chuyện thứ nhất:
Mụ điên, hay một tấm gương hy sinh vì cách mạng
“Chết, người đàn bà ấy lại trốn viện rồi!”
Ông Nghiêm Bảo Huyền giật mình ngừng uống, cốc bia treo lơ lửng trước mặt.
Ông vốn người Bắc, cán bộ kháng chiến cũ sau giải phóng lấy vợ Nam rồi ở luôn đây, và hiện đang là chủ tịch một huyện lớn tỉnh Kiên Giang. Cùng là bạn chăn trâu hồi nhỏ, lâu không gặp nhau nên lần này tới đây công tác, tôi được ông sốt sắng giúp đỡ. Nhiễm cái thói ăn nhậu của dân Nam Bộ, ngày nào ông cũng tìm cách lôi tôi đi đâu đó, có hôm mãi khuya mới về.
“Ai vậy?” tôi hỏi.
“Một người đàn bà điên. Một mụ điên như ở đây người ta quen gọi. Cũng có người gọi “Một tấm gương hy sinh vì cách mạng”, không biết thực tình hay mỉa.
Đang giữa trưa, bên ngoài trời nắng chói. Khác mọi ngày, hôm nay gió không thổi từ phía sông nên không khí càng trở nên ngột ngạt. Trên bãi rác của khu chợ vắng khách có một người đàn bà tóc bạc trắng mặc bộ quần áo bệnh viện nhem nhuốc bây giờ không biết gọi màu gì, một bên quần rách quá gối, chiếc áo mất hẳn nửa ống bên phải. Tay ôm khư khư một khúc gỗ, bà ta vừa cúi xuống tìm nhặt cái gì đó, vừa tỉnh thoảng đứng thẳng người lắc lắc khúc gỗ như ru con, miệng lẩm nhẩm không hiểu hát hay nói. Thoạt nhìn cũng biết ngay là người điên, điên nặng chứ không phải tâm thần.
“Ru con đấy”, ông Huyền chép miệng. “Khéo lại bị tàu xe cán chết. Tội nghiệp”.
Lúc ấy người đàn bà điên nhặt được cái gì đen đen, hình như một con chuột chết, giơ lên ngắm nghía rất kỹ rồi làm động tác như định cho nó vào miệng, không hiểu sao cuối cùng lại vứt đi, hăm hở tìm cái khác thú vị hơn, tay vẫn lắc lắc “ru con”. Chiếc miệng móm cười như khóc.
“Không ít các bà mẹ vì con chết mà phát điên”, tôi nhận xét vu vơ.
“Vâng. Trường hợp này còn kinh khủng hơn. Chính bà ta tự giết con mình. Bóp mũi cho đến chết, lúc đứa bé mới tám tháng tuổi!”
Tôi trợn tròn mắt kinh ngạc. Ông Huyền không đáp ngay, lặng lẽ uống một ngụm bia rồi buồn bã nhìn về phía bãi rác ngoài chợ. Nắng vẫn chói chang nghẹt thở. Hình như ông rơm rớm nước mắt.
“Đúng thế đấy, nhưng không như ông nghĩ đâu. Số là vào cuối năm 1966 giặc càn mạnh ở vùng này. Bà ta là cơ sở cách mạng chuyên nuôi giấu cán bộ, thường là cán bộ cao cấp. Một hôm chúng bất ngờ ập đến đúng lúc bà ta bế con đưa cơm xuống hầm cho một ông rất cỡ. Được người phía trên ra hiệu, cả ba đóng nắp hầm, ngồi im không dám thở. Hầm nằm sâu dưới một bụi chuối trong góc vườn.
Tốp lính rằn ri tìm kiếm hồi lâu trong nhà không thấy gì bèn bỏ ra tìm ngoài vườn. Ngồi bên dưới, họ nghe rõ tiếng những chiếc thuốn mũi nhọn chọc sâu xuống đất. Không hiểu sao lần này chúng tìm kiếm rất kỹ, có thể được chỉ điểm từ trước. Bất ngờ đứa bé bỗng ọ ẹ khóc, chắc vì phải ở lâu trong cảnh ngột ngạt, lại đúng lúc mũi một chiếc thuốn xuất hiện trên nóc hầm bí mật. Nghĩa là chúng đang ở ngay phía trên. Như cái máy, bà ta úp tay mình lên khuôn mặt bé xíu của con. Úp chặt. Mạng sống của con hay mạng sống của đồng chí cán bộ và cả của chính mình nữa? Lợi ích riêng tư hay lợi ích cách mạng? Chắc bà mẹ trẻ tội nghiệp đã phải tự hỏi mình những câu hỏi không dễ trả lời này trong giây phút cực kỳ nguy hiểm và ngắn ngủi ấy. Ngắn ngủi nhưng cũng đủ dài để giết chết đứa bé…”
Ông Huyền lại im lặng hồi lâu. Lần này thì tôi thấy ông khóc thực sự. Trên bãi rác, người đàn bà điên, mụ điên, đang ngồi, tay ôm chặt khúc gỗ, lắc lắc người theo những lời ru vô nghĩa. Nhưng khác ông Huyền, bà ta cười.
Cuối cùng, tôi lên tiếng:
“Sau đó thì sao?”
“Lúc ấy tôi cũng là cán bộ nằm vùng ở đây, có điều cách mấy nhà và không quan trọng lắm, tức là chức vụ nhỏ. – Ông Huyền đáp. – Chẳng hiểu nếu là tôi, tôi có cam tâm nhìn cảnh ấy không hay giật lấy tay bà ta, cứ để đứa bé khóc, muốn ra sao thì ra”.
“Rồi sau đó?” tôi nhắc lại câu hỏi.
“Sau đó bọn lính bỏ đi. Ông cán bộ được cứu thoát, nhưng bà ta từ chối không giấu ông ấy trong nhà nữa. Cũng chẳng che giấu ai thêm từ đó. Rồi suốt mười năm trời bà ta câm lặng như người vô hồn, vô tri giác. Cho đến một hôm, khoảng mấy tháng sau giải phóng, ông cán bộ kia quay lại thăm hỏi ân nhân mình với rất nhiều quà cáp. Lúc này ông ta đã là một nhà lãnh đạo lớn ai cũng biết tên. Vậy mà con người câm lặng vô hồn ấy bỗng dưng nhảy xổ vào cấu xé, bóp cổ ông ta, khiến mấy người đi cùng xông vào cứu rồi đưa ra ô tô đi luôn. May chiếu cố công lao cũ mà bà không bị bắt tù mọt gông. Một thời gian sau bà lên thành phố, tìm được đến nhà ông lãnh đạo ấy và suốt ngày réo tên lên mà chửi. Bà đã bị điên, tất nhiên. Bây giờ mỗi lần trốn bệnh viện bà vẫn tìm cách lên đó với mục đích ấy, nhưng người ta luôn đề phòng, vả lại bệnh tình đã nặng, làm được điều này không dễ. Cái tên mụ điên bắt đầu từ đó. Có người đề nghị phong mụ làm Bà Mẹ Anh Hùng. Cũng có người nói phải đưa ra tòa xử tội như một tên giết người…”
“Còn chính quyền?”
“Chính quyền thì đưa mụ vào nhà thương điên như ông thấy”.
Ông Huyền thở dài nói tiếp:
“Cũng đúng thôi vì còn biết làm gì khác? Thế mà có dạo báo chí làm rùm beng về vụ này, tâng bốc lên mây như tấm gương cách mạng chói ngời. Nghĩ mà sợ. Tấm gương giết con”.
Tôi cũng thấy sợ nên vội đồng ý khi ông đề nghị về sớm dù bữa nhậu còn dang dở. Cả hai chúng tôi lặng lẽ lủi nhanh như những thằng ăn cắp sợ bị phát hiện.
Dọc đường, ông Huyền chợt hỏi tôi:
“Là nhà văn, chắc ông đã đọc Guy de Maupassant?”
“Vâng. Thì sao?”
“Thì tôi mượn đoạn kết truyện ngắn Mụ Điên của ông ta để kết thúc câu chuyện mụ điên ngày hôm nay. Nó là một phần, tiếc rằng phần khủng khiếp nhất của chiến tranh mà tôi không muốn nhớ, và “tôi mong con cháu chúng ta sau này sẽ không bao giờ biết tới chiến tranh nữa”. Vâng, ông ta nói nguyên văn thế đấy.
Nói vậy chứ ông Nghiêm Bảo Huyền bạn tôi chắc vẫn nhớ đến nó luôn. Bằng chứng là mấy hôm sau, khi chia tay tôi ra Bắc, bỗng nhiên ông hỏi:
“Không hiểu cái ông cán bộ cao cấp kia có lúc nào bị lương tâm cắn rứt không nhỉ?”
“Chắc là có, – tôi đáp. – Nhưng phải lo việc quốc gia đại sự, những người như ông ta ít thời gian lắm”.
***
Câu chuyện thứ hai:
Đêm kinh hoàng trong hang Hòn Kẽm
TTCT – Vì cháu khóc quá, sợ lộ Mỹ sẽ giết hết dân, người mẹ đó đành chôn sống đứa con ba tháng tuổi do mình rứt ruột sinh ra vào một đêm tối trời của mùa đông năm 1969. Cháu chết đi là để bảo tồn hàng trăm tính mạng dân thường đang chạy giặc trốn tại hang núi Hòn Kẽm.
Một cái chết khủng khiếp, kinh hoàng, tưởng như trong phim, ấy vậy mà có thật 100% tại vùng thượng nguồn sông Thu Bồn đã gần 40 năm trôi qua. Người mẹ đó tên là Lê Thị Nghê (Năm Nghê) nay đã 73 tuổi. Hiện bà vẫn sống với tâm trí điên tỉnh lẫn lộn trong ngôi nhà tạm tại thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Đây là một câu chuyện chưa từng được viết ra nhưng nó đã ám ảnh nhiều thế hệ người dân ở địa phương này, kể cả những dũng sĩ diệt Mỹ thời đó, và họ muốn nó phải được kể lại cho hậu thế.
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt những vùng rừng núi và trung du các tỉnh Trung Trung bộ. Thượng nguồn sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam lúc đó là “chiếc nôi cách mạng”, cũng là tâm điểm mà Mỹ thường xuyên tìm đến càn quét và tiêu diệt.
Những năm tháng kinh hoàng
Sau trận đánh dữ dội vào đầu tháng 8-1969 của bộ đội và du kích địa phương xã Quế Tân, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam (tên địa danh của thời kỳ đó) bắn rơi một máy bay, bắn cháy hai tàu chiến với hơn 50 lính Mỹ chết, tưởng Mỹ khiếp vía không bao giờ trở lại đây nữa. Nhưng sau hai tháng, vào một sáng ngày đầu tháng 10-1969, Mỹ cho máy bay rải thảm hàng chục tấn bom xuống xã Quế Tân. Sau đó tàu chiến ngược sông Thu Bồn và máy bay đã đổ xuống đây một sư đoàn thủy quân lục chiến nhằm hủy diệt vùng căn cứ cách mạng này để bảo vệ tiền đồn Nông Sơn – một lá chắn trấn thủ che chở Đà Nẵng, Hội An…
Lúc này ngoài số dân tự sơ tán, còn hơn 200 người thôn Trà Linh (Quế Tân) được cán bộ và du kích xã đưa vào núi Hòn Kẽm trú ẩn. Bấy giờ thôn Trà Linh “vườn không nhà trống” nên lính Mỹ tha hồ đốt sạch, phá sạch. Trâu bò cùng vật nuôi bị bắn chết ngổn ngang, làng quê lúc này điêu tàn trong khói lửa.
Những ngày đóng quân tại đây, lính Mỹ càn quét lùng sục nhưng không tìm ra được một người dân nào tại thôn, nên nghi họ chạy hết vào núi. Thế là bao nhiêu vũ khí pháo bầy, đại liên… của lính Mỹ xả vào Hòn Kẽm như mưa. Cứ pháo vừa dứt là đến lượt tàu gáo, tàu rọ quần lượn tìm kiếm để tiêu diệt. “Nhưng nguy hiểm hơn là lính Mỹ đi phục từng tốp. Chiều tối, cứ 10 lính Mỹ đi là cõng trên lưng cũng 10 lính Mỹ. Khi bọn chúng rút về cứ điểm đủ 10 là để lại 10 thằng trên lưng ở lại phục kích. Nhiều người chúng ta hi sinh thời đó cũng vì không biết cái trò này” – anh Trần Hùng, một cựu chiến binh cũng trú trong hang thời đó, kể lại.
Do địch chiếm giữ quá lâu, lúc này dân trú trong hang đang đói và khát nước. May mắn, đêm 6-10 mưa như trút đã cứu khát đồng bào trong hang. Cứ tưởng mưa to địch không phục, Sáu Tiền – một cô gái gan lì – xung phong ra khỏi hang để về rẫy kiếm khoai lang cứu đồng bào. Từ hang bò ra, đi hơn 30 phút vừa đến chân núi, chưa đến rẫy khoai lang thì cô lọt vào ổ phục kích của Mỹ, chúng bắn cô bị thương ở đùi rồi bắt sống. Đêm đó chúng tra tấn cô dã man, cô cố chịu đòn, không hề khai báo với địch lời nào về nơi trú của dân Trà Linh trong hang, thế là rạng sáng 7-10 chúng giết cô.
Đêm đó và tiếp theo, thấy Sáu Tiền không trở về hang, ai cũng biết chắc cô đã lọt vào tay giặc. “Trong những lần chạy giặc trước, chúng tôi đem lương thực đủ ăn ba ngày, lần này bà con đem theo để đủ ăn năm ngày. Vì cứ nghĩ Mỹ ở độ ba ngày là rút, ai ngờ lần càn ni Mỹ ở tới 10 ngày. Hồi nớ dân ở trong hang đói, khát dữ lắm!” – ông Lê Ngô, 80 tuổi, người thôn Trà Linh cũng chạy giặc lúc đó, hồi tưởng.
Giết con để cứu dân
Hang trên núi Hòn Kẽm là một địa đạo do thiên tạo rất hiểm trở, chỉ người dân vùng này mới biết. Sau ngày cô Sáu Tiền chết thì tàu gáo quần lượn nhiều hơn, chúng vừa bay vừa bắn đại liên, M79, ném lựu đạn M26 vào từng vách núi của Hòn Kẽm. “Ngồi trong hang mà nghe nổ ầm vang, cứ tưởng địch đổ quân đến gần hang rồi, ai cũng im lặng ôm nhau run sợ” – ông Ngô vừa kể vừa toát mồ hôi như tắm!
Trong hang người đông như thế, trẻ con nhiều nhưng không có cháu nào dưới 3 tuổi nên đám trẻ cũng biết sợ, không dám khóc mặc dù rất đói. Bà Năm Nghê thời đó 32 tuổi, bế theo hai con nhỏ – cháu gái lớn Lê Thị Liên, 4 tuổi và cháu trai Lê Tân, 3 tháng tuổi. Bà vừa sợ Mỹ vừa buồn vì chồng mới chết do bom B52 tại làng.
Nhưng khổ nhất là cháu Tân đói sữa, ngày đêm cứ khóc thét, dỗ hoài không nín. Bà cũng như hàng trăm người trong hang sợ Mỹ nghe tiếng khóc phát hiện nơi trú ẩn của mọi người và giết hết. Có người động viên Năm Nghê: “Chị nên hi sinh đứa con để bảo toàn tính mạng dân trong lúc này!”. Nghe vậy bà bàng hoàng lắm, rồi ai cũng thay phiên ôm ấp cháu, nhưng nó cứ khóc nhiều hơn.
Súng vẫn nổ, mọi người ngồi trong hang cứ nghĩ lính biệt kích Mỹ đang đến gần hang rồi. Lúc này mọi người ngậm ngùi đành nghe theo mấy anh du kích, lại động viên cô Năm: “Thôi cô hi sinh đứa con đi…!”. Sau hai ngày Sáu Tiền chết do Mỹ giết, đêm đó bà Năm hôn núm ruột đang khóc: “Mẹ không bao giờ bỏ con, nhưng vì để cứu dân làng, con phải ra đi…”. Sau khi cháu tắt thở, bà cởi chiếc áo trong người đùm con lại. Bà bế thi thể của con, bò lên khỏi miệng hang về hướng tây 100m mặc cho mưa rơi, mặc cho đạn pháo bắn rền vang, bà dùng hai tay móc đất ướt lạnh để an táng con mình.
Sau khi khỏa đất xong, bà ngồi thêm một lúc, dưới ánh chớp của đạn pháo bà thấy lớp đất trên thi thể con đang rục rịch, bà thầm nghĩ: “Con tôi đã sống lại!”. Nhưng rồi không hiểu sao bà lại bốc thêm đất bỏ lên phần mộ của con. Rồi bà chạy về hang tối mò đến bé Liên, ôm con vào lòng, cắn răng nức nở. Mọi người vây quanh im lặng chia buồn cùng mẹ con bà. Bây giờ thì Mỹ không thể phát hiện tiếng khóc của cháu Tân nữa.
Sau cái chết của cháu Tân ba ngày, mọi người trong hang không còn nghe tiếng pháo rền nữa. Ông Nguyễn Xuân Mỹ, 60 tuổi, cùng thôn với bà Năm, cũng là du kích trong hang lúc đó, kể lại: “Sáng tinh mơ tôi bò lên miệng hang, không thấy máy bay quần lượn, tiếng đạn pháo cũng không còn bắn, đứng trên hang nhìn về thôn Trà Linh xơ xác vắng lặng. Tôi quyết định đi về làng thì đúng là Mỹ đã rút về cứ điểm Nông Sơn”. Dân từ hang núi trở về làng cũ. Rồi sau đó cũng có những cuộc càn quét tương tự của Mỹ diễn ra nhưng những lần này có bộ đội chính qui về đánh trả, Mỹ không trở lại. Thượng nguồn sông Thu Bồn dần dần được bình yên đến ngày giải phóng.
Nỗi đau không dứt
Bây giờ con trai của bà Năm đã ra đi gần 40 năm và 33 năm đất nước thanh bình. Gần 200 người dân thôn Trà Linh ngày ấy bây giờ nhân lên gấp ba, đời sống tuy nghèo nhưng vẫn còn may mắn hơn bà Năm. Con gái còn lại – chị Lê Thị Liên – có chồng, một con trai bây giờ cũng nghèo lắm. Hiện nay vợ chồng chị lên tận Nông trường Phước Đức, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) nhận chăm sóc khoán 4ha cao su. Vì xa quá anh chị cũng ít khi về thăm mẹ.
Bà Năm giờ ở một mình trong căn nhà tạm của con gái. Hiện nay bà đang bị nhiều bệnh và sống dưới mức nghèo khổ. Ngoài sự giúp đỡ của bà con lối xóm cùng chạy trú trong hang thời đó thì bà không được Nhà nước trợ cấp một chút gì. Có mấy lần chị Liên làm đơn xin trợ cấp cho mẹ, nhưng ngành lao động – thương binh và xã hội các cấp đều trả lời “không biết xếp mẹ con bà vào diện chính sách gì”.
Vì ám ảnh triền miên, nhiều năm qua tâm trí bà tỉnh điên lẫn lộn. Chiếc khăn của đứa con ngày xưa, đến nay bà vẫn còn giữ và coi đó là “báu vật” bất ly thân. Đêm cũng như ngày, khi không tỉnh bà bế chiếc khăn đó hát ru. Rồi có những khi bà đốt nhang, một mình vào rừng miệng nói lẩm bẩm đi tìm mộ con. Nhưng mộ con của bà đã mất dấu tích sau khi an táng do mưa quá lớn.
VŨ CÔNG ĐIỀN
***
Từ hai câu chuyện đau buồn trên đọng lại hình ảnh cán bộ hay du kích gì đó đúng là một lũ ham sống sợ chết, chỉ biết lo cho bản thân mình mà bất chấp đạo lý. Đáng phỉ nhổ là khi sự việc thành công mấy thằng khốn ấy có còn giữ lời hứa năm xưa xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh, hay chỉ là một xã hội của những tên khốn với bạo lực và lợi ích nhóm cuồng nộ!?
Nếu một trong chúng ta ai mà ở vào hoàn cảnh của bà Nghê mới thấy cả một bi kịch rùng rợn. “Có người động viên bà Nghê: “Chị nên hi sinh đứa con để bảo toàn tính mạng dân trong lúc này!” động viên hay là một lời hăm dọa?
Súng vẫn nổ dữ dội-Lúc này mọi người ngậm ngùi đành nghe theo mấy anh du kích, lại động viên cô Năm: “Thôi cô hi sinh đứa con đi…!”
-Ừ hy sinh một thằng Tân con bà đi! Nếu không thì cả bà và con gái bà phải cùng chung số phận bảo vệ cán bộ đó nha!?
Bà Năm lựa chọn gì trong con mắt của kẻ xem mạng sống mình lớn hơn mạng sống con bà!?
Cuộc chiến tranh tàn bạo trong lịch sử của người Việt đã qua chẳng đọng lại gì ngoài một đất nước độc lập giả hiệu. Dân chủ nữa vời, công bằng cho kẻ bạo quyền, Văn minh cho kẻ lắm tiền và đạo đức đồng bóng lên ngôi!
Cuộc chiến tranh tàn bạo trong lịch sử của người Việt đã qua chẳng đọng lại gì ngoài một đất nước độc lập giả hiệu. Dân chủ nữa vời, công bằng cho kẻ bạo quyền, Văn minh cho kẻ lắm tiền và đạo đức đồng bóng lên ngôi!
Đọc hai câu chuyện xưa cũ đau lòng, hai số phận người đàn bà điên. Chợt nhận ra cả một rừng người điên đã từng đi theo, không đi theo, buộc đi theo trò chơi của cái gọi là đấu tranh giành độc lập tự do trong “ngục tù mới” mang tên dân chủ gấp triệu triệu lần hơn của mụ PGS-TS Doan!
Đào Hữu Nghĩa Nhân
27-03-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét