Trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

CON ĐƯỜNG NÀO...?

CON ĐƯỜNG NÀO...?
“Con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường... đường tình đó Ngài dành cho con”. Người Công Giáo thường dùng bài hát này của linh mục nhạc sĩ Văn Chi để hát trong dịp “Tuần Thánh”. Xin quý vị đồng hương độc giả ngoài Công Giáo thông cảm, tuần lễ từ ngày 01 đến 08 tháng Tư năm nay, năm 2012, người Công Giáo gọi là Tuần Thánh, trong Tuần này thường là cao điểm mà người Công giáo chú tâm suy niệm những lời của Giáo Hội về những ngày cuối cùng của Đức Giê Su ở trần thế và Sự Sống lại của ngài. Trước “Tuần Thánh”, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 làm một cuộc Thánh Du 6 ngày qua 2 nước Mễ Tây Cơ và Cu Ba. Tôi dùng chữ “Thánh Du” nói theo người Công Giáo, để ám chỉ cuộc thăm viếng của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ với mục đích tôn giáo. Nhưng Giáo Hội Cộng Giáo đang sống ở giữa trần thế (vì cũng là người trần), nên những gì Giáo Hội làm, dù chỉ thuần túy có tính cách tôn giáo cũng vẫn có ảnh hưởng đến trần gian. Cũng trong khuôn khổ đó, người viết viết bài này.

“Giáo Hội tồn tại là để chia sẻ cho những người khác, những gì Giáo Hội sở hữu, đó không gì khác hơn là Chúa Kitô, là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta (x. Col 1:27). Để thực hiện nhiệm vụ này, Giáo Hội cần phải có tự do tôn giáo cơ bản, trong đó bao gồm khả thể công bố và cử hành Đức Tin của mình cả ở nơi công cộng, mang đến cho người khác thông điệp của hòa giải, tình yêu và sự bình an mà Chúa Giê Su mang đến cho thế giới... Khi Giáo Hội đề cao nhân quyền này, Giáo Hội không yêu cầu bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào cho mình, Giáo Hội chỉ muốn được trung thành với lệnh truyền của Đấng thiêng liêng sáng lập ra mình, với ý thức rằng nơi đâu Chúa Kitô hiện diện, nơi đó chúng ta trở nên nhân bản hơn và tình nhân loại của chúng ta trở nên chân thực...”. Đó là lời phát biểu của Đức đương kim Giáo Hoàng tại Cu Ba trước khi ngài về lại Vatican.
Tại sao Đức Giáo Hoàng lại đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo tại Cu Ba? Tại vì, cũng theo lời Đức Bênêdictô 16 thì (Trích): “Thật là vui mừng là ở Cu Ba các bước khởi đầu đã được thực hiện để giúp cho Giáo Hội thực hiện sứ vụ thiết yếu của mình là thể hiện Đức Tin một cách cởi mở và công khai . Tuy nhiên, điều này phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, và tôi muốn khích lệ các giới chức thẩm quyền của quốc gia này hãy tăng cường những gì đã đạt được và tiến bước theo con đường phục vụ thực sự cho thiện ích chân thật của toàn thể xã hội Cu Ba”. (Hết trích).
Việt Nam đã có tự do tôn giáo cơ bản chưa? Thực ra, về mặt hình thức thì Việt Nam có tự do tôn giáo nhưng không phải là loại TỰ DO TÔN GIÁO CƠ BẢN! Vì Việt Nam chỉ có loại tự do tôn giáo giả tạo. Về phía Phật Giáo chỉ có Phật giáo quốc doanh do Đảng lãnh đạo, công an nhà nước quản lý. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không chịu điều kiện này thì không được hành đạo. Công Giáo nếu không chấp nhận điều kiện XIN - CHO thì cũng không được hành đạo. Nói tóm tắt là ở Việt Nam chỉ có loại tự do tôn giáo giả tạo. Thứ giả chứ không phải thứ thiệt. Bánh vẽ chứ không phải bánh bột với đường.
Đã vậy rồi mà Việt Cộng còn cho đặc công truyền thông thân Cộng dùng các phương tiện truyền thông để xuyên tạc vu cáo cho Công Giáo mỗi khi có dịp, ví dụ như vừa khi kỹ sư Đoàn Văn Vươn dùng súng bắn chim (súng hoa cải) và mìn tự chế để tự bảo vệ tài sản, thì “người Công Giáo Tú Gàn”, tức Lữ Giang tên thật là Nguyễn Cần lập tức viết một bài vu cáo cho Công Giáo là tay sai của Hoa Kỳ để lật đổ Việt Cộng.
Đôi khi cũng có một vài vị chức sắc Công Giáo, dùng tòa giảng để giảng về Karl Marx hoặc xuyên tạc giáo lý Công Giáo. Bài giảng về “Cánh Chung Luận” của Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm từ 12 năm trước (1999) được tái bản trên Website của TGP Saigon năm nay, còn được “đồ lại” qua một cuộc tự phỏng vấn, đã làm cho dư luận người trong Công Giáo hoang mang tột độ, vì rõ ràng Đức Cha Nguyễn Văn Khảm đã xuyên tạc Cánh Chung Luận của Công Giáo và giới thiệu “Cánh Chung Luận của Marx” một cách rất “hoành tráng” và hấp dẫn vì đó là “thiên đàng hạ giới” (nguyên văn). Cũng vì thế, ngày Lễ Lá năm nay 2012, khi bài viết “Nhiệt Thành của Thập Giá” của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Khảm được diễn đàn Nữ Vương Công Lý đưa lên cũng là dịp để mọi người đọc và tìm hiểu để nếu có gì “đi ngoài giáo lý” thì giáo dân có thì giờ mà bảo nhau, không khéo bị Ngài Giám Mục dẫn xuống âm phủ mất.
Bài viết của Giám Mục Phụ Tá TGP Saigon Nguyễn Văn Khảm theo nhận định của linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thi “Nội dung bài viết tự nó không có gì gây ngạc nhiên hay tranh cãi”. Nhiều người trong đó có kẻ viết bài này đều đồng quan điểm với linh mục Pascal. Và càng đồng ý với linh mục Pascal rằng “... khi thấy bài viết xuất hiện vào thời điểm này, sau những biến cố xảy ra tại Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, v.v... người đọc không thể không đặt câu hỏi: bài viết đó có đơn thuần là một bài suy niệm về cuộc thương khó Chúa Giê Su hay tác giả còn muốn gởi một thông điệp đến những tín hữu loại ‘nhiệt thành’ ‘bị cám dỗ sử dụng bạo lực’ hay ‘nếu chưa phải là những hành động bạo lực thì cũng là những lời nói và ứng xử bạo lực’?” Nhất là sau vụ Đoàn Văn Vươn dùng “bạo lực” với mấy cây súng hoa cải và mìn tự chế. Phải ghi nhận rằng nếu Đoàn Văn Vươn “bị cám dỗ sử dụng bạo lực” chắc chắn ông ta không dùng loại súng và mìn nói trên mà phải dùng những loại bắn người hay bắn thú. Vì tình trạng súng đạn tại Việt Nam hiện nay “có tiền là có tất cả”. Nếu Tú Gàn và Đức Cha Khảm cố ý sợ cho VC bị nhân dân dùng bạo lực thì đúng là:
“Tiên thiên hạ chi ưu, nhi ưu, vi ưu”.
Trên thực tế, đưa vấn đề “bạo lực” vào Lễ Lá không được ổn nếu không nói là lạc đề. Dân chúng đón rước Đức Giê Su với nhành lá, trải áo giữa đường để lừa của Đức Giê Su đi qua, và “hoan hô con vua David” chứ không đả đảo ai cả. Suy rộng ra một chút, người Do Thái thời đó trông mong một vị cứu tinh sẽ giúp họ đuổi người La Mã ra khỏi Israel nhưng không có gì bảo đảm rằng họ mong đợi một “đoàn hùng quân” hay một bạo lực, siêu bạo lực nào. Kinh nghiệm cho họ biết rằng Mai Sen dẫn họ ra khỏi Ai Cập không tốn một mũi tên, một nhát gươm, một quả mìn tự chế hay súng hoa cải!!! Mà giả dụ như thời đó, có một người trong dân Do Thái dùng bạo lực để đánh đuổi đế quốc La Mã thì đó cũng là chuyện đương nhiên, chuyện bình thường, Chúa Giê Su cũng không thể phản đối, vì Chúa cũng là người yêu nước. Dân tộc nào bị đô hộ mà không muốn đánh đuổi thực dân, trừ ... Việt Cộng và tay sai của chúng?
Chúa Giê Su quả thực không dùng bạo lực, hơn nữa, “Nước tôi không phải ở thế gian này”. Nhưng không vì thế mà Chúa không có can đảm để minh chứng sự thực, để dạy dỗ kẻ khác phải tôn trọng sự thật. Khi bị đầy tớ Thầy Cả đánh, Chúa Giê Su đã nói “Nếu ta nói sai thì hãy chỉ cái sai ra, tại sao lại đánh ta?”. Trước đó, ngài cũng đã nói “Hằng ngày ta giảng dạy công khai ở hội đường sao không bắt?”.
Đức Giám Mục Nguyễn Văn Khảm có nhắc đến đoạn Phúc Âm khi Chúa Giê Su “thanh tẩy Đền Thờ” nhưng ngài quên nhắc Chúa Giê Su đã làm gì và nói gì? Chúa cũng “bảo vệ” nhà của Thiên Chúa Cha! Luật lệ của tất cả các quốc gia trên thế giới đều công nhận hành động của ông Đoàn Văn Vươn là “hành động tự vệ chính đáng” chỉ trừ Việt Gian Cộng Sản. Hơn nữa, khi công an và bộ đội Việt Gian Cộng Sản đột nhập vào nhà, không có ai ở đó!!! Thế mà chỉ vì ông Đoàn Văn Vươn là người Công Giáo và Đức Giám Mục Hải Phòng đã gởi thư an ủi một con chiên mà cả Giáo Hội Công Giáo bị Tú Gàn buộc cái tội làm tay sai cho Hoa Kỳ để lật đổ VGCS!
Bài viết “Nhiệt Thành của Thập Giá” của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Khảm có thể tóm gọn trong một câu: “Dù trường hợp nào cũng không thể dùng bạo lực”. Trên nguyên tắc, điều đó rất đúng, nhưng là người Công Giáo, Đức Bênêdictô 16 cho rằng cái mà chúng ta chia sẻ cho những người khác, đó là chính Chúa Kitô. Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Muốn Chúa Kitô tới tay anh em, Giáo Hội cần TỰ DO TÔN GIÁO CƠ BẢN. Ai tước bỏ tự do của Giáo Hội, Giáo Hi sẽ phải tranh đấu đến kỳ cùng. Tranh đấu đây không phải dùng bạo lực, nhưng là sự can đảm nói lên SỰ THẬT, cương quyết phản bác tất cả những luận điệu không căn bản như “Tự do của Đông Phương khác tự do Tây Phương”. Chỉ cần Giáo Hội không xin nhà cầm quyền những gì mà đúng ra Giáo Hội phải có, phải đưọc tự do hành sử. Giáo Hội đem Chúa Kitô đến với anh em bằng cách nói lên tiếng nói công bằng, tiếng nói chân lý vì đó chính là Chúa. Giáo Hội Việt Nam chưa làm điều đó, hay chỉ có một vài giám mục can đảm làm điều đó trong khi các giám mục khác coi như không phải việc của họ.
Trong vụ Việt Gian Cộng Sản triệt hạ Thánh Giá ở Đồng Chiêm, tất cả giáo dân cũng như dư luận bên ngoài khao khát được nghe tiếng nói của Giáo Hội. Không phải mọi người mong Giáo Hội dùng bạo lực để buộc Cộng Sản phải dựng cây thánh giá khác, nhưng là mong muốn Giáo Hội làm bổn phận là phải chỉ dạy cho Việt Gian Cộng Sản biết chúng làm điều đó là vi phạm quyền tự do tôn giáo mà chúng đã ghi hẳn trong Hiến Pháp 1992. Phải gióng lên tiếng nói của Lẽ Phải.
Một trong 3 nghĩa vụ của Giám Mục, nếu tôi không lầm là GIÁO HUẤN phải “mở dạy kẻ mê muội”. Đằng này, theo linh mục Pascal thì “Riêng Đức Cha Khảm, người đứng đầu trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì phải mất một tuần lễ sau mới đặt câu hỏi “LÊN TIẾNG HAY KHÔNG LÊN TIẾNG” để đi đến câu trả lời đại khái đây chỉ là chuyện đòi đất của một địa phương, và nguyên tắc áp dụng để giải quyết vấn đề là chuyện địa phương nào, địa phương đó lo. Có thể đến thời điểm này đức cha Khảm thấy cần phải tỏ ra nhiệt thành hơn đối với thập giá?”. Hay có thể nói cách khác là chỉ khi nào bất lợi cho Việt Cộng Đức Cha mới đem “nhiệt thành của Thánh Giá” ra rao giảng? Ngoài vụ “Thánh Giá Đồng Chiêm” còn nhiều vụ khác nữa. Thảm trạng phá thai: Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phá thai vào bực nhứt nhì thế giới, hay: Việt Nam xuất cảng phụ nữ ra hải ngoại phải đứng trong các lồng kiếng để khách mua như thú vật, hàng triệu gia đình bị đảng viên Cộng Sản đuổi ra khỏi nhà để đất cho chúng bán, đền bù một bán gấp mấy trăm lần, hoặc có những tệ nạn chưa bao giờ xảy ra trên đất nước Việt Nam: Hàng chục, hàng trăm phụ nữ phải trần truồng trước mặt bao người để được chọn “làm vợ” v.v... Những thảm trạng này, chưa bao giờ được Hội Đồng Giám Mục lên tiếng, dù là khuyên răn hay năn nỉ nhà cầm quyền lưu ý giải quyết. Nói cách khác là Giáo Hội Công Giáo chiếm 8% dân số, nhưng Chúa Giê Su chưa hiện diện, Giáo Hội Công Giáo không trao Đức Kitô cho anh em ngoài Công Giáo, nhất là những đảng viên Cộng Sản. Đó là chưa kể trong 8% dân số là Công Giáo cũng là những nạn nhân của chính sách cai trị của Cộng Sản.
“Nhiệt thành của Thánh Giá” không chỉ “không dùng bạo lực với Việt Cộng”, dù cho lúc chúng cướp của giết người... mà Nhiệt Thành của Thập Giá chính là nhiệt thành minh chứng sự thật, nhiệt thành dạy dỗ kẻ mù quáng, nhiệt thành binh vực kẻ bị đàn áp, bóc lột dù cho vì thế mà thiệt hại đến thân mình. “Lạy Chúa! Con đường nào Chúa đã đi qua? Con đường nào ngài ra pháp trường?... đường tình đó ngài dành cho con”. Con đường đó là dù phải đổ máu ra để binh vực Công Lý, Lẽ Phải và Sự Thật tức là chia sẻ Đức Kitô cho tha nhân dù phải chết như Đức Giê Su đã chết trên Thập giá.
Lạy Chúa xin dạy cho con đường đi của Chúa.
Kiêm Ái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét