Trang

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Hà Nội: 'Cưỡng chế thành công Văn Giang'

Báo Người Cao Tuổi: Cưỡng chế trái luật
HÀ NỘI (NV) - Trang tin điện tử của nhà cầm quyền Hà Nội (chinhphu.vn) loan tin cưỡng chế thành công diện tích đất ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, để trao cho một công ty xây dựng nhà cửa, bất chấp sự phản đối của người dân.

Hàng chục công an xông vào đánh một người dân trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24 tháng 4. (Hình chụp lại từ Youtube)

Tối thiểu có một tờ báo ở Việt Nam nói “cưỡng chế trái luật.”

Ngày 25 tháng 4, 2012, trang mạng chinhphu.vn viết gần giống bản tin của báo điện tử Ðảng Bộ CSVN và nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên, loan báo “hoàn thành việc hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án Văn Giang.”

Vụ cưỡng chế buổi sáng ngày 24 tháng 4 tại xã Xuân Quan được một số trang báo điện tử phổ biến với nhiều hình ảnh và video clips gây xúc động dư luận trong và ngoài Việt Nam. Ðây là vụ cưỡng chế được đặc biệt chú ý kể từ vụ cưỡng chế khu đầm thủy sản của ông Ðoàn Văn Vươn ngày 5 tháng 1, 2012 tại xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Theo báo mạng chinhphu.vn dự án xây dựng đô thị Văn Giang đã được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng “phê duyệt” từ nhiều năm trước.

“Ðể nhà đầu tư đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt, ngày 24 tháng 4, 2012, UBND huyện Văn Giang đã tiến hành hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp thuộc xã Xuân Quan để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong 72 ha đất giao đợt này có 66.2 ha các hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, tự nguyện bàn giao đất; còn lại 5.8 ha thuộc 166 hộ không nhận tiền đền bù, hỗ trợ phải tiến hành cưỡng chế.” Trang tin chinhphu.com viết.

Người dân các xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan đã biểu tình chống cưỡng chế từ năm 2008 và cũng đã từng có xô xát. Nhưng người dân địa phương đã không thể làm gì hơn trước một lực lượng cưỡng chế quá đông đảo và được võ trang đủ mọi thứ phương tiện trấn áp. Họ cũng từng kéo nhau về Hà Nội khiếu kiện và biểu tình trên hè phố những tháng gần đây.

Dân ở đây phần nhiều không làm ruộng trồng lúa mà sống với nghề trồng hoa và cây cảnh. Họ rất giầu có, sung túc nay đẩy họ vào đường cùng khổ. Nhà của họ phần lớn là nhà lầu kiên cố và rất đẹp chứ không phải nhà tranh vách lá, vách gỗ tạm bợ như những vùng nông thôn nghèo nàn khác.

Nhà cầm quyền chỉ đền bù cho họ 36 triệu đồng một sào (1,000m2) hay chỉ có 36,000đồng/m2 trong khi công ty Việt Hưng (VIHAJICO thực hiện dự án Ecopark ở huyện Văn Giang) bán lại khi xây dựng với giá hơn 6 triệu đồng/m2.

Chinhphu.vn nói: “Một số đối tượng quá khích đã kích động khoảng hơn 100 người dân dựng 2 lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng. Ngay từ sáng sớm ngày 24 tháng 4, có khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực giải phóng mặt bằng. Từ 7 giờ sáng, các lực lượng hỗ trợ thi công đã dùng các phương tiện tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ra khỏi khu vực hỗ trợ thi công và cưỡng chế. Ðến 8 giờ 30 phút cùng ngày, mặc dù đã được tuyên truyền thuyết phục nhưng vẫn còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế.”

Bản tin này viết tiếp và tuyên truyền rằng, “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường của bí thư Tỉnh Ủy và chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh, các lực lượng thực hiện hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang, sự hỗ trợ của Bộ Công An và Công An tỉnh, đã thực hiện tốt phương án đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ thi công, cưỡng chế. Ðến 10 giờ 30 phút ngày 24 tháng 4, số người nêu trên đã giải tán về nhà. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, Nhà đầu tư đã hoàn thành nhiệm vụ thi công và nhận bàn giao mặt bằng lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày.”

Ðối chiếu với các nguồn tin khác, người ta thấy có những điều không được nhà cầm quyền trung ương Hà Nội nêu ra.

Chẳng hạn, công an đã bắt giam 20 người với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Một số video clip công bố trên mạng chứng minh công an CSVN và đám “đầu gấu” đeo băng đỏ rượt đuổi và đánh đập dân chúng dã man. Công an bắn lựu đạn cay giải tán dân chúng cũng như bắn súng đe dọa.

Không nói gì đến sự chênh lệch quá lớn giữa giá đền bù và cái giá công ty xây dựng và đầu tư bất động sản Việt Hưng bán ra, là đầu mối của sự chống đối.

Lực lượng đưa tới cưỡng chế gồm công an thường phục, công an sắc phục, cảnh sát cơ động võ trang đầy đủ và những thành phần khác được ước tính khoảng 2,000 người trong khi báo nhà nói số người dân chống đối khoảng 300 người.

Ðoạn tin trên nói chính bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ huy cuộc cưỡng chế với sự hậu thuẫn của Bộ Công An và Công An tỉnh, cho thấy đây là một vụ cưỡng chế có sự chuẩn bị chặt chẽ từ trung ương xuống tới địa phương.

Báo Người Cao Tuổi, ngày 20 tháng 4, 2012 tức 4 ngày trước vụ cưỡng chế, đã có bài viết nói vụ cưỡng chế nếu xảy ra sẽ là vụ cưỡng chế trái luật. Lý do, nhà cầm quyền chỉ tham gia và trực tiếp cưỡng chế đất đai nếu đó là các dự án công ích hay liên quan đến quân sự quốc phòng.

Tuy nhiên, trong trường hợp dự án Ecopark, nhà cầm quyền tỉnh thực hiện cưỡng chế với sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền trung ương cho một dự án xây dựng nhà cửa kiếm lời của một nhà đầu tư tư nhân.

Hiện nay, Internet đang phổ biến một tài liệu là “Nghị quyết” của một phiên họp của “Viet Capital” tức “Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt” mà bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị. Trong đó, điều 7.1 viết rằng, “Công ty CP Phát triển Bất động sản Việt Hưng” là “đối tác chiến lược” và có “quyền mua chọn cổ phiếu cho đợt phát hành 2010.”

Có bản tin loại này nói bà Nguyễn Thanh Phượng là chủ tịch của HÐQT công ty Việt Hưng, ngầm cho hiểu bà có liên quan đến dự án Ecopark.

Tuy nhiên, công ty này có địa chỉ thấy liệt kê trên danh sách công ty thương mại của “Yellow Pages Việt Nam” là “3b Tôn Ðức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1. Tp HCM.”

Trong khi đó, ở Hà Nội và Hưng Yên có “Công ty CP Ðầu tư và Phát triển Ðô thị Việt Hưng” có tên giao dịch tắt là VIHAJICO và có dự án xây dựng đô thị ở Văn Giang, Hưng Yên, lấy tên là “Ecopark.”

“Công ty CP Ðầu tư và Phát triển Ðô thị Việt Hưng” có địa chỉ Phòng 1305 Tầng 13 Tòa nhà Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội; và địa chỉ ở Hưng Yên là “Thị trấn Văn Giang, Văn Giang, Hưng Yên.”

Khi báo Người Việt gọi điện thoại kiểm chứng vào 9 giờ sáng giờ Việt Nam ngày 26 tháng 4, một viên chức không nêu tên, làm việc tại VIHAJICO ở Hưng Yên cho biết, “Công ty CP Ðầu tư và Phát triển Ðô thị Việt Hưng” tức VIHAJICO “không liên quan gì với Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt” mà bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị. (T.N.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét