Nổi bật trong tuần này là chuyện một ông nghị viên ở thủ đô Hoa Kỳ bỗng nhiên lớn tiếng kỳ thị dân gốc Á Châu. Vấn đề là, nếu ông nghị viên này chỉ nói bên bàn cà phê, có thể sẽ dễ chối bay chối biến. Tai hại là, những lời kỳ thị này lại trực tiếp trên truyền hình. Thế mới thành sóng gió.
Ông nghị viên này tên là Marion Barry, 76 tuổi, người da đen, trong bữa tiệc mừng chiến thắng bầu cử sơ bộ hôm Thứ Ba, ông tuyên bố: “Chúng ta phải làm cái gì đó về những người dân gốc Á này cứ vào đây và mở ra các cơ sở kinh doanh và các tiệm dơ bẩn... Họ nên rời đi. Tôi muốn nói như thế bây giờ đây. Nhưng chúng ta cũng cần các doanh nhân người Mỹ gốc Phi có khả năng chiếm lấy chỗ của họ.”
Câu tuyên bố động trời này thoạt tiên là tường thuật trên đài truyền hình WRC-TV. Tất nhiên là đụng chạm các tiệm phở và tiệm bánh mì Việt Nam, kể cả đụng chạm các tiệm của các sắc dân Hoa, Hàn, Ấn, Mã...
Hai ngày sau, tức là chiều hôm Thứ Năm, ông nghị của vùng thủ đô này đã xin lỗi.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn AP, “Tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc vì đã xúc phạm một số thành viên trong cộng đồng gốc Á và cộng đồng vùng thủ đô DC. Tôi có quá trình vững chắc về quan hệ với cộng đồng gốc Á.”
Ông Barry đã từng có 4 nhiệm kỳ giữ chức Thị Trưởng thủ đô Washington DC, thời khoảng đó chỉ bị gián đoạn với 6 tháng tù liên bang vì bị truy tố tội hút ma túy. Trở lại giữ chức nghị viên từ năm 2004. Như thế nghĩa là chính trị gia lão luyện lắm, vậy mà sao tuyên bố những lời kỳ thị như thế?
Hôm Thứ Ba là tiệc mừng ông Barry thắng cử sơ bộ bên Đảng Dân Chủ để tranh ghế nghị viên quận 8, với tỷ lệ phiếu 73% nghĩa là bảo đảm ông sẽ thắng thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Thị Trưởng Vincent Gray, Chủ Tịch Hội Đồng Nghị Viên Kwame Brown và một số nghị viên đồng nhiệm sở của Barry đã chỉ trích Barry vì nói lời kỳ thị dân gốc Á. Một nhóm dân cử Mỹ gốc Á ở tiểu bang Maryland cũng đã lên án Barry tội nói năng kỳ thị.
Thị Trưởng Gray đưa ra bản văn, “Tôi thất vọng sâu sắc vì các lời bình luận của nghị viên Barry. Không có chỗ nào trong thành phố đa dạng tuyệt vời này cho những lời miệt thị bất kỳ ai chỉ vì dựa trên sắc tộc, tính phái, tôn giáo, khuyết tật hay khuynh hướng tình dục.”
Barry từ khi trở về chức nghị viên năm 2004 cũng từng gây sóng gió vì ngôn ngữ kỳ thị. Trong một lần lên đài phát thanh mới đây, ông nói rằng ông không ưa công ty kiến trúc được giới thiệu với hội đồng nghị viên để xây một trường trung học công lập mới vì công ty này “toàn là người da trắng.”
Rồi khi ông cùng Gray và Brown bị liên bang điều tra vì bị nghi là vận động tranh cử sai traí, ông tuyên bố rằng chính khách da đen lúc nào cũng bị dò xét nặng nề hơn da trắng.
Thành phố thủ đô Washington DC đa số cư dân là da đen, nhưng thành phần da trắng và gốc Châu Á cũng đang nhiều thêm. Trong Thống Kê 2010, dân da đen chiếm 50%. Trong khi đó, da trắng chiếm 34.8% và gốc Á chiếm 3.5%.
Trước khi xin lỗi vào chiều Thứ Năm, ông Barry vẫn còn ngôn ngữ ngang bướng bất kể nhiều vị dân cử khác đòi xin lỗi. Barry nói với báo Washington Post, “Tôi đã có 50 năm trong đời tôi chiến đấu cho công lý và bình đẳng cho mọi người.”
Khi được hỏỉ về 5 dân cử Maryland nói rằng ngôn ngữ Barry về “làm sạch dân gốc Á” có thể là kỳ thị, Barry cũng còn vặn lại rằng, “Nhóm 5 người đó không biết Marion Barry tý naò. Họ chỉ biết tên tôi, nhưng họ không biết hồ sơ làm việc của tôi.”
Barry còn thanh minh thanh nga rằng ông không hề nói gì không thích nghi cả. Ông còn lên mạng xã hội Twitter để viết linh tinh, phóng lên mạng này một loạt hình từ các tiệm ăn bán thực đơn Châu Á tại thủ đô DC và nói rằng các tiệm này nằm ngổn ngang vô trật tự trong những khu phố Quận 8 ở thủ đô Mỹ.”
Barry ghi chú dưới một tấm hình chụp một tiệm gốc Á bán thức ăn nhanh mà ông phóng lên mạng này, rằng, “Đây là loại kinh doanh cần phải cải tiến. Chúng ta đang làm sạch Quận 8 trong nhiều cách & hầu hết các tiệm chưa tốt.”
Một tin nhắn khác ông phóng lên viết, “Cũng như các chủ cơ sở kinh doanh này muốn điều tốt cho gia đình và cộng đồng của họ, chúng ta cũng thế. Câu hỏi là: họ có sẽ tham dự vào Cuộc Phục Hưng Quận 8 hay không?”
Tin nhắn khác, ông viết, “Tức cười là cách người ta mong đợi chúng ta ngồi xuống, câm miệng và mong đợi hạ thấp tiêu chuẩn hơn cái mà họ có trong các cộng đồng của họ... #NOT.”
Ký hiệu cuối câu có thể hiểu là một tiếng hét, tiếng mắng gì đó, một chữ KHÔNG vang dội.
Cũng cần nhắc rằng Barry làm Thị Trưởng thủ đô Mỹ từ 1979 tới 1991, trong thời gian đó từng bị điều tra về tội ma túy. Sau khi bị bắt vì sở hữu ma túy, ông ngồi tù 6 tháng, rồi lại thắng cử Thị Trưởng vào năm 1995.
Và rồi đêm Thứ Năm, ông mới chịu xin lỗi. Nhưng ông cũng vớt vát rằng ông có sai lầm khi tách rời người gốc Châu Á ra mà than phiền, nhưng ông chỉ muốn nói tới các tiệm bán thức ăn không tốt cho sức khỏe và không gắn bó với cộng đồng hay là cũng không thuê cư dân trong phố.
Barry nói, “Chúng ta cần doanh nhân những người sẽ là một phần của cộng đồng, chứ không phaỉ là bóc lột cộng đồng, tạo việc làm cho cộng đồng và đóng góp vào sức mạnh cộng đồng, bán rau trái tươi và vân vân...”
Barry cũng lập lại rằng một số tiệm tạp hóa và thức ăn nhanh gốc Á “không tôn trọng” cư dân trong Quận của ông.
Thôi thì cũng được. Xin lỗi là được. Vấn đề là, nhìn chung, không khí kỳ thị người gốc Á là có thực, và chuyện này gây sóng gió vì Barry nói trên đàì truyền hình và truyền thanh, và vì Barry là nghị viên.
Nhưng đây cũng là một nhắc nhở cho dân Việt Nam ở thủ đô, và ở các nơi khác trên Hoa Kỳ. Rằng hãy gắn bó với cộng đồng địa phương, hãy là một phần tử để chung sức xây dựng các cộng đồng điạ phương.
Thực tế không có nghĩa là để làm mắt bản sắc văn hóa Việt, nhưng cần làm cho các cộng đồng địa phương thâý rằng chính bản sắc văn hóa Việt sẽ tạo ra một tự hào mới cho cộng đồng địa phương.
Trần Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét