Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

30 Tháng Tư, văn nghệ sĩ và những hoài niệm đau thương

LTS: Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ quốc hận 30 Tháng Tư lần thứ 37, mọi người chúng ta hầu như ai cũng đều đau buồn khi nhắc đến những gì đã xảy ra ngày 30 Tháng Tư năm 1975, trang ca nhạc điện ảnh Thứ Sáu xin được gửi đến bạn đọc những tâm tình của một số ca nghệ sĩ về những kỷ niệm mà họ đã chứng kiến trong thời gian đó như thế nào.
Ca sĩ Lệ Thu: “Ðó là thời gian hoảng loạn nhất trong cuộc đời tôi, cảm giác thất vọng và đau xé cõi lòng khi nhìn thấy các anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa của mình cởi bỏ quân phục, vũ khí để chỉ mặc mỗi chiếc áo lót và quần short chạy là không thể nào tôi quên được.

Hình ca sĩ Lệ Thu năm 1975 trên bìa một đĩa nhựa 45 vòng do hãng đĩa Việt Nam sản xuất. (Hình: Trần Quốc Bảo cung cấp)
Ngày 30 Tháng Tư, tôi có mặt trong cơ quan DAO chờ máy bay để đi nhưng thật tình lòng dạ mình ngổn ngang vì nghĩ đến mẹ già đã mờ mắt sẽ không ai chăm sóc bà, trong khi tất cả con cháu đều ra đi hết cả, thế là tôi đành phải quay về với mẹ. Cũng trong ngày 30 Tháng Tư tôi đã khóc khi nhìn thấy chiến xa T54 của phía bên kia chạy vào đường phố từ hướng Phan Thanh Giản.”
Nghệ sĩ Phượng Liên: “Khi mà miền Nam Việt Nam sắp sửa mất thì lúc đó tôi đang ở Cần Thơ vì ông xã tôi cũng đóng quân tại Cần Thơ, thời gian đó tôi không còn đi hát vì tình hình chiến sự mỗi ngày một thay đổi theo chiều hướng xấu. Ðúng ngày 30 Tháng Tư, khi mà nghe được ông Dương Văn Minh kêu gọi buông súng thì tôi thật sự hụt hẫng và tôi đã khóc khi biết được cuộc chiến đã chấm dứt một cách tức tưởi.”
Nghệ sĩ Phượng Liên năm 1975. (Hình: Trần Quốc Bảo cung cấp)
Nhạc sĩ Nam Lộc: “Khổ đau và cùng cực là hai chữ mà tôi muốn dùng để diễn tả sự ra đi, rời khỏi Việt Nam của tôi, thật là một chuyến đi rất bất ngờ, tâm trạng của tôi lúc đó bối rối, phức tạp vì gia đình còn kẹt lại Việt Nam. Tuần lễ trước 30 Tháng Tư, lúc ấy tôi còn là phóng viên báo chí quân đoàn 3, nhờ công việc này mà tôi hiểu được tình hình căng thẳng thế nào mỗi ngày, một tuần trước đó tôi suýt phải đi công tác Long Thành và nếu tôi đi thì chắc chắn tôi đã bị địch bắt.
Nhạc sĩ Nam Lộc trong những ngày đầu mới đến trại tị nạn đảo Guam. (Hình: Nam Lộc cung cấp)
Chuyến đi ra khỏi Việt Nam của tôi chỉ là sự tình cờ, ngày 27 Tháng Tư, tôi được một người bạn đưa vào sân bay Tân Sơn Nhất, lúc đó hầu như tất cả những ai vào phi trường cũng đều phải có giấy tờ để được ra đi, tôi không phải là một trong những người của họ, nhưng hình như định mệnh đưa đẩy, tôi loanh quanh, lòng vòng trong phi trường đến giờ chót những người Mỹ đến nói với tôi rằng tôi nên đi vì nếu không sẽ có pháo kích vào phi trường trong một vài giờ đồng hồ sắp tới, thế là tôi lại nhờ một người bạn thân đưa tôi lên máy bay mà không có bất cứ một tờ giấy nào trong người cả, tôi bay sang Wake rồi đi tiếp sang Guam. Bây giờ sau 37 năm, thỉnh thoảng tôi vẫn có những cơn ác mộng của ngày chạy loạn 30 Tháng Tư, nhất là khi tôi quá mỏi mệt nằm xuống để tìm giấc ngủ thì ác mộng lại đến.”
Ca sĩ Ngọc Minh: “Tôi hụt hẫng, mệt mỏi và hoàn toàn thất vọng khi ngày 30 Tháng Tư trờ đến, tôi đã từng ‘thủ’ cho mình 20 viên thuốc độc, uống vào là mọi chuyện ‘xong’ ngay, nhưng rồi tôi đã không làm thế vì tôi còn cha mẹ tôi, gia đình tôi, mỗi ngày tôi đã chứng kiến cảnh người ta ra đi, đồng thời cũng chứng kiến luôn cảnh bà con vào ‘hôi’ của từ tòa đại sứ Mỹ, tôi đã không chuẩn bị tinh thần ra đi trong ngày 30 Tháng Tư như người ta, và hình như chẳng có gì để nói nhiều hơn những cảm giác sợ hãi, sợ như sợ bóng đêm ma quái và lo vì không biết ngày mai mình có sống nổi với họ hay không? Khi mà ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi binh sĩ bỏ súng xuống, lúc đó tôi đã xách xe chạy ra đường, đi nhưng không biết mình phải đi đâu. Và vừa đi mà nước mắt tôi cứ tuôn chảy không thể ngừng được, bởi vì tôi hiểu một điều mình ‘mất hết’ từ đây!”

Ca sĩ Phương Hồng Quế:
“Tuần lễ trước ngày 30 Tháng Tư, tôi được bạn bè là những ông sĩ quan của các binh chủng kêu sắp xếp đi nhưng vì ba má tôi không chịu đi nên tôi đành phải ở lại, lúc đó là tôi đang ở Sài Gòn. Sáng 30 Tháng Tư tôi xách xe chạy ra bến tàu (Bạch Ðằng) thì thấy xe của Elvis Phương, xe của Túy Hồng, Lam Phương đậu ở đó, tôi đoán là mấy người đó chắc đang ở trên tàu cả rồi, tôi đứng ở trên bờ nhìn xuống mà lòng xốn xang, không chịu nổi, tôi đã khóc thật nhiều vì biết rằng mọi thứ đã mất hết. Khi trở về nhà, tôi leo lên sân thượng nhìn xuống phố, thấy mấy anh lính VNCH của mình cởi bỏ quân phục và vũ khí để chạy mà tôi đau lòng lắm, thiệt tình là cả một bầu trời sụp đổ, nói tóm lại ngày đó không thể quên được.”
Ca sĩ Phương Hồng Quế chụp năm 1975. (Hình: Ca sĩ cung cấp)
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: “Một tuần trước đó tôi không nghĩ rằng tình hình biến động nhanh như vậy, lúc ấy tôi đang làm việc cho đài kiểm soát không lưu trong phi trường Tân Sơn Nhất, tôi còn nhớ cấp trên đã có lời hứa sẽ có một chuyến bay riêng cho nhân viên và gia đình ra nước ngoài. Cái may mắn của tôi là gia đình đã được đi trước nhờ chuyến xe bus của tòa đại sứ Mỹ đón khách từ Hội Việt Mỹ. Ngày 30 Tháng Tư, tôi nhìn thấy những anh em binh lính cởi bỏ quần áo trận và vũ khí đi vào các ngõ hẻm nhỏ mà lòng tôi buồn vô hạn, lúc đó tôi chỉ còn ở lại một mình vì cả nhà đã đi hết rồi, giữa lúc tình hình chiến sự căng thẳng, ông Dương Văn Minh kêu gọi buông súng và tan hàng, thật sự lòng tôi chùng xuống khủng khiếp, bên cạnh đó là nỗi sợ hãi, sợ đủ mọi thứ có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào, tóm lại đó là một mất mát rất lớn mà cả đời này không bao giờ quên được. Bây giờ sau 37 năm nhìn lại, tôi vẫn thấy đó là một sự kinh hoàng đã xảy ra trong đời mình, và hiểu ra là tất cả mọi việc trên cõi đời này đều có nguyên nhân của nó.”
Nhà báo Kỳ Phát: “Ngày 28 Tháng Tư tôi đến cao ốc tên Key On ở đường Hai Bà Trưng theo như sự xếp đặt của một nhân viên tình báo Mỹ, dặn trước là tất cả các anh chị em ca nghệ sĩ tập trung ở đó, anh ta sẽ có xe đến đón đi, bởi vậy tôi nán ở lại đó từ sáng đến chiều mà vẫn ‘bặt vô âm tín,’ khi trời sụp tối thì tôi nghĩ nhà mình cũng ở gần đó nên thôi chạy về nhà ngủ rồi có gì sáng mai tới lại, không ngờ là 4 giờ sáng đêm đó có hai chiếc xe bus đến đón và như vậy là tôi bị hụt một chuyến đi. Sang đến sáng ngày 30 Tháng Tư, tôi và một người bạn nữa đi xuống cầu Khánh Hội (kho 5) để tìm đường đi, thì thấy tàu Trường Xuân đậu ở đó và trên tàu đã có hàng ngàn khách lố nhố rồi, lúc đó anh bạn đi cùng với tôi mới nói là để chạy về rước cô bạn gái đi cùng, tôi nghĩ là không lâu nên đồng ý chờ, rồi trong khi chờ đợi tôi leo lên cái cần cẩu để chuẩn bị leo qua tàu Trường Xuân, đợi hoài hổng thấy anh bạn của tôi đâu hết, cuối cùng thì anh ta dẫn cô bạn gái chạy tới thì khi đó chiếc tàu đã tách bến một khoảng xa, tôi không thể leo qua được.
Nhà báo Kỳ Phát (trái) với ký giả Trường Kỳ năm 1975. (Hình: Kỳ Phát cung cấp)
Sau đó tụi này mướn ghe nhỏ chạy theo để mong leo lên tàu nhưng mà đến khi ghe chạy sát của bên hông tàu thì mới biết là thành tàu cao quá làm sao mình leo lên đây? Bởi vậy đành phải chạy ghe lại vô bờ. Nhà tôi ở số 53 Hồng Thập Tự (góc Công Lý), trở về nhà tôi buồn vô hạn, lúc đó Sài Gòn tràn ngập Việt Cộng vào rồi, tôi leo lên sân thượng, lầu 4 của nhà tôi đứng ở trên cao ngó xuống đất và thật sự là có ý định nhảy xuống tự tử vì tôi nghe đồn là Cộng Sản sẽ giết hết những ca nghệ sĩ trước 75 còn kẹt lại! Bởi vậy nên hoảng sợ, còn phần thì cũng chán nản vì mình đã ‘hụt’ đi 2 lần.”
Ca sĩ Băng Châu: “Ngày 30 Tháng Tư là một ngày đau buồn nhất đối với mọi người và tôi cũng không ngoại lệ, lúc đó thật tình hoang mang, hoảng loạn vô cùng, hoang mang vì không biết những người ‘chủ mới’ sẽ như thế nào đây? Và lo sợ là liệu họ có tử tế với mọi người hay không? Bởi vì có rất nhiều tin đồn như ‘Việt Cộng sẽ rút móng tay đàn bà con gái nào có sơn móng tay màu sắc lòe loẹt,’ còn đối với giới ca nghệ sĩ như mình thì đồn là sẽ bị đàn áp, bắt bớ nữa… Bởi vậy sợ lắm!”
Ca sĩ Băng Châu năm 1975. (Hình: Trần Quốc Bảo cung cấp)
Ca sĩ Thanh Mai: “Tuần lễ trước ngày 30 Tháng Tư, tôi nghỉ hát vì tình hình bất ổn, tối ngày 29 tôi đứng nhìn qua phía bên cầu Bình Triệu, thấy phía bên đó lửa cháy đỏ rực cả một góc trời, lúc đó ba tôi vẫn chưa về được với gia đình, vì ông còn phải lo hoàn tất công việc của ông ở tiểu đoàn 4 quân cảnh, đóng tại Cần Thơ, ngày 30 Tháng Tư tôi nghĩ rằng tất cả đã hết và chắc tôi không còn cơ hội để đi hát nữa nên buồn quá tôi đi cắt mái tóc dài xuống thành tóc ngang vai.”
Ca sĩ Thanh Mai năm 1975. (Hình: Ca sĩ cung cấp)
Ðức Tuấn/Người Việt (thực hiện)
Theo Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét