Tháng tư, 1956, người Pháp chính thức cuốn cờ và triệt thoái khỏi miền Nam
Việt Nam chấm dứt chế độ thực dân Pháp sau ngót một thế kỷ. 80 năm có lẻ ở Nam
Kỳ và 60 năm ở Bắc Kỳ.
Miền Nam lúc bấy giờ có khoảng 7000 người Việt quốc tịch Pháp. Người ta ghi
nhận đã có hơn 6000 người trong số đó xin hồi tịch.
Những người có “máu mặt” như quý ông đại sứ Trần Văn Chương, y sĩ Trần văn
Đôn, cha ruột của tướng Trần Văn Đôn và một số sĩ quan như tướng Trần Văn Minh,
Trần Văn Đôn đều hồi tịch, tự động xé bỏ quốc tịch Pháp.
Đây có thể coi như cuộc trở về của một số “đứa con hoang đàng” (Enfant
prodige) theo một nghĩa trong Thánh Kinh đã kể lại- một sự trở về nhà cha như
một cuộc làm hòa giữa quá khứ-tương lai-. Quá khứ thì khép lại, tương lai thì mở
ra.
Nhưng xé bỏ một tờ căn cước có đủ để người ta quay trở về cội nguồn với con
người Việt Nam không? Xóa đi một cái ranh giới địa lý hay ranh giới pháp lý chỉ
cần làm một cử chỉ “cái roẹt” là xong, nhưng cái ranh giới tinh thần là công
việc còn lại của mỗi người, có khi làm cả đời không xong!
Cuộc hồi tịch này diễn ra thầm lặng đến nhiều người không hay biết vì không
ai muốn nó được công khai hóa trên mặt báo và được hiểu là một điều đương nhiên
phải như thế.
Chế độ thực dân chính thức không còn nữa và người Mỹ đến thay thế chỗ của
người Pháp.
Phần ông Diệm – ở bình diện cơ chế – coi như ông đã thực hiện được hai bước
trong tiến trình ba bước chính trị của ông: Bài Phong, Phản Đế, Diệt
Cộng.
Nhưng ở mặt tinh thần, nước Pháp xa cách Việt Nam 16 000 cây số, vậy mà
về mặt tâm tư thì nhiều người Việt Nam sinh sống ở VN cảm thấy “gần” nước Pháp
hơn là người hàng xóm của mình. Cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu còn đi xa hơn, vào
năm 1946 có chủ trương tách Nam Việt Nam ra khỏi Quốc Gia VN. Những người như
thế đã được ông Bảo Đại mời ra lập chính phủ vào ngày 6-5-1950!
Chưa kể tệ hại hơn nữa, nhiều người Việt-gốc Pháp còn khinh văn hóa Việt, lối
sống Việt vì họ coi là quê mùa, hủ lậu..Điển hình như trong Lục tỉnh Tân Văn, số
hai, có bài viết lên giọng dạy đời nhận xét:
“Người Annam hay dùng chữ Nho mà ta ít hay hiểu lý cao kỳ…ăn cắp chữ Tàu
dùng qua chữ Quốc Ngữ … song việc dùng câu chữ Tàu như vậy thì chẳng phải lẽ,
thiếu gì cách nói, sao lại dùng tiếng chi bậy bạ vậy?
(Trích bài Dùng
sái nghĩa, LTTV, số 2 trong Tuyển tập các số LTTTV)
Trích dẫn đoạn văn trên chỉ muốn gián tiếp nói điều này: Phê phán những kẻ
sùng bái dùng chữ Nho” tiếng chi bậy bạ- ” thì bản thân họ, những người phê phán
lại sùng bái thứ chữ -xì xà xì xồ- nghe đến ngứa lỗ tai!
Cái tâm lý trên chỉ
muốn nói lên một điều rằng Hội Chứng Hậu Thuộc Địa tưởng rằng đã qua rồi, nhưng
thật ra nó còn kéo dài dài trên nhiều mặt sau đây…
Hội chứng trọng thi cử
Tổ chức thi cử ở mọi cấp vẫn nặng nề trường ốc – học ba năm thi một giờ – vẫn
lấy kết quả thi cử là thước đo nhân tài. Tiểu học thi theo tiểu học, trung học
đệ nhất cấp rồi đệ nhị cấp đến hai lần thi tú tài 1, tú tài 2. Lên đại học thi
tuyển.
Tôi nhìn lại, việc thi cử không mang ý nghĩa chứng nhận một trình độ đã học.
Nó mang tính “đầy đọa” con người.
Nhiều vị ra đề thi phải hỏi hóc búa, đề toán phải có câu hỏi “lừa” được thí
sinh mới là trứ danh. Thời trước nhiều giáo sư nổi tiếng chỉ nhờ cái tài “Hóc
Búa” với thí sinh như giáo sư Hoàng Cơ Nghị, giáo sư Nguyễn Văn Lúa. Gặp giáo sư
Lúa chấm pháp văn là “lúa đời” có nhiều hy vọng được 1, 2 gậy, ngay cả 0
nữa.
Cái lề lối thi cử ấy có từ thời tây thuộc địa. Đó chỉ là những rào cản, chẳng
thấy Khai phóng gì cả (Ở đây xin không đề cập đến lề lối thi cử của các cụ nhà
Nho).
Việc thi cử ấy trước đây rập theo chương trình thi cử của hệ thống giáo dục
Pháp tương đương với các bằng: Certificat d’études primaires élémentaires.
Brevet d’enseignement primaire supérieur. Brevet élémentaire và Brevet
supérieur.
Nhưng không tránh được nó làm hao tổn tinh thần cho học sinh mới 11, 12 đã
học như “quốc kêu mùa hè”. Nhưng cái rào cản tú tài 1 và 2 mới giết chết và làm
hao mòn tuổi trẻ.
Không có lý gì 100 học sinh tiểu học tiếp tục học lên, rơi rớt dọc đường, ùn
tắc chặt cứng ở rào cản tú tài và đại học như nêm cố như nút chặn tương lai. Và
không chắc đến 10 người được bước vô cửa chính của Đại Học.
Họ bị vứt ra đời với hai bàn tay trắng. Không nghề nghiệp, không tương lai.
Cả một thế hệ thanh niên sụp xuống hố, chôn vui cả tuổi trẻ.
Mặc dầu có những hạn chế do thi cử, nền giáo dục thời Đệ nhất Cộng hòa VNCH-
từ cấp tiểu học trung học- phát triển rầm rộ sau đó bị chặn đứng với rào cản tú
tài.
Năm 1954-1955, chúng ta có 363.160 học sinh tiểu học. 6 năm sau lên con số
lên đến trên một triệu: 1.001 757 học sinh.
(trích: Sáu năm hoạt động của chính phủ VNCH, Hồ Đắc Huân, tr. 645).
Một phần ở cấp Trung tiểu học, người Mỹ “thong thả nhúng tay vào” do các cố
vấn Mỹ từ trường đại học Ohio. Họ trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn đưa ra các
dự án như: giáo dục cộng đồng, giáo dục tổng hợp, giáo dục chuyên nghiệp và kỹ
thuật. Sau này, dần dần chế độ thi cử được thông thoáng hơn. Do sự cố vấn của
Mỹ, các kỳ thi tiểu học, trung học được bãi bỏ.
Nhớ họ mà giáo dục được cải tiến nhiều
Nói về việc thi cử ảnh hưởng Pháp, xin dùng cuốn sách Một chút lịch sử Y Khoa
Đại Học đường của giáo sư Trần Ngọc Ninh để dẫn giải . Ngoài tác giả là giáo sư
TNN còn các bác sĩ Hoàng Tiến Bảo, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Lương Tuyền (Thiếu bài
của giáo sư Hoàng Tiến Bảo, mặc dầu có tên ở trang bìa sách) đều chỉ nhấn mạnh
tới sự thành lập Phẫu Nhi Khoa và Phẫu Khoa trực Nhi mà không đủ điều kiện để
giới thiệu các khoa khác? Đối với một người ham học hỏi thì cũng mong muốn được
biết sự hình thành và phát triển của ngành Y khoa Sài gòn nói chung ra sao như
lời giới thiệu của bác sĩ Trân Đình Thắng trong lời nói đầu:” Y Khoa đã tiến một
bước dài, Y khoa đã tiến một bước lớn”.
Nhưng điều quan trọng hơn nữa là cũng mong muốn được biết kết quả về số bác
sĩ được đào tạo ở miền Nam là bao nhiêu? Nhiều ít như thế nào? và tại sao lại
nhiều ít?
Được biết( theo Wikipedia), từ năm 1947 đến 1954 , cả trong Nam lẫn
ngoài Bắc, số tốt nghiệp y khoa bác sĩ vào khoảng 130 người- Một con số ít hơn
cả thời gian mới thành lập năm 1902!
Cắt nghĩa về sự ít oi này thì người ta đổ cho chiến tranh. Trong Nam làm gì
có chiến tranh như ngoài Bắc mà mỗi năm cũng chỉ đào tạo được 5-10 bác sĩ ?
Nhưng từ năm 1955 trở đi đến 1975 ở trong Nam được chia ra hai thời kỳ: thời
kỳ 1955-1966 chịu ảnh hưởng Pháp. Số ra trường còn rất ít.
Từ 1966 bắt đầu chịu ảnh hưởng Mỹ, mỗi năm lấy 200 sinh viên, nhờ đó số bác
sĩ tăng lên rất nhiều.
Kết quả từ 1947 đến 1975, haI trường y khoa Hà Nôi và Saì gòn thì tính từ
1954 trở đi, miền Nam có khoảng 2300 bác sĩ.
Giai đoạn 54-1966 là giai đoạn ảnh hưởng giáo dục Y Khoa Pháp cho thấy kết
quả số lượng thấp- và thấp đáng ngại, thấp đáng phải lên án khi không đếm xỉa gì
số phận những bệnh nhân chết oan vì không thầy, không thuốc !
Cuốn sách cũng không giúp người đọc nắm được con số các bác sĩ chuyên khoa
được đào tạo trong số gần 2000 bác sĩ ra trường.
Ngành giải phẫu vốn là niềm hãnh diện của giới bác sĩ Y Khoa Sài Gòn với các
giáo sư thạc sĩ Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm, Trần Ngọc Ninh.
Có tài liệu nào cho phép chúng ta biết được có bao nhiêu bác sĩ chuyên khoa
giải Phẩu đã được đào tạo bởi chính tay ba vị thầy kể trên !! Cứ giả dụ rằng mỗi
năm ba giáo sư(giáo sư Ninh về nước trễ vì đi du học) nhận 5 học trò thì trong
21 năm, ít lắm chúng ta cũng có được 200 bác sĩ giải phẫu?
Những băn khoăn thắc mắc của người viết là khi chiến cuộc leo thang, hàng
ngày có hàng trăm thương bệnh binh gửi về các bệnh viện trên toàn miền Nam như
bệnh viện Cộng Hòa, Duy Tân Đà Nẵng vv.. Các bác sĩ Việt Nam đang giải phẫu tại
các nơi ấy học giải phẫu ở đâu, bởi thầy nào để có thể làm được đủ mọi loại giải
phẫu trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của các thương bệnh binh?
Hội chứng bằng cấp ở Pháp
Việc học, việc thi cử là để đi đến chỗ có được bằng cấp.
Thi cử càng khó khăn thì bằng cấp càng có giá trị. Bằng ngoại quốc thì có giá
hơn bằng trong nước. Cùng học ở ngoại quốc, nhưng bằng đậu ở Pháp có giá hơn
bằng ở Tân Tây Lan, ở Anh quốc, Thụy Sĩ hay Bỉ.
Hội chứng Hậu thuộc địa rõ ràng là ở chỗ này:
Bằng cấp là thước đo chiều cao tinh thần và định vị xã hội. Ngay chính bản
thân ông Diệm cũng không tránh khỏi cái bệnh bằng cấp trong đầu.
Trong cách xưng hô, ông Diệm chỉ gọi bằng Ngài những người như ông Vũ Văn
Mẫu, ông Vũ Quốc Thúc vì họ có bằng thạc sĩ luật (thường các người khác ông gọi
trống không). Sau này tôi mới vỡ lẽ ra là việc nhỏ, việc lớn gì ông Diệm cũng để
mắt vào. Như việc bổ nhiệm một ông quận trưởng-chức vị nhỏ nhoi- vị quận trưởng
tương lai cũng phải vào trình diện cho ông Diệm “coi tướng”
Vậy mà việc bổ nhiệm những chức vụ viện trưởng, khoa trưởng, việc chuyển hóa
tiếng Việt ở đại họcvv.. ông hầu như không mấy quan tâm? Vì ông Diệm nể những
người có bằng cấp?
Bằng cấp là một giấy mua vé vào đời bằng cửa lớn, cơ hội thuận tiện cho những
hợp đồng hôn nhân cân bằng tính toán giữa sắc đẹp, tiền bạc và bằng cấp. Người
đời từng nói: Phi cao đẳng bất thành phu phụ.
Những bằng từ trường Pháp ở Việt Nam và nhất là từ nước Pháp thì vẫn là nhất.
Oai hơn nữa nếu là bác sĩ học và ở Pháp.
Cái oai ấy được bác sĩ thiếu tướng Vũ Ngọc Hoàn viết:
“Các quan tây công sứ, các quan đầu tỉnh Việt Nam còn nể vì các quan đốc tờ,
hèn chi trước mặt thầy thuốc tây, ta chẳng thấy người dân run sợ, khúm núm. Địa
vị đã cao trọng trong xã hội, lại bị ngoại cảnh chi phối dần dà các quan đốc tờ
sống xa rời dân chúng, giam mình trong một tháp ngà trưởng giả. Phải thú nhận
một điều là đa số các thầy thuốc ngày xưa đều có ít nhiều tác phong quan liêu,
nhưng điều đó có thể cắt nghĩa được là vì bộ mặt phong kiến của xã hội và trình
độ thấp kém của dân trí thời đó”.
(trích Quân Y quân lực VNCH, IBID, Vũ Ngọc
Hoàn, tr. 21)
Đáng nhẽ cần viết thêm rằng:
Đồng thời nó tạo ra những huyền thoại chung quanh những bằng cấp đạt được ấy
và khi “vinh quy bái tổ” thì đúng là cảnh áo gấm về làng trở thành những vị ăn
trên ngồi chốc, giữ những địa vị then chốt trong môi trường đại học và ngoài đại
học.
Về vấn đề giáo dục cấp Đại Học xem ra chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa ít can
thiệp trực tiếp thô bạo vào việc đào tạo, vào chương trình giáo dục, vào tổ chức
thi cử vv.
Vì Tổng thống Diệm nghĩ rằng tổ chức giáo dục tương đối đã có nề
nếp, là tốt nhất. So với các lãnh vực khác, chính phủ ông Diệm cần quan tâm giải
quyết như vấn đề kinh tế, bình định và phát triển nông thôn, phát triển quân
đội.
Gọi là huyền thoại vì những bằng cấp ấy cũng có mặt tối của nó.
Chỉ riêng các lãnh vực khoa học nhân văn như sử học, triết học, văn học cho
tôi thấy rằng sự chọn lựa đề tài liên quan đế luận án thì 10 người hết cả 10 đều
chọn các đề tài liên quan đến VN.
Đây là một chọn lựa tạm gọi là “ăn gian”.
Chọn đề tài VN vì nó có lợi cho ứng viên mà bất lợi cho người chấm, vì họ
không thể đọc được tiếng Việt, không có kiến thức chuyên ngành liên quan đến
luận án. Vậy thì họ chấm cái gì, căn cứ trên tiêu chuẩn gì để cấp bằng tiến sĩ
Quốc Gia của Pháp?
Có một luận án để lấy bằng tến sĩ quốc gia về văn chương đề cập đến tiểu
thuyết Việt Nam, giai đoạn 1925-1945. Làm sao giáo sư Pháp chấm luận án đủ khả
năng hiểu biết về các tác giả Việt Nam như Trần Tiêu, Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ
Trọng Phụng, Nam cao, Nhất Linh,Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ, Lưu Trọng Lư? Đành
chấm Phương pháp làm luận án, cách tìm tòi làm research? Rồi chính thí sinh làm
luận án, nhiều khi tiếng Việt cũng chưa thông- chữ Hán mù tịt- có khi cũng chẳng
đọc được đầy đủ về tiểu thuyết tiếng Việt. Nhưng làm thì cứ làm.
Vì thế, khi
về VN dạy, thay vì dạy Quốc văn, ông lại dạy văn chương Pháp (trừ trường hợp
giáo sư Thanh Lãng). Còn phần Quốc Văn thì lại nhường chỗ cho các vị giáo sư ở
trong nước như Phạm Văn Diêu, Lê Hữu Mục, Vũ Khắc Khoan..vv..
Phần đông các
giáo sư dạy triết khi làm luận án ở bên Tây đều chọn Triết lý Đông Phương cho
“dễ”. Dễ không hàm ý triết học Đông Phương dễ, dễ ở chỗ người tây Phương không
rành rẽ chữ Hán, chữ Phạn(đây là nói trước 1975) nên viết gì thì viết. Nhưng về
thì dạy triết lý Tây Phương, nhường lại môn triết học Đông Phương cho các vị tự
học ở trong nước như : Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn đủ loại. Đúng là
học một đằng dạy môt nẻo.
Nhìn chung, việc làm luận án chỉ nhằm mục đích kiếm mảnh bằng- một bước nhảy-
hơn là từ đó mở đường cho việc nghiên cứu tìm hiểu thêm về chuyên ngành.
Mảnh
bằng tiến sĩ là bước mở đầu cũng như bước kết thúc việc học hỏi thêm.
Đọc một số các đề tài luận án tại Pháp cho thấy làm một luận án Tiến sĩ văn
chương xem ra không lấy gì làm khó khăn – nói ” phách “một chút thì phải nói là
dễ. Có nhiều đề tài luận án thật ra chỉ đáng là bài khảo cứu mà người ta có thể
viết xong trong vài tháng.
Chẳng hạn như luận án tiến sĩ của bà Nguyễn Thị Ninh L’exode des Vietnamiens
du Nord, après les accords de Geneve trình năm 1980, tại Lyon thì có gì đáng kể.
Chỉ sợ bà còn viết bậy bạ theo tài liệu tuyên truyền của cộng sản, vì thời đó
làm gì có những thống kê về số tầu, về số chi phí, về số người di cư như bây
giờ!! Tôi dám chắc bà viết không đầy đủ vì thiếu tài liệu!! Hay một luận án khác
về địa lý nhân văn: La Population de Saigon!!!!
Chú thích: về một số luận án
tiến sĩ tại Pháp:
-BXB: Le roman Vietnamien contemporain: Tendances et évolution du Roman
Vietnamien contemporain 1925-1945
-BTP: La politique de paix préconisé par
Nguyen Truong To face au défi occidental au XIX sièle.
- TTL: Les catholiques
Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance, 1945-1954.
- VNC: Political and
Social Change in Viet Nam between 1940-1946
- NTA: Bibliographie critique sur
les relations entre le Viet Nam et l’Occident. luận án tiến sĩ Quốc Gia: La
monarchie des Nguyen de la mort de Tu Duc à 1925, 1987.
- PCD: Evolution de
la situation économique et sociale de la paysannerie Vietnamienne de 1861 à
1945
- TTT: Les Concessions agricoles Francaises au Tonkin de 1884- à 1918,
1993.
- PTMLC : Huynh thuc Khang 1876-1947: dans le courant des réformistes
du Trung Ky, sous la domination coloniale Francaise , 1996
- TVT:
L’enseignement traditionnel en Annam, 1942
- CL: La politique de J.L de
Lanesan en Indochine, 1952
- NMT: L’Annam dans la littérature francaise,
1932
- TVK: La musique vietnamienne traditionnelle, 1961
- NTN: L’exode
des Vietnamiens du Nord, après les accords de Geneve, 1980.
- NVP: L’armée
Vietnamienne 1949-1957, 1980
- CHT: Les missionnaires et la politique
coloniale francaise au Viet Nam, 1857-1914, 1969.
- LTL: Population de
Saigòn, 1969
-NVP : La Société Vietnamiennne de 1882 à 1902, d’après les
écrits des auteur Francais, 1969
- VDH: La place du Catholicisme dans les
relations entre la France et le VietNam de 1851 à 1870, 1970.
- LMH: L’âme
Vietnamienne à travers sa littérature populaire, 1973
- PDB: Poètes
Vietnamiens et poésie francaise (1913-1945), 1988.
- NXT: Les Francais dans
le cycle de “La nuit Indochinoise.
- DVT : La Psychologie du paysan du delta,
Étude surn la culture Vietnamienne, 1974 .
-NTH: Études de la littérature
vietnamienne, 1978
-TTL: Vo Phien: culture nationale, lectures occidentals,
2001.
- NTTH : L’enseignement du francais à Ho Chi Minh ville depuis 1975,
2006.
Đã thế, những giáo sư có bằng tiến sĩ quốc gia ở Pháp về thì được xếp giáo sư
thực thụ. Nhưng nếu đỗ tiến sĩ ở Thụy Sĩ hay Bỉ thì chỉ được xếp là giảng sư.
Thanh Lãng có tiến sĩ tại Thụy Sĩ và có nhiều công trình nghiên cứu văn học hơn
bất cứ giáo sư văn chương nào ở đại học văn khoa Sài Gòn chỉ được coi là giảng
sư.
Trong khi một giáo sư với luận án tiến sĩ về tiểu thuyết VN giai đoạn
1925-1945 tại Paris, mặc dầu dạy Pháp văn, mặc dầu sau đó không có bất cứ công
trình nghiên cứu lớn nhỏ nào trở thành giáo sư thực thụ
Điều gì xảy ra ở văn khoa thì có thể xảy ra ở Luật Khoa hay Y Khoa chăng? Ở
những nơi ấy có điều chi giống, điều chi khác, điều chi hay hơn hay là tồi tệ
hơn Văn Khoa?
Ít lắm thì khi viết xong phần này, tôi cũng tự giải tỏa cho mình một “huyền
thoại” trước đây coi việc đỗ tiến sĩ ở ngoại quốc chắc phải giỏi lắm lắm!! Dù
không có cơ hội đọc các luận văn tiến sĩ, nhưng chỉ đọc các đề tài luận án cũng
có thể hiểu phần nào nội dung các luận án ấy được xếp ở trình độ nào?
Từ luận án tiến sĩ ở Văn khoa suy diễn ra các luận án tiến sĩ luật khoa, thạc
sĩ luật khoa đến luận án tiến sĩ Y Khoa. Giá có bao giờ được may mắn chỉ cần đọc
các đề tài các luận án chắc cũng đủ mãn nhãm lắm rồi!
Đại học Y khoa Sài gon có 16 giáo sư thực thụ. 7 giáo sư diễn giảng, 27 giảng
sư và 41 giảng nghiệm viên. Tôi thực sự không biết những ai được coi là giáo sư
thực thụ, những ai là giảng sư.
Có bao nhiêu vị học ở Mỹ về được coi là giáo sư thực thụ trong số 16 người?
Những Đào Hữu Anh Hoàng Tiến Bào, Vũ Quỹ Đại, Nguyễn Khắc Minh, Đỗ Thị Nhuận,
Bùi Duy Tâm, Nguyễn Ngọc Giệp được xếp vào loại nào? Lại có bao nhiêu vị bác sĩ
trong danh sách đã làm luận án trong Bibliographie des theses của giáo sư Nguyễn
Đức Nguyên và có chân trong ban giảng huấn được xếp vào giảng sư hay giảng
nghiệm viên. Đã có bác sĩ nào là học trò của các thạc sĩ giáo sư VN được phong
làm giáo sư?
Ai biết xin chỉ dùm
Hội Chứng đào tạo theo tây là tốt nhất
Cách đào tạo rập theo Tây có thể bắt đầu bằng các bằng tú
tài. Chẳng hạn các chương trình triết học lớp đệ nhất nhái nguyên con triết Tây
của Pháp. Cách phân chia các môn luận lý, đạo đức, tâm lý, siêu hình học là
chương trình của Tây từ thập niên 1945-1950.
Nhất là càng lên cao ở trình độ Đại Học thì từ giáo sư đến chương trình học,
việc thi cử đều theo Tây cả.
Quy chế sinh viên nội trú của trường Y Khoa đại học Sài Gòn là tiêu biểu điển
hình thừa hưởng cái di sản của Pháp để lại – một điển hình nô lệ cách đào tạo
của Pháp: Khắt khe, khó khăn, bảo thủ, ít ỏi.
Với việc thâu hồi chủ quyền đại học ngày 11-5-1955. Khoa trưởng Y Khoa đầu
tiên là giáo sư Phạm Biểu Tâm. Niên học 1954-1955, toàn miền Nam có 2.154 sinh
viên. Qua năm 1959-1960, số sinh viên tăng lên 9.007 người, trong đó Sài Gòn có
7924, Huế, có 1.083 người.
Có bao nhiêu sinh viên y khoa từ năm 1954 đến 1959?
Trích: Sáu năm hoạt động của chính phủ, Hồ Đắc Huân, trang 651
Ở trong Nam, trường Y Khoa được gọi là Centre d’Études médicales de Saigon,
trụ sở tại đường Testard. Kết quả khóa thi năm 1949, có 39 bác sĩ Y Khoa.Thế là
nhiều đấy.
Cũng theo tài liệu Sáu năm hoạt động của chính phủ thì trên toàn
quốc, ta có 130 y sĩ vào năm 1954, sang năm 1960, miền Nam tự do có 184 .. Giả
dụ trên toàn cõi có 130 y sĩ thì 3/4 ở miền Nam- nghĩa là khoảng 96 người .. Sáu
năm sau, đào tạo thêm được mỗi năm trên dưới 15 người?
Điều đó có ý nghĩa gì?
Những con số dưới đây còn làm ngạc nhiên nhiều người, khi trường Y Khoa Hà
Nội được mở nằm 1902 thì đến năm 1939 đã có 139 bác sĩ và 216 y sĩ Đông Dương.
.
Trích Indochine, Pierre Brocheux, trang 257-25
Số lượng ít ỏi theo cách đào tạo như vậy có phù hợp với thực trạng và nhu cầu
y tế của miền Nam không? Vấn đề là nhu cầu hay phẩm chất? Vấn đề nào là ưu tiên
số một của ngành Y Khoa?
Theo giáo sư Trần Ngọc Ninh (Y khoa bác sĩ, 1923, 405 Hai Bà Trưng Sài gòn.
Theo Niên lịch công đàn), người đã trải qua những kinh nghiệm đắt giá về chế độ
sinh viên nội trú. Ông viết :
“Những năm đầu tiên của chế độ nội trú có một người đậu mỗi năm, mở đầu(1936)
là anh Mai Sĩ Đoàn đã chết vì bệnh lao, rồi đến anh Trần Văn Bảng, anh Tôn Thất
Tùng, anh Đặng Văn Chung, anh Phạm Biểu Tâm, anh Đinh Văn Thắng, anh Nguyễn Đình
Cát, mỗi người một năm. Đến năm 1942 mới lấy hai người đậu, anh Nguyễn Hữu(giáo
sư y khoa, bác sĩ giám đốc viện giải phẫu, sài gòn, theo tài liệu Niên lịch công
đàn) và anh Nguyễn Văn Thành.
Trích: Một chút lịch sử y khoa, Đại Học Đường Sài Gòn, giáo sư Trần Ngọc
Ninh, trang 35
Cũng theo giáo sư Ninh, kể từ 1966 trở về sau hằng năm có đến 25 đến 50 sinh
viên được tuyển làm nội trú.
Tại sao mãi đến năm 1966 vấn đề sinh viên nội trú mới được mở rộng? Phải
chăng vì chế độ học theo Pháp đã cáo chung? Cũng vào năm nay, một ông tướng võ
biền Nguyễn Cao Kỳ đã phát lệnh đả phá trường Tây và chấm dứt liên hệ ngoai giao
với Pháp!
Trường Y Khoa đưới cái dù của pháp như con nòng nọc đứt đuôi Giáo sư Pháp bỏ
về nước. Bằng bác sĩ Y Khoa ở VN không còn được nhận tương đương với bằng
Pháp.
Cũng theo giáo sư TNN là từ năm 1945 đã có việc sinh viên bãi khóa để
đòi hỏi hủy bỏ chế độ nội trú ” bất công và thiếu nhân đạo”. Cũng từ năm 1945 đã
có những soạn thảo về việc xử dụng tiếng Việt trong Y Khoa noi gương người khởi
đầu xử dụng tiếng Việt trong ngành Khoa học là giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Những tiết lộ của giáo sư TNN là quý giá và rất quan trọng.
Ý hướng như thế là quá tốt đẹp. Vậy mà 30 chục năm sau, trường Y khoa vẫn giữ
“giấc ngủ trưa”gò ép chế độ nội trú và việc chuyển ngữ tiếng Việt. Những ai là
người trách nhiệm kìm hãm đà tiến và sự phát triển y khoa Sài Gòn trong tầm
ngưỡng vọng theo kịp thế giới như bác sĩ Thắng mong đợi?
Và để đến nỗi sau này sinh viên y khoa Sàigon phẫn uất rồi bùng nổ bung ra,
một phần do việt cộng dật giây đã biểu tình đòi hỏi việc chuyển ngữ tiếng Việt
cũng như nới lỏng quy chế nội trú.
Đó là phản ứng tiêu cực chống đối các thầy, nhưng lại rất tích cực vì hai mục
tiêu đòi hỏi rất chính đáng-đáng nhẽ phải được thực hiện từ lâu- đã không làm,
đã nhất định giữ nguyên trạng tình trạng Hậu Thuộc địa theo lối đào tạo chính
quy của Pháp.
Pháp dạy làm sao, đào tạo kiểu nào, ta đào tạo kiểu đó.
Mặc dù rất kính phục giáo sư TNN, nhất là về phạm vi văn hóa- mà nay chỉ có
mình ông đứng ra đứng mũi chịu sào, vì ông Hữu bỏ đi Pháp từ thời đó, ông Phạm
Biểu Tâm không còn nữa.
Nhưng luận cứ cho rằng:
“Nhưng vấn đề vô cùng phức tạp và có rất nhiều khía cạnh trong đó có sự dung
hòa giữa nhu cầu giữ phẩm chất cho nền y học Việt Nam là một trách nhiệm mà giáo
dục y khoa không thể không cân nhắc”.
Trích Tran Ngoc Ninh, IBID, trang 3
Tôi không dám lạm bàn đến
Phẩm chất đại học. Nhưng tôi dám nói rằng quy chế nội trú y khoa là bất công đối
với đa số sinh viên.
Đây là luận cứ có giá trị biện hộ hơn là giá trị chứng thực. Tôi đã hỏi một
số bác sĩ thì phần đông đều ca thán về cách đào tạo của trường Y Khoa Sai Gòn.
Nhiều người nhìn nhận khi ra trường còn ngù ngà ngù ngờ. Nói một cách hơi quá
đáng, rành đỡ đẻ không hẳn phải nhờ thầy mà là nhờ kinh nghiệm đỡ đẻ do y tá
truyền lại. Nếu không có bác sĩ Trần Đình Đệ, học hậu đại học về sản khoa ở Mỹ
về thì ngành này đi đến về đâu?
Dù câu chuyện trên đây hé lộ một phần nhỏ sự thật cho thấy cách đào tạo của Y
Khoa Sài Gòn vấp váp về nhiều mặt: Chương trình học lỗi thời, chậm lụt, kỹ thuật
kém không thực tế, không bám sát vào nhu cầu y tế VN, nhiều chương trình học
viển vông chỉ dùng cho nghiên cứu chuyên ngành, lý thuyết xuông, học mà không
hành, học bằng mắt, học bằng xem mà không học bằng tay.
Học để là bác sĩ hơn là để làm bác sĩ.
Phương pháp giảng dạy, cách dạy, cách truyền đạt không nhằm đối tượng được
truyền đạt mà nhằm chủ yếu người truyền đạt, tùy thuộc vào cá tính người truyền
đạt- đôi khi phô trương và cả dấu nghề- đôi khi giữ tài liệu cho riêng mình-đôi
khi lấy cái giỏi của mình làm cớ cho sự khinh miệt người khác.
Dĩ nhiên không
thiếu nhiều thầy thương học trò, hết lòng chỉ dẫn.
Trò có mắt đế biết ơn thầy theo đúng đạo Thầy-Trò.
Nhưng một số sai lầm trên là những sai lầm từ căn bản- sai lầm về chủ đích
giáo dục và triết lý giáo dục.
Dạy là truyền đạt mà nếu kết quả không đạt được thì lỗi ở người truyền đạt
không phải người được truyên đạt. Trồng cây ăn trái mà không cho trái thì lỗi ở
người làm vườn. Hai năm đầu y khoa là hai năm lý thuyết vô tích sự.
Chế độ dạy tiếng Pháp đi ngược lại quyền lợi sinh viên và tình tự dân
tộc.
Chế độ nội trú (tôi không nói đến các resident ở Hoa Kỳ) cực kỳ khắt khe
trong tuyển chọn tạo ra những ưu đãi tuyệt đối, quyền lực tối cao nơi ông thầy,
hãnh tiến nơi người được tuyển chọn trong nỗi nhục nhã của những kẻ không được
chọn và không đếm xỉa đến thành phần đa số còn lại. Giai cấp giữa giai cấp- bạn
bè đồng nghiệp người cao kẻ thấp- bất công trong nhiệm vụ và sứ mạng phục vụ-lý
tưởng, sự say mê trở thành đui què, thất vọng -nhẫn nhục trở thành sự khôn ngoan
theo bước chân Hàn Tín-.
Cái đa số là mục đích của giáo dục và là triết lý
giáo dục chứ không phải cái thiểu số.
Đa số hay thiểu sổ nếu không nắm được nguyên tắc ấy, làm giáo dục là phản
giáo dục.
Cái lỗi lầm về giáo dục kéo dài chỉ người trong cuộc mới hiểu cho thấu.
Nhưng tôi vẫn tin vào lời phát biểu của giáo sư Trần Ngọc Ninh viết:
“Trong nghề bắn cung, chỉ có thể có một người giỏi nhất. Trong việc mổ không
có vấn đề ấy. Trong sự dạy học, người thầy phải mong rằng học trò giỏi hơn
thầy”
Trích Trần Ngọc Ninh, Ibid, trang 55.
Nhưng mặt khác, tôi vẫn nghe được những tiếng nói lỗi nhịp và lạc
điệu.
Một bác sĩ trẻ học trò cha giáo sư Lichtenberger sau ngao ngán kể lại rằng có
lần thầy bảo rằng nếu các anh không được học đến nơi đến chốn thì sau này chẳng
khác gì các anh cầm dao mổ giết người một cách hợp pháp.
Đã có bao nhiêu những chẩn đoán, cầm dao giết người một cách hợp pháp? Vì
không được đào luyện đến nơi đến chốn? Thế nào là đến nơi đến chốn? Học theo
tây- không theo Mỹ- là đến nơi đến chốn?
Một vị khác cho biết cours về Hộ Sản bằng tiếng Pháp của một giáo sư dày cả
trăm trang, đọc chẳng hiểu gì cho lắm. Nhưng khi có một vị giáo sư học từ Mỹ về
cho một cái cours ngắn tóm tắt, mỏng hơn nhiều, đọc dễ hiểu, dễ nhớ hơn .. Nhưng
nắm được ngay điều gì cănn bản y sĩ phải làm theo thứ tự ra sao cứ thế mà
làm?
Trăm trang dài khác cái ngắn hơn ở cái gì ? Có cần tranh luận đến trở thành
tranh chấp già-trẻ, tranh chấp theo Pháp hay Mỹ. Hay chỉ cần so sánh cái cours
100 trang và cái cours ngắn trang là đủ?
Ý kiến của các vị giáo sư thạc sĩ là đúng hay những ý kiến của sinh viên nhỏ
nhoi phản ánh đúng thực trạng giáo dục Y khoa Sài gòn là đáng được nghe, được
trân trọng?
Chỉ từ khi ra Hải ngoại, nhiều vị bác sĩ mới có dịp quay lưng ra
ngoài cửa hang động(diễn giải theo môt huyền thoại Hy Lạp bàn về Kiến Thức
thực-giả) để nhìn thấy ánh sáng mặt trời thay vì chỉ nhìn thấy bóng của chính
mình và cảnh vật bên ngoài lay động phản chiếu trên bức tường hang động.
Cũng
cái vị giáo sư học hộ sản từ Mỹ về cho cái “cours dài vài trang” đã không được
các đàn anh theo tây ngấm ngầm ngăn cản không được bước vào phòng mổ. Chỉ đến
lúc ông dời nhiệm sở cũ đi chỗ khác mới có dịp thi thố tài năng của mình.
Nếu điều này là có thực thì rõ ràng có sự kỳ thị, sự tranh chấp, sự đố kỵ
giữa hai phe già, trẻ, theo Pháp, theo Mỹ.
Kẻ duy nhất chịu thiệt thòi trong cuộc tranh chấp này là các sinh viên Y Khoa
Sài gòn.
Tôi đọc một vài bài viết hồi ký về chuyện đi thực tập của các sinh viên y
khoa. Tôi có cảm tưởng đang đọc một đoạn mô tả “đám rước”, chỉ thiếu cờ xí, võng
lọng và não bạt hơn là một buổi thực tập. Hầu hết từ người đi trong đoàn rước
đến người đứng “ngoài vòng, đứng xa xa” chỉ là những khán giả đứng quan sát ..
Đúng là phúc cho ai được làm nội trú, làm con cưng của thầy, vì y khoa dành cho
họ.
Cách đào luyện khắt khe như thế hoặc có mục đích đào luyện thiên tài, hoặc
nhân danh giữ gìn phẩm chất y khoa, hoặc chỉ là một hình thức kềm kẹp nhau không
cho ai ngóc đầu lên được? Những ranh giới mong manh giữa các điều vừa kể trên có
thể biến một điều tốt nhất, lý tưởng nhất trở thành tồi tệ nhất, đáng đỏ mặt.
Cái tốt, cái xấu đan xen nhau- ranh giới rất mù mờ- bảo rằng lý tưởng cũng được-
bảo rằng bảo thủ, bè phái, cố chấp cũng được- bảo rằng bảo vệ quyền lợi cũng
được- mà một kẻ bàng quan đứng ngoài đôi khi chỉ hiểu được cái hiện tượng, cái
xuất hiện, cái nghe nói, không nắm được cái “yếu tính” của người trong cuộc.
Đó cũng là giới hạn của kẻ viết bài này- Một kẻ ngoài cuộc-. Cho nên sẽ có kẻ
trách, kẻ tán đồng.
Chế độ nội trú ấy vẫn tồn tại từ 1945, vẫn kéo dài ít nhất đến 1966, không
một ai lên tiếng. Biết mà không nói. Hàn Tín đâm ra có vẻ nhiều!
Chậm một năm là thiệt thòi một năm cho sinh viên, chậm 20 chục năm thì thiệt
thòi 20 chục năm.
Vì thế, năm 1958 viện trưởng đại học Huế muốn mở thêm trường Y khoa vì thấy
rằng Việt Nam thiếu bác sĩ trầm trọng. Cứ 30.000 ngàn ngườ mới có một bác sĩ.
Trong khi tại Phi Châu là 20.000/ một bác sĩ. Sự thiếu hụt bác sĩ là nguyên do
từ đâu?
Chỉ rất tiếc không ai đã từng học ở Mỹ về có đủ uy thế để cố vấn cho ông Diệm
ngay từ 1955!
Hội Chứng tôn sùng tiếng Pháp và ngại chuyển hóa tiếng
Việt
Mới đây nhất tại Hải Ngoại, tôi được một người bạn tặng cho
tập san quân y: Quân Y Quân Lực VNCH.(Le corps de Santé. Des forces armées de la
République du Viet Nam). Đây là một tài liệu hữu ích cho thấy 95% nam bác sĩ tốt
nghiệp đều là quân y sĩ.
Chiến trường miền Nam đã ngốn 95% lực lượng y sĩ cho nhu cầu Quân đội. Đó là
một phát lộ làm ngạc nhiên nhiều người không ở trong nghề.
Và biết bao nhiêu
thương bệnh binh VNCH đã được cứu sống nhờ các vị ân nhân là quân y sĩ này. Họ
xứng đáng được tôn vinh nhất trong ngành Y sĩ. Nhìn họ phần đông hào hùng trong
bộ quân phục thêm con rắn trên ve túi áo cho biết họ là ai, không phải thứ
thường. Chẳng những thế, để kiếm thêm tý tiền cà phê cà pháo, tiền bao đào, tiền
soa mạt chược, ngay cả tiền trợ cho vợ trẻ, con thơ với đồng lương ít ỏi của một
y sĩ trung úy mới ra trường .. Họ đã cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân ở những
vùng quê, quận lỵ hẻo lánh.
Bác sĩ thiếu tướng Hoàn giả dụ rằng một ngày không có các bác sĩ này thì sẽ
ra sao?
Tôi cũng ghi nhận một nhận xét “hết lòng” của Y Sĩ Trung Tá Phạm Viết Tú đối
với thương bệnh binh:
“Bây giờ đây, một số đã ra đi vĩnh viễn, một số khác đang sống vất vưởng nơi
quê nhà, chịu mọi sự đắng cay và thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần, do
thù hận và kỳ thị. Một số nhỏ khác có lẽ đang sống một cuộc sống không kém khó
khăn tại các nước dân chủ tự do. Cuộc chiến vừa qua tại Việt Nam, các thương
bình VNCH đã thực sự bị bỏ rơi và bị nhiều thiệt thòi nhất. Biết đến bao giờ các
anh hùng tử sĩ, các chiến sĩ VNCH mới được vinh danh trở lại?
Trích Quân Y quân lực VNCH, bài Tổng Y viện Duy Tân trong cuộc chiến
chống Cộng (1967-1972), Y sĩ trung tá Phạm Viết Tú, trang 309
Điều ngạc nhiên là tập tài liệu này được in và xuất bản năm 2000,
nhưng nội dung các bài viết hầu hết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp.
Chắc hẳn Ban Biên tập có một dụng ý gì đó nên có chủ trương như vậy không
tiện nói ra chăng!
Tôi cũng quay ngược lại quá khứ vào những năm xa xôi đầu thời kỳ thuộc địa
Pháp năm 1860, nhà Chung công giáo đã lập trường Adran, được gọi là trường
Pháp-Việt. Đô đốc La Grandière là người đã mời các sư huynh(Frères des écoles
Chrétiennes)sangVN điều khiển trường.
Sang năm sau, đến lượt các dì phước dòng áo trắng(Soeurs Saint Paul de
Chartres) lập trường học cho các trẻ em nữ.
Xem L’Ouvre Francaise d’Enseignement au VN, A. Rivalen, tạp chí
France-Asie, số 125-126, Sài Gòn 1956.
Tiếng Pháp chính thức du nhập trở thành sinh ngữ chính trong nền
giáo dục Việt Nam. Vì vậy, việc dùng tiếng Pháp như một sinh ngữ chính được áp
dụng tại một số trường công giáo thuộc hệ thống La San cũng như hệ thống các
trường bà sơ có gốc gác dòng mẹ ở Tây đã kéo dài trong nhiều năm.
Lúc đầu không nói làm gì, nhưng việc nó được duy trì và kéo dài trong nhiều
năm trong một tình thế đất nước và lịch sử đã sang trang là một trái chiều khó
chấp nhận.
Điều đó nó tố cáo một thái độ chậm lụt, không thức thời, trì trệ
và thiếu tinh thần dân tộc.
Trong khi các trường công giáo khác trên toàn miền Nam không ở trong quỹ đạo
La San thì vấn đề dạy tiếng Việt đi theo hướng chung của hệ thống giáo dục toàn
miền Nam.
Kể từ đó, nhiều trường học công giáo được mở ra trên khắp VN, nhất là sau
1954 đã không ở trong quỹ đạo của hai trường đó. Và cũng tạo được những thành
quả không kém ai.
Riêng hệ thống trường Tây công giáo, họ dễ dàng tạo được uy tín trong giới
trung lưu thành thị. Ai có tiền của, có địa vị xã hội- bất kể thành phần tôn
giáo nào – đều muốn cho con theo học tại các trường trên và thường phải trả một
giá học phí cao.
Nó tạo ra hai hệ thống giáo dục, một cho con nhà dân giả, một cho giới thượng
lưu, có tiền có của.
Sỉ số học sinh các trường này tăng vọt lên mức trần 2000 học sinh mỗi năm. Có
con học ở đây thì yên tâm nhiều bề và không khỏi có niềm hãnh diện thầm kín của
bậc làm cha mẹ.
Rồi từ đó, hai hệ thống trường Nam và Nữ ấy vẫn giữ độc quyền “quy chế trường
tây”.
Sau này, tại Sài Gòn, chỉ còn lại hai trường duy nhất dạy chương trình Pháp
là trường Marie-Curie để dạy trung học và 2 trung tâm giáo khoa Colette và
St-Exupéry để dạy tiểu học.
Như thế, có đến hai hệ thống giáo dục trung tiểu
học: một hệ mà tuyệt đại đa số là trường Việt, một thiểu số còn giảng dạy bằng
tiếng Pháp.
Ở bậc đại học, chỉ còn lại hai nơi vẫn duy trì giảng dạy bằng
tiếng Pháp: Đó là Viện đại học Đà Lạt và trường Y Khoa Sài Gòn.
Chúng ta
không bàn đến trường Y Khoa Ở Hà Nội lúc đầu vào năm 1902 khi mới thành lập.
Việc giảng dạy bằng tiếng Pháp là điều đương nhiên phải như thế trong chế độ bảo
hộ.
Chúng ta cũng không đề cập đến những năm từ 1947-1954 dưới thời các chính
phủ Nguyễn Văn Xuân- Nguyễn Phan Long- Trần Văn Hữu-Nguyễn Văn Tâm- Bửu Lộc vì
bản thân những vị này theo Tây. Ngay trong Hiệp định Élysée có điều khoản
ghi:
” Bộ Quốc Gia giáo duc Việt nam sẽ tổ chức một nền giáo dục từ tiểu học đến
đại học. Tiếng Pháp được ưu đãi và sẽ là tiếng công dụng ngoại giao ở Việt Nam,
được dạy ở bậc tiểu học và bắt buộc dạy từ trung học trở lên “.
Trích Viêt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ, trang 151
Nhưng những cơn gió chính trị đã có lúc quét người Pháp ra khỏi vùng
ảnh hưởng ở Việt Nam dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Trong khoảnh khắc, quân
Pháp nhường chỗ cho quân Nhật và Tổng Tư Lệnh Nhật tuyên bố:
“Người Nhật trao trả độc lập cho VN để cùng nhau lập khối Đại Đông Á”.
Bảo Đại trao trọng trách cho Trần Trọng Kim lập chính phủ ngày 17-4-1945
Trong một tình tthế cực kỳ cam go với nạn đói đang hoành hành tại Bắc Việt,
ông Hoàng Xuân Hãn vẫn đưa ra chương trình cải tổ giáo dục ở Huế. Cùng với quý
ông như Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Huy Bảo, linh mục Nguyễn Văn Hiền, Tạ Quang
Bửu, Ưng Quả, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Đào Duy Anh và Ngô Đình Nhuvv.. Ông
Hoàng Xuân Hãn đưa ra chương trình cải cách giáo dục bằng cách dùng tiếng Việt
làm sinh nghữ chính trong giáo dục Việt Nam .
Mặc dầu chính phủ Trần Trọng Kim chỉ đứng vững sau mấy tháng. Chương trình
Hoàng Xuân Hãn vẫn là Kim Chỉ nam cho các chương trình giáo dục sau
này.
Hoàng Xuân Hãn cũng là người đã thực hiện được cuốn Danh từ khoa học
..điều đó cho thấy rằng những viện cớ việc chuyển ngữ các danh từ khoa học là
điều bất khả thi chỉ che dấu một sự ngụy biện trá hình của một tình trạng vọng
ngoại và vong bản?
Khi đã quét sạch bóng dáng người Pháp ra khỏi xứ này thì không có bất cứ lý
do nào chính đáng để biện hộ- như giữ gìn phẩm chất giáo dục- được nữa.
Tiếng
Việt của người Việt, cho người Việt, giữ gìn trong sáng tiếng Việt là bổn phận
người Việt, v.v…
Trường đại học Đà lạt còn có thể chấp nhận được việc giảng dạy bằng tiếng
Pháp, vì toàn bộ các giáo sư là các linh mục người ngoại quốc mượn từ bên Giáo
Hoàng Chủng viện Pio 10 sang dạy cho sinh viên Đại Học Đà Lạt (trừ hai ba giáo
sư người Việt).
Nhưng còn trường y khoa Sai gòn, ngoài một số các giáo sư người Pháp, phần
lớn còn lại là giáo sư người Việt. Giáo sư người Việt có đủ khả năng dạy Y Khoa
bằng Việt được không?
Đó là câu hỏi đặt ra cần có câu trả lời.
Vấn đề dạy tiếng Việt ở Đại học là trách nhiệm của các khoa trưởng, viện
trưởng mà không bị bất cứ chi phối nào từ thẩm quyền cao hơn?
Đối với riêng môn Triết học ở miền Nam ngay từ thời Đệ nhất Cộng Hòa, dưới sự
“bảo trợ” của luật sư Đào văn Tập đã soạn được một cuốn sách mỏng(256 trang) in
và tái bản hai lần gọi là Danh Từ Triết Học. Tham vọng của nhóm soạn thảo là
thực hiện được một cuốn tự điển danh tiếng như tự điển Lalande của Việt Nam ..
Nhóm này gồm LM. Cao Văn Luận, Đào văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Tuyên và
Linh Mục Xuân(Corpet). Nhưng chẳng may luật sư Đào Văn Tập mệnh yểu, cả chương
trình thực hiện Bộ Bách khoa Tự Điển không có cơ hội thực hiện.
Ngoài ra, linh mục Trần Văn Hiến Minh, một mình, đã soạn được bộ Từ Điển Danh
từ Triết Họ và thần học, in photocopy và 21-1. năm. Cuốn sách dày hơn 400 trang,
mỗi trang vào khoảng 13 danh từ được dẫn giải theo nghĩa từ nguyên và các nghĩa
khác nhau tùy theo mỗi triết gia. Công chung có hơn 5000 ngàn chữ ..
Không có thứ chữ nào dù là khoa học, dù chuyên môn lại không thể không chuyển
ngữ được. Nếu chưa chuyển dịch được thì tạm để nguyên chữ.
Cái vấn đề là
chuyển ngữ cái đầu trước khi chuyển ngữ.
Hội chứng Hậu thuộc địa do sư muốn duy trì tiếng Pháp nó gợi nhắc đến các
chính Phủ Nguyễnn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Trần văn Hữu thời 47-54. Nhưng nó
không thể chấp nhận được sau năm 1955 vì nó chứng tỏ sự lạc hậu lỗi thời và
thiếu chính trị.
Tại Viện Đại Học Huế, có mở thêm phân khoa y khoa vào năm 1959 và ở nơi đây
đều được dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt khi giáo sư là người Việt. Sau này đại
học Minh Đức cũng dạy bằng tiếng Việt một cách suông sẻ.
Vậy thì Y khoa Sài Gòn lấy lý do gì để biện minh cho việc cứ dạy tiếng Pháp
mặc dầu biết rằng một số không nhỏ sinh viên học chương trình Việt sẽ không nghe
kịp, không hiểu kịp.
Tôi không trả lời thay cho ai được và trách nhiệm tinh thần của người thầy
dạy là truyền đạt. Nếu không truyền đạt được thì ý nghĩa việc giáo dục là
gì!
Cái tinh thần gò bó ấy, cụ Trần trọng Kim gọi là tinh thần Học Phiệt:
“Ở xã hội ta ngày nay có một hạng người, nghe nói đến nước mình thì ngây ngây
ngây như người ngoại quốc; sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ
biết qua loa, đủ dùng trong sự giao thiệp hằng ngày”
Trích Nguyễn Văn Y. Nhà Giáo, Sài gòn, 1973, trang 132.
Và cộng sản đã lợi dụng dịp tranh chấp này đưa ra những luận điệu về hùa
trong tờ Hồn Trẻ như sau:
“Vấn đề đấu tranh đòi chuyển ngữ ở Đại Học Y Khoa được Hồn Trẻ làm hậu thuẫn,
đăng nguyên văn nghị quyết 5 điểm của “Ủy Ban vận động chuyển ngữ đại học và
chống trường ngoại quốc ở Việt nam và Hồn Trẻ bình luận:
“Sau các buổi hội thảo về vấn đề chuyển ngữ, sinh viên Y Khoa đã biểu lộ
quyết tâm đẩy mạnh vấn đề làm chuyển biến một hiện tượng chậm tiến và nô lệ hãy
còn tồn tại. Tuy nhiên công việc hãy còn dở dang vì ý kiến bảo thủ của một số
giáo sư viện cớ nào là nếu học tiếng Việt thì sinh viên sẽ kém ngoại ngữ, nào là
việc dạy sẽ khó khăn. Hồn trẻ thấy tất cả mọi lý do nêu ra đều không có lý do.
Chỉ có một lý do độc nhất là có một số người cho đến nay vẫn còn mang nặng đầu
óc nô lệ, không nô lệ chính trị mà nô lệ tư tưởng, nô lệ mặc cảm, hay mang các
bệnh lười, chỉ theo thói quen mà không chịu cải tiến.
Hồn Trẻ cương quyết đứng về phía anh em sinh viên và sẽ ủng hộ đến cùng”.
Trích Trui rèn trong lửa đỏ, Tập Ký sự truyền Thông Thành Đoàn, tập 1,
trang 140
Việc tranh chấp tại trường Y Khoa giữa hai khuynh hướng theo Pháp và
theo Mỹ.
Việc tranh chấp giữa hai nhóm theo Pháp và theo Mỹ đã được giáo sư Trần Ngọc
Ninh nhắc tới với những lời giải thích còn chưa được rõ ràng.
Người ta còn nhớ là ngay từ tháng 10/1958, giáo sư Jason đã làm một bản phúc
trình: Report on proposed medical Center for Viet Nam về các vấn cơ sở, nhân
viên và học trình. Sau nhiều buổi thương thuyết giữa Mỹ và các giáo sư trường Y
khoa đã không đem lại kết quả cụ thể gì.
Lý do tại sao không đem lại kết quả gì thì không được rõ.
Chú thích: Mỹ có nhiều tổ chức khác nhau nhằm hỗ trợ Việt Nam về giáo dục như
các cơ quan: USAID, phụ trách quản lý giáo dục, cấp học bổng, đào tạo sinh viên.
AID: Lo đào tạo trí thức, cán bộ giáo dục U .S. I. S. Sở thông tin Hoa Kỳ trắc
nhiệm các sinh hoạt văn hóa, thư viện, dạy tiếng Anh vv..Cho đến năm 1969, có
469 người được đi du họ tại mỹ ..Tổng số sinh viên Y, Nha, Dược năm 1973-1974 là
2610 …
Cái thế chính trị của người Pháp không còn nữa. Dựa vào yếu tố gì để ngả theo
Pháp? Và trên thực tế, Pháp đã giúp được gì cho trường Y khoa: vấn đề đào tạo
nhân sự, cung cấp giáo sư, cung cấp dụng cụ y khoa, trường sở, tài liệu sách
vở?
Đã có thêm bao nhiêu giáo sư tốt nghiệp từ Pháp về?
Những xung khắc đối đầu giữa hai phía giữa giáo sư trẻ và giáo sư già đã được
giáo sư Trần Ngọc Ninh xác nhận rõ tính chất của cuộc tranh chấp:
“Nguyên
nhân của cuộc khủng hoảng là sự tranh chấp quyền hành giữa các nhân viên giảng
huấn trẻ và nhóm giáo sư già giữ quyền hành trong trường qua Hội Đồng Khoa. Nhóm
trẻ trách rằng nhóm già chèn ép và ngăn chặn sự tiến thủ của các người trẻ
(..).. Nhóm trẻ quy tụ lại trong sự trách móc rằng nhóm già chịu ơn của thực dân
Pháp nên cố duy trì ảnh hưởng của Pháp ở trường Y Khoa. Những người không muốn
đi vào chính trị nói rằng các ông già bảo thủ.
Các giáo sư không tuyên bố lập
trường, nhưng có ý trách rằng bọn trẻ theo mỹ một cách quá khích.
Về phía Hoa
Kỳ, tuy có một chương trình y khoa mới do Giáo sư J.M May thảo ra với sự đóng
góp của giáo sư Việt Nam, Nhưng từ Wagshington có những áp lực để bỏ chương
trình ấy mà theo chương trình của một trường y khoa Hoa Kỳ để cho sự trao đổi
giáo sư được thuận tiện.
Cuộc tranh chấp lên đến cao độ đi đến vệc bãi nhiệm
khoa trưởng là giáo sư Phạm Bửu Tâm và bầu lên một ủy ban gồm 5 người để điều
hành việc trường: Đó là các bác sĩ Ngô Gia Hy, Trần Anh, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn
Thế Minh và Lê Minh Trí.
Tôi là người mà sự học đã hoàn toàn ở Pháp. Tôi cũng chủ trương ít ra là
trong một thời kỳ chưa biết bao lâu là phải đào tạo một lớp nhân viên giảng huấn
ưu tú theo con đường hẹp của các kỳ thi tuyển”.
Trích: Một chút lịch sử Y Khoa Đại Học Đường Sài Gòn, 1954-1975, giáo sư
Trần Ngọc Ninh, trang 155-156.
Giáo sư TNN đã khẳng định, đó là tranh chấp quyền hành. Như vậy là
đủ rồi.
Linh mục Cao Văn Luận cũng đã tiết lộ việc tranh chấp tại Y Khoa Sài Gòn như
sau:
“Người thứ nhất tôi đến tìm là ông Costler, phó giám đốc cơ quan Viện trợ Hoa
Kỳ. Ông tỏ vẻ hiểu biết và cho tôi biết rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ Việt Nam rất
nhiều về Khoa Học Kỹ thuật, nhưng không thể giúp gì cho y khoa được. Từ ba năm
nay, Hoa Kỳ cũng muốn giúp đỡ y khoa Việt Nam phát triển, nhưng vì sự cạnh tranh
giữa hai khuynh hướng Pháp và Mỹ nên đành bó tay”.
Tôi hứa với ông ta là trong đại học y khoa Huế, tương lai vấn đề cạnh tranh
ảnh hưởng giữa Pháp và Mỹ sẽ không thành vấn đề. Ông hứa sẽ nghiên cứu sự yêu
cầu giúp đỡ của tôi và sẽ thông báo sau”.
Sau đó, cha Cao Văn Luận đã đi gõ cửa tòa đại sứ Pháp. Đây là nội dung cuộc
trao đổi giữa hai bên:
“Nơi thứ hai mà tôi tìm đến là tòa đại sứ Pháp. Ông
tham vụ tòa đại sứ Pháp trả lời cho tôi biết rằng chính phủ Pháp hiện đã dốc các
nỗ lực giúp cho đại học Y khoa Sài gon và thấy khó có thể giúp thêm cho đại học
y khoa Huế, vì vậy không thể hứa điều gì ngay lúc này, nhưng sẽn nghiên cứu và
cho biết sau”.
Trích Cao Văn Luận, Ibid, trang 11-12
Theo như lời tiết lộ của ông Costler là sự tranh chấp kéo dài từ ba năm nay,
tức là bắt đầu khoảng năm 1955.. Và người Mỹ thất vọng vì không giúp gì được cho
Y khoa Sài Gòn nên cũng không có ý định giúp y khoa Huế.
Phần Tham vụ tòa đại sứ Pháp cho biết đã tốn công của để giúp y khoa Sài Gòn
nên không đủ phương tiện giúp y khoa Huế.
Qua viên Tham vụ tòa đại sứ Pháp, người ta thấy rõ ràng cánh giáo sư thân
Pháp đã chọn lựa dứt khoát đứng về phía Pháp và chiếm được ưu thế, hất cẳng Mỹ
ra ngoài..
Cũng theo giáo sư Trần Ngọc Ninh:
“Kinh nghiệm của Mỹ đã thất bại khi trường Harvard giúp trường Đài Loan,
trường California ở San Fransisco giúp trường Djakarta là hai thí dụ lớn nhất,
là hai thất bại điển hình. Chúng tôi cũng không muốn thất bại, nên ông Khoa
trưởng Phạm Biểu Tâm, thay mặt Hội Đồng Khoa, đã từ chối trường ILLinoi, từ chối
trường Seattle, từ chối mấy trường khác nữa và đưa ra lời đề nghị hợp tác với
Hội Y Sĩ Hoa Kỳ để nhờ Hội tuyển mộ hộ Giáo sư tham quan trên căn bản cả nước
cho trường của chúng tôi.
Tôi hiểu rằng Hội Y Sĩ Hoa Kỳ(AMA) chưa bao giờ làm
công việc ấy, chưa bao giờ có thể nghĩ rằng có thể làm cái việc ấy. Các ông nói
là một phiêu lưu, tôi nói là một thách thức.
Tôi dứt lời thì Ủy ban xin rút ra để họp riêng trước khi ra mắt báo chí, và
sau đó yêu cầu tôi cùng ho[. báo với họ.Trung tướng Humphreys cũng ngồi vào
bàn.Ủy ban công khai tuyên bố sự cộng tác của Hội Y sĩ Hoa Kỳ vào việc cải tổ
giáo dục y khoa tại Việt Nam.
Trường thuốc mới được khánh thành một năm sau và là sự nghiệp độc nhất có thể
làm cho nhân dân Hoa Kỳ hãnh diện được ở Việt Nam”.
Trích Trần Ngọc Ninh, Ibid, trang 31-32
Giáo sư Trần Ngọc Ninh không cho biết những lý do gì đã khiến giáo sư Phạm
Biểu Tâm năm lần bảy lượt từ chối tất cả sự giúp đỡ của các trường đại học Hoa
Kỳ.
Có thể cho đến nay cũng ít ai có may mắn biết rõ những nguyên nhân chính
của sự từ chối này !! Có thể suy đoán là các vị giáo sư có trách nhiệm trong Hội
Đồng Khoa đã chọn Pháp như một người tài trợ chính cho trường Y Khoa.
Tôi không biết những lý do bên trong tại sao lại từ chối, nhưng với tư cách
một người dân thường chẳng có liên quan gì đến trường Y khoa. Tôi cảm thấy tiếc
hùi hụi, chúng ta đã bỏ mất nhiều cơ hội để cho các sinh viên hoặc bác sĩ đi tu
nghiệp tại nhiều trường Đại học danh tiếng trên đất nước Mỹ. Chúng ta kêu thiếu
nhân viên giảng huấn (96 người). Nhưng chúng ta lại từ chối những cơ hội bằng
vàng cho sv đi tu nghiệp.
Cho nên sự chọn lựa Pháp là một chọn lựa thiếu chính đáng, không đếm xỉa
quyền lợi của sinh viên Y Khoa cả.
Nhưng sau đó, sự tranh chấp vượt ra khỏi khuôn viên đại học y khoa trở thành
một vấn đề chính trị. Thủ tướng Trần Văn Hương chỉ định người học trò cũ của
mình là bác sĩ Lê Minh Trí (Y khoa bác sĩ, 1926, 96 Phan Đình Phùng, sài Gòn)làm
tổng trưởng giáo dục. Việc bổ nhiệm này nhằm thay đổi và cải tiến trường Y Khoa
trong chiều hướng thân Mỹ và nhận sự tài trợ của Mỹ. Nhưng chỉ sau 4 tháng nhậm
chức, ông bị cộng sản sát hại.
Xin ghi lại lời tường thuật của những tên khủng bố cộng sản:
“Đến năm 1968 lại xuất hiện một tên tay sai có tầm cỡ hơn: Bộ trưởng Giáo Dục
và Thanh Niên Lê Minh Trí. Là một trí thức tay sai đế quốc Mỹ..(..) Hắn đòi giải
tán các tổ chức hợp pháp của sinh viên, học sinh. Hắn cũng đã chủ trương chiếm
và tiến tới dẹp bỏ trụ sở Tổng H sinh viên ở số 4 Duy Tân. Trừng trị kịp thời
con rắn độc này là một nhiệm vụ chính nghĩa, quang vinh. Ban quân sự Thành Đoàn
được Thành Ủy giao cho nhiệm vụ vinh quang ấy. Đồng chí Ba Tung, phó ban đội
trưởng tiếp đánh.Ba Tung cùng với Ngô Văn Thừa khẩn trương bám sát nhận mặt,
nghiên cứu quy luật đi về của hắn. Ba Tung đề xuất cách đánh: xử dụng lựu đạn,
bỏ thuốc nổ cực mạnh C4 của Mỹ ném vào xe lúc chúng đang chạy đến ngã tư – có
tốc độ giảm – phương án tác chiến được nghiên cứu và xác định rất khoa học. Để
có lựu đạn, Ba Tung phải làm hai cái đồng hồ điện kiểu của lực lượng võ trang
Thành Đoàn và đưa cho vợ mang lên tận Hốc Môn đổi cho đơn vị biệt động huyện Ba
Tung có được hai quả M.6 mừng quá Ngày 6 tháng 1 năm 1969, lúc 7 giờ 50, một
trong hai quả lựu đạn ấy nổ ngay trong xe của tên Lê Minh Trí, lúc xe của nó
chạy trên đường Nguyễn Du rẽ qua đường Hai bà Trưng.
Trích Trui Rèn trong lửa
đỏ, trang 110 .
Tôi được xem tấm hình bác sĩ Trí bị ám sát. Ông nằm trên đường, mặc áo
chemise trắng lỗ chỗ vết màu trên người, thắt cà vat, nằm vắt chân chữ ngũ xem
như hãy còn tỉnh. Cạnh đó đã có quân cảnh cầm súng đứng gác. Nhưng chưa thấy xe
cứu thương tới. Đưa vào nhà thương thì đến chiều ông chết. Người tài xế cũng
chết ngay tại chỗ.
Riêng người cận vệ chỉ bị thương nhẹ.
Hai ông Thiệu – Kỳ cũng như Thủ tướng Trần văn Hương sau đó đều đến phúng
điếu. Ông Hương khóc cho người học trò cũ uổng mạng. Về phía Mỹ, có đại sứ
Bunker.
Cái chết của bác sĩ Lê Minh Trí, Trần Anh là những mũi tên tẩm thuốc độc giết
hai ba mạng người một lúc, nhưng cũng nhờ đó dịu bớt một mối đau thương của Y
Khoa Sài Gòn.
Quả thực đã có một thời nhiễu nhương không đáng do những Hội chứng Hậu Thuộc
Địa để lại tạo ra những tranh chấp của một xu hướng bảo thủ và một xu hướng muốn
đổi mới!
Quả thực đã có một thời như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét