Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Viết sau “hội nghị hưu”

Trương Duy Nhất
Một đảng, một thể chế mà phải dựa dẫm vào các cụ cựu, những ông hưu, xem đó “là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa quan trọng” thì đảng đó, thể chế đó quả có vấn đề về... sức khỏe! Báo động lắm rồi!
Phải có dũng khí nhìn thẳng sai lầm” (báo Công an nhân dân) - Cựu ủy viên Bộ chính trị Phan Diễn.
Ông Diễn khuyên người khác “phải có dũng khí”, nhưng chính bản thân ông lại chỉ dám mở miệng khi đã về hưu. Khi suốt những nhiệm kỳ đằng đẵng ông nhàn nhạt, vô vị đến mức hưu ngày trước, ngày sau nhiều người đã không còn nhớ ông là ai, làm gì.

Đây nữa: “Đừng né tránh vấn đề nhạy cảm... Trong các tiêu chí, tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, theo tôi, không nên có tiêu chuẩn phải là đảng viên... Nước ta không thiếu hiền tài, tại sao chúng ta lại để đội ngũ cán bộ ở vào tình trạng bất cập như vậy?” (Tuổi Trẻ)
Rằng hay thì thật là hay. Nhưng khi mở mồm nói những câu “hay” này, ông Diễn không nhớ mình đã từng ngồi ghế Ủy viên bộ chính trị, thường trực Ban Bí thư (cái ghế khi đó được xem như quyền lực thứ hai, chỉ sau Tổng Bí thư)?
Mời bấm đọc lại bài cũ tôi viết về ông Điềm để hiểu thêm về ông Diễn: Cà phê với ông Điềm.
Hưu, rút về vườn chuối làm thơ như ông Điềm lại đáng trọng hơn. Hoặc giả trình thơ có như ông Trương Quang Được (Lên cao càng thấy trời cao/Khổ đau mới biết đồng bào khổ đau) thì có hại chăng cũng chỉ làm hại đến... thơ thôi! (xem thêm “một entry ngoại lệ về thơ”)
Còn những mẫu hình như ông Diễn và cái “dũng khí hưu” kia chỉ là điều đáng để xấu hổ. Nhiều người khen, ca tụng các ngài cựu quá xá. Nhưng tôi không trọng, thậm chí xem thường những “dũng khí hưu” tạng này.
Quan chức đương nhiệm nên nhìn những tấm gương “về hưu nói hay” để cố làm được, để lại được ít nhất một cái gì đó, một dấu ấn gì đó, một thay chuyển gì đó lúc đương quyền. Đừng để hưu rồi mới vung tay chém gió chỉ tổ trò hề và làm dân... ghét thêm mà thôi!
Vậy mà Trung ương đảng lại vừa triệu tập “hội nghị hưu” với gần 300 cụ cựu nguyên thủ và hưu cao cấp, kêu gọi các cụ “hiến kế”!
Tôi nghĩ nên làm ngược lại, phải kêu gọi các cụ hưu đừng ý kiến ý cò gì nữa. Vai trò và “giá trị hưu” của chính khách khác với vai trò và “giá trị hưu” của nhân sĩ trí thức. Vai trò và “giá trị hưu” của nhân sĩ trí thức cần khơi gợi, khích lệ, nhưng vai trò và “giá trị hưu” của chính khách thì nên đóng cửa, im lặng. Hưu rồi thì lo “vui thú điền viên” cho yên chuyện (xem thêm bài “Hưu và căn bệnh Thái thượng hoàng”)
Không biết có phải đây chỉ là liều thuốc dưỡng lão dành cho các cụ, hay đã đến lúc đảng và chính phủ thật sự cần phải “cầu cứu” ở những cái đầu hưu?
Một đảng, một thể chế mà phải dựa dẫm vào các cụ cựu, những ông hưu, xem đó “là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa quan trọng” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - báo Thanh Niên) thì đảng đó, thể chế đó quả có vấn đề về... sức khỏe! Báo động lắm rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét