Không có gì bất biến. Học thuyết Marx hay bất kỳ tư tưởng, học thuyết nào cũng phải thay chuyển. Nếu không nó sẽ thành vật cản cho sự phát triển và hóa... phản động. Tranh luận, nhìn xét lại một số điểm của học thuyết Marx là điều cần thiết. Bài viết của một trí thức Việt hải ngoại- tiến sĩ Phạm Ngọc Cương đụng chạm đến một số điểm vốn được xem là “nhạy cảm”, nhưng là một phản biện khoa học tích cực, và đặc biệt thú vị khi tác giả dùng để liên tưởng, dẫn giải đến câu chuyện thời sự Văn Giang. Nếu ai đó muốn phản bác hãy tranh luận bằng những luận cứ, diễn giải khoa học, khách quan, xin chớ vội vã qui chụp hồ đồ. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phải đồng nhất với góc nhìn và quan điểm của website Một góc nhìn khác- TDN.
1- Nô lệ tư tưởng:
Thực tế là thước đo kiểm chứng chân lý. Theo qui chiếu này, chủ nghĩa Marx có rất nhiều luận điểm nghe thì nhân bản và tiến bộ, nhưng áp dụng vào cuộc sống lại thành đi ngược lại trào lưu tiến hóa thành... phản động!Marx minh định rõ ràng và chính xác rằng hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Và nếu hiểu “lịch sử tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp”(1) là chỉ hiểu theo bề mặt của vấn đề. Phải hiểu là lịch sử của loài người từ thuở khai sinh lập địa đến nay là lịch sử của phát triển phương thức sản xuất mới là hiểu đúng gốc của vấn đề.
Karl Marx thấy nguồn gốc của bất công xã hội là do việc phương tiện sản xuất bị tập trung vào tay một số ít người vì vậy cần công hữu hóa để tạo sự bình đẳng tiếp cận và quá trình này sẽ tạo ra một quan hệ sản xuất mới. Khi mỗi người đều có sự tiếp cận bình đẳng với công cụ lao động, và “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người”(2) thì xã hội sẽ dân chủ và ưu việt hơn vạn lần dân chủ tư sản và điều đó sẽ dẫn đến một hiệu quả lao động vượt trội so với chủ nghĩa tư bản. Có ai ngờ công hữu hóa ở những thể chế độc tài lại (...) tập trung của cải vào tay một số kẻ nhân danh vì dân, vì nước vì sự phát triển... và gây nỗi sợ hãi, phẫn uất cho quần chúng khi quyền về sự tiếp cận công bằng với tư liệu sản xuất thành đặc quyền của thiểu số ban phát điều kiện sống cho quảng đại.
Cũng theo Marx, tư bản sẽ không tự nguyện từ bỏ tài sản của mình vậy cần phải có bạo lực cách mạng của quần chúng để lật đổ nó, và vô sản một nước chưa đủ lực làm việc này nên cần hợp lực, vô sản tất cả các nước cần đoàn kết lại. Cần giành được chính quyền để quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, và cũng vì thế cần duy trì chuyên chính vô sản để trấn áp và ổn định cái công hữu ấy. Thực tế là bạo lực luôn nuôi dưỡng bạo lực và hận thù, chứ không phải là động lực chính để khôi phục, tái thiết và phát triển bài bản.
Nhiều quốc gia đã phải trả giá đắt cho việc coi nhẹ sức sản suất mà coi quá nặng việc thiết lập quan hệ sản xuất không tưởng mới. Ngay từ năm 1921 tức là sau cách mạng tháng Mười có 4 năm, Lê Nin của nước Nga đã phải ra chính sách kinh tế mới (NEP). Năm 1966 ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú đã đề ra tư tưởng khoán hộ. Từ năm 1977 Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc đã quyết liệt với đường hướng mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột. Tất cả đều là sự tháo chạy tỉnh táo về kinh tế ra khỏi chủ nghĩa Marx.
Thực hiện mô hình của Marx, vô hình chung xã hội tự đánh mất động lực phát triển của sức sản xuất bằng cách triệt tiêu tận gốc rễ sức sáng tạo cá nhân trên cơ sở quyền tư hữu. Marx mới hiểu có máy móc... là công cụ lao động và đất cát, tài nguyên ... là tư liệu sản xuất. Marx đã không nhìn ra trên cơ sở có sự bảo hộ luật pháp về quyền tư hữu và tự do, trí tuệ con người mới vừa chính là công cụ lao động sắc bén nhất vừa là tư liệu sản xuất phong phú nhất để làm thăng hoa mọi giá trị của cuộc sống con người. Theo lăng kính Marx thì làm sao hiểu được các cậu thanh niên trẻ gần như tay trắng về tư liệu và công cụ sản xuất (theo kiểu hiểu của Marx) bắt đầu chỉ bằng khối óc của mình trong thời gian ngắn kỷ lục lập ra các đế chế công nghệ và tài chính hùng mạnh như Microsoft, Google, Facebook, Apple... từ giành giật đất đai như giành giật tư liệu xản xuất chính, cuộc chiến giữa các quốc gia tân tiến và công ty văn minh giờ là cuộc chiến giành người, dành ưu thế về chất xám và thị trường.
Từ khởi đầu bản Tuyên ngôn cộng sản khi Marx cùng Engel viết vào năm 1848, các ông dùng từ “bóng ma” để chỉ một trào lưu tư tưởng và chính trị cộng sản đang lên. Thực tế học thuyết của các ông quả là cơn ác mộng, là bóng ma thật cho quảng đại dân chúng nơi chính quyền luôn xào nấu món ăn tư tưởng này. Là người cả đời thất bại trong việc mưu sinh cho bản thân và gia đình, nhà kinh tế học Marx có ngờ đâu những kẻ hậu sinh khoác hờ chiếc áo tư tưởng của ông lại là những thế lực vô cùng hữu sản đang thỏa sức bóc lột và tước đoạt dữ dội quần chúng lao khổ.
Việt Nam chưa bao giờ là một cái nôi tư tưởng triết học của nhân loại. Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta phải quá thất vọng vì không mấy dân tộc có truyền thống tư tưởng triết học. Tuy nhiên kém cái gì thì ta phải trả giá đắt cho cái đó. Thất bại lớn nhất của chúng ta trong chuyện này là luôn không đủ tầm vóc để đánh giá và nhìn nhận các hệ tư tưởng đồng thời đủ bản lĩnh tránh xa các cám dỗ tư tưởng hoang đường. Một cách ý thức hay vô thức, luôn là nô lệ cho các hệ tư tưởng ngoại lai (...) Trường hợp tốt nhất là du nhập được ít nhiều tinh túy, tệ nhất là bê nguyên cái giáo điều của họ về. Khi xưng tụng là nguyện tuyệt đối trung thành thì cũng đồng thời tự xác nhận thân phận nô lệ. Về chuyện này tôi thấy cách hành xử của Hồ Chí Minh là đúng khi ông không dấu dốt, tự nhận là không có tư tưởng gì cả (...) Khi nói chuyện với nhiều quan chức Việt đương nhiệm, tôi thấy họ vẫn luôn dẫn Marx coi đó như chân lý, kinh điển, hoặc thích qui chiếu kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc. (...) Đấy chính là thân phận nô lệ tư tưởng.
2- Phô diễn bạo lực?
Trong cương lĩnh chính trị 2/1930 tại Hương Cảng, đảng CS Việt Nam tuyên bố sẽ làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất. Việt Nam tự do (phản đế - dân tộc) và người cầy có ruộng (phản phong - dân chủ). Phải nói đó là một cương lĩnh chính trị sáng suốt. Ở đây nếu có sai thì chỉ sai về phương cách thực hiện, khi lạm dụng bạo lực cách mạng và công cụ chuyên chính không chỉ với thù ngoài mà cả với anh em trong nhà. Một đất nước cả 72 năm bí bích và luôn thất bại trong phương án tìm kiếm độc lập (từ năm 1858 Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng tới năm 1930 thành lập ĐCS) thì hướng dùng bạo lực để giải bài toán dân tộc là có thể hiểu được. Truyền thống quật khởi và khát khao dân tộc tự chủ luôn là một nhu cầu từ tâm khảm mỗi người dân Việt. Tuy thế đảng Cộng sản còn hiểu rõ rằng lòng yêu nước dẫu cao vậy vẫn chỉ như một loại dầu gió, chưa đủ đô chiến thắng sức mạnh bạo lực của nhà nước đô hộ. Chỉ có lời hứa cấp ruộng cho hơn 95% dân chúng sống nhờ ruộng mới có thể tạo ra một quần chúng hừng hực làm cách mạng. Tự thân của khẩu hiệu này đã đánh trúng vào gốc tư hữu tiềm ẩn trong mỗi con người nói chung và nông dân Việt nói riêng. Chỉ tiếc rằng Việt Minh- một tổ chức đã biết cách làm thành công tuần lễ vàng, hũ cơm kháng chiến, chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm lại không biết cách làm cải cách ruộng đất theo hướng văn minh là vận động, áp thuế, ra chính sách điều chỉnh là chính, mà lại đi tiến hành theo phương án phô diễn bạo lực (...)Khi cần hô hào quần chúng lao khổ, cương lĩnh đảng là “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông”(4). Nhưng hôm nay, lịch sử đã sang trang, bà đỡ của nền đại công nghiệp ở Việt Nam đã đến và chuẩn bị hành nghề: phương thức sản xuất công nghiệp mới đang hình thành. Xây cao ốc bán, cho thuê nhà xưởng đều có giá hơn canh tác lúa gạo. Mâu thuẫn xã hội một lần nữa chỉ là bề nổi của sự thay đổi phương thức sản xuất. Khi bữa cỗ tích lũy tư bản đỏ cần được soạn lên mâm thì người nông dân phải thành vật tế thần nghiệt ngã cũng là lẽ thường. Là sản phẩm nối dài và tất yếu của cách làm kinh tế XHCN: cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đổi tiền, (....)... năm xưa nay là cưỡng chế giải tỏa ... (...) Âu cũng là điều dễ hiểu! (...) Cách làm thời công nghiệp hóa vẫn trên cơ sở bổn cũ soạn lại. Đó là soán đoạt và ép buộc chứ không phải thuyết phục, hợp tác và chia sẻ lợi nhuận...Vì thế mới xuất hiện cảnh tượng những người dân phải chít khăn tang kéo nhau ra đồng giữ đất (...)
3- Thế kỷ thiếu anh hùng?
Rất nhiều lần tôi thấy trên báo chí, nghị quyết nọ kia của nhà nước và đảng nói về sự chống phá của các thế lực thù địch, cảnh giác nọ, cảnh báo kia. Ở hải ngoại thì các sinh họat cộng đồng luôn nói về sự phá hoại của các tổ chức cộng sản nằm vùng. Thật đau lòng khi thấy người Việt còn cắn xé nhau và khi làm việc yếu kém thì đổ vấy tội cho nhau. Chỉ biết rằng ba triệu người ở nước ngoài đó cũng chả có tư chất gì đặc biệt hơn so với họ hàng nơi quê nhà, đã không thể cầm theo mảnh đất nào của Tổ quốc khi ra đi để chia lô hay ăn tiền giải tỏa, không bán đi giọt dầu, cục than hay gram bôxít nào của đất nước, cũng không tận dụng được sức nhân công rẻ mạt nào của hơn 80 triệu bà con nơi quê nhà mà vẫn có tổng thu nhập cao hơn tổng GDP ở quốc nội. Và mỗi năm vẫn tích cóp gửi về quê hương cả 8-10% thu nhập của mình. Hiểu, giải thích hiện tượng này thế nào cho đúng? Người Việt chưa có khả năng tự tổ chức cho mình một mô hình phát triển kinh tế, quản lý xã hội hiệu quả?! Thực tế là chính phủ Việt sau nhiều chục năm vẫn chưa biết cách giải phóng hết tiềm năng con người Việt.Yếu tố đầu tiên và duy nhất vẫn là yếu tố con người. Bao nhiêu năm nay tôi thấy có rất nhiều đánh giá khác nhau về sự thất trận của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến nửa sau của thế kỷ trước. Nguyên nhân hàng đầu phải nói rõ mà lại ít được nói đến nhất là phía miền Nam đã không tập hợp dưới cờ của mình được nhiều tướng tài như phía miền Bắc. Ở hải ngoại, các bài phân tích về Hồ Chí Minh thật nhiều, nhưng về mặt chính trị cả hơn thế kỷ nay ở Việt Nam chưa có con người thứ hai có tầm vóc như vậy (...)
Năm 1991 khi Liên bang Xô Viết đang tan ra từng mảng, nói chuyện với các viện sỹ hàn lâm lỗi lạc của họ tôi có hỏi là họ đánh giá thế nào về Lê Nin và Stalin. Họ nói là đánh giá một di sản chính trị cần phải dựa vào cái hệ thống mà nhân vật ấy nhào nặn ra và để lại cho hậu thế. Về mặt này Stalin thành công hơn Lê Nin nhiều. Tuy nhiên một hệ thống chính trị tốn bao xương máu mà sụp đổ sau có 70 năm chứng tỏ cái viễn kiến chính trị của những người sinh đẻ ra nó là quá kém.
Kích cỡ vĩ đại của một vĩ nhân không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với kết quả phụng sự dân tộc của họ. Về sự nghiệp cá nhân Phiden Castro thật vĩ đại, nhưng nếu nước Cuba không có một lãnh đạo cá tính mạnh và bảo thủ như ông thì sự đói nghèo và tụt hậu chắc đã sớm rời xa thiên đường du lịch này rồi.
Putin vĩ đại! Ông hãm được cái bánh xe nước Nga khỏi lao dốc, siết lại được một số đinh ốc sắp long của nó, và lái nó lùi dần khỏi bờ vực nguy hiểm. Cùng tiếp quản một đất nước đổ nát, có thể đánh giá Putin kém Đặng Tiểu Bình ở chỗ là ông chỉ thấy yên tâm khi phải nằm được ở đỉnh cao thực quyền hiến định. Nhưng cũng có thể thấy đến nay ông hơn Đặng nhiều điểm. Ông tiếp quản quyền lực từ khi còn khá trẻ. Luôn biết dành dù chỉ một con đường thật nhỏ cho hiến pháp và pháp luật. Chưa lần nào gây tội lớn để xấu muôn đời với dân như vụ đàn áp Thiên An Môn. Chưa lần nào phải dùng chiến tranh để tỏ “lòng trung” với thế lực quốc tế nào như việc Đặng dạy Việt Nam “một bài học” năm 1979. (...) Còn Việt Nam? Đành than thở theo kiểu nhà thơ Chế Lan Viên “ôi thương thay những thế kỷ thiếu anh hùng”!
4- Trăn trở:
Nhà nước được xây dựng để bảo vệ giai cấp thống trị hay để quản lý tốt xã hội?Khi cả ngàn cảnh sát được huy động đến huyện Văn Giang để cưỡng chế thu hồi đất của dân, tôi không hiểu nếu cần làm việc đó ở Canada - một đất nước chỉ có 2 cảnh sát trên 1000 dân - thì chính quyền Canada phải huy động cảnh sát của bao nhiêu thành phố và thị trấn nhỏ? (...)
Thật choáng khi dân chúng Bắc Triều đang đói ăn vàng mắt mà cậu út Kim Jong Un làm lễ tưởng niệm cho người cha Kim Jong Il tại quảng trường mang tên người ông Kim Nhật Thành điều tới 70.000 quân. Để so sánh Canada là nước lớn thứ hai thế giới về lãnh thổ (9.984.670km2), to gấp hơn 82,8 lần Bắc Triều (120.540km2), có bờ biển dài 202.080km, biên giới trên bộ là 8.890km, đang có tranh chấp lãnh thổ với cả Mỹ, Nga, Đan Mạch, đôi khi còn gửi quân ra ngoài thực hiện dăm ba cái nghị quyết của Liên hợp quốc (ví dụ nghị quyết cấm bay ở Libya tốn của Canada 347 triệu đô la) mà toàn bộ quốc phòng từ tướng đến quân chỉ có vẻn vẹn 68 ngàn người. Gom toàn bộ lính kỹ thuật, lính chiến..., sỹ quan quân đội Canada không đủ sỹ số làm một lễ tưởng niệm như tay chơi Bắc Hàn phô diễn.
Cả ngàn cảnh sát tập trung trấn áp dân ở Văn Giang hay cả 70 ngàn quân lính tụ tập ở quảng trường Bắc Hàn biểu thị sự kém cỏi của chính phủ trong công nghệ trị quốc. (...) Chính phủ văn minh và nhân bản cần phô diễn và tự hào theo kiểu khác. Chính quyền Canada mới thông báo là năm 2012 đóng cửa 3 nhà tù. Vì các nhà tù liên bang hiện có tổng 15 ngàn giường và vẫn còn nhiều giường trống. Vì tỷ lệ tội phạm giảm và những nhà tù cũ không đủ tiêu chuẩn là mỗi tù nhân phải có phòng riêng. Các công ty độc lập luôn làm các trắc nghiệm xã hội. Gần đây thành phố Vaughan (một thành phố vệ tinh của đại đô thị Toronto) đăng tải ý dân. 98% cư dân đánh giá là chất lượng cuộc sống ở đây tốt. 83% dân chúng cho rằng dịch vụ dân chúng nhận được tương xứng với đồng thuế mà họ đóng. 82% dân chúng hài lòng với sự chi dùng của chính quyền thành phố. Vậy mà dù chỉ cần mắc một lỗi nhỏ trước ngày bầu bán không rõ chính quyền đương nhiệm có qua nổi sự khắt khe của dân chúng để đắc cử nhiệm kỳ tới không?
Cuối cùng đất nước ta tuy ở hàng chót cũng đang xếp hàng vào vòng quay công nghiệp hóa. Để tránh tai nạn và văng ra ngoài dù muốn hay không phải hiểu luật chơi. Ở cuộc chơi này căng thẳng nhất là sự thừa mứa việc cung ứng sản phẩm. Một Trung Quốc sản xuất dư thừa toàn bộ hàng trung và thấp cấp cho cả thế giới tiêu dùng. Nếu mất tiêu một nước Trung Quốc thì có Ấn Độ thế chỗ ngay. Nếu không có Ấn thì vài nước nhỏ như Srilanka, Bangladesh, Cambodia và Indonesia cho chạy hết công suất, hàng hóa vẫn đầy ứ mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Công nghiệp ô tô hôm nay thì có công suất gấp 3 đến 4 lần khả năng tiêu thụ. Thiếu toàn bộ nền công nghiệp xe hơi của bất kỳ nước nào dù Mỹ, Nhật hay Trung Quốc thì xe hơi xứ khác vẫn cứ lấp đầy khoảng trống và thị trường không vì thế mà căng thẳng thiếu xe.
Tiếp đó cần hài hòa nhu cầu phát triển và nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu có công việc để bảo đảm cuộc sống và nhu cầu thụ hưởng cuộc sống. Để không thành nô lệ và kẻ làm công muôn đời cho nước ngoài, cách duy nhất là phải đưa xã hội Việt giàu có lên, biến xã hội đó thành một xã hội chăm lao động, tích cực tích lũy và tiêu thụ hợp lý. Muốn bứt phá được vậy thì phải phát huy sức sáng tạo tối đa của mỗi trí tuệ Việt. Chìa khóa để khai thông cách cửa đó là xác lập quyền tư hữu. Thật ngớ ngẩn và phi chính trị khi luật sở hữu trí tuệ - nơi bảo hộ quyền cho thiểu số thông thái - được thông qua từ năm 2005 mà đến giờ còn không thông qua quyền tư hữu đất đai cho quảng đại dân thường. Sự bình đẳng về hành lang pháp lý là sự bảo đảm an toàn và tối đa nhất cho sự tự do tỏa sáng của mỗi cá nhân.
Có những nền tảng đạo đức, phong cách sống cùng lý tưởng có thể đúng trong quá khứ mà lại sai trong hiện tại. Trung thành với một người (vua, chúa, chủ) hoặc một dòng họ, một tôn giáo hoặc một hệ tư tưởng, một đảng phái, một xí nghiệp đều là lỗi thời, con người tự do là con người chỉ trung thành với quyền làm người cho ra con người dù được viết thường hay viết hoa mà tạo hóa đã ban phát. Chân lý đã được khẳng định tới hai lần trong cả hai bản tuyên ngôn độc lập Mỹ và Việt:
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".(5)
PNC, Toronto tháng 4/2012
(Bài viết đã được biên tập cắt bỏ một số đoạn. Mong được sự cảm thông của tác giả- TDN)
- (1), (2) Tuyên ngôn đảng Cộng Sản -1848 Friedrich Engels & Karl Marx
- (3) - Cương lĩnh chính trị 2/1930
- (4) - Bình Ngô Đại cáo- Nguyễn Trãi.
- (5) - Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét