Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Miến Điện: DC Vận Hành

Tin chấn động. Ngày 23-4-2012, Bà Aung San Suu Kyi và 42 chiến hữu dắc cử dân biểu không dự phiên họp tuyên thệ ở Quốc Hội Miến Điện. Có người lo phải chăng nền dân chủ Miến Điện mới vừa xây đấp đang đổ vỡ. Không. Lịch sử tự do, dân chủ, kinh nghiệm sinh họat dân chủ cho thấy không phải vậy. Trái lại dân chủ đang vận hành ở Miến Điện.


Phát ngôn viên của Liên Đòan Tòan Quốc Vì Dân Chủ là ông Nyan Win và chính bà Aung San Suu Kyi tuyên bố nhấn mạnh rằng không có ý định tẩy chay khóa họp quốc hội, mà chỉ phản đối ngôn từ trong lời tuyên thệ và mong vấn đề này có thể được giải quyết mau chóng. Qui vị này chỉ yêu cầu lời tuyên thệ phải đổi lại, dân biểu quốc hội sẽ “tôn trọng” chứ không phải “bảo vệ” hiến pháp.

Ai cũng biết hiến pháp nào cũng có điều khỏan tu chỉnh, tuy khó, đòi hỏi túc số biểu quyết rất cao, nhưng vẫn có quyền tu chỉnh. Hiến pháp của Miến Điện là do chế độ quân phiệt làm, thảo luận biểu quyết chỉ trong một tuần lễ, ngay trong thời kỳ đại nạn của quốc gia dân tộc, cơn bão lụt Nagis tàn phá Miến điện, chết 138,000 người, tài sản tiêu tan vô số kể. Và hiến pháp này lại dành cho quân đội 1 phần 4 tổng số ghế của Quốc Hội,quân đội cử nhiệm chớ dân không bầu, là một trở ngại không thể chấp nhận trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Trong khi đó khi ra ứng cử Bà Suu Kyi và các chiền hữu hứa với cử tri là sẽ sửa đổi hiến pháp, xây dựng dân chủ. Nếu khi đắc cử rồi lại buộc miệng, giơ tay lên thể “ bảo vệ” cái hiến pháp đó thì kẹt cứng sau này, không thể tu chính hiến pháp. Lực lượng đối lập phải thương lượng sửa một chữ thôi, thay vì “bảo vệ” (sauvegarder) thì dùng chữ “tôn trọng” (respecter) nhưng Tòa Bảo Hiến của Miến Điện không đồng ý.

Cũng kẹt cho TT Thein Sein, một vị tướng ra nắm chánh quyền dân sự, người chủ trương dân chủ hóa, hòa hợo hòa giải với đối lập. TT Thein Sein đang công du Nhựt, mà ngày khai mạc tân quốc hội là vào thứ hai. Ông nói “Hôm nay là ngày 20, tôi thấy không thể nào giải quyết kịp thời”. Và trong ngày Quốc Hội họp đối lập không dự, Tổng thống Thein Sein nói với các phóng viên tại Tokyo ông không có ý định thay đổi lời tuyên thệ hiến định, nhưng vẫn cam kết với các cải cách chính trị đang diễn tiến trong nước.

Nhứt định quí vị dân biểu đối lập thế nào cũng hiểu cái khó khăn của TT Thein Sein, không thể đưa Ông vào thế kẹt cứng. Già kén thì chẹn hom. Quân Đội là một thế lực còn rất mạnh trong quyền lực chánh trị. Khối dân biểu gốc Quân Đội chiếm đa số áp đảo trong Quốc Hội sáu trăm mấy chục người, đối lập chỉ được 43 người. Tự do, dân chủ không thể thay đổi một ngày một bữa được.

Quí vị dân biểu dù đối lập cũng biết còn nhiều trách nhiệm với dân, như cải tiến dân sinh, dân quyền, dân trí nữa, chớ không phải chỉ trách nhiệm bảo vệ hay tôn trọng hiến pháp thôi. Có nhiểu nước dân chủ tiền tiến đâu có hiến pháp thành văn, như Anh, để chẻ chữ nghĩa ra làm đôi, giải thích hiến pháp mềm hay cứng.

Nhưng xét bản chất những lời tuyên bố của hành pháp và đối lập, người ta thấy mâu thuẩn về lời thề nhậm chức là mâu thuẩn tương sanh chớ không phải mâu thuẫn tiêu diệt.

Cũng như đối lập trong quốc hội bản chất là xây dựng, giám sát, ngăn chận, chớ không phải phá họai. Quyền hạn mà không kiểm sóat là hủ hóa, hủ bại ngay. Mâu thuẫn lọai này không làm cho tiến trình dân chủ thui chột, đổ vỡ mà làm cho nền dân chủ sinh sôi nẩy nở.

Kiến nghị của dân biểu đối lập sửa lời thề chỉ một chữ thay vì bảo vễ thành tôn trọng cũng có ý nghĩa trắc nghiệm sư thành khẩn cải tiến dân chủ của hành pháp. Đối lập còn có một thử nghiệm trước đó nữa. Phát ngôn viên của chánh đảng đối lập tuyên bố Bà Suu Kyi sẽ công du Thụy Điển đọc diển văn nhận giải Nobel Hòa bình theo lời mời của chánh quyềnThụy Điển và đi Anh theo lời mời của Thủ Tướng Anh khi viếng Miến Diện sau cuộc bầu cử. Một thử nghiệm xem coi chánh quyền có thực tâm chuyển hóa dân chủ không, có cấp thông hành ngọai giao, hay công vụ cho vị lãnh tụ đối lập hay không, hay là chỉ cho đối lập một tự do trong vòng kiểm sóat chặt chẽ của quân phiệt.

Nhân dân và chánh quyển của các siêu cường như Tây Âu và Bắc Mỹ cũng đang thử nghiệm thiện tâm, thiện chí dân chủ hóa của Hành Pháp Miến Điện. Và phần thưởng sẽ là gỡ cấm vận và viện trợ. Mà Bà Suu Kyi là chìa khóa. 27 nước Liên Âu dồng ý gỡ cấm vận từng phần sau cuộc bầu cử. Nhựt xóa mấy tỷ Đô la nợ cho Miến Điện trong chuyến công du Nhựt của TT Miến Điện.

Đối lập Miến Điện tiêu biếu là dân biểu mới đắc cử cũng biết cái thế của mình. Chánh quyền quân phiệt cần có đối lập đề giảm áp lực của quốc tế. Và quan trọng hơn tạo hòa giải hòa hợp sắc tộc, dân tộc. Gần nửa thế kỷ quân phiệt chống lại các sắc tộc thiểu số chỉ làm chảy máu Miến điện mà thôi, không ai thắng ai cả. Cảnh huynh đệ tương tàn này cần phải chấm dứt để tạo nội lực dân tộc. Bà Suu Kyi tuy là một phụ nữ ốm yếu nhưng rất mạnh trong lòng dân tộc và sắc tộc.

Tuy thế lực của Bà và dân biểu chiến hữu mới đắc cử cùng Bà trong Quốc Hội chỉ có một phần mười so với lực lương quân sự, nhưng Bà có thể đưa dân tộc đi lên, thóat khỏi vòng cấm vận của thế giới, làm cho chánh quyền có chánh nghĩa, và chính thống và cuộc chiến tương tàn gần nửa thế kỷ chấm dứt.

Quân sự mạnh nhưng chỉ mạnh ở phía trong quốc gia thôi. Các sắc tộc ở vùng biên giới Ấn, Bengladesh, Trung quốc, Lào, Thái, các sắc tộc Nagas, Chins, Kachins, Was, Chan hay Karen, không thừa nhận chánh quyền Miến điện, chống đối chánh quyển bằng vũ khí hay bằng bất tuân hành dân sự triển miên, từ khi Anh rút khỏi Miến Điện.

Bà Suu Kyi là người có lợi thế giải quyết đối với những sắc tộc chống chánh quyền này. Bà Suu Kyi được niềm tin của các sắc tộc, nhờ thừa hưởng công ơn của thân phụ Bà đã có công đem lại nền độc lập cho Miến Điện. Công tác đầu tiên Bà làm sau khi đắc cử là gặp một số sắc tộc, vận động cho đề nghị ngưng chiến của TT Thein Sein.

Xu thế thứ hai của quốc tế là ửng hộ tiến trình dân chủ hòa dịu. Không muốn có cuộc đấu tranh bằng bạo lực và thay thế bằng đấu tranh ôn hòa, có từ năm 1989 sau cuộc cách mạng nhung ở Đông Âu làm sụp đổ các chế độ CS độc tài đảng trị tòan diện. Bà Suu Kyi là một chìa khóa mở cửa cấm vận. Hầu như Liên Âu và Mỹ gỡ cấm vận cho Miến điện tùy theo mức dộ và nhịp độ cải tiến dân chủ của chánh quyền, đối với Bà Suu Kyi và Liên Minh Tòan quốc Vì Dân Chủ.

Do đó việc Bà Aung San Suu Kyi và 42 chiến hữu không dự phiên họp đầu quốc Hội, chưa tuyên thệ không phải là tiến trình dân chủ Miến Điện đổ vỡ mà nó đang vận hành./.

Vi Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét