Miền Trung không ảnh hưởng Phật giáo Hòa Hảo. Đạo Hòa Hảo phát triển ở 15
tỉnh miền Tây: Châu Ðốc, An Giang, Sa Ðéc, Kiến Phong, Vĩnh Long, Phong Dinh,
Chương Thiện, Kiên Giang, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Ðịnh Tường, Long An,
Kiến Hòa, Kiến Tường, và Sài Gòn-Gia Ðịnh. Các tỉnh như Châu Ðốc, An Giang, Kiến
Phong, Sa Ðéc, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo lên đến 90% dân số; ở các tỉnh khác tỷ
số này thay đổi từ 10 đến 60%. Miền Tây đất đai phì nhiêu, ruộng đồng rộng mênh
mông như Đồng Tháp Mười „cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”.
Mùa nắng đất khô cỏ cháy
Mùa mưa nước ngập lan
tràn
Cò trắng nghìn năm bay chẳng dứt
Chân trời bốn mặt
rộng thênh thang…
Nguyễn Bính
1949
Đồng Tháp Mười là vùng đất của Đồng bằng sông Cửu Long diện tích 697.000
hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Nhờ sông Cửu
Long mang phù sa về bồi đắp ruộng vườn phì nhiêu „làm chơi ăn thiệt“ nên đời
sống người dân sung túc, tính tình cỡi mở hồn nhiên, chất phát thật thà, giọng
nói cũng ngọt ngào dễ mến (khác với giọng Quảng Nam khô khan, rắn rỏi,). Họ xây
nhà theo mô hình „trước là nhà, sau là vườn cây ăn trái“. Trong khi đất miền
Trung khô cằn sỏi đá, chiến tranh tàn phá cao độ hơn miền Nam. Giữa tháng 3 năm
1975 tôi đi công tác có dịp tham dự đại lễ ngày Đức Thầy thọ nạn, do tín đồ Phật
Giáo Hòa Hảo tổ chức tại Đốc Vàng Hạ xã Tân Phú nơi Đức Thầy bị nạn 25/2 âm lịch
1946, thuộc quận Thanh Bình, tỉnh Kiến Phong. Nơi nầy còn có địa danh Đốc Vàng
Thượng với dinh ông Đốc Vàng ở ấp Nam xã Tân Thạnh, lúc sanh tiền ông lập được
nhiều công lao chống giặc ngoại xâm, sau khi qua đời vua Minh Mạng truy tặng
tước vị và được người dân xã Tân Thạnh lập đền thờ.
Hồi tưởng lại chuyến đi Cao Lãnh Kiến Phong, tỉnh Kiến Phong nằm phiá bắc
Tiền Giang các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc. Kiến Phong bắc giáp với
Campuchia, đông và đông bắc giáp hai tỉnh Định Tường và Kiến Tường, nam giáp
tỉnh Vĩnh Long tây và tây nam giáp hai tỉnh Châu Đốc và An Giang, xe từ Sa Đéc
phải đi qua chuyến phà từ Tân Mỹ (thuộc quận Lấp Vò Sa Đéc nơi sinh trưởng của
Phật Thầy Tây An). Quận Thanh Bình nằm trên quốc lộ 30, cách Cao Lãnh khoảng
25km về hướng tây bắc. Địa giới của huyện Thanh Bình ở phía bắc giáp huyện Tam
Nông, phía nam và phiá tây giáp sông Tiền Giang, phía đông giáp huyện Cao
Lãnh.
Trên đồng ruộng máy cày tạo nên những luống cày thẳng tắp, đất khô phơi màu
bùn xam xám, những con kinh nước lên xuống trong ngày, nước xuống để trơ những
cành cây không lá rong rêu, người ta gọi là chà, là nơi cá tôm sinh sống, lúc
nước xuống cạn họ dỡ chà dài khoảng 10 m, bùn non nước sền sệt người ta tìm bắt
vô số cá, tôm đủ loại cả giạ, họ bán hoặc phơi khô làm mắm tích trữ cho mùa nước
lên. Những con rắn bông súng, rắn nước cũng bị bắt, cá lóc (cá tràu) to bằng bắp
chuối nướng trui không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt,
không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch,
được xuyên bằng một que dài từ miệng đến đuôi, sau vùi cá vào đống rơm khô rồi
châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro
tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng, thơm ngon
là món khoái khẩu của dân nhậu, chấm với nước mắm me dốt, khề khà với rượu Đế,
dân miền Nam miệt vườn quanh năm thưởng thức thơ rượu, hát hò… Chúng tôi đến chợ
Thanh Bình buổi trưa nước ròng, trên kinh vắng bóng ghe đò, hai bên bờ kinh từng
đoàn xe honda chạy về hướng Đốc Vàng Hạ. Thiếu tá Lộc quận trưởng cho biết tình
hình an ninh ở đây khả quan vì giáo dân là những người rất chống cộng. Đại lễ
Đức Thầy thọ nạn tưởng nhớ ngày CS sát hại Giáo chủ, ngày lễ sẽ có nhiều Chính
khách, Dân biểu về tham dự…
Nắng chiều trải rộng trên kinh tràn ngập những cánh hoa lộc bình (Eichhornia
crassipies) màu tím trang điểm thêm nét đẹp của thiên nhiên mây nước, ghe đò
chạy vô ra náo nhiệt lo cho ngày lễ Hội, chúng tôi quá giang ghe vào Đốc Vàng
Hạ, hai bên kinh nhà cửa khang trang lợp ngói đỏ, xây cao hơn mặt đất 1 vài mét,
sàn nhà bằng gỗ, dưới những gốc cây cau có lu đựng nước mưa, nhà giàu xây những
bể chứa nước mưa to lớn, phương tiện chính duy chuyển ở đây là ghe xuồng nên nhà
nào cũng có ghe gắn máy đuôi tôm. Gần đến điạ điểm tổ chức là khoảng đồng trống
có đồn Nghiã quân, lô cốt bằng đất chung quanh rào sơ sài hai lớp mỏng kẽm gai
concertina, là đồn nhưng gọi trạm thì đúng hơn, quân số một tiểu đội chưa đủ 12
người. Anh trung đội trưởng vui tính luôn phì phà điếu thuốc trên môi, anh rất
lạc quan vì tình hình nhiều năm ở đây bình an, CS chỉ hoạt động mạnh ở các vùng
Kiến Tường Mộc Hoá, Sầm Giang, Cai Lậy…Trung đội anh phụ trách hai đồn nhỏ trong
và ngoài giữ an ninh chống kinh tài VC về thâu thuế. Sân khấu đài tưởng niệm
dựng trên vùng đất rộng bao la bằng phẳng mượt mà cỏ xanh, chung quanh là nhà
dân sầm uất. Người về càng đông hàng quán ì xèo bán thức ăn, nhạc vàng, cải
lương vọng cổ vang trong gió chiều từ những dàn nhạc âm thanh lớn, Stero Radio
cassette của các quán nhậu đặc sản của Đồng Tháp Mười về đêm đèn Manchon sáng
chói. Chúng tôi được chính quyền địa phương giới thiệu về địa lý và di tích lịch
sử của Đốc Vàng, tôi hân hạnh gặp cụ Phan Văn Mười (Mười Tỷ) cận vệ Đức Thầy là
người có duyên may thoát chết trong vụ án Đốc Vàng. Sau biến cố Đốc Vàng, cụ
tiếp tục con đường hành đạo theo giáo lý của Đức Thầy kể lại biến cố lịch sử.
„Đức Thầy ngồi bàn giữa, nói chuyện với Bửu Vinh, còn 4 cận vệ cầm súng đứng 2
bên gần cửa. 10 phút sau có 8 người từ bên ngoài đi vào, chia làm 4 cặp, tràn
tới đâm 3 cận vệ chết tại chỗ, ông nhảy xuống bờ kinh thoát nạn, ngôi nhà ngói
bị tắc đèn chìm vào bóng đêm âm u, Đức Thầy vắng mặt từ đó…„ Tín đồ Hòa Hảo tin
Đức thầy còn sống ngài sẽ trở lại trong vinh quan, nhưng theo các tài liệu của
Việt Minh thì Đức thầy bị sát hại thủ tiêu mất xác. (do Đào Công Tâm và Bửu Vinh
thi hành). Việt Minh chủ trương tiêu diệt tín đồ PGHH cố Thi Sĩ Việt Châu Nguyễn
Xuân Thiếp (anh em chú bác với nhà văn Nguyễn Hiến Lê), ngày 08.9.1945 thừa lệnh
Đức Thầy thi sĩ Việt Châu đi Cần Thơ hòa giải việc tín đồ PGHH bị bắt giữ sau
cuộc biểu tình, bị VMCS tráo trở bắt tử hình tại Cần Thơ ngày 07.10.1945 (02.9
Ất Dậu) chung với hai ông Trần Ngọc Hoành và Huỳnh Thạnh Mậu em phần xác Đức
Thầy. Các lực lượng vũ trang của Dân Xã đã đồng loạt tấn công vào lực lượng vũ
trang và các cơ sở của Việt Minh tại các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ với
danh nghĩa để trả thù cho Giáo chủ.
a/ Nhóm Trần Văn Soái, tức Năm Lửa, mang danh nghĩa Quân đội Hòa Hảo, hoạt
động tại Cần Thơ, Vĩnh Long, đặt bản doanh tại Cái Vồn.
b/ Nhóm Lâm Thành Nguyên, tức Hai Ngoán, hoạt động tại 2 tỉnh Long Xuyên và
Châu Đốc, bản doanh đặt tại Cái Dầu.
c/ Nhóm Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, mang danh nghĩa Nghĩa quân Cách mạng, kiểm
soát vùng rạch Giá, Long Xuyên, đóng bản doanh tại Thốt Nốt.
d/ Nhóm Nguyễn Giác Ngộ tức Ba Gà Mổ, mang danh nghĩa Nghĩa quân Nguyễn Trung
Trực, đóng tại một vài khu vực trong tỉnh Long Xuyên, đặt bản doanh tại Chợ
Mới.
Đến Đốc Vàng tình cờ tôi gặp ông Tưởng khi nghe ông nói giọng Quảng Nam, ông
định cư ở Mộc Hóa nhưng con gái lấy chồng về Đốc Vàng, ông đến thăm cháu ngoại
và dự đại lễ. Năm 1957 thời TT Ngô Đình Diệm ông đi theo chương trình di dân,
đến các khu trù mật, dinh điền được chính phủ trợ cấp để khai phá lập nghiệp.
Chú An con rể ông là lính sư đoàn 9 bị thương được giải ngũ nhưng còn khỏe, nhà
có máy cày đầy đủ tiện nghi, phản bằng gỗ mít dày bóng loáng, bộ ghế salon gỗ
trên bàn kính có lộng hình con cháu… Con gái ông nói giọng Nam, đời sống gia
đình thuộc hạn trung lưu, con rể lịch thiệp hiếu khách vồn vã mời chúng tôi ở
lại ăn tối và ngủ đêm có mền mùng không sợ muỗi cắn. Buổi tiệc làm nhanh gồm các
món: lươn um với bắp chuối, cá nướng rơm, canh chua cá lóc, cá trê kho tộ, tôm
chua, bia 33 nước đá lạnh…Ông Tưởng nhắc lại những ngày ngoài quê nghèo, làm
mướn cuối ngày được chủ trả mấy lon gạo (lon sữa bò dùng để đo luờng), cơm độn
khoai sắn quanh năm mưa nắng làm gì có thịt cá hả hê như ngày nay, ông luôn nhớ
kỷ niệm tình hàng xóm nơi chôn nhau cắt rún Quãng Nam. Con cháu ông sinh trưởng
miền Nam đời sống sung túc không khổ như đời cha, phải đổ mồ hôi để đổi lấy
miếng cơm. Đồng hương gặp nhau ở xứ người là một niềm vui „ôn cố tri tân“ dù thế
hệ tuổi tác tôi với ông cách xa nhau, nhưng bổng dưng có một sự thắm thiết chân
tình. Tôi ở lại với gia đình con cháu ông như gia đình mình, chuyện xưa được gợi
lại như một kỷ niệm đẹp trôi theo giòng đời…càng về khuyua thanh vắng vòm trời
cao có những ánh sao đêm, mọi người ngủ say, tôi giật mình lo sợ nghe tiếng
súng, lựu đạn nổ ở hai đồn nghiã quân kéo dài khoảng 20 phút, chú An từng kinh
nghiệm tác chiến cho biết tiếng súng AK và đạn B40 là của VC, nên bình tĩnh
trong nhà không nên đốt đèn, chờ sáng để biết tình hình, thời gian chờ đợi, lo
sợ trôi qua rất chậm. Trời vừa hừng sáng chú An ra bờ kinh nhìn về phiá đồn
nghiã quân lô cốt không còn mái tôn, bộ đội VC đội mũ cối ở trong đồn, những
nghiã quân sống sót bỏ đồn nương theo bờ kinh chạy thoát hiểm, hai nghiã quân hy
sinh xác còn trong lô cốt đất, cả hai đồn nghiã quân bị chiếm. Đại đội chủ lực
quân VC về đánh phá ngày đại lễ. Mặt trời lên cao ghe đò chờ nước lên để di tản,
chúng tôi phải băn ngang cánh đồng vì hai đầu nơi tổ chức đều bị VC chiếm và
đóng chốt. Đoàn người như đàn cò trắng trên cánh đồng khô tìm lối thoát thân, VC
bắn theo, tiếng đạn kêu vèo vèo đầu đạn cắm xuống những luống cày khô bụi bay
ngay trước mặt, may mắn không ai bị thương. Đây là lần đầu tiên và cũng là cuối
cùng tôi chạy toát mồ hôi dưới làn đạn giết người của VC, ông Tưởng chửi luôn
miệng „Tiên sư giặc Hồ không để cho dân chúng sống bình an…” Ngày đại lễ cuối
cùng của Phật Giáo Hòa Hảo miền Nam không thể thực hiện. Sau 1975 Phật Giáo Hòa
Hảo không được phép nhắc tới ngày Đức Thầy thọ nạn vì đó là điều bị nhà cầm
quyền cộng sản cấm kỵ Phật Giáo Hòa Hảo trải qua những biến đổi của lịch sử, từ
thời kháng chiến chống Pháp, chống Việt Minh và thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cũng lắm
thăng trầm và chua xót. Trước năm 1975 các Tôn giáo tại miền Nam đều có quyền tự
do hoạt động, có các sở văn hóa, truyền giáo, từ thiện… Viện Đại Học Hòa Hảo
thành lập năm 1970, tại Long Xuyên chương trình học nhằm đào tạo cho giới trẻ
sinh trưởng tại miền Nam có cơ hội tiến thân không cần phải đi học xa ở Sài Gòn
và cạnh tranh với các Viện Đại học Vạn Hạnh (Phật giáo 1964), Viện Đại học Chính
Trị Kinh Doanh Đà lạt (Công giáo1957) Viện Đại học Cao Đài Tây Ninh (1971)…
Đại học Hòa Hảo gồm có các phân khoa
- Thương mại Ngân hàng
- Khoa học Quản trị
- Giao dịch và Ban giao Quốc
tế
- Nông nghiệp
- Văn khoa và Sư phạm
- Trung tâm sinh ngữ
- Đông
y.
Tóm lược lịch sử Đạo Hòa Hảo
Thánh Ðịa Phật Giáo Hòa Hảo tại làng Hòa Hảo tức là sinh quán của Ðức Huỳnh
Giáo Chủ, Đức Thầy sinh 15.01.1920 (25.11 Kỷ Mùi) tại làng Hoà Hảo, quận Tân
Châu tỉnh Châu Đốc, (nay huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Ngài là người sáng lập
Phật Giáo Hòa Hảo, làng nầy có nếp sống thanh bình an lạc. Thuở nhỏ ông thông
minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp-Việt nhưng thường bị đau ốm nên đành bỏ
dở việc học. Lên núi Sam còn có tên là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m
có chu vi 5.200m, là một núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay
là phường Núi Sam, Châu Đốc. Tu theo Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng năm
1849 bởi ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856), quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tổng
An Thạnh Thượng, Lấp Vò Sa Đéc. Ông Đòan Minh Huyên đến tu tại chùa Tây An hay
Tây An cổ tự được tín đồ tôn kính gọi là Phật Thầy Tây An.
Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, trong khuôn viên có diện tích
15.000m m2. Phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh, mặt
chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa.
Nơi nầy ông Huỳnh Phú Sổ được trị lành bệnh và luyện chí tu hành. Năm 1937 Huỳnh
Phú Sổ về làng, chữa bệnh cho dân, viết kinh, giảng sấm, được dân gian gọi là
Phật Thầy. Từ đó đạo Phật Giáo Hòa Hảo được khai sáng tại làng Hòa Hảo. Tín đồ
PGHH không buộc phải cạo đầu vào chùa, bỏ mọi việc ngoài thế gian, họ ở tại gia
đình sống như mọi người công dân khác với nếp sống bình dị trong nông nghiệp, tu
hành theo giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghiã:
a/ Ân Tổ Quốc Cha Mẹ
b/ Ân Đất Nước
c/ Ân Tam Bảo ( Phật Pháp
Tăng)
d/ Ân Đồng Bào Nhân Loại
Tín đồ PGHH là cư sĩ tu tại gia sửa thân tâm, đóng góp vào việc phát triển
nền kinh tế nông nghiệp trù phú miền Nam. Trên bàn thờ, không có tượng Phật,
chuông mõ. Chỉ có tấm Trần bằng vải màu dà, tượng trưng cho sự hòa hợp nhân
loại, và cho màu sắc nhà thiền. Ðó là bàn thờ Chư Phật. Dưới bàn thờ Phật là bàn
thờ Cữu Huyền Thất Tổ thờ ông bà cha mẹ đã khuất. Trước nhà có bàn thờ lộ thiên
(gọi là bàn Thông Thiên) để người tín đồ cảm thông với Trời Ðất, bốn phương
trời, mười phương Phật. Họ chỉ dùng nước lạnh, bông hoa, và nhang để cúng Phật.
Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn
nhang dùng mùi hương thơm tẩy ô uế .
Mỗi ngày người tín đồ PGHH làm lễ cúng Phật, ít nhất hai lần, sáng và tối.
Trong các ngày rằm, mồng một, ngày vía Chư Phật, họ đến chùa hay hội quán hành
lễ, nghe kinh giảng, thuyết pháp. Lúc đãnh lễ họ không dùng mõ chuông, mà chỉ
lâm râm tâm niệm. Khi nào bận việc thì đến giờ hành lễ họ quay mặt về hướng Tây
mà cúng Phật, và khuyến khích nhau ngồi đâu, ở đâu cũng tụng niệm trong tâm.
Ngoài ra trong các Xã, Ấp có những độc giảng đường trang bị máy phóng thanh, để
mỗi ngày trong những giờ nhất định, có những giảng viên đến đọc kinh giảng hay
thuyết pháp cho người chung quanh. Ðộc Giảng Ðường Phật Giáo Hòa Hảo là những
ngôi chùa thâu hẹp để truyền đạo, không phải để cư trú nên nhỏ hơn chùa, bởi bản
chất Phật Giáo Hòa Hảo là cư sĩ tại gia. Hệ thống sinh hoạt của Phật Giáo Hòa
Hảo trước 1975 gồm có:
1/ Các Ban Trị Sự Tỉnh: An Giang, Sa Đéc, Kiến Phong, Kiên Giang, Vĩnh Long,
Phong Dinh, Chương Thiện, An Xuyên, Ba Xuyên, Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Bình,
Kiến Hòa, Kiến Tường, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định và
Long An Định Tường.
2/ Các Ban Trị Sự Thị Xã: Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho, rạch
Giá, Vũng Tàu, Đà Lạt.
3/ Các Ban Trị Sự trực thuộc Trung Ương: Thánh Điạ Hòa
Hảo xã Thiện Từ, 82 Ban Trị Sự cấp quận, 476 Ban Trị Sự cấp xã, 3100 Ban Trị Sư
cấp ấp
4/ Cơ Sở Tự Viện: 231 chuà và Tự viện; 468 Độc giảng đường; 452 Hội
quán; 2876 Văn phòng.
5/ Nhân sự: 36500 Trị sự viên các cấp; 2679 Tu sĩ và
nhân viên tại các tự viện; 10.000 nhân viên và khóa sinh ngành phổ thông Giáo
Lý.…
Sinh hoạt chính trị tại miền Nam còn có chính đảng: Đảng Dân Chủ Xã Hội Việt
Nam còn được gọi là Đảng Dân Xã hay Dân Xã Đảng Hòa Hảo là một đảng chính trị
lớn hoạt động ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1946-1975 rất mạnh, có Dân biểu,
Thượng nghị sĩ đại diện cho PGHH, Người miền Trung đến làm việc tại các tỉnh
miền Tây “nhập gia tuỳ tục“ phải tế nhị trong vấn đề giao tế với đại diện tín đồ
PGHH đàn ông lớn tuổi họ còn bới tóc.
Sau 30.4.1975 Dân Xã đảng và các đảng phái khác dưới thời VNCH bị cấm hoạt
động. Một số thành viên của Dân Xã đảng sau năm 1975 tập hợp tái hoạt động tại
hải ngoại đấu tranh, hổ trợ cho Phật Giáo Hòa Hảo trong nước bị nhà cầm quyền CS
đàn áp, đánh đập bắt giam cấm hành đạo. Hàng năm ở hải ngoại tín đồ Phật Giáo
Hòa Hảo làm kỷ niệm ngày Đức Thầy thọ nạn. Nhìn lại 37 năm qua CSVN luôn đàn áp
tôn giáo, không riêng gì PGHH bị nạn, cả nước biến thành nhà tù của chế độ CS vô
thần. Trong chuyến viếng thăm Cuba Đức Giáo Hoàng nói: “Ngày nay đã rõ ràng là ý
thức hệ mác xít tỏ ra không thích hợp với thực tại” và ngài kêu gọi “Cuba cần
phải có tự do của lương tâm và tự do tôn giáo cho mọi người”. Các Quốc gia còn
theo chủ nghiã Cộng sản trong đó có Việt Nam cần phải sớm từ bỏ chế độ CS để
người dân được sống hoà bình, tự do dân chủ…
————–
© Nguyễn Quý Đại
www hoamunich.wordepress.com
Tài liệu, hình ảnh tham
khảo trên Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét