Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Trung quốc: Trận đánh của các cán bộ

Giới lãnh đạo Cộng sản đấu đá tranh giành quyền lực và hy vọng rằng người dân không hay biết gì. Bây giờ còn có cả tin đồn đảo chính. Chúng cho thấy: chế độ này thiếu một phương cách để thay đổi chính phủ một cách có trật tự.
Bản tin thời sự lúc 19 giờ không thuộc vào trong các đỉnh cao của truyền hình nhà nước Trung Quốc. Hai xướng ngôn viên, một nam một nữ, cứng nhắc đọc những gì mà chín thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã làm trong ngày: họ đã đến thăm nhà máy gương mẫu nào, đi xuống hầm mỏ nào. Họ liệt kê những người công nhân được giới lãnh đạo tặng thưởng và những người khách quốc gia mà họ phải đón tiếp.

phanba011.png

"Hoàng tử" Bạc Hy Lai. Ảnh: Der Spiegel

Tuy vậy, vào cuối tuần rồi đã có nhiều người hồi hộp chờ đợi nghi thức tuyên truyền vào mỗi tối đấy. Họ tìm những lời nói ám chỉ cho thấy ai trong số những người cầm quyền vẫn còn có quyền chỉ huy.
Trước đó đã có tin đồn và phỏng đoán về một cuộc đảo chính: lãnh đạo nhà nước và Đảng Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo có còn xuất hiện trên truyền hình nữa hay không? Hay đài truyền hình bất thình lình lại chiếu những cán bộ khác?
Cả thế giới còn lại cũng lo âu nhìn về Trung Quốc, giật mình sợ hãi vì các thông báo của giới blogger. Từ ba thập niên nay, đất nước này đạt được những thành quả đáng ganh tỵ: vươn lên trở thành nền kinh tế quốc dân lớn thứ nhì, tích lũy dự trữ ngoại tệ lớn nhất (tròn 3,2 nghìn tỷ dollar) và kiểm soát thị trường tăng trưởng năng động nhất thế giới mà công nghiệp Đức ngày càng phụ thuộc vào đấy.
Có những doanh nhân Phương Tây nào đó còn tin rằng có thể dẫn ra được cả một ưu thế của hệ thống chuyên quyền từ điều kỳ diệu về kinh tế của Trung Quốc. Khác với Phương Tây, họ ca ngợi như thế, ở đó người ta không tranh luận vô tận mà quyết định nhanh chóng và rõ ràng và qua đấy cầm quyền có hiệu quả hơn. Nhân sự đứng đầu về chính trị được lựa chọn cẩn thận hơn nhiều và chỉ được dẫn đến các chức vụ cao sau khi đã qua thử thách ở tỉnh đấy chứ?
Ít nhất thì bề ngoài là như thế. Nhưng trên thực tế, những người Cộng sản đang cầm quyền đã đấu đá kịch liệt để giành quyền lực từ nhiều tuần nay, và hiện thường hay có nhiều chi tiết lọt ra ngoài.
Bây giờ thì đã rõ: những cái được cho là ưu thế cạnh tranh của chế độ độc đảng Trung Quốc – không có Quốc Hội được bầu tự do, không có tư pháp độc lập, không có báo chí gây phiền hà – có thể trở thành yếu tố rủi ro lớn nhất cho sự ổn định của đất nước này với 1,3 tỉ dân cư của nó.
Tin đồn đảo chính đã tạo bất an trong tuần qua, chúng xuất hiện trong đêm rạng sáng ngày thứ ba trên Internet qua Weibo, phiên bản tiếng Trung của Twitter. Mặc dù những người kiểm duyệt của nhà nước đã vội vã xóa các tin đấy, nhưng chúng đã nhanh chóng lan truyền đi.
Blogger tường thuật rằng ở cạnh Trung Nam Hải, khu vực sống và làm việc có tường cao bao xung quanh của giới lãnh đạo trong Bắc Kinh, đã có tiếng súng nổ. Trên đại lộ Tràng An, con đường duyệt binh dài dọc theo Tử Cấm Thành và Nhân dân Đại hội đường, người ta đã nhìn thấy xe quân sự.
Cuộc sống hàng ngày của Bắc Kinh dường như vẫn tiếp tục diễn ra một cách bình thường, nhiều bức ảnh được đưa lên Internet, chụp những chiếc xe tăng mà người cho là đã nhìn thấy, nhưng sau đấy thì biết rằng chúng là ảnh đã cũ. Nhưng tình trạng khẩn cấp đang thống trị trong Internet. Ai tìm những từ khóa như "súng bắn trả" hay "đại lộ Trường An", sẽ nhận được thông báo sau: "Thể theo các luật lệ, quy định liên quan và yêu cầu chính trị, các khái niệm đấy không được biểu hiện."
Qua đó, các nhà kiểm duyệt đã đun nóng thêm cho những phỏng đoán về các diễn tiến trong khu phố chính phủ. Trên các trang mạng của người Trung Quốc lưu vong người ta có thể đọc được rằng: đồng chí cấp cao Châu Vĩnh Khang – người đàn ông 69 tuổi này kiểm soát cảnh sát và tư pháp trong Bộ Chính trị - đã bị cho ra rìa, bởi đối thủ của ông ấy, bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào, người có quân đội đứng sau lưng mình.
Vào ngày thứ năm, tuy người sếp an ninh này vẫn còn được nhắc đến trong các tin tức trên truyền hình, nhưng ngắn bất thường và không có ảnh. Tương lai của ông ấy dường như vẫn còn chưa rõ, cũng như nhiều điều khác trong Bắc Kinh.
Vì ở đấy đang diễn ra một cuộc tranh giành quyền lực mà thủ đô chưa từng trải qua kể từ lần đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình 1989 trên quảng trường Thiên An Môn. Thời đấy, các lãnh tụ đỏ cũng bất hòa sâu sắc với nhau.
Cuộc đọ sức lần này đe dọa lần thay đổi lãnh tụ của Đảng và nhà nước đã được cẩn thận lên kế hoạch trước: vào mùa thu, Tập Cận Bình, 58 tuổi, sẽ thừa kế bí thư Đảng Hồ và trong tháng 3 năm 2013 cũng sẽ kế nghiệp ông ấy trở thành chủ tịch nước.
Lần thay đổi này đã được chuẩn bị trước đó lâu tới mức dường như nó không còn bị gây nguy hại. Mặt khác: kể từ khi chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, những người Cộng sản Trung Quốc chỉ thành công có một lần duy nhất trong việc thay đổi quyền lực mà không có va chạm. Đó là năm 2002, khi bí thư Đảng Hồ hiện giờ bước vào chức vụ của mình.
Nhưng trong mùa thu, bảy trong số tổng cộng là chín vị trí trong Ban Thường vụ của Bộ Chính trị cũng được thay đổi. Và điều đấy hầu như là còn quan trọng hơn cả việc kế nghiệp chủ tịch nước. Vì cuối cùng thì ủy ban này sẽ đưa ra đường hướng cho Trung Quốc. Ở đấy, ngay cả chủ tịch nhà nước và Đảng cũng phải mặc cả về những thỏa hiệp.
Cuộc tranh giành bổ nhiệm chức vụ này đã kéo dài từ nhiều tháng nay. Trong tuần trước, một trong những ứng viên nhiều triển vọng nhất đã bắt buộc phải rút lui. Bạc Hy Lai, 62 tuổi, bí thư Đảng nổi tiếng của Trùng Khánh, thành phố lớn với 32 triệu dân ở cạnh Trường Giang, đã bị giới lãnh đạo Bắc Kinh hạ bệ.
Và mặc dù Bạc, con người nhiều tham vọng cũng như có nhiều sức thu hút, là một "hoàng tử". Cha của ông ấy là một trong những nhà cách mạng "bất tử" của Trung Quốc, ông ấy đã nổi tiếng qua cuộc chiến chống Nhật. Con trai Bạc chỉ thị cho người dân Trùng Khánh lại hát những bài ca cách mạng trong các công viên của thành phố. Ông ấy cho bắt giam hàng nghìn thành viên mafia và nhân viên nhà nước tham nhũng. Ông ấy miễn một phần học phí cho người nghèo và cấp cho họ hộ ở rẻ tiền.
Phái bảo thủ trong ĐCS hoan hô Bạc, người có thể giải quyết các mâu thuẫn của Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, đặc biệt là tham nhũng rộng khắp và hố ngăn cách ngày càng sâu hơn giữa người nghèo và người giàu.
Những nhà cải cách ôn hòa như Thủ tướng Ôn Gia Bảo thì ngược lại nhìn thấy trong con người dân túy đấy một ông Mao mới, một nhà độc tài có thể đe dọa họ và các quyền lợi kinh doanh của gia đình họ. "Chúng ta phải đẩy mạnh các cải cách về kinh tế và cấu trúc, trước hết là cuộc cải cách của hệ thống lãnh đạo Đảng và nhà nước", Ôn đòi hỏi một ngày trước khi Bạc bị lật đổ. Nếu không thì Trung Quốc không thể giải quyết các vần đề của nó về mặt cơ bản, "và một tấn bi kịch như cuộc Cách mạng Văn hóa lại có thể xảy ra".
Bạc đã làm cho giới lãnh đạo Đảng Bắc Kinh sợ hãi cho tới đâu, điều này có thể thấy qua lời đánh giá của một học giả Trung Quốc trong một bức điện của các nhà ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks đã đưa lên mạng năm 2010. Theo đó, để không bị tấn công về chính trị, Bạc đã còn tố cáo cả cha của mình trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Người Trung Quốc đặt mối quan hệ gia đình lên trên tất cả, theo lời đánh giá của vị giáo sư được gửi tiếp về Washington. Vì thế mà nhiều người nhìn Bạc như "một kẻ phản bội hèn hạ",
Bắc Kinh hiện không chỉ tranh cãi vì các chức vụ, mà còn cả về đường lối của cường quốc: Trung Quốc có cần phải "cách mạng" hơn nữa không, tức là được chỉ huy từ trên xuống, như Bạc đã tiến hành trước ở Trùng Khánh? Hay Đảng cần có can đảm thực hiện các cải cách theo đường hướng nhà nước pháp quyền – như tỉnh Quảng Đông chuyên về xuất khẩu ở miền Nam Trung Quốc hiện đang thực hiện chúng?
Hầu như không thể phân cách giữa cá nhân và chính trị trong cuộc tranh giành quyền lực này được. Người ta tránh né một cuộc tranh luận công khai. Thay vì vậy, nhóm quanh Hồ và Ôn đã dùng một biện pháp hiệu nghiệm để loại trừ con người thách thức từ Trùng Khánh: với lời buộc tội tham nhũng.
Một vụ xảy ra trong đầu tháng 2 là dịp để làm điều đó: lúc đấy, nguyên sếp cảnh sát của Bạc đã trốn vào trong Lãnh sự quán của Mỹ trong Thành Đô, ông ấy muốn chạy sang Hoa Kỳ. Nhưng việc bất thành, ông ấy chỉ ở một ngày với kẻ thù giai cấp, rồi lại rời Lãnh sự quán. Cựu nhân viên nhà nước này hiện đang bị hỏi cung ở Bắc Kinh – người ta nói rằng ông ấy đã đưa ra những tài liệu làm chứng cớ buộc tội Bạc và gia đình của ông ấy.
phanba012.png
Lãnh đạo Đảng Cộng sản trên quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Der Spiegel
Liệu "hoàng tử" đã thất sủng này có bị truy tố ra tòa hay chỉ bị đẩy về một chức vụ êm đềm hơn trong Đảng, cho tới thứ sáu vừa qua thì điều này vẫn còn chưa rõ. Bạc có đồng minh hùng mạnh ở trung ương, trong số đó là viên cán bộ cấp cao mà giới blogger Trung Quốc hiện đang hồi hộp thì thầm bàn tán về việc ông ấy bị lật đổ: Châu Vĩnh Khang, sếp an ninh trong Bộ Chính trị. Để đánh lừa kiểm duyệt trong Internet, các nhà hoạt động trong Internet đã tạo từ chữ cuối cùng của tên họ ông ấy một tên hiệu: "Kang Shifu". Một nhãn hiệu mì ăn liền có tên là như thế.
Và Tập Cận Bình nói gì, người đàn ông mà ít nhất là theo cách nhìn của ngày hôm nay sẽ là người lãnh đạo nhà nước và Đảng kế đến? Ông ấy muốn lèo lái Trung Quốc đi đến đâu, cho tới nay thì ông ấy vẫn kiên quyết im lặng về điều đấy. Không gây sự chú ý và không gây thù oán với ai – ông ấy đã leo lên đến hàng đầu trong Đảng bằng cách đấy.
Đó có thể là phương cách đã thành công trong quá khứ, cũng như sự kiểm duyệt. Nhưng những gì trong số đó sẽ còn có thể hoạt động được nữa khi trong Internet lâu nay đã hình thành một thế giới đối nghịch lại với tuyên truyền, thế giới mà hàng triệu người Trung Quốc có thể tiếp cận với nó được? Khi có ít nhất là hai phiên bản của sự thật?
Ngay đến một người nhu Tập cũng phải suy nghĩ về các sự kiện vừa rồi. Đảng Cộng sản ngày càng ít thành công hơn trong việc giải quyết các câu hỏi về nhân sự và quyền lực trong vòng bí mật. Quá nhiều điều đã lọt ra ngoài và lan truyền đi hết sức nhanh chóng trong Internet.
Nhưng Đảng vẫn im lặng và chính vì vậy lại càng cổ vũ cho các phỏng đoán. Ngay cả việc Châu đã xuất hiện trên truyền hình vào ngày thứ sáu cũng không thể xoa dịu được nhiều blogger: "Tất cả chỉ là ảo tưởng! Đầy hồi chuyển và bước ngoặt", một người trong số họ viết.
Lâu nay, nhiều người Trung Quốc đã trở thành hoài nghi cho tới mức họ cũng chẳng tin vào các truyền thông của Đảng như truyền hình nhà nước ngay cả khi chúng loan truyền sự thật. Thay vì vậy, họ lại tin vào tin đồn trong Internet.
Và rồi cuối cùng cho đến tuần vừa qua vẫn còn chưa biết được những gì đã xảy ra trong đất nước của họ.
Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 13/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét