Chính quyền đã cho một số người bị bắt trong vụ cưỡng chế đất ở huyện Văn Giang hôm 24/4 được về nhà.
Tổng cộng 20 người bị bắt để điều tra trong vụ giải tỏa đất đai gây chú ý đặc biệt trong dư luận nhưng lại không được truyền thông trong nước tường thuật.
Một số người dân địa phương cho hay, từ hôm 26/4 chính quyền bắt đầu thả một số người: “Hôm qua (26/4) chính quyền đã thả hai người ở Xuân Quan, và ba người ở Phụng Công. Sáng nay (27/4) chín người khác vừa được thả về”.
Thông tin này chưa thể kiểm chứng độc lập, nhưng nếu chính xác thì ít nhất 14 người đã được về nhà.
Một người dân, đề nghị giấu tên, nói với BBC: “Những người được thả về được dặn là khi về không được tham gia vào cái gì nữa”.
Sức khỏe của những người nói trên được nói “vẫn bình thường”.
“Những người được về phải ký vào mấy tờ giấy, trong đó có tờ viết chữ với lời khai của họ, đặc biệt là ai cũng phải ký vào ba tờ giấy trắng (?)”.
Vụ cưỡng chế đất xảy ra ở Văn Giang, Hưng Yên, hôm 24/4 khi hàng nghìn nhân viên công quyền được huy động giải tỏa khu vực đất dành cho dự án Ecopark.
Ông Bùi Huy Thanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, nói với báo giới rằng “đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải là dự án phát triển kinh tế của chủ đầu tư.”
“Trong toàn bộ diện tích giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, chỉ có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh, tức là chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh.”
Đền bù không thỏa đáng
Tuy nhiên, một trong những lý do chính khiến người dân không chấp thuậ́n giải tỏa là giá cả đền bù không thỏa đáng.
Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật của Mặt trận Tổ quốc VN, nói trên báo Tuổi Trẻ hôm thứ Năm 26/4 rằng“không ít nơi, khung giá đất do Nhà nước quy định không theo sát giá thị trường, giá đền bù không đúng với giá “tiền tươi thóc thật” mà người dân bán đất.”
“Đây chính là mấu chốt vấn đề, làm nảy sinh khiếu kiện, tiêu cực và tham nhũng. Một mặt anh nói là thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường, nhưng trên thực tế thì áp giá dựa trên khung giá được quy định.”
Ông Tiết được dẫn lời nói: “Đất đai là tư liệu sản xuất của người dân, do đó khi thu hồi vào mục đích kinh doanh thì nên quy định cơ chế để người dân dùng mảnh đất đó góp cổ phần vào dự án chứ không phải lúc nào cũng mua đứt bán đoạn.”
Năm 2003, dự án Khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang (Ecopark) được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện và giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư.
Đến năm 2004 việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đô thị và xây dựng đường bộ, với quy mô gần 500 ha đất thuộc các xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, bắt đầu được triển khai.
Thế nhưng cho tới năm nay việc giải tỏa vẫn chưa thể hoàn tất vì gặp phản đối từ người dân.
27-04-2012
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét