Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Y tế Mỹ: lá bài tranh cử!

Cứ bốn năm một lần, nước Mỹ phải bầu lại Tổng Thống. Mỗi lần bầu như vậy, hai đảng chính là Dân Chủ và Cộng Hoà lại đưa ra những “siêu chiêu” để hạ nhau, có khi bất chấp cả chính sách quốc nội và quốc tế mà nước Mỹ đang theo đuổi.
Trước đây, một số người Mỹ gốc Việt, mặc dầu đã sống ở Mỹ lâu năm, vẫn cứ tưởng một cách giản dị rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ giống như bầu cử Tổng Thống VNCH trước 1975, nên rũ nhau đi bầu và chọn Đảng hay ứng cử viên nào mà theo họ là “chống cộng” để bầu, với niềm tin rằng nếu họ thắng cử, họ sẽ giúp ta “giải phóng” quê hương!
Nhưng nhờ hệ thống truyền thông ngày càng mở rộng và có nhiều người biết đọc tiếng Anh hơn, nên người Việt bắt đầu nhận ra rằng sự thật không giản dị như vậy!
Mùa bầu cử năm nay, Đảng Cộng Hoà đang dùng nhiều chiêu thức khác nhau để đánh Đảng Dân Chủ đang cầm quyền, không cần biết đến quyền lợi của dân chúng và quyền lợi của đất nước này sẽ đi về đâu. Một trong những chiêu thức được coi là “độc thủ” có thể dùng để hạ Tổng Thống Obama và Đảng Dân Chủ là tìm cách loại bỏ đạo luật cải tổ y tế mà Tổng Thống Obama đã ban hành ngày 23.3.2010, có tên là “Patient Protection and Affordable Care Act”. Họ tin rằng nếu loại được đạo luật này, Tổng Tống Obama và đảng Dân Chủ sẽ lãnh thẹo.
MỞ ĐẦU TRẬN ĐÁNH
Mở đầu cho trận đánh là yêu cầu TCPV Hoa Kỳ tuyên bố điều khoản bắt buộc mỗi công dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế kể ở trong đạo luật cải tổ y tế là vi hiến, xâm phạm quyền riêng tư của mỗi người.
Trận chiến này chắc chắn là rất phức tạp, những người không nắm vững các nguyên tắc căn bản về luật pháp rất khó theo dõi được, nhưng đạo luật này quy định những quyền lợi thiết thân của nhiều người, không thể không biết được. Vì thế chúng tôi sẽ cố gắng trình bày những nét tổng quát để đọc giả có khái niệm về những gì đang xẩy ra.
Nguyên đơn phần lớn do 26 tiểu bang đang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo. Họ cho rằng đạo luật này vi hiến khi bắt buộc phần lớn công dân Mỹ phải mua bảo hiểm ý tế nếu không sẽ bị phạt, được gọi tắt là “health care mandate). Sự quy định này vi phạm vào quyền riêng tư của cá nhân.
Phe bênh đã nại “điều khoản thương mại” (commerce clause) trong hiến pháp để bênh vực cho sự bắt buộc này. Điều 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ liệt kê một danh sách dài những quyền của Quốc Hội, trong đó đoạn 8, khoản 3 nói về các quyền thương mại của Quốc Hội. Điều khoản này quy định rằng Quốc Hội Hoa Kỳ có quyền “ấn định về thương mại với các quốc gia ngoại quốc, giữa các tiểu bang và với các bộ tộc Da Đỏ”.
Trong lịch sử, điều khoản này cũng đã gây ra nhiều tranh luận về quyền hạn giữa liên bang và tiểu bang về thương mại. Riêng về luật cải tổ y tế của Tổng Thống Obama đã có hai vụ kiện. Trong vụ “Virginia v. Sebelius”, Toà Phúc Thẩm Virgina đã bênh vực điều khoản bắt buộc phải mua bảo hiểm. Nhưng trong vụ “Liberty University v. Geithner,” Toà Phúc Thẩm Alanta lại cho rằng Quốc Hội đã đi quá xa khi đòi người Mỹ phải mua bảo hiểm.
Điều cần được lưu ý là trong cuộc tranh cử năm 2008, chính bà Halary Clinton là người đã đưa ra ý kiến buộc mọi công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế. Lúc đó, ông Obama là người đã mạnh mẽ phản đối. Ông nói: “Nếu mọi chuyện dễ dàng như vậy thì tôi có thể làm luật bắt ai cũng phải mua nhà, như vậy sẽ giải quyết được nạn vô gia cư luôn. Nhưng không giải quyết được”. Ông cho rằng đó là một ý kiến không thể thực hiện được.
Nhưng năm 2010, khi Đảng Dân Chủ đang làm chủ cả hai viện Quốc Hội, điều khoản nói trên đã được đưa vào luật cải tổ y tế và đã được Tổng Thống Obama ban hành.
ĐIỄN TIẾN TRẬN ĐÁNH
Trong tuần này, TCPV Hoa Kỳ đã cho mở một cuộc tranh luận kéo dài trong 4 ngày để các bên trình bày lý luận của mình về những điều khoản bị tranh cãi trong luật. Cuộc tranh luận nhắm vào các điểm chính sau đây:
1.- Có nên đưa vụ này ra xét xử ngay hay nên hoãn lại?
2.- Cưỡng bách cá nhân phải mua bảo hiểm y tế có là vi hiến không?
3.- Nếu sự cưỡng bách này là vi hiến, thì toàn thể đạo luật cải tổ y tế sẽ không còn có giá trị hay chỉ một phần của đạo luật bị hủy bỏ mà thôi?
4.- Với luật cải tổ ý tế, các tiểu bang có buộc phải chia trách nhiệm ngân sách về điều hành Medicaid (hay MediCal) hay không? Hay trợ cấp của liên bang sẽ bị cắt?
Nhật báo New York Times đã tóm lược hàng ngày những câu hỏi của toà và các lý luận của cả hai bên. Ghi lại những tranh luận này chỉ thêm rối trí. Dĩ nhiên, khi tranh luận, các bên chỉ nêu lên những lý luận căn bản để thuyết phục dư luận, còn các chi tiết dẫn lý sẽ được trình bày trong các luận trạng viết.
Trong 9 Thẩm Phán TCPV, có 5 vị do các tổng thống Cộng Hòa chỉ định và 4 vị do các tổng thống Dân Chủ. Chúng ta đợi xem họ sẽ quyết định như thế nào.
Có lẽ vào khoảng tháng 6 tới TCPV mới đưa ra phán quyết. Chuyện rắc rối là nếu chỉ điều khoản chính là bắt cuộc mọi người phải mua bảo hiểm bị hủy bỏ, phần còn lại sẽ được áp dụng như thế nào? Đây là vấn đề các Thẩm Phán TCPV phải cân nhắc. Các thẩm phán TCPV Mỹ được ví như là những người mặc áo hai túi, họ móc túi nào lấy ra cũng được.
NHÌN LẠI LUẬT CẢI TỔ Y TẾ
Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã xếp chương trình y tế của Mỹ vào hạng thứ 15 trên 19 quốc gia tiên tiến về khả năng chữa khỏi những bệnh hiểm nghèo. Canada được xếp hạng 7, còn Pháp đứng vào hạng đầu. Như vậy nền y tế của Mỹ còn có nhiều vấn đề phải cải tổ. Nhưng việc cải tổ rất căm go vì các thế lực tư bản đứng đàng sau muốn bảo vệ các quyền lợi của họ.
Hôm 23.3.2010, sau khi ký đạo luật cải tổ y tế, Tổng thống Obama đã tuyên bố:
“Ngày hôm nay, sau gần một thế kỷ thử nghiệm, sau một năm tranh cãi, chương trình cải cách bảo hiểm sức khỏe đã trở thành luật tại nước Mỹ”.
Hoa Kỳ có một hệ thống bảo hiểm y tế tư rất khắc nghiệt, do những doanh nghiệp có mục đích vụ lợi (for-profit organization) nắm giữ và khai thác, không quan tâm gì đến sức khỏe của toàn dân, nhất là những người nghèo. Họ chỉ muốn kiếm được càng nhiều lời càng tốt.
Phải đến năm 1935, sau nhiều cuộc đấu tranh căm go, ngày 14.8.1935 chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra được Đạo Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act), thiết lập một hệ thống phúc lợi dành cho những người cao niên. Cũng phải qua nhiều cuộc tranh cải căm go, đến ngày 30.7.1965 chính phủ mới ban hành được Các Tu Chính Án Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act Amendments) thiết lập hai chương trình Medicare và Medicaid về bảo hiểm y tế cho những người trên 65 tuổi và những người nghèo.
Trong cuộc tranh cử năm 1992, ông Clinton đã đặt nặng chương trình cải tổ y tế như là một đề tài chính để tranh cử. Sau khi đắc cử, năm 1993, Tổng Thống Chinton đã đưa ra một kế hoạch cải tổ y tế, đòi hỏi mọi công dân Mỹ và thường trú nhân phải ghi danh vào một kế hoạch y tế. Chi phí khởi sự dành cho kế hoạch này từ năm 1993 là $13,5 tỷ sẽ tăng đến $38,3 tỷ vào năm 2003. Kế hoạch này đã bị nhóm tư bản tài chính Mỹ đánh bại qua chính đảng Dân Chủ vào tháng 9 năm 1994.
Mặc đầu đạo luật cải tổ y tế mà Tổng Thống Obama mới ban hành chưa có gì khả quan lắm nếu so với các chương trình y tế hiện nay tại các quốc gia tiên tiến khác như Pháp, Canada, Đức, Anh, Nhật hay Thụy Sĩ, nhưng nó cũng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về y tế mà nhiều người đang gặp phải.
Thời gian có hiệu lực đầy đủ của đạo luật kéo dài từ 2014 đến 2019, nhưng một số điều khoản của đạo luật sẽ có hiệu lực ngay, đại khái như sau:
1.- Các hãng bảo hiểm không được phép giới hạn số tiền trả cho việc chữa trị của khách hàng. Quy định này rất quan trọng đối với những người bị những bệnh hiểm nghèo như ung thư.
2.- Những người đã bị các hãng bảo hiểm y tế từ chối bán bảo hiểm do tình trạng bệnh hoạn sẵn có, được mua bảo hiểm tạm thời từ nay cho đến năm 2014 khi luật mới được thi hành đầy đủ. Một ngân khoản 5 tỷ USD sẽ được cung ứng cho dịch vụ này.
3.- Các hãng bảo hiểm y tề phải cung cấp bảo hiểm cho các thanh niên không còn lệ thuộc gia đình cho tới năm 26 tuổi. Quy định này sẽ giúp cho các sinh viên mới ra trường và những người còn tìm việc có bảo hiểm y tế.
4.- Mỗi người già được thêm $250 trả tiền mua thuốc bù vào khoảng trống mà Medicare Part D không chi trả. Trong tương lai, khi đã sử dụng số tiền được mua thuốc trong Medicare Part D ($2850), sẽ không còn phải trả 100% tiền túi như hiện nay mà sẽ được giảm dần cho đến năm 2020 chỉ còn phải trả 25%.
Kể từ năm 2014, những biện pháp sau đây sẽ được áp dụng:
1.- Hầu hết mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt. Tiền phạt khởi đầu là 1% thu nhập cá nhân, tối thiểu là $95, sau đó đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5% thu nhập hoặc tối thiểu $695. Mức tiền phạt giới hạn cho cả gia đình là $2.085.
2.- Nếu không thể trả tiền mua bảo hiểm vì quá nghèo, thì có thể được hưởng Medicaid, một chương trình bảo hiểm sức khỏe của liên bang cho người nghèo. Chương trình này sẽ được mở rộng đáng kể từ năm 2014. Những gia đình nghèo được miễn giảm thuế, hoặc nếu gồm 4 người có thu nhập dưới $88.000 một năm, sẽ được tài trợ để mua bảo hiểm.
3.- Các tiểu thương, các công ty nhỏ được hưởng điều kiện dễ dãi và nhận trợ giúp trong việc mua bảo hiểm sức khỏe. Cơ sở dưới 50 người không bị phạt nếu không mua bảo hiểm cho nhân viên. Cơ sở dưới 25 người với mức lương dưới $50.000 được giảm thuế 35% chi phí đóng bảo hiểm năm nay và 50% năm 2014. Cơ sở trên 50 người không mua bảo hiểm cho nhân viên có thể bị phạt tới $2.000 cho mỗi nhân viên làm toàn thời gian.
Chương trình cải tổ y tế sẽ tốn khoảng $940 tỷ trong 10 năm. Tuy nhiên, chính phủ quyết định sẽ tăng tiền thuế của công ty lớn và những người có thu nhập cao, đồng thời giảm chi phí trong chương trình Medicare Advantage. Theo ước lượng của Văn phòng Ngân sách Quốc Hội, kế hoạch này sẽ giúp ngân quỹ liên bang tiết kiệm được $138 tỷ.
ĐẢNG CỘNG HOÀ SẼ ĐÁNH BẠI?
VNCH trước 1975 theo chế độ y tế của Pháp, ai muốn vào bệnh viện công xin chửa bệnh cũng được và không phải trả lệ phí nào, chỉ với những loại thuốc bệnh viện không có, bệnh nhân mới phải mua ở ngoài. Ai muốn có chỗ nằm tiện nghi hơn mới phải trả lệ phí.
Ở Pháp hiện nay, nói một cách tổng quát, những người từ 15 tuổi trở lên đều được cấp thẻ y tế. Những người đi làm đều phải đóng bảo hiểm y tế, nhưng với một tỉ lệ không quá cao như ở Mỹ. Tiền thuốc ở Mỹ đắt hơn ở Canada và Pháp nhiều, có món cao gấp 5 lần.
Các nhà tư bản Mỹ tố cáo đi theo chế độ y tế của Pháp hay Canada hiện nay là đi theo “xã hội chủ nghĩa”, nước Mỹ không thể chấp nhận được.
Năm 2008 số người không có bảo hiểm y tế ở Mỹ là khoảng 46 triệu, nay đã tăng lên 50 triệu. Liệu rồi nước Mỹ sẽ giải quyết như thế nào nếu luật cải tổ y tế mới sẽ bị hủy bỏ?
Ngày 27.3.2012
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét