Người Việt Hải ngoại tại Mỹ, trong nỗ lực lật đổ Cộng Sản, đã có nhiều chiến dịch, nhưng phải vô tư công nhận, Chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư vừa qua là một thành công đáng kể. Với một thời gian ngắn, hơn 140 ngàn người đã ký tên trong thỉnh nguyên thư. Phong trào Thỉnh Nguyện Thư đã vực dậy lòng yêu nước, sự khao khát tự do, nhân quyền cho Việt Nam tưởng như đã ngủ quên trong nhiều người. Với kết quả hơn 140 ngàn chữ ký, Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội Hoa Kỳ đã tiếp phái đoàn người Việt để lắng nghe ý kiến.
Hoan hô nhạc sĩ Trúc Hồ, nhạc sĩ Việt Dzũng, đài SBTN, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, những người có sáng kiến và đầu óc tổ chức.
Trong buổi họp với Tòa Bạch Ốc, ban tổ chức Thỉnh Nguyện Thư đưa ra ba bạn trẻ đại diện đồng bào phát biểu (ứng đáp) với nhân viên tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao. Lâu nay trong các cuộc vận động với chính phủ Hoa Kỳ, phần lớn do các vị cao niên hoặc chức sắc trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũ gánh vác. Lần này, giao cho ba bạn trẻ đảm trách, ấy cũng là một sáng kiến. Tuy nhiên, sau đó có một số ý kiến không hài lòng xoay quanh vấn đề này. Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ Bút Tre ở Arizona, có lẽ do tế nhị, TS Nguyễn Đình Thắng đã né tránh “để tránh những tranh cãi vô bổ”. Tôi nghĩ đây là vấn đề nên làm sáng tỏ, nếu không sẽ làm nhụt chí những người trẻ và gây ngộ nhận cho các đảng phái chính trị, và như vậy sẽ không có lợi cho công cuộc đấu tranh.
Nhạc sĩ Trúc Hồ sau cuộc tiêp xúc ở Washington, tỏ ý không mấy hài lòng vì ban tổ chức đã chọn lầm một bạn trẻ đại diện có lý lịch không “trong sáng”. Dường như sự “trong sáng” mà ban tổ chức chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư muốn là một người trẻ không có liên quan, dính dáng gì tới các đảng phái, tổ chức chính trị. Tôi nghĩ điều này thật khó! Người trẻ có khả năng chuyên môn trong xã hội thì nhan nhãn, nhưng tìm một bạn trẻ vừa có khả năng, vừa có tinh thần đấu tranh cho Đất Nước không đâu hơn là phải nhìn vào các đảng phái, các tổ chức chính trị. Đảng phái, tổ chức chính trị là nơi đào tạo, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ để đấu tranh trong hiện tại và chuẩn bị cho tương lai Đất Nước . Đảng phái, tổ chức chính trị là môi trường cho các bạn trẻ tập dấn thân, học hỏi kinh nghiệm và có thể trở thành những nhà lãnh đạo sau này. Ban tổ chức chọn ba người đại diện. (Vô tình) Một người thuộc đảng phái, một người thuộc hội đoàn, và một người nghệ sĩ không đảng phái, không hội đoàn. Hãy tạm không nói đến những lãnh vực như tuổi tác, thế hệ, ba vị này cũng đã đại diện cho ba thành phần khác nhau trong xã hội. Sự đại diện như vậy cũng khá bao quát. Tại sao ta phải ngại ngùng với yếu tố đảng phái? Đảng Việt Tân làm gì mà ta phải xa lánh? Trong công cuộc đấu tranh nhằm giải thể đảng CSVN nhiều chiến sĩ Việt Tân đã bị đàn áp, bị tù tội. Nhiều đảng viên Việt Tân đã ngã xuống.Trần Văn Bá, Hồ Thái Bạch đã chết cho ai? Tôi không phải là đảng viên, cảm tình viên của Việt Tân. Tôi không quen biết anh Billy Lê. Nhưng tôi đã từng đì học, đã từng tham gia hội Sinh Viên Việt Nam trong trường đại học. Tôi khâm phục anh Billy Lê. Anh là một người trẻ năng nổ . Vừa đi học vừa tham gia chính trị, hội đoàn, vừa là một chủ tịch hội sinh viên. Đây là một sự hy sinh mà chỉ có những người có lòng thao thức với Dân tộc mới làm được!
Có người nói rằng các đảng phái chính trị đấu tranh nhằm cướp chính quyền . Thật ra, trong quá trình đấu tranh chống Pháp, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đã học và áp dụng thủ đoạn cướp chính quyền từ đảng Cộng Sản Nga để đạt mục đích. Điều này khiến nhiều người hiểu nôm na rằng “chính trị là đi đôi với thủ đoạn”. Trong khi đó, các đảng phái Cách Mạng khác vì mục đích tối thượng là giải phóng dân tộc nên đã bị CS ám hại, loại trừ. Thời kỳ chống Pháp là giai đoạn các đảng Cách Mạng Việt Nam hy sinh nhiều công lao và xương máu cho dân tộc. Đây cũng là thời gian sản sinh ra những nhà Cách Mạng dân tộc như Nguyễn Thái Học, Lý Đông A, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ. Qua thời kỳ Quốc Gia, các đảng phái chuyển đổi từ đấu tranh cách mạng qua sinh hoạt chính trị, đóng góp cho sự hình thành nền Công hòa miền Nam Việt Nam. Cho đến hôm nay, nhiều đảng phái, tổ chức chính trị trẻ trung trong cũng như ngoài nước, nối tiếp con đường của cha anh, không ngừng đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, công bằng và thịnh vượng. Vì vậy, không thể vơ vào cả nắm mà cho rằng mục đích của các đảng phái cách mạng là “dùng thủ đoạn để cướp chính quyền” hoặc “chính trị là đi đôi với thủ đoạn”. Điều này chỉ đúng với đảng CS mà thôi . Chúng ta không thể dùng mô hình đảng CS để áp đặt lên các đảng phái VN chân chính.
Đảng phái chính trị luôn có tổ chức chặt chẽ, hoạt đông dài hạn, một chết một sống đối đầu với CS. Các đảng phái chính trị Việt Nam hoạt động theo cương lĩnh hẳn hoi. Khác với đảng phái chính trị, phong trào quần chúng thường là thiếu tổ chức, không dài hạn. Cách mạng Ai Cập là một một ví dụ. Phong trào nổi lên rất mạnh đưa đến sự sụp đổ nhà độc tài Hosni Mubarak nhưng không làm thay đổi chế độ. Dĩ nhiên chúng ta không muốn thay chế độ Cộng Sản Việt Nam bằng một chế độ độc tài, độc đảng khác. Chúng ta không thể né tránh yếu tố đảng cách mạng, đảng chính trị trong cuộc đấu tranh này. Không thể chỉ thuần dựa vào phong trào quần chúng mà thay đổi được chế chộ cộng sản. Thật ra, với sự trưởng thành trong đấu tranh của các đảng phái và với thời đại thông tin, một khi thay đổi được chế độ cộng sản, khó có thể cho một đảng nào có thể khống chế và dùng thủ đoạn để cướp công và độc quyền lãnh đạo đất nước như đảng cộng sản Việt Nam đã làm.
Vì vây, chẳng có gì phải lo ngại khi cần kết hợp với các đảng phái chính trị trong các phong trào, chiến dịch vận động tự do, nhân quyền. Các đảng phái chính trị là nhân tố thiết yếu không thể thiếu trong công cuộc đấu tranh nhằm giải thể chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Tháng 3, 2012
Trường Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét