Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Đất nước Philippines anh hùng

Chống bành trướng Trung Quốc xuống phía Nam

Ngành xuất khẩu chuối của Philippines đang bị Trung Quốc gây khó. Ảnh: Inquirer.net

Có thể nói cùng hoàn cảnh giống nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã bị Trung quốc đe dọa và xâm chiếm đảo biển nhưng cho đến nay chưa có một đất nước nào mà người lãnh đạo và nhân dân của họ lại dũng cảm và anh hùng như dân tộc Philippines hiện nay.

Sau khi vấp phải sự phản ứng gay gắt và quyết liệt của chính phủ và quân đội Philippines trong việc quốc gia này không công nhận bản đồ đường lưỡi bò của Bắc kinh và kiên quyết cho tầu ra khơi bảo vệ đảo biển của mình bất chấp Trung quốc ngày càng tăng cường đưa ồ ạt 34 tầu chiến cỡ lớn và mọi phương tiện chiến tranh khác, chưa kể số lượng đông tầu Hải giám và tầu đánh cá mà thực tế là tầu quân sự trá hình ra khu vực này hòng uy hiếp quốc gia này, hành động hôm qua của bộ ngoại giao Philippines thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận lệnh cấm đánh bắt cá của Trung quốc đã làm cho Trung quốc phải xấu hổ và người ta tin rằng quốc gia này sẽ còn làm cho Bắc kinh bị bẽ mặt nếu dám đưa tầu vào vùng đặc quyền và lãnh hải của philipine. Chắc chắn họ sẽ cho tầu chiến bắt là điều chắc chắn.

Chúng ta ai cũng biết Trung quốc liên tục gây sức ép bằng kinh tế với quốc gia này như hạn chế cho dân du lịch đến Manila và tạn cùng là ngay xuất khẩu chuối vào Trung quốc cũng bị ngăn cản gây thiệt hại cho quốc gia này hàng tỷ đô la. Nhưng làm vậy chỉ khiến quốc gia này kiên quyết chống Trung quốc mạnh mẽ hơn. Nếu theo dõi các bản tin thời sự chúng ta sẽ thấy rõ sự can đảm và sẵn sàng quyết tử để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình như thế nào. Hoàng Hà xin giới thiệu với bạn đọc những dòng báo đầy xúc động sau đây:

Trung Quốc ép Philippines bằng sức mạnh kinh tế

Báo chí Trung Quốc hùng hổ đòi tấn công quân sự Philippines. Nhưng thực tế Bắc Kinh đang sử dụng đòn trừng phạt thương mại để gây sức ép lên Manila thay vì dùng tàu chiến.

Ngày 14-5, Nhật Báo Trung Quốc đăng xã luận “Cảnh báo thương mại đối với Philippines”. Tờ báo dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc khẳng định thương mại song phương Trung Quốc – Philippines “sẽ bị ảnh hưởng”, Bắc Kinh sẽ cấm vận thương mại Manila nếu căng thẳng ở đảo Hoàng Nham (tên Bắc Kinh đặt cho bãi cạn Scarborough) không dịu đi.

Ở mặt trận này, Bắc Kinh xem ra nói đã đi sau làm. Theo giới quan sát quốc tế, thực tế Trung Quốc đã áp dụng các hình thức trừng phạt thương mại đối với Philippines.

Thương mại song phương Philippines – Trung Quốc đạt mức kỷ lục 30 tỉ USD năm 2011. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Manila. Do đó, bất cứ đòn trừng phạt kinh tế nào của Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng lớn đối với Philippines.

Báo Daily Inquirer đưa tin đến nay Trung Quốc đã từ chối thông qua 1.500 container chuối của Philippines với lý do nhiễm khuẩn. Chủ tịch Hiệp hội Trồng và xuất khẩu chuối Philippines Stephen Antig cho biết số chuối này đang thối rữa ở các cảng Đại Liên, Thượng Hải và Tân Cảng. Đến nay, ngành xuất khẩu chuối Philippines đã thua lỗ 33,8 triệu USD. Bắc Kinh phớt lờ khẳng định từ người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino: “Chất lượng chuối xuất khẩu của chúng tôi vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại Nhật Bản”. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ hai của Philippines, chỉ sau Nhật. Theo số liệu của Bộ Thương mại Philippines, xuất khẩu chuối nước này đạt 470,96 triệu USD năm 2011. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 127,4% lên 75,3 triệu USD.

Ngoài chuối, Trung Quốc còn hạn chế hàng loạt mặt hàng trái cây của Philippines như dứa, xoài, đu đủ…

Ông Antig cho biết các nhà xuất khẩu của Manila rất bức xúc vì bị Bắc Kinh “quấy nhiễu”, dù chính quyền Bắc Kinh khẳng định chỉ siết chặt giám sát chất lượng an toàn thực phẩm.

Trước đó, hàng loạt công ty du lịch Trung Quốc đã hủy tour du lịch đến Philippines. Trang ABS-CBN đưa tin rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Boracay, Cebu và Bohol đang than thở về tình trạng khách Trung Quốc hủy đặt phòng không có lý do. Công suất phòng trên đảo Boracay giảm khoảng 60%. Các hãng hàng không Cebu Pacific, Zest Airways và Airphil Express buộc phải hủy nhiều chuyến bay sang Trung Quốc từ ngày 12-5 do tình trạng hủy tour.

Hậu quả đã diễn ra tức thời. Theo báo Manila Standard Today, cổ phiếu của các công ty du lịch Philippines giảm giá liên tục trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy nhiên, như báo Inquirer Daily cho biết, các quan chức Bộ Du lịch Philippines khẳng định thiệt hại này sẽ “không đáng là bao”, bởi du khách Trung Quốc năm 2012 chỉ chiếm 9% tổng số khách nước ngoài đến Philippines. Dù vậy, theo tờ Philippines Star, lượng du khách Trung Quốc đến Philippines đã tăng tới 77,5% trong quý 1-2012. Do đó, ảnh hưởng về lâu dài là nghiêm trọng.

Báo mạng Asia Times bình luận sức mạnh kinh tế chứ không phải là quân sự mới thật sự là nền tảng của chính sách ngoại giao Trung Quốc. “Chính quyền Bắc Kinh hiểu rõ xung đột quân sự với Manila sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế. Việc sử dụng sức mạnh mềm kinh tế làm công cụ mặc cả với các nước khác có thể có hiệu quả hơn hẳn so với đe dọa vũ lực” – Asia Times nhấn mạnh.

Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời phó chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc Vương Tại Bang tiết lộ chính Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã kêu gọi người dân không du lịch Philippines. Bắc Kinh có thể còn hạn chế nhập khẩu từ Philippines và giảm đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này. Bằng chứng là mới đây Tập đoàn Trung Quốc Wahaha Group đã tuyên bố sẽ xem xét lại các dự án sản xuất đường và khai thác mỏ tại Philippines, như báo Manila Bulletin cho biết.

Trong khi đó, Philippines lại không có nhiều cơ hội đáp trả trong cuộc chiến thương mại với gã khổng lồ kinh tế này. Báo chí Philippines mới đây đưa tin các nghị sĩ quốc hội đang đề xuất “trừng phạt thương mại” Trung Quốc bằng cách xem xét lại toàn bộ các loại hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Trung Quốc, áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nhưng đến nay chính quyền Manila vẫn chưa lùi bước và càng kiên quyết chống Trung quốc mạnh mẽ hơn.

“Già néo đứt dây”, Trung Quốc lại cấm đánh cá trên biển Đông

Từ 12g ngày 16-5 đến ngày 1-8-2012, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông.

Trang quân sự của Thời Báo Hoàn Cầu ngày 14-5 cho biết bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines cũng nằm trong phạm vi cấm này. Theo thông cáo do Cục Quản lý ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nếu tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển này sẽ bị phạt 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8.000 USD) và tịch thu tàu thuyền cũng như phương tiện đánh bắt cá.

Đáp lại, Philippines cho biết sẽ thông báo lệnh cấm của riêng mình để bảo vệ nguồn cá nhưng chưa rõ thời gian và khu vực áp dụng lệnh cấm. Cùng ngày, Philippines cho biết không thừa nhận lệnh cấm này của Trung Quốc. Ngoại trưởng Del Rosario cho biết Philippines vẫn duy trì sự có mặt của những tàu tuần tra ở khu vực bãi cạn Scarborough. “Con giun xéo lắm cũng quằn” câu ngạn ngữ này thật đúng với tình hình hiện nay.

Từ năm 1999, mỗi năm Trung Quốc đều cấm đánh bắt cá trong khoảng thời gian tương tự, nhưng năm nay Bắc Kinh gộp luôn cả bãi cạn Scarborough vào trong lệnh cấm này.

Trước đó, ngày 17-1 mạng Ngư nghiệp Trung Quốc đăng thông báo số 1 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về thời gian mùa nghỉ đánh bắt cá năm 2012, cấm đánh bắt cá ở khu vực biển Đông từ 12g ngày 16-5 đến 12g ngày 1-8-2012.”

Sự phản ứng tức thì và quyết liệt của Philipines đã như hối thúc phía Việt nam cũng ra đòn phản đối tiếp theo. Sáng 20-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị khẳng định việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm.

Ông Nghị cho biết Bộ Ngoại giao VN đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên của Trung Quốc.

Lệnh cấm của Trung Quốc gồm cả phạm vi một số vùng biển của VN. Ông Lương Thanh Nghị khẳng định: “VN có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982”.

“Già néo đứt dây”, vấn đề biển Đông nay chính Trung quốc đã đẩy tình hình từ mang tính nội bộ trong khu vực thành tính quốc tế.

Ỷ thế nước lớn và sức mạnh quân sự, kinh tế, Trung quốc đã hà hiếp đất nước và người dân Philipines, đe dọa và liên tục lấn át Việt nam gây tổn hại không chỉ về kinh tế mà cả về nhân mạng của những người dân chài đánh bắt cá ở chính vùng biển của mình đã khiến vấn đề nội bộ khu vực nay trở thành đề tài mang tính quốc tế. Hàng loạt các báo trên toàn cầu đều đăng tin việc Trung quốc gây sức ép với các nước trong khu vực bằng mọi mặt và đòi hỏi phải có sự giải quyết bằng một hội nghị quốc tế. Từ Mỹ các Đảng phái đối lập liên tục phê phán thái độ thụ động và tránh né của người lãnh đạo Mỹ hiện nay và đang gây sức ép với Tổng thống Obama phải hành động. Người ta chú ý đến lời phát biểu của ông Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tuyên bố trong bài phát biểu tại Washington (Mỹ) hôm 14-5 rằng: “Mỹ cần đảm bảo Trung Quốc không thể ‘muốn làm gì cũng được’ trong lúc các nước nhỏ hơn ở Châu Á phải chịu thiệt thòi.” Lên tiếng tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, ông McCain cũng nhấn mạnh rằng những căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia khác cho thấy sự cần thiết có sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.

Đồng thời, vị thượng nghị sĩ Mỹ này cũng chỉ rõ Washington cần phải ủng hộ các nước đối tác trong ASEAN để họ có thể hình thành một mặt trận thống nhất và thông qua đường lối đa phương để giải quyết vụ tranh chấp này một cách hòa bình.

Nhiều nghị sỹ thuộc cả hai đảng ở Hoa kỳ cũng đã đề nghị quốc hội Mỹ phải đưa vấn đề Trung quốc đe dọa an ninh khu vực Đông Nam Á ra bàn thảo và đòi chính phủ Mỹ phải có thái độ tức thời. Chắc chắn ông Obama đang trong giai đoạn tranh cử không thể làm ngơ trước sự đòi hỏi mạnh mẹ của các cử tri Mỹ và vấn đề biển Đông cũng sẽ trở thành đề tài trong cuộc tranh cử lần này ở Mỹ.

Tại châu Âu các báo chí tại anh, Pháp, Đức, Hà lan v.v… sau nhiều năm tránh né vấn đề này nay cũng bắt đầu lên tiếng. Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng nếu tình hình vượt tầm kiểm soát, cuộc tranh chấp giữa Trung quốc tiếp tục đụng độ với các nước trong khu vực biến thành cuộc đụng độ quân sự như vấn đề Philipines hiện nay thì khả năng quốc tế phải xem xét đến vấn đề quan hệ kinh tế với Trung quốc là điều chắn chắn. Nhiều quốc gia vốn quá chán ghét và bức xúc trước thảm cảnh hàng hóa Trung quốc tràn lan trên thị trường quốc tế đã làm cho kinh tế của họ gặp khó khăn, hàng hóa không bán được nên nhân dịp này có thể đòi hỏi phải có biện pháp trừng phạt kinh tế Trung quốc. “Dậu đổ là bìm leo”, Trung quốc biết rất rõ điều này nên mặt ngoài đưa tầu chiến ồ ạt ra biển Đông dương oai nhưng mặt kia rất sợ đụng độ với philipines vì đây có thể sẽ tạo nên cuộc địa chấn mà thảm họa gây ra cho Bắc kinh không chỉ đơn thuần thiệt hại về mặt quân sự mà cái lớn hơn đó là thiệt hại không thể tính kể về kinh tế và danh dự.

Phản ứng của Việt nam từ trước đến nay là có hạn và luôn kiềm chế mềm dẻo tránh đối đầu, trái ngược hẳn với những lời hứa của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung quốc đã cam kết trên tinh thần hữu nghị nhưng chắc chắn với thái độ trịch thượng và ngạo mạn của Bắc kinh cùng những hành động lấn áp gây sức ép gây thiệt hại về kinh tế, khiến các tập đoàn quốc tế ngần ngại không dám đầu tư khai thác với Việt nam và lệnh cấm đánh bắt cá cũng như quyết định xây dựng các cảng và sân bay tại các đảo đã chiếm của Việt nam tại Hoàng sa và một số đảo Trường sa vừa qua đã là giọt nước tràn ly. Không biết Việt nam sẽ phải làm gì để đối phó với tình huống đó?

“Con không khóc làm sao mẹ biết mà cho bú”, vấn đề biển Đông là quyền lợi của chính Việt nam và Philipines và các quốc gia trong khu vực. Nếu tính cường độ gây sức ép mọi mặt của Trung quốc lên Philipines còn rất hạn chế so với họ đã gây cho phía Việt nam. Ai cũng biết chính Trung quốc đã cho tầu chiến cướp các đảo ở Hoàng sa và một số đảo ở Trường sa gây nên sự đổ máu đau đớn ở đây cho đất nước này và chính họ liên tục gây sức ép với các công ty của Anh, Ấn độ và Mỹ, Nga để ngăn cản sự hợp tác làm ăn với Việt nam trong việc khai thác dầu khí và tài nguyên dù là ở trong vùng lãnh hải 200 hải lý mà quốc tế đã công nhận và chính họ đã ký vào. Người Philipines đã cùng nhau xuống đưởng phản đối không chỉ bằng mồm mà họ còn cho tầu chiến ra vùng biển tranh chấp để bảo vệ chủ quyền của mình. Bởi thế, người ta cho rằng nếu Việt nam và Philipines mà cùng phối hợp hành động để ngăn cản sự bành trướng của Trung quốc thì chắc chắn một hội nghị của các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải bất thường tổ chức và Mỹ, Ấn độ, Nhật, Nam hàn và Úc cùng nhiều quốc gia khác sẽ vào cuộc. Trung quốc sẽ bị cô lập thảm hại. Nhưng điều này còn phải chờ xem.

Ngày 16 tháng 5 năm 2012.

© Nguyễn Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét