Bộ Ngoại giao Brazil giải thích Tổng thống nước này không gặp mặt Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 13/4 vì ‘lịch trình không cho phép’.
Hôm thứ Sáu 13/4, thay vì từ Cuba tới Brazil thăm chính thức theo kế hoạch loan báo từ trước, ông Nguyễn Phú Trọng đã bay thẳng về Việt Nam. Trước đó, các kênh chính thức của Việt Nam thông báo ông Trọng sẽ thăm hữu nghị Brazil “theo lời mời của Tổng thống Dilma Rousseff” từ 13/4-15/4.
Thông tấn xã Việt Nam nói nguyên nhân hủy chuyến thăm vào phút chót là ‘do khó khăn đột xuất của phía Brazil’ nhưng không nói rõ đây là khó khăn gì.
BBC Tiếng Việt đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Brazil và vừa nhận được công văn giải thích lý do.
Công văn viết: “Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, đã phải thay đổi lịch trình của mình cho ngày 13/4 để lên đường trong cùng ngày tới Cartagena, Colombia, nơi bà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ”.
“Đã có những thay đổi bất ngờ trong kế hoạch của bà Rousseff và một số cuộc gặp đã bị hoãn, trong đó có cuộc gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày hôm đó.”
Bộ Ngoại giao ở Brasilia dùng từ ‘hoãn’ thay vì ‘hủy’, nhưng theo nguyên tắc lễ nghi nếu như người đứng tên mời không có mặt thì chuyến đi không thể nào thực hiện được.
Đại diện Đảng Cộng sản Brazil cũng nói với BBC rằng họ được giải thích rằng vì bà tổng thống không thể tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, nên chuyến đi của ông đã bị hủy chỉ vài ngày trước khi nó diễn ra.
Đảng này cho hay chính họ cũng bất ngờ trước thông tin trên. Mới hôm 11/4, nhân chuyến thăm của ông Trọng, phía Brazil đã tổ chức lễ khai trương Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam (Abraviet) với mục đích thúc đẩy quan hệ hai bên.
Mất uy tín?
Các chuyến đi của quan chức hàng đầu các quốc gia, nhất là các vị trí như thủ tướng, chủ tịch nước hay ở các nước cộng sản là tổng bí thư Đảng Cộng sản, đều phải được chuẩn bị trước một thời gian dài.
Giới bình luận cho đây là cử chỉ có thể gây ảnh hưởng quan hệ nghiêm trọng dù vì bất cứ lý do nào.
Một cán bộ ngoại giao Việt Nam giấu tên nói với BBC rằng một số nước xem ông Trọng như nguyên thủ quốc gia của Việt Nam nhưng cũng có những nước không mặn mà lắm với tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện dư luận trong nước đang có nhiều đồn đoán xem ‘lý do thực sự’ của việc hủy chuyến thăm này là gì.
Cũng có ý kiến sự cố ngoại giao này còn ảnh hưởng tới uy tín của ông tổng bí thư, chỉ một năm sau khi ông nhậm chức.
Báo chí trong nước không hề đề cập gì thêm tới việc thăm Brazil mà chỉ tập trung ca ngợi ‘thành công của chuyến thăm Cuba’ của ông Nguyễn Phú Trọng, nơi ông có bài thuyết giảng về chủ nghĩa xã hội tại Trường đảng cao cấp Nico Lopez.
Thông thường, các nước khi đối diện các sự cố liên quan thể diện quôc gia sớm muộn đều có cử chỉ phản đối, thậm chí ‘trả đũa’.
Không rõ phía Đảng Cộng sản Việt Nam có phản ứng như thế nào.
Chính phủ Việt Nam luôn nói “Việt Nam coi Brazil là đối tác toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi”, có nhiều điểm tương đồng.
Bản thân bà Tổng thống Dilma Rousseff xuất thân cánh tả.
Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989. Thương mại song phương giữa hai bên những năm gần đây tăng nhanh từ 100 triệu đôla năm 2005 lên hơn 900 triệu đôla năm 2010 và trên 1,4 tỷ đôla vào năm ngoái.
18-04-2012
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét