc đều do một tay
MacArthur quyết đoán, ông chỉ ra những khiếm khuyết trong thời chiến tranh mà
giới lãnh đạo Nhật Bản đã có những sai lầm, ông đoan chắc cùng nhân dân Nhật
khi Nhật Bản trở thành một nước dân chủ, quản lý một nền công nghiệp chiến
tranh chuyển đổi qua thời bình một cách khoa học thì sẽ sớm giàu mạnh, không
thua gì nước Mỹ, ông không ngần ngại nói với người dân Nhật rằng, Nhật Bản đã
thua Mỹ vì kém về mặt vật chất kinh tế tài chính chứ không phải là tinh thần vì
họ đã chiến đấu rất dũng cảm mà vẫn thua, nên đa số dân Nhật thuyết phục bởi sự
cải tổ ấy. Ông chủ trương phá bỏ chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chế độ phụ thuộc
quá nhiều vào ảnh hưởng của Hoàng Gia, để Nhật Hoàng chỉ còn là biểu tượng. Nhật
Bản cũng có một nền văn hoá tự do coi trọng sự lựa chọn của cá nhân như nước Mỹ,
Thủ tướng và nghị viện do người dân trực tiếp chọn lựa qua lá phiếu của mình. Một
vài chính khách Nhật còn hoài cổ nặng chủ nghĩa cực đoan dân tộc cho rằng Tướng
MacArthur là một chính trị gia độc tài áp đặt, nhưng đại đa số người Nhật cho
là sự độc tài ấy để cho một nước Nhật hùng mạnh chứ không là nước Mỹ. Rất ngẫu
nhiên cái cách mà người Mỹ, tướng MacArthur đã thể hiện trong cuộc chấn hưng nước
Nhật sau chiến tranh nó rất gần với tính cách tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật
(nhân ái, bao dung thay thù hận) nên mang lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội
Nhật Bản ngày nay. Ở Châu Âu người ta ví von nước Mỹ có công khi biến Nhật Bản
thành một Thuỵ Sĩ Viễn Đông! Vì vậy, Douglas MacArthur đã được mọi thành phần,
khuynh hướng, chính đảng, từ Hoàng Gia đến thứ dân đều chọn làm người thứ mười
trong "12 người lập ra nước Nhật" hùng mạnh từ trong điêu tàn đổ nát
chiến tranh. Đây là người ngoại quốc duy nhất được chọn trong lịch sử nước Nhật.
Thưa
cô! Lại càng không thể nào đó là bản chất của đế quốc xâm lược thực dân (dù kiểu
cũ hay mới) chỉ 6 năm (2/9/1945 – 28/4/1952) sau khi chiếm đóng, nước Mỹ đã trả
lại sự độc lập hoàn toàn cho Nhật Bản sớm hơn thời gian trù bị, ngoài sự kỳ vọng
của toàn dân Nhật và không hợp logic chút nào khi hiện nay, 2012, chính phủ và
người dân Nhật vẫn còn đài thọ mọi chi phí cho gần 40.000 binh sĩ Mỹ hiện diện
trên đất nước mình vì sự an toàn cho nền an ninh quốc gia, không ai vui vẻ trả
tiền cho một đạo quân có bản chất "xâm lược" ăn ngủ hơn 2/3 thế kỷ
trên đất nước mình! Và đạo quân "xâm lược" này chỉ đặt chân lên miền
Nam VN, sau 20 năm có mặt tại Hàn và Nhật Bản, hai quốc gia nhờ họ mà "màu
mỡ" về kinh tế hơn hẳn VN nhiều lần. Nhưng điều đáng để người VN suy ngẫm
là quân Mỹ có mặt nơi đó mà không màng đến "xâm lược" thì họ xâm lăng
một VN nghèo khó sau Pháp thuộc để làm gì, ngoài ý định cũng thông qua kế hoạch
Marshall giúp VN, cụ thể là miền Nam VN phát triển giàu mạnh ổn định như Hàn Quốc,
Nhật Bản hay Đài Loan?
Thưa
Cô! Làm sao biện minh? 45.000 quân "xâm lược" Mỹ vẫn hiện diện trên đất
Hàn Quốc, một quốc gia khủng hoảng lương thực trầm trọng không đủ cơm gạo cho
dân sau chiến tranh Nam Bắc nhưng hôm nay thì: nhiều báo chí ở Việt Nam nói về
đất nước này hay thường gọi là Kỳ tích sông Hàn hay Huyền thoại sông Hàn.
Hàn
Quốc từ đống tro tàn của cuộc nội chiến Bắc Nam đã vươn lên thành một quốc gia
phát triển hùng mạnh thịnh vượng hơn hẳn nửa kia ở phía Bắc nghèo nàn lạc hậu.
GDP cán mốc 1.000 tỷ USD/năm cũng như nhiều tập đoàn lớn nổi tiếng như SamSung,
LG, Hyundai, Kia, Daewoo... Nhưng, thành tựu đó họ có được là do đâu? Ngoài sự
lãnh đạo sáng suốt của các nguyên thủ Hàn Quốc, thì sự hỗ trợ nhiệt tình như là
một đồng minh của Mỹ trên tinh thần kế hoạch Marshall là yếu tố quyết định.
Kinh
tế Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ ba ở châu Á và đứng thứ 10 trên
thế giới theo GDP năm 2006. Kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một
trong những nước nghèo nhất thế giới (hạ tầng cơ sở, thiên nhiên, thổ nhưỡng
kém xa Việt Nam) trở thành một trong những nước giàu nhất. Cuối thế kỷ 20, Hàn
Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch
sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhảy vọt từ
100 USD vào năm 1963 lên mức kỷ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào
năm 2007. Bất chấp các ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á
1997, nước này đã khôi phục kinh tế rất nhanh chóng và vững chắc. Người ta thường
nhắc đến sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Hàn Quốc như là "Huyền thoại
sông Hàn" đến nay huyền thoại này vẫn tiếp tục.
Với
Đài Loan và Phillipines: năm 1950, Không Đoàn 13 của Không quân Mỹ đã từng đóng
tại Đài Loan. Tháng 12-1954, Mỹ và Đài Loan ký "Hiệp ước phòng thủ
chung", đặt Đài Loan vào sự bảo hộ của Mỹ. Cũng nằm trong quỹ đạo của kế
hoạch Marshall, Đài Loan được hưởng nhiều quy chế ưu đãi thương mại từ nước Mỹ
trong một thời gian dài, đưa nền kinh tế nhanh chóng phát triển ngoạn mục thành
một con "Rồng" Châu Á mà ngay chính Trung Quốc cũng phải kiêng dè. Tại
Phillipines, quân đội Mỹ cũng từng hiện diện trong một thời gian dài. Hạm Đội 7
Thái Bình Dương chọn vịnh Subíc là nơi đóng quân, và trước đó, năm 1935,
Douglas MacArthur, được Tổng thống Phillipines Manuel L.Quezon yêu cầu giám sát
việc thành lập quân đội Philippines. Ông được phong hàm Thống tướng trong Quân
đội Philippines (Field Marshal of the Philippine Army). Ông là sĩ quan cao cấp
có tên trên danh sách của Quân đội Philippines ngày nay. Ông cũng là sĩ quan
quân sự Mỹ duy nhất giữ cấp bậc thống tướng trong quân đội Philippines. Sau đó,
tôn trọng quyết định của nhân dân Phillipines vì sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ,
quân đội Mỹ đã rút khỏi vịnh SuBíc. Nhưng ngày nay (2012), vì an ninh lãnh thổ
đe doạ, Phillipines yêu cầu, quân đội Mỹ vẫn quay lại thể hiện sự trách nhiệm
trong hiệp ước hỗ tương...
Thưa
Cô! Với những gì thuộc thế giới quan mà kiến thức em tích luỹ được, thì dù rất
muốn hãnh diện về "chiến công thần thánh" của quân dân ta chống
"đế quốc Mỹ xâm lược cứu nước” nhưng: Lịch sử rất cần sự "trung thực"
đến "chân thật" (lời Cô nói). Nên: Em cũng muốn tin - nhưng không thể,
thưa Cô!
Em
cám ơn Cô đọc email trần tình này và mong có lời chỉ giáo thêm của Cô.
Em
kính chào Cô. (Lê Vũ Cát Đằng)
(Bài viết
phóng tác từ nội tâm một sinh viên năm 2 ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Sài
Gòn)
Hoàng Thanh Trúc
Hoàng Thanh Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét