Trang

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Cập nhật chuyện Bắc Kinh: Âm mưu đảo chính bất thành

Bạc Hy Lai


Vụ nổi dậy tuần trước có lẽ báo hiệu những điều sắp đến với nước Trung Hoa cộng sản. Năm 2012 đóng vai trò như một năm bản lề, bởi vì rất nhiều trong số những cận vệ già của đất nước sẽ về hưu.

Hiện tại, ở vị trí của họ, là một khoảng trống quyền lực cần được lấp đầy bởi những vị thái tử đảng, hay con ông cháu cha, tức là con cháu các cán bộ cách mạng thời Mao. Và một câu hỏi đang được đặt ra về việc ai sẽ kiểm soát nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này, cũng như những “lợi ích” đi cùng điều đó.

Cứ 20 ngày Trung Quốc lại có thêm một tỷ phú mới. Trong số đó, 90% là đảng viên cộng sản. Có rất nhiều thứ khiến người ta phải chiến đấu để giành giật. Nhưng liệu mọi sự có kết thúc bằng một sự biến Thiên An Môn thứ hai?

Cuộc đảo chính ở Bắc Kinh cũng ngang như một đòn ra tay trước, nhằm vào một trong các nhà lãnh đạo mới, hùng mạnh và có sức thu hút nhất Trung Quốc: Bạc Hy Lai (Bo Xilai). Ông là kẻ ngã ngựa đầu tiên trong ván cờ giành vị trí cao nhất trong chính quyền đang rạn nứt của Trung Quốc.

Bạc Hy Lai là ai?

Bạc Hy Lai, phe thái tử đảng, là người được nhắc tới nhiều với thành tích tiêu diệt tham nhũng ở Trùng Khánh – đặc khu phát triển kinh tế, nơi các phần tử tham nhũng chưa từng biết đến một giới hạn nào.

Bạc tiến vào Trùng Khánh, quét sạch cỏ dại, biến mình thành một điển hình cho cái gọi là đảng cộng sản “công bằng”. Tuy nhiên, tục ngữ Trung Quốc có câu, “móng tay mà dựng lên thì phải dũa phẳng đi”, và Bạc cũng vậy.

Giờ đây, bộ máy tuyên truyền của đảng đang chạy hết sức – lên án kịch liệt con người từng một thời được vinh danh là vị cứu tinh của Trung Hoa.

Có những lời buộc tội rằng ông Bạc đã sử dụng những chiêu tàn bạo – khủng bố đỏ – để truy sát tham nhũng ở Trùng Khánh. Đảng còn đổ thêm dầu vào lửa khi kết tội ông Bạc là kẻ đen tối, có những mối liên hệ với thế giới ngầm ở Macau; và đặt câu hỏi lực lượng đó đã đóng vai trò gì, nếu có, trong vụ lật đổ Bạc Hy Lai.

Xì căng đan gần đây nhất liên quan đến Neil Heywood, người này chết gần như ngay sau thỏa thuận làm ăn bất thành với Bạc và/hoặc vợ Bạc. Vụ Heywood này đặc biệt phức tạp, do xác của Heywood đã bị đốt cháy. Thế nên, không thể xác minh được nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của ông ta.

Lòng tin và tham nhũng

Vậy, tất cả những điều này có liên quan gì đến việc lãnh đạo Trung Quốc? Liên quan đủ mọi nhẽ.

Ông Bạc vốn là một nhân vật hùng mạnh, giành được thiện cảm của dân chúng địa phương. Sự thực là, với việc ông bị phế truất, các lực lượng bảo vệ Trùng Khánh đã nhận được yêu cầu phải dập tắt mọi cuộc nổi loạn có thể xảy ra.

Nhưng có thể tin điều này đến mức nào? Ở Trung Quốc – một đất nước đã mất hàng trăm tỷ đô-la vì tham nhũng – chính trị gia nào trong sạch cũng sẽ nổi bật hết.

Nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, nhận biệt danh “Tên đồ tể ở Tây Tạng”, vì đã đàn áp phong trào phản đối và ổn định được trật tự, kiểm soát các tăng ni. Cứ cho là con trai của Hồ Cẩm Đào và vợ Ôn Gia Bảo cũng có dính dáng tới tham nhũng đi, nhưng đó là chuyện khác. Đối với các nhà lãnh đạo đảng, những người lên án Bạc vì đã chống tham nhũng một cách nhiệt tình thái quá, thì chuyện đó có tin được không? Ai cũng tự hiểu là phải tin ai.

Bắc Kinh sốt ruột, và mọi việc làm của ông Bạc cũng như ký ức về ông hiện đang được xóa khỏi biên niên sử của thành phố Trùng Khánh – như chúng ta nói. Các chính sách của ông bị lật ngược, sự có mặt của nhân vật từng là cánh tay phải của ông thì bị xóa sạch trong mắt công chúng.

Tại sao 2012 là một năm phức tạp?

Phức tạp là ở chỗ, vào năm 2012, hơn 60% cán bộ lãnh đạo trong đảng cộng sản Trung Quốc và ít nhất 6 ủy viên trong cơ quan quyền lực tuyệt đối – ban thường vụ bộ chính trị – sẽ nghỉ hưu.

Đối với những người vẫn được hưởng bầu cử tự do trong chúng ta, sự kiện này gần như chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, mọi chuyện khác hẳn. Suốt lịch sử hơn 2000 năm của mình, Trung Quốc luôn luôn buộc phải thay đổi lãnh đạo bằng họng súng. Ở một đất nước nơi bạo lực người trong nước nhằm vào nhau là cách hành xử điển hình, đảng rất lo sợ.

Bạc từng là thách thức lớn nhất của đảng. Là một nhà lãnh đạo có sức thu hút và được lòng nhân dân, ông ta đã là người đầu tiên bị rớt. Còn ít nhất hai nhóm đang trụ lại để hưởng lợi từ sự ra đi của Bạc. Ai sẽ là kẻ bị rớt tiếp theo?

Cuộc đua giành quyền lãnh đạo Trung Quốc đã bất đầu.

Với việc ông Bạc bị bật bãi, Bắc Kinh có thể yên tâm sớm hơn trước. Phải chăng là như vậy? Chắc chắn âm mưu đảo chính mới đây nhất không phải là một vụ Thiên An Môn mà còn tồi tệ hơn. Trong khi phong trào biểu tình năm 1989 là một chỉ dấu của thời đại lúc đó, và những thanh niên cuồng nhiệt ngày đó chỉ kêu gọi nhà nước minh bạch hơn, thì vụ việc tuần trước đáng báo động hơn nhiều.

Quyền lực và lòng trung thành đặt vào đâu?

Những kẻ tham gia cuộc chơi mới này đều đang thi đấu rất nghiêm túc. Họ không được trang bị notebook nhãn hiệu Steno, không cầm theo cây bút để trích dẫn những khẩu hiệu dân chủ; họ là những người sở hữu một kho thuốc súng và đầu đạn hạt nhân khổng lồ.

Hồ Cẩm Đào và nền báo chí cộng sản đã nhắc nhở quân đội về việc phải đặt lòng trung thành vào đâu. Để nhấn mạnh điểm này, một số lực lượng công an, cảnh sát đã được trung lập hóa – quyền lực của họ bị rút bớt.

Tác giả: WC là công dân Mỹ, hiện đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Ông cung cấp cho độc giả trang Top Secret Writers nhiều kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế, văn hóa và thương mại. Ông có 45 bài viết ở trang này.

Nguồn: Top Secret Writers

Bản tiếng Việt: Thủy Trúc (Ba Sàm 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét