Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Vấn đề quản lý thư viện trong nhà trường phổ thông

Linh Sơn, CTV Phía Trước
Trên nguyên tắc, bất kì một tổ chức đoàn thể nào, nhất là các trường học đều phải trang bị một hệ thống thư viện để phục vụ cho nhu cầu tri thức của mọi người. Đó là nơi cập nhật thông tin có tính chất thời sự như báo chí đến các loại sách vở mang tính học thuật của nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng quản lý thư viện ở Việt Nam hiện nay, có quá nhiều chuyện thiếu minh bạch, phản khoa học khiến các thư viện không phát huy đúng vai trò hữu ích của nó trong khi kinh phí hàng năm được “rót” vào đây khá nhiều.

Tính cập nhật rất kém


Thư viện Trường Đại học Kinh tế – Đại học Huế
Vào bất cứ thư viện nào của các trường phổ thông ở nước ta, có lẽ hệ thống sách luôn chiếm số lượng hùng hậu là loại tạp chí tuyên truyền chính trị và các sách ca ngợi công ơn Đảng, ca ngợi thủ đô. Có thể bắt gặp các quyển sách kiểu này ở mọi thư viện: Hướng về đại lễ ngàn năm Thăng Long; Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Nhật Kí Nguyễn Văn Thạc; Tài liệu nghị quyết TW Đảng lần thứ n… Lẽ dĩ nhiên, tuyên truyền, thông tin chính trị là nhiệm vụ của bất kì tổ chức cơ quan, đoàn thể nào. Nhưng không có nghĩa là chính trị hóa triệt để và biến nơi lưu giữ tri thức bị xơ cứng trở thành công cụ tuyên truyền nhàm chán. Bởi vì sao các loại sách đó được trưng bày ở hầu hết các thư viện? Có nhiều lý do, ngoài việc làm tốt trách nhiệm của mình, có một điều tế nhị ít ai ngờ tới là giá mua chúng rẻ hơn số tiền in ngoài bìa rất nhiều.
Tiếp tục khảo sát các sách trong các thư viện ta lại thấy thêm rằng phần lớn chúng đều mang tính cập nhật rất kém. Tức là dò năm xuất bản của sách sẽ thấy hầu hết chúng đều là những sách có năm xuất bản cách thời điểm hiện tại rất lâu, hoặc là loại sách đã tái bản nhiều lần ai cũng biết. Như vậy làm sao thư viện phát huy đúng nghĩa là nơi cập nhật, lưu giữ tri thức đáp ứng cho việc học tập và nghiên cứu của học sinh, giáo viên? Thư viện ở các trường phổ thông ở Việt Nam giống như một viện bảo tàng chuyên chứa “đồ cổ”. Bởi vì giá của các loại sách hiện hành luôn rất đắc. Người ta thường rất chuộng các loại sách có năm xuất bản cách thời điểm hiện tại từ 5 đến 10 năm, không phải vì giá trị “khảo cổ” của chúng mà vì trước hết là chúng rẻ.

Thiếu hoạch định và tính khoa học

Điểm phản khoa học và buồn cười nhất ở các thư viện sách là chúng thường không có sự kết nối sát sao với chương trình đang học trong sách giáo khoa của học sinh. Ví dụ trong môn văn, ở môi trường phổ thông lại bắt gặp đầy rẫy các đầu sách kiểu như Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Thần Khúc (Đan – tê), Xin lỗi em chỉ là con đĩ (Tào Đình), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Đỗ Lai Thúy)…
Trên thực tế những quyển sách này chỉ đáp ứng nhu cầu mở rộng, bổ sung tri thức chứ nó chưa có sự phối hợp trực tiếp để học sinh có thể tham khảo, nâng cao kiến thức liên quan đến chương trình môn văn. Đã là sách thì quyển nào cũng có ý nghĩa, đem đến cái hay cho người đọc. Song, đối với môi trường phổ thông, tuổi học đường trước hết cần những quyển sách phục vụ cho chương trình hiện hành của các em. Nếu chỉ lạm dụng những quyển sách tạm gọi là có liên quan đến môn văn mà không cần biết lợi ích thực dụng của nó thì xem ra pho sách đó thật bị đặt sai chỗ. Việc này đủ cho thấy người phân phối sách, quản lý sách không hề quan tâm đến chương trình học của các trường mà chỉ tùy hỉ thâu gom những sách gì có dính tới chữ hóa thì mua vô kệ hóa, sách nào dính tới chữ sử thì đem vào kệ sử. Đã từng có trường hợp dở khóc dở cười xảy ra khi người ta phân về tủ sách nông nghiệp quyển tiểu thuyết Rừng Na uy của nhà văn H. Murakami bởi vì thấy có chữ rừng.
Đó là biểu hiện của sự thiếu hoạch định và công tác phân đoạn cục bộ, thiếu phối hợp giữa nhà trường và Sở Giáo dục, giữa giáo viên với người quản lý thư viện. Những quyển sách trên nếu đặt vào thư viện của các trường đại học sẽ là những kho tri thức quý báu để sinh viên học tập. Còn đối với phổ thông, yêu cầu của chương trình không cho phép các em khai thác những quyển sách này. Nếu học sinh khai thác được thì cũng tốt. Mổ xẻ điều này chỉ là một ví dụ trong vô vàn trường hợp, trước hết là để thấy tính bất cập của hệ thống thư viện, luôn hời hợt phân phối, lưu trữ sách mà không có sự xét tính sự phù hợp của nó đối với đối tượng đọc.
Lẽ ra, một thư viện ở trường phổ thông đúng chuẩn khoa học phải cân đối, đầy đủ các dạng sách vừa phục vụ cho nhu cầu nâng cao, cập nhật kiến thức trong nhà trường; vừa bổ sung, nâng cao tri thức có liên quan đến lĩnh vực môn học cụ thể. Sách phải phân nhóm theo nhu cầu, trình độ tiếp nhận, có loại phù hợp với giáo viên, có nhóm sách bồi dưỡng, nâng cao học sinh giỏi, nhóm sách cung cấp kiến thức cơ bản của học sinh khá, trung bình… Mà để làm được điều này không có gì khó. Trong quá trình giảng dạy, chính các giáo viên là người hiểu rõ nhất học sinh mình nên đọc tối thiểu những quyển sách gì. Nếu công tác phân phối sách về cách thư viện chịu lắng nghe sự tư vấn của giáo viên thì điều này sẽ được thực hiện tốt. Vậy mà lại vẫn cứ tồn tại tình trạng: chương trình học, nhu cầu trực tiếp của học sinh thì một đường mà sách trong các thư viện thì đáp ứng một nẻo.
Lại nói đến sự mất cân đối và phiến diện của các thư viện. Nếu quan sát kĩ các đầu sách ở các thư viện sẽ thấy chiếm khoảng 70% số lượng trong đó là các sách về khoa học xã hội, mà nhiều nhất là các sách liên quan đến môn văn. Đối khi thống kê tỉ lệ có thể thấy, các sách ngành văn nhiều bằng tổng số các sách về Toán, Lý, Hóa, Sinh cộng lại. Tại sao lại có sự mất cân đối này? Chẳng qua choán đầy trong đó hầu hết là đầu sách về các tác phẩm văn học hay các công trình nghiên cứu lâu ngày bị giảm giá. Chỉ cần tốn 1 triệu có thể mua được khoảng giá trị 3 triệu in trên bìa sách.
Ngoài ra không gian thư viện cũng là điều rất quan trọng. Một thư viện có tính khoa học đúng nghĩa phải rộng rãi thoáng mát để người đọc đọc sách tại chỗ. Chính cái không khí yên lặng ở thư viện, tuy gò bó, giới hạn thời gian nhưng lại tạo điều kiện rất tốt tập cho học sinh tác phong học nghiêm túc, biết tận dụng thời gian. Đa phần các thư viện ở các trường phổ thông chỉ là cái kho giữ sách cho mượn về nhà chứ chưa tạo được không gian đọc sách cho học sinh.

Bản chất thật của vấn đề

Những bất cập này không phải là chuyện gì nan giải, gây khó trong tư duy đến mức không giải quyết nổi. Cốt lõi của vấn đề là nằm ở chỗ sự quản lý tùy tiện, thô thiển và thiếu minh bạch của các sở giáo dục ở Việt Nam.
Ví dụ, đối với một trường phổ thông B, Sở Giáo dục phân về kinh phí 1 tỷ đồng cho thư viện, trò cười xảy ra là các trường phổ thông sẽ không được làm chủ 1 tỷ đó để mua sách cho học sinh trường mình. Sở sẽ đưa về số lượng sách có giá trị bìa 1 tỉ nhưng trên thực tế chỉ cần 300 triệu là có thể mua được chúng. Vậy còn 700 triệu kia về đâu? Nếu ai ở Việt Nam quan tâm đến sách, biết cách mua sách khéo léo mốc nối với các công ty sách, các nhà phát hành sách về các đợt tổng thanh lý sách tồn kho, bán sách giảm giá. Đó là những sách viết ra chỉ để tuyên truyền kiểu như ngàn năm Thăng Long không ai mua, giá bìa 300 ngàn nhưng chỉ cần 50 ngàn là có thể mua được ở các cửa hàng giảm giá. Chỉ cần những biết luồng lách một chút, những người phân phối sách ở sở cho các trường phổ thông đã có một mối lợi khổng lồ. Sách trong các thư viện hầu hết là loại sách tồn kho, sách lậu hay giảm giá.
Nơi được xem là môi trường văn hóa, môi trường học thuật nâng cao tri thức xã hội mà lại có cách làm việc kí trá, thiếu minh bạch như vậy thì làm sao giáo dục phát triển được.
Luật giáo dục Việt Nam còn tồn tại lỗ hổng rất lớn này. Cho đến khi nào, các Sở Giáo dục ở Việt Nam tôn trọng quyền tự quyết về sách của các trường phổ thông, ít nhất mua sách theo nhu cầu đề xuất của giáo viên và minh bạch trong quản lý kinh phí thì hệ thống thư viện ở các trường mới phát huy vai trò đúng nghĩa của nó.
© 2012 TCPT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét