Trang

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Về đặc tính của văn hóa chính trị ta

Cách đây không lâu, trong một buổi nói chuyện về “Khai minh và trưởng thành” Bùi Văn Nam Sơn đã đưa ra một nhận định rất thú vị và cũng rất đắc ý. Ông nói: “Thế hệ cha tôi, nếu còn sống thì ông đã 110 tuổi, chưa thể hiểu khái niệm tự do như chúng ta ngày nay. Như nhiều nhà nho khác, cụ hiểu tự do theo hàm ý xấu: tự do là tự tung, tự tác, vô pháp, vô thiên!”

Tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện Phan Khôi kể lại trong bài báo nổi tiếng “Phê bình lãnh đạo văn nghệ“, viết năm 1956: “Sau khi về Hà Nội không lâu, giữa một cuộc tọa đàm ở trụ sở Hội Văn nghệ, một cán bộ cao cấp lấy tư cách cá nhân đề ra cái vấn đề ‘tự do của văn nghệ sĩ’. Cái vấn đề ấy được giải thích là: Có một số văn nghệ sĩ nào đó đòi tự do hay là có ý đòi tự do, mà tự do một cách bừa bãi, đến nỗi ‘ví như một kẻ kia đi trên đường phố, thấy có người ôm cái cặp da đẹp, giật ngang lấy đi, rồi nói rằng đó là tự do của mình vì mình thích cái cặp da.’ Do đó, kết luận là: phải có lãnh đạo, văn nghệ sĩ phải ở dưới quyền lãnh đạo.”
Sinh hoạt chính trị hằng ngày trong những thập niên qua ở nước ta làm tôi e ngại rằng sự lầm lẫn giữa tự do và tùy tiện rất tại hại này vẫn chưa mất tính cập nhật. Theo đó thì rõ ràng tự do chỉ được hiểu rất lệch lạc trong một ý nghĩa hoàn toàn trái ngược, bởi bị đồng hóa với tính tùy tiện. Tất nhiên tùy tiện không phải là tự do mà, ngược lại, là biểu hiện sự khống chế của bản năng. Tự do chính là thoát ly khỏi sự khống chế ấy; không những thế, tự do cũng là giải phóng khỏi những khống chế chính trị xã hội. Vì thế mà tự do không phải là một phạm trù tự nhiên mà là một phạm trù lịch sử, do đó Hegel mới bảo rằng lịch sử của loài người là lịch sử giác ngộ tinh thần tự do. Trong thế giới sinh vật chỉ có con người mới tự do và ý thức được tự do,và vì ý thức được tự do mới có thể hành động trong tinh thần trách niệm. Khi ta nói con người hành động tự do tức là ta muốn nói con người không phải là một đối tượng bị khống chế bởi các thế lực nhân quả, mà là chủ nhân ông của hành vi của mình. Như thế tự do gắn liền với tính thần trách nhiệm và ngược hẳn với tính tùy tiện, vô trật tự, vô kỷ luật.
Tất nhiên truyền thống lâu dài về ngộ nhận tự do có tác động đến sinh hoạt chính trị. Trong văn hóa chính trị của ta giá trị của tự do không đóng một vai trò nào đáng kể cả. Ta hết lời ca tụng và tự hào về tinh thần yêu nước của dân tộc ta, vun đắp tinh thần yêu nước của dân tộc ta, nhưng còn tinh thần yêu tự do của dân tộc ta ra sao? Thực sự, tôi chưa nghe ai lên tiếng bảo dân tộc ta là dân tộc yêu tự do, còn vun đắp tinh thần yêu tự do thì khỏi bàn!
Nhà nước hiện đại xuất phát từ ý tưởng bảo vệ quyền tự do và phát huy tinh thần tự do. Con người chính trị không còn là thần dân mà là công dân. Ngày nay những thiết chế cơ bản cho một trật tự chính trị tự do dân chủ được thiết lập hầu như tại mọi quốc gia, kể cả nước ta, nhưng không phải vì thế mà ở đâu quyền tự do cũng được bảo vệ, tinh thần yêu tự do cũng được phát huy. Bởi lẽ: Toàn bộ thiết chế ấy chỉ mới là cái sườn thôi và nó chỉ có thể phát huy chức năng có hiệu quả một khi có một nền văn hóa chính trị tồn tại tương ứng. Nói đến văn hóa chính trị tức là nói đến cách ứng xử chính trị của mọi tầng lớp trong xã hội, kẻ cầm quyền cũng như quảng đại quần chúng. Ứng xử chính trị chính là nơi biểu dương sự khác biệt trong sinh hoạt chính trị trong từng quốc gia một.
Tất nhiên một tập quán chính trị chủ yếu chỉ chịu sự khống chế của tinh thần yêu nước thì chắc chắn là không đủ tố chất để xây dựng một nền văn hóa chính trị hiện đại tương ứng. Tinh thần tôn trọng tự do phải là yếu tố cấu thành văn hóa chính trị hiện đại. Thiếu ý thức tự do trong ứng xử chính trị của tầng lớp cầm quyền cũng như của quảng đại quần chúng có nghĩa là chúng ta còn đứng ngoài ngưỡng cửa của một xã hội hiện đại. Chỉ có xã hội tự do chớ không có xã hội yêu nước!
Nhà xã hội học và chính trị học Đức-Anh Ralf Dahrendorf (1929-2009) cho rằng từ cuối thế kỷ 19 cho đến Đại chiến Thế giới thứ hai (1939-1945) tình trạng chính trị tại Đức, so với nhiều nước Âu Mỹ khác, rất lạc hậu mà theo ông thì một trong những lý do là nền văn hóa chính trị Đức bị chi phối bởi những ý tưởng rất hẹp hòi, đặc biệt là bởi tinh thần yêu nước dưới khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Ngày nay nước Đức trở thành một trong những nước tự do có tính kiểu mẫu bởi có sự thay đổi hệ hình trong văn hóa chính trị: Tinh thần yêu tự do đã thâm nhập và thấm nhuần tập quán sinh hoạt chính trị Đức làm cho nền văn hóa chính trị Đức trở nên cởi mở, rộng rãi, trong khi đó tinh thần yêu nước, yêu tổ quốc hoàn toàn trở nên thứ yếu.
Tháng Tư 2012
© 2012 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét