Trang

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Sách tiếng Việt trong thư viện Úc

Thứ Bảy vừa rồi, ngày 26 tháng 3, tôi được Thư Viện Melbourne mời tham gia vào tháng chào mừng sự đa dạng của văn hoá Úc (Celebrate Our Cultural Diversity!) bằng một buổi nói chuyện về văn học Việt Nam tại chi nhánh North Melbourne. Buổi nói chuyện khá vui. Tuy nhiên, điều khiến tôi muốn đề cập không phải là nội dung hay không khí buổi nói chuyện ấy. Mà là sinh hoạt của thư viện tại Úc nói chung.


Thật ra, lâu nay, hầu như năm nào tôi cũng được thư viện Melbourne mời đến nói chuyện hoặc về ngôn ngữ hoặc về văn học hoặc về văn hoá Việt Nam. Những lần trước, chi phí cho các buổi nói chuyện như vậy được tài trợ bởi một loại quỹ đặc biệt, hình thành từ sự đóng góp của những người hảo tâm và tha thiết với sách vở, hầu hết là những người đã qua đời. Nhiều người Úc, khi mất, vì không có con cái, quyết định trao tặng toàn bộ tài sản cho thư viện địa phương, nơi họ, lúc còn sống, thường đến mượn sách hoặc gặp gỡ bạn bè. Có người cho tiền để thư viện muốn làm gì thì làm, tuỳ ý trong phạm vi của thư viện. Nhưng cũng có người đặt điều kiện rõ ràng: Số tiền ấy chỉ được dùng cho một số sinh hoạt nhất định, ví dụ, mời các nhà văn, nhà thơ hay nhà phê bình đến nói chuyện hoặc tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc để mọi người có thể gặp gỡ và cùng nhau vun trồng văn hoá đọc. Họ lý luận: việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như mua sách và trả lương cho nhân viên là nhiệm vụ của chính phủ. Họ chỉ đóng góp vào các hoạt động có tính chất văn hoá hay xã hội mà thôi. Bởi vậy, số tiền họ cho, sau khi qua đời, dù không phải thật nhiều, vẫn có thể được sử dụng trong một thời gian thật lâu, có khi cả mấy thập niên. Để tỏ lòng biết ơn, trong mỗi dịp sinh hoạt từ số tiền tài trợ ấy, thư viện đều ghi rõ tên ân nhân.
Lần này, không thấy những bản ghi ơn như thế, hơn nữa, căn cứ vào tiêu đề sinh hoạt của tháng – chào mừng sự đa dạng văn hoá của chúng ta – tôi đoán mọi chi tiêu đều nằm trong ngân sách của chính phủ vốn chủ trương đa văn hoá và khuyến khích sự bao dung cũng như các sự hiểu biết liên văn hoá của công dân. Theo tôi, đó là một nét đặc sắc rất đáng được biểu dương của nước Úc. Hiện nay, trên thế giới, hầu như không có quốc gia nào là không đa chủng tộc và đa văn hoá. Thời của xã hội chỉ bao gồm một chủng tộc và một nền văn hoá thuần khiết đã qua. Qua lâu lắm rồi. Đã chết. Chết cùng với các bộ lạc và bộ tộc cả mấy ngàn năm trước, hoặc muộn nhất, ở một số nơi, mấy trăm năm trước.[1] Nhưng không phải ở đâu người ta cũng thừa nhận sự thật ấy. Đây đó, vẫn có những người, thậm chí, những chính phủ muốn duy trì một hình thức xã hội trong đó chỉ có sự thống trị, gần như tuyệt đối, của một chủng tộc và một văn hoá. Điều đó, thật ra, chỉ gây nên kỳ thị và hậu quả của kỳ thị là sự bất bình đẳng và bất công trong xã hội. Nước Úc, ngược lại, tuy xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và xem văn hoá Anglo-Saxon là văn hoá chính mạch, vẫn tôn trọng các ngôn ngữ và các nền văn hoá khác, hơn nữa, tìm cách giúp đỡ việc bảo tồn các ngôn ngữ và các nền văn hoá ấy cũng như khuyến khích mọi người mở rộng sự hiểu biết về những cái khác mình.
Có điều, chính phủ chỉ giúp đỡ những người muốn bảo tồn. Đây chính là một thách thức đối với nhiều cộng đồng, trong đó, có cộng đồng người Việt. Còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, từ Pháp sang Úc, tôi ngạc nhiên và sung sướng lạ lùng khi bước vào các thư viện địa phương, lúc nào cũng thấy các quầy sách báo tiếng Việt thật đồ sộ. Sách đủ loại. Thơ, có. Truyện, có. Biên khảo, có. Có cả sách dạy nấu ăn, sách phong thuỷ, sách làm đẹp, sách chưởng của Kim Dung và truyện dành cho thiếu nhi. Để phục vụ cho đội ngũ độc giả đông đảo và say mê ấy, sách báo, chưa đủ; thư viện còn mướn cả nhân viên người Việt. Ở các địa phương có đông người Việt, nhất định trong thư viện có một số kệ sách tiếng Việt và ít nhất một nhân viên người Việt.
Bản thân tôi, cứ một hai tuần lại ghé đến các thư viện địa phương ấy. Vào, bao giờ tôi cũng đi thẳng vào khu sách tiếng Việt. Các cuốn sách tiếng Anh tôi cần và thích không bao giờ có trong các thư viện địa phương như thế. Ở Úc, cũng như ở hầu hết các quốc gia Âu Mỹ, tính chất chuyên nghiệp hoá rất cao. Sách nghiên cứu chỉ nằm ở các thư viện đại học. Thư viện địa phương chỉ phục vụ nhu cầu của quần chúng. Sách tiếng Việt cũng nằm trong phạm trù đại chúng ấy. Đủ loại. Có lần, tôi táy máy muốn nghiên cứu lớp từ vựng liên quan đến thân thể con người. Tìm ở đâu? Tôi bèn đến thư viện mượn các cuốn sách tướng số. Lần khác, muốn tìm hiểu về lớp từ vựng liên quan đến việc nấu nướng, tôi lại đến thư viện mượn các cuốn sách dạy nấu ăn. Lần khác nữa, chẳng hiểu sao tôi lại chán tất cả mọi loại sách vở mình thường đọc, bèn vào thư viện mượn cả chồng truyện Kim Dung về để… luyện chưởng.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác kể, đâu đó, ông cũng thường đến thư viện địa phương ở Mỹ để mượn sách. Và nhiều lần ông bồi hồi khi cầm trên tay các tác phẩm của chính mình được mượn và đọc nhiều đến long cả gáy và nhàu nát cả giấy. Rồi đọc một số câu bình luận của độc giả. Có khi sâu sắc; có khi ngô nghê. Nhưng dù sâu sắc hay ngô nghê ông cũng đều xúc động: Đó là những phản hồi thành thực nhất của những người đọc hoàn toàn vô danh và xa lạ. Sau này, chúng ta có internet và có comment từ độc giả, những phản hồi như thế là chuyện bình thường. Nhưng mười năm trước… Hai mươi năm trước… Thậm chí, ba mươi năm trước… Những dòng chữ nguệch ngoạc bên lề sách của ai đó, thật hiếm hoi, bao giờ cũng gây thật nhiều xôn xao, có khi, thao thức cho người viết.
Có điều, càng về sau, số lượng người Việt đến thư viện mượn sách càng ít. Có thể có nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất có lẽ là do phần lớn độc giả người Việt ở hải ngoại, trong đó có nhiều người ra đi từ năm 1975, đã lớn tuổi. Lớp độc giả trung thành ấy càng ngày càng lớn tuổi. Đến một lúc nào đó, họ không còn đọc được nữa. Trong khi đó, lớp trẻ, sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, không phải là độc giả của tiếng Việt. Chuyện thư viện vắng khách người Việt chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Thời gian ấy đang đến gần. Gần lắm.
Chính vì vậy, khu vực sách tiếng Việt trong các thư viện Úc, và có lẽ ở tất cả các quốc gia Tây phương, càng ngày càng hẹp lại.
Một lúc nào đó không chừng nó sẽ biến mất.
Nguyễn Hưng Quốc
27-03-2012
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc

[1] Ở Việt Nam, nước Âu Lạc (thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) đã được hình thành do sự hợp nhất giữa hai bộ tộc lớn là Âu Việt và Lạc Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét