Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Hậu quả của một câu chuyện ‘Cá Tháng Tư’

Tạp ghi Huy Phương

Trên Người Việt ngày Chủ Nhật 2 tháng 4 năm 2011 năm ngoái, theo truyền thống “Cá Tháng Tư” (April's Fool - Poisson d'Avril), chúng tôi có đùa giỡn thả một con cá nhan đề: “Cao Niên và Câu Chuyện Tháng 4” và đưa tin rằng: “Công dân cao niên nhận lãnh một lần số tiền $30,000 nếu đồng ý trở về sinh sống tại quốc gia nguyên thủy của họ.”

Ðây không phải là một câu chuyện đùa nổi tiếng như đài BBC năm 1980, đã loan tin rằng tháp đồng hồ Big Ben ở Luân Ðôn sẽ bị thay thế bằng một chiếc đồng hồ điện tử hay năm 1986, tờ The Parisien “thả cá tháng 4” cho rằng chính phủ sẽ tháo gỡ tháp Eiffel để cho công ty Disney của Mỹ xây công viên Euro Disney, làm cho dân Pháp và Anh vào các thời điểm ấy điên lên vài ngày, sau đó mới biết mình mắc lởm.


Theo suy nghĩ và điều giả tưởng của chúng tôi, nếu có một đạo luật được Quốc Hội thông qua, cho các cụ được lãnh trọn số tiền $30,000 nếu đồng ý “quy cố hương,” sẽ đỡ gánh nặng cho nước Mỹ rất nhiều, vì nếu các cụ sống thêm vài năm hay vài chục năm trên xứ này sẽ tốn phí cho ngân sách nước Mỹ hơn cả trăm lần vì các món tiền trợ cấp y tế, (thuốc men, bệnh viện, săn sóc tại gia, các chi phí cho dịch vụ cấp cứu), tiền day-care cho các cụ (đến ăn trưa, tập thể dục, chơi bài, đấm bóp, xem TV, vào Internet), chi phí về housing... Viết bài này, chúng tôi chỉ muốn chân thành góp ý với quý vị cao niên, nhịn bớt tiêu xài, phá phách, đừng đem tiền ra khỏi nước Mỹ nữa, xin hãy sống với nước Mỹ và yêu nước Mỹ hơn, xin đừng xem đây là nhà trọ, là nơi “share” phòng nữa! Ðùa với chuyện “Cá Tháng Tư”, chúng tôi chọn con số $30,000 là con số vừa phải, nhiều quá thì khó tin, ít quá thì không “bõ” cho các cụ quyết định giã từ nước Mỹ. Chúng tôi cũng chọn thời gian vừa phải (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, 2012) để các cụ có thời giờ quyết định và làm đơn “bỏ nước Mỹ”.

Mặc dầu tác giả đã cẩn thận ghi rõ ràng ở cuối bài là “bài viết này là chuyện ‘Cá Tháng Tư’ hy vọng không ai mừng hụt và cũng không hy vọng đạo luật này sẽ thành hình”, nhưng không ngờ câu chuyện của chúng tôi đã gây tác dụng nặng nề, một phần vì quý vị cao niên người Việt không quen với trò “Cá Tháng Tư,” một mặt con số $30,000 chúng tôi đưa ra có vẻ khả tín, đáp ứng lại nguyện vọng của một số người già trên khắp nước Mỹ trong hoàn cảnh bệnh tật, neo đơn, nếu có số tiền $30,000, sẽ không ngần ngại “qui cố hương” để sống nốt những ngày cuối đời.

Chỉ tiếc rằng, không chỉ các cụ vì cả tin nên đã cho chuyện cá thành chuyện thật, mà một ông nào tên là An Pham trên net đã dùng bài báo này của chúng tôi, lắp ráp thêm lời bình luận “Mao Tôn Cương” ở đầu và cuối bài, và đã trích trọn bài tạp ghi “Cá Tháng Tư” của chúng tôi bằng câu giới thiệu: “Sau đây là thông cáo của chính phủ Obama.” Ðây không còn là một trò đùa nữa mà trở thành một bài viết vô trách nhiệm, có thể gây ngộ nhận trầm trọng cho giới cao niên. Buồn cười là trong “thông cáo của chính phủ Obama”, người tác giả này còn sơ ý để nguyên câu văn của chúng tôi là: “Nửa phần bài tạp ghi hôm nay, viết vào những ngày đầu tháng tư theo truyền thống ‘Cá Tháng Tư.’”

Có ít nhất hai tờ tuần báo phát hành tại Little Saigon đã vô ý không xem kỹ, in lại bài này và một đài truyền hình địa phương đã đưa câu chuyện “Cá Tháng Tư” này lên thảo luận như là một bản tin đặc biệt. Hiện nay có nhiều người vẫn còn tin tưởng đây câu chuyện có thật nên gọi điện thoại cho bạn bè ở Mỹ và Việt Nam để loan “tin mừng” này. Vì không được tận mắt đọc bài báo này, nên nhiều vị cao niên vẫn nửa tin, nửa ngờ, có người lại đi tìm giấy tờ hầu điền đơn xin nhận $30,000 và sẵn sàng rời nước Mỹ.

Chúng tôi tìm hiểu quý vị cao niên xem, nếu được lãnh trọn số tiền $30,000 một lần, quý cụ có sẵn sàng bỏ housing, bỏ trợ cấp, bỏ medi-care... để trở về Việt Nam sinh sống những chuỗi ngày còn lại hay không? Ông Phan Quang Mười, 81 tuổi, H.O.14, đến Mỹ năm 1992, ông có bốn con, một ở Việt Nam, ba ở Mỹ, vợ mất năm 2005: “Tôi biết đây là chuyện ‘Cá Tháng Tư’, mà giả dụ, chính phủ có cho $30,000 tôi cũng không về Việt Nam. Sống với CS nhiều năm, tôi đã quá ngán ngẩm rồi. Bây giờ đã có cơ hội sang Mỹ, đã nhận nơi này làm quê hương, thì chết sống cũng ở đây. Hồi nhà tôi còn sống, chúng tôi đã mua đất trong nghĩa trang và dự định chết sẽ nằm bên nhau. Con tôi nói rằng nếu tôi có lỡ về Việt Nam chơi mà chết bên đó, thì chúng cũng mang xác tôi trở lại Mỹ, chôn bên má nó.”

Trái lại với ý kiến này trên, một vị cao niên khác, cựu quân nhân, tuy có ba con thành đạt ở Mỹ, hiện vào nursing home đã hơn năm nay, cho rằng: “Nếu vụ $30,000 có thật thì vợ chồng tôi cũng xin về Việt Nam, giúp đỡ bà con chút đỉnh, rồi chết bên đó cho yên!”

Khi viết bài tạp ghi này trong dịp đầu tháng 4-2011, tác giả chỉ muốn theo truyền thống báo chí “Cá Tháng Tư”, đùa cợt với các cụ một tí, không ngờ đã gây sự tổn thương và hụt hẫng cho nhiều vị, nhất là nhiều vị hiện nay đang lâm cảnh đau ốm, con cái không quan tâm, hay cô đơn trong tuổi già, vui mừng khi nghe tin này nhưng sau đó thất vọng khi biết đây chỉ là một trò đùa. Mặc đầu không hề có ác ý, nhưng hậu quả của bài báo đã làm buồn lòng một số người. Và cũng từ ý tưởng này, xét ra cũng có cơ sở, thì chúng ta sẽ vận động quý vị dân cử làm dự luật trình lên Quốc Hội. Trong tình trạng ngân sách cạn kiệt, bất cứ một sáng kiến nào đưa ra nhằm cứu nước Mỹ qua cơn hoạn nạn, chắc chắn đều được tán thưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét