Gửi chị Phi-Yến và gia đình
Trong vòng trên dưới hai mươi năm nay chúng ta sống dựa vào điện thoại cầm tay và khung hình điện toán nhiều lắm, nhiều đến nỗi tưởng như nếu bây giờ không có hai thứ đó thì chúng ta sẽ trở về thời tiền sử vì chúng ta mất hết phương hướng. Chúng ta sẽ trở nên mù lòa, tàn tật.
Thế giới tin học này, ngoài việc giúp mở mang trí tuệ còn giúp con người liên lạc xuyên lục địa, giúp mở tung những giấu kín, bưng bít, những bí mật phi pháp, những khám phá mới nhất trước mặt, những khám phá giật lùi từ thượng cổ, tìm lại những liên hệ đã mất tích, giúp xây dựng hay lật đổ, giúp điều thiện, gây điều ác…không kể ra hết được.
Nó giống như một chiếc kính vạn hoa, người ta vào đó để hưởng được tất cả lợi nhuận của nó và đồng thời cũng để thất lạc chính mình trong đó. Đến nỗi có người đã phải thốt lên: There are three kinds of death in this world. There’s heart death, there’s brain death, and there’s being off the network. (Guy Almes)
Một trong những lợi nhuận đầu tiên là thông tin giữa gia đình, bạn hữu thật. Sau đó mở rộng ra đến thông tin giữa những người mình chưa hề là bạn, chưa gặp gỡ bao giờ. Có khi hai người xa lạ, qua những điện thư, cũng tự gửi hình gia đình cho nhau, nói chuyện gia đình, con cái. Rồi tiếp đến một lời mời, một cái hẹn gặp nhau khi có dịp đi xa, đến thành phố đó, mình gặp nhau, để biến ảo thành thực. Lời mời đó đôi khi thực hiện được.
Mình cũng nhận được hình ảnh của hoa tươi, nghe được tiếng chim hót và cả những tiếng dội của bom đạn, hình những đám rác bềnh bồng trôi trên khung mạng. Cả những áng văn hay, những bài viết chỉ mới đọc một dòng đã phải xóa ngay của ai đó gửi đến cho mình.
Trong thế giới ảo này, chúng ta thật sự biết tên một người nào đó kèm theo hình ảnh đã là hiếm, nếu chúng ta gặp được, đặt tay lên vai, nở một nụ cười với người mang cái tên đó, lại càng hiếm nữa. Là một người viết, tôi có những bạn đọc ở xa lắm, xa đến nỗi tôi chẳng thể hình dung ra thành phố, quốc gia nơi người đó cư ngụ, nếu không phải là nơi tôi đã một lần ghé qua trong một chuyến du lịch. Tôi cũng không biết tuổi tác người đó (vì không bao giờ hỏi) không biết mặt (vì không bao giờ gửi, nhận hình). Có những người, sau năm ba lần thư gửi đi, tôi quên mất địa chỉ hộp thư, quên mất tên người đó, nếu người đó không quay lại tìm tôi, tôi không cố nhớ lại được, vì nhiều tên quá, nên tên có trong danh sách lưu trữ mà loay hoay tìm không ra vì trí nhớ thiếu sót.
Nhưng có người tôi nhớ mãi, dù cũng ảo như mọi người khác, nghĩa là chỉ có một cái tên nhưng chưa hề biết mặt, vì hình như có một sợi giây vô hình nào đó giúp chúng tôi hiểu nhau, gần gũi nhau lắm. Cho đến một hôm, cái tên người đó bỗng mất hẳn. Gọi mãi trên thư cũng không nghe thấy trả lời. Mất là mất hút, như gió sa mạc cuốn hạt cát đi, như đại dương xô vỡ một bọt nước, như con lốc cuốn chiếc lá lên trời. Trên cái khung hình trắng toát đó không bao giờ tôi nhận được dấu vết trở về. Tôi mất hẳn người bạn ảo đó. Tôi có ngẩn ngơ một thời gian, vì khi trao đổi thư với nhau, chúng tôi tìm được chút nào là tri kỷ. Đôi khi ngẫm nghĩ không biết mấy cái thư cuối mình có viết điều gì vụng về, để người bạn chưa hề gặp buồn lòng không? Tôi mất hút dấu vết của người bạn đó, tôi tiếc quá, nhưng không biết làm thế nào tìm lại được bây giờ.
Chuyện tiếc một người bạn ảo giống như tiếc một giấc mơ. Trong mơ ta biết rõ là mơ, là không phải thực khi ta tỉnh. Người bạn trên khung mạng ta biết phải là một người bằng xương, bằng thịt ngồi gõ những ô chữ để gửi một cái thư đi, người đó phải có thực, nhưng ta vẫn gọi là ảo, vì ta không bao giờ giáp mặt, không cầm tay, ngay cả vạt áo cũng chẳng chạm vào. Con người ảo đó nếu chỉ một buổi sáng mất cái tên trên khung mạng, không bao giờ thấy xuất hiện nữa, như nó chưa hề hiện diện, chưa hề nhận thư, chưa hề gửi thư thì lúc đó ta phải gọi là ảo chứ không thể nào thay bằng bất cứ một tên gọi nào khác.
Ta lại không biết người đó chỉ bỏ đi vì không muốn liên lạc với ta nữa, hay người đó đã suy yếu sức khỏe không còn khả năng ngồi viết thư, đọc thư nữa, hay người đó đã nằm yên trong đất, đã biến hóa thành phân bón cho cây cỏ, hay thân xác đã được hỏa táng thành tro đang trôi bềnh bồng trên biển cả. Ta tha hồ tưởng tượng về một cái tên bỗng dưng biến mất của người bạn ảo đó và ta nhớ tiếc.
Để cho khỏi đau buồn, ta tự nghĩ ra thế giới trên mạng này là thế giới thứ ba sau hai thế giới bấy lâu nay ta biết: thế giới con người và thế giới thần linh. Thế giới thứ ba này là chỉ xuất hiện trên khung mạng. Ai muốn vẽ rồng ra rồng, vẽ rắn ra rắn, vẽ thiên thần hay vẽ ngạ quỷ, tùy nghi. Ai muốn tin cứ tin, ai muốn xóa bỏ cứ xóa bỏ, không có một nguyên lý nhất định, một kim chỉ nam nào để người ta theo đó mà ung dung tự tại được trong thế giới thứ ba này. Cái đẹp của người này là cái xấu của người khác, cái hay và cái dở chồng chéo lên nhau, tùy theo bản ngã của mỗi người gạn đục, khơi trong.
Nhưng những cái tên quen thuộc bỗng mất đi không để lại vết tích nào quả có mang buồn bã, hụt hẫng cho những người bạn mỗi ngày vào mạng.
Một buổi sáng, tôi mở cái khung hình trắng xóa trước mặt, đọc những bài vở của những người bạn thật, bạn ảo từ xa gửi tới. Tôi nhận được tin báo: Chị Phi Yến, bị tai nạn xe cộ, chết ngày hôm qua.
Cũng như phần đông những người bạn ảo khác, tôi chưa hề gặp mặt chị Phi Yến bao giờ, tôi chỉ biết chị qua cái tên. Cái tên này lại nằm trong một danh sách dài của cậu em tôi ở Hà Nội gửi đến. Con chim Yến đậu lại trên khung hình ảo, con chim Yến bay đi, khoảng trống đó sẽ lại có một con Hồng ảo, con Nhạn ảo khác thế vào.
Trước sau, cái tên đó chỉ là ảo, nếu cậu em tôi ở Hà Nội không phải là bạn thân của chị Phi Yến, không gửi cho tôi mấy tấm hình của chị, sau khi nhận tin chị mất, tôi hỏi thăm về quê quán, tuổi tác chị.
Cái tên của chị không xuất hiện trên khung mạng của tôi nữa thì chẳng khác nào nó bay đi như con chim Yến bay đậu sang một nhánh cây khác.
Thôi, tôi cứ tin như thế, tin như chuyện xe tông vào chị như một chuyện nằm mơ. Nằm mơ, khi tỉnh dậy không tin là thật. Cái tên của chị Phi Yến mất đi trên trang mạng có khi chỉ là một Tên Ảo và cái chết của chị là một cái Chết Ảo.
Tôi muốn tin như vậy.
Trần Mộng Tú
3/17/2012
3/17/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét