Trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Chuyện đùa năm 2012: Quốc Hội nhận giám sát Đảng

Lê Vĩnh - Nguyễn Thanh Văn
Song song với phong trào chỉnh đốn đảng được ông Nguyễn Phú Trọng rầm rộ phát động trên báo đài lề phải, Quốc Hội cũng vừa khua chiêng gióng trống cho biết sẽ chiếm lại danh hiệu cơ quan “quyền lực cao nhất nước” vốn đã có trên giấy tờ từ trước đến nay. Tin tức cho biết: “Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí hằng năm sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh khác do Quốc hội bầu.”
Trước đó, vào cuối tháng 2/2012 vừa qua, trong chuyến viếng thăm Anh quốc của phái đoàn đại biểu Quốc Hội Việt Nam, người cầm đầu phái đoàn là Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc Hội đã nói với đài BBC rằng: "Quốc hội sẽ có vai trò giám sát với đợt chỉnh đốn, xây dựng Đảng đang được khởi xướng qua Nghị quyết Trung ương 4, Khóa 11."; và rằng "… Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với tất cả các cơ quan Nhà nước”.

Trước các tuyên bố nẩy lửa này, các quan sát viên quốc tế vẫn dè dặt không tin thực chất của các thay đổi. Trong khi đó, công luận người Việt, mà rõ nhất là các ý kiến trên mạng Internet, hầu hết đều cho đây chỉ là một hình thức diễn kịch mới. Lý do chính là vì cơ cấu và quan hệ giữa Quốc Hội và Đảng vẫn giữ nguyên như cũ, không có chút gì thay đổi.
Trước khi đi sâu thêm vào vấn đề “quyền lực” của Quốc Hội Việt Nam, thiết tưởng cũng cần làm sáng tỏ một ngộ nhận rất lớn từ các tuyên bố của ông Đinh Xuân Thảo. Trong lời nói đầu tiên với đài BBC, ông Đinh Xuân Thảo đề cập đến sự tương đồng nhân sự của cơ quan hành pháp và lập pháp của nước Anh với Việt Nam, với ngụ ý rằng guồng máy nhà nước của Anh Quốc cũng vận hành tương tự như guồng máy nhà nước CSVN. Điều mà ông Thảo “vô tư” không nhắc tới là nền tảng thẩm quyền nằm ở đâu.
Có nhiều loại thẩm quyền, nhưng thường khi nói đến “cầm quyền”, người ta thường hàm ý cầm quyền hành pháp (executive power). Trong một nước dân chủ theo thể chế đại nghị như nước Anh, đảng nào hoặc liên minh đảng nào chiếm đa số trong Quốc hội thì được trao cho quyền hành pháp. Quyền hành pháp được thể hiện qua việc đảm trách vị trí thủ tướng. Thủ tướng lập nội các và điều hành đất nước. Điều căn bản là các dân biểu Quốc Hội được người dân trực tiếp lựa chọn trong số các ứng viên của các đảng chính trị (hoặc ứng viên độc lập) qua các cuộc bầu cử tự do và công bình.
Không những thế, khi cầm quyền, nhất cử nhất động của đảng cầm quyền đều được truyền thông, người dân và đặc biệt là các đảng đối lập theo dõi và phản biện rất kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, những sai sót, tai tiếng của các cơ quan hoặc thành viên chính phủ là những yếu tố khiến đảng cầm quyền dễ bị lung lay có thể đưa đến thất bại trong các cuộc bầu cử tới. Tóm lại, nguyện vọng của người dân tại các nước dân chủ quyết định ai cầm quyền, ai soạn thảo luật pháp, và ai đưa ra các chính sách quốc gia.
Trong khi đó ở Việt Nam (và mấy nước còn lại trong khối XHCN) thì sự lựa chọn người vào các vị trí quyền lực chỉ diễn ra trong nội bộ Đảng; hay nói đúng hơn nằm trong tay một nhóm nhỏ bao gồm Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng và Bộ Chính Trị. Hiện tượng bảo đảm ghế cho các “Hoàng Tử Đỏ” hay “Con Các Cụ Cả” (1) trong đại hội đảng XI là một điển hình. Các ghế đại biểu Quốc Hội cũng thế, được Đảng lọc lựa và “cơ cấu” đến từng lá phiếu (2). Thậm chí chưa tổ chức bầu cử Quốc Hội khoá 13 nhưng ông Nguyễn Sinh Hùng đã được chỉ định vào chức chủ tịch Quốc Hội. Sau đó, đối với mọi vấn đề liên quan đến pháp luật và vận hành ngay tại Quốc Hội, đều có các nghị quyết của lãnh đạo Đảng với các “nhiệm vụ chính trị” chủ đạo. Công việc của Quốc Hội chỉ là viết lại các Nghị Quyết đó thành luật hoặc bỏ phiếu thuận theo các Nghị Quyết. Ngoài ngành lập pháp, Đảng CSVN cũng chỉ định đảng viên vào mọi tầng mọi ban bộ trong ngành hành pháp và tư pháp. Vẫn chưa đủ, Đảng còn có hệ thống đảng ủy để thúc đẩy và kiểm tra việc thực hiện đường lối của Đảng ở mọi cấp (sẽ được đề cập thêm ở dưới). Tóm lại, trong thể chế chính trị XHCN, người dân không có một vai trò nào trong việc lựa chọn ai cầm quyền, ai soạn thảo luật pháp, và ai đưa ra các chính sách quốc gia.
Khó có thể cho rằng Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc Hội, không biết các văn kiện qui định về vai trò và quan hệ giữa Quốc Hội và lãnh đạo Đảng. Trong hiến pháp ghi rõ “Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước”. Thế nhưng, cũng hiến pháp của nước CHXHCNVN lại “khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội”. Khẳng định này có nghĩa là Đảng lãnh đạo luôn cả Quốc Hội.
Bên cạnh đó là các bài bản chính thức xác định 4 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước XHCN tại Việt Nam. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhà nước (3) là nguyên tắc đầu tiên. Vì vậy, những đặc điểm trong khái niệm về Bộ Máy Nhà Nước XHCN đều quy về việc “thống nhất tập trung quyền lực”, “không phân chia”, mà chỉ “phân công” giữa các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Một điều đáng lưu ý là, không như các quốc gia khác, bộ máy nhà nước CSVN có thêm “cơ quan kiểm sát” bên cạnh ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp (4).
Đọc thêm những quy định trong “Nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội” người ta sẽ thấy rõ hơn nữa Quốc Hội — “cơ quan quyền lực cao nhất nước” — nhỏ tới mức nào:
“Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước được thể hiện ở các mặt chủ yếu: Đảng đề ra đường lối chính trị, chủ trương chính sách lớn cho hoạt động của nhà nước; quyết định các vấn đề quan trọng nhất về tổ chức bộ máy nhà nước; lãnh đạo nhà nước thể chế hoá các chủ trương chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước, thành các quy định chung thống nhất mang tính bắt buộc trên quy mô toàn quốc, Đảng thực hiện sự kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan nhà nước hoạt động theo đúng đường lối do Đảng đề ra; giới thiệu đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, uy tín để đảm nhận các chức vụ quan trong trong bộ máy nhà nước; Đảng lãnh đạo nhà nước thông qua các tổ chức Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng viên trong chấp hành đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước.” (5)
Bởi vậy, không kể thời “hồng hoang mù mịt” về sự lãnh đạo của Đảng của mấy thập kỷ trước, khi đất nước còn bị bịt kín như Bắc Triều Tiên, trong mấy năm vừa qua, cả thế giới chứ không riêng gì người Việt Nam đã biết rất rõ vai trò bù nhìn của Quốc Hội CSVN. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng và gần như duy nhất của ông Chủ tịch “cơ quan quyền lực cao nhất nước” là truyền lại chỉ thị của Đảng. Có thể kể vài trường hợp điển hình:
  • Trong cuộc họp Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ngày 18/4/2009 nguyên Chủ tịch Quốc Hội, ông Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Đảng CSVN) phát biểu: “Đầu nhiệm kỳ Quốc Hội, Đảng đoàn Quốc Hội đã có tờ trình với Bộ Chính trị về sửa đổi Hiến Pháp. Trước đó, tháng 2 năm 2008, Bộ Chính Trị đã làm việc với Đảng đoàn Quốc Hội và trả lời là phải chờ thông qua cương lĩnh mới. Sửa hiến pháp cái gì thì phải khớp với cương lĩnh, cho nên mới thôi không đặt vấn đề nữa…giờ có vấn đề gì cấp bách thì các cơ quan chủ trì các dự án luật nghiên cứu, đề xuất, trình xin...”
  • Trước sự việc Vinashin gây thiệt hại cho công quỹ (tức tiền thuế của người dân) đến 90 ngàn tỷ đồng (5% GDP của Việt Nam), thế nhưng ngày 21.3.2011, ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là Phó thủ tướng, tuyên bố trước Quốc Hội rằng: “Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ liên quan đến tình hình sai phạm ở Vinashin.” Thế là cả Quốc Hội im bặt.
Không những thế, gần đây vai trò của Quốc Hội còn “lùn” thêm nữa trong sinh hoạt quốc gia, như việc ông chủ tịch ủy ban an toàn giao thông kiêm phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ lấy ý kiến của nhân dân thông qua Quốc Hội về việc thu phí giao thông. Nhưng Quốc Hội chưa nhúc nhích gì thì đã thấy nâng giá thu phí giao thông lên 5% mỗi năm, gây thêm oán than ngập trời. Trong khi đó, ông bộ trưởng giao thông vận tải Đinh La Thăng vẫn thản nhiên tuyên bố quyết định nâng phí này.... “được dư luận đồng tình ủng hộ rộng rãi”. Thế là các đại điểu Quốc Hội lại đi “kiến nghị”bộ giao thông vận tải nên chờ biểu quyết của Quốc Hội và khảo sát ý kiến người dân (6). Có lẽ không ở một quốc gia nào có chuyện ngược đời như ở nước CHXHCN Việt Nam, “cơ quan quyền lực cao nhất” phải đi “kiến nghị” với 1 bộ của chính phủ.
Tóm lại, về mặt quyết định các vấn đề chính sách, chỉ cần nhìn các ông chủ tịch Quốc Hội, kể cả đời chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, sẽ rõ. Câu kết luận của chủ tịch Quốc Hội về mọi vấn đề quan trọng đều chỉ nằm ở 2 dạng: “Chúng ta chờ ý kiến, phân công từ Bộ Chính Trị”, và “Việc này đã có quyết định của Bộ chính trị”.
Ngay cả các vấn đề muốn đem ra thảo luận - chứ không lấy quyết định – cũng chỉ trong phạm vi được cho phép; nghĩa là Đảng cho Quốc Hội bàn chuyện gì và bàn đến đâu thì các đại biểu bàn tới đó. Điều gì Đảng đã cấm bàn thì không được bàn cãi gì nữa, như vấn đề Biển Đông, Bôxít, v.v…Có những việc Quốc Hội bỏ phiếu thông qua mà không biết mình đã thông qua cái gì, như việc thông qua hiệp định biên giới trên bộ ký từ năm 1999, nhưng đến nay tuyệt đại đa số các đại biểu đều chưa thấy các bản đồ đã ký kết.
Nhiều cựu đại biểu Quốc Hội đã thành thật thú nhận công việc gần như duy nhất của các đại biểu là vỗ tay.
Nhiều người còn đào sâu hơn vào tuyên bố đòi giám sát Đảng của ông Đinh Xuân Thảo với các phân tích về mức phi lý, khi mà:
  • Hầu như toàn bộ thành viên Quốc Hội cũng đều là đảng viên Đảng Cộng Sản. Một vài người không là đảng viên nhưng cũng do Đảng tuyển lựa và cho phép ra ứng cử. Vào được Quốc Hội, ngồi ghế nào cũng do Đảng “cơ cấu”, kể cả cái ghế của ông Đinh Xuân Thảo. (Và cũng nhờ được ngồi vào các ghế do Đảng ban cho đó mà có ông được ra nước ngoài ăn nói huyênh hoang). Thế thì, theo lời một blogger “Bố bảo đứa nào dám giám sát hay bỏ phiếu bất tín nhiệm người cho nó ghế?”
  • Các đại biểu Quốc Hội được chọn vào ban giám sát lại càng phải có quá trình chứng minh trung thành với lãnh đạo Đảng hơn nữa. Và ở mức cao nhất, người cầm đầu Quốc Hội không chỉ là đảng viên mà còn phải là Uỷ Viên Bộ Chính Trị nữa! Thế thì làm sao có chuyện “thuộc cấp” giám sát “lãnh đạo”?!
Có lẽ thỉnh thoảng mới có vài biệt lệ khi Quốc Hội phê phán vài quan chức ĐÃ bị lãnh đạo Đảng quyết định đem ra làm dê tế thần, nghĩa là “đã có quyết định của Bộ chính trị”, hoặc khi có vài phe phái tranh nhau những dự án lớn bất phân thắng bại như vụ xây đường cao tốc, v.v. Vì vậy, tuyên bố của ông Đinh Xuân Thảo và Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắc người dân Việt Nam về hệ thống quyền lực cực kỳ tròng chéo và vô số các chiến dịch “Đảng giám sát Đảng” đã chết yểu trong quá khứ. Dù dưới rất nhiều tên gọi, từ “phê và tự phê” của thời xa xưa dài đến “quyết tâm diệt trừ tham nhũng và chỉnh đốn Đảng” của ngày hôm nay, kết quả vẫn chỉ là những báo động càng ngày càng khẩn trương - như qua miệng ông Lê Khả Phiêu và ông Nguyễn Phú Trọng suốt đầu năm 2012 - “Đảng sắp chết”!
Sau hết, nếu ông Đinh Xuân Thảo và chủ tịch “cơ quan quyền lực cao nhất nước” thực sự muốn thử lửa “giám sát”, hãy cứ kêu bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Quốc Hội để chất vấn tại sao quân đội không bảo vệ ngư dân trước các trò bắn giết, bắt cóc của hải quân Trung Quốc? Và dựa vào luật nào mà ông Nguyễn Tấn Dũng dám cho phép dân Tàu vào lập hàng loạt khu vực biệt riêng trên khắp đất nước Việt Nam?
Cứ bắt đầu bằng 2 chuyện đó đi!
===========
Ghi chú:
1. Trần Sỹ Thanh (cháu của Nguyễn Sinh Hùng), Nông Quốc Tuấn (con của Nông Đức Mạnh), Nguyễn Thanh Nghị (con của Nguyễn Tấn Dũng), Nguyễn Xuân Anh (con của Nguyễn Văn Chi).
2. Trong những trao đổi về việc Quốc Hội giám sát Đảng trên trang blog Anh Ba Sàm ngày 24 tháng 3, một thành viên với nick name Lương Đắc Bằng cho biết về việc kiểm phiếu Quốc Hội như sau: “Tôi tham gia tổ bầu cử và kiểm phiếu, suốt từ những năm 1985 đến nay, chuyện số phiếu cho các vị lãnh đạo trong quy hoạch, những năm 2000 trở về trước là phải đạt 100% phiếu bầu, còn sau này, thì phải từ 87,97% trở lên.... mặc dù họ chỉ được vài chục phiếu, trường hợp thúi như ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh Bắc Giang vừa qua, nếu không cách chức, vẫn để ông làm CT, thì trong kết qủa bầu của ông cũng không bao giờ dưới 70% số phiếu bầu. Những năm 2003-20009, hàng năm các ban ngành, vẫn bỏ phiếu tín nhiệm Giám Đốc sở, từ dưới cơ sở cho đến TP, đều bỏ phiếu, nhưng số phiếu, nếu ở quận thì bên bảo vệ nội bộ quận ủy kiểm kín, còn các sở thì bên bảo vệ nội bộ tỉnh ủy kiểm và kết qủa do bí thư quyết. Tôi đã từng là người trong tổ kiểm, thú thực, chức càng to thì phiếu tín nhiệm càng tệ, có nhiều ông/bà... quân của họ vài ngàn, vài chục ngàn, nhưng được có vài chục phiếu tín nhiệm, vậy mà có chết thằng tây nào mô? phó GĐ thì lên GĐ, và GĐ thì lên phó chủ tịch...Vậy việc bỏ phiếu tín nhiệm này, chỉ là sự đẻ thêm ra một cái mồm để ngọm ngân sách mà thôi“.
Nếu nhìn lại tỷ lệ phiếu bầu các thành viên Quốc Hội do nhà nước CSViệt Nam đưa ra từ trước đến nay để đánh giá thì những điều được Lương Đắc Bằng ghi lại ở trên rất khả tín.
3. Ba nguyên tắc kia là: a/ Nguyên tắc bảo đảm sự tham gia đông đảo của nhân dân lao động vào công việc quản lý nhà nước, b/ Nguyên tắc tập trung dân chủ, c/ Nguyên tắc pháp chế XHCN. TS Đinh văn Mậu, TS Pham Hồng Thái, “Lý Luận Chung về Nhà Nước và Pháp Luật”, nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Nai, 2000, trang 149.
4. Theo định nghĩa, bộ máy nhà nước nói chung gồm 3 loại cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
5. Bộ máy nhà nước CSViệt Nam có 4 hệ thống cơ quan: a/ Các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội ở trung ương, Hội đồng nhân dân ở địa phương), b/ Các cơ quan hành chánh – nhà nước (hành pháp), c/ Các cơ quan xét xử (tư pháp), d/ Các cơ quan kiểm sát. (sách đã dẫn, trang 61).“Nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, sách đã dẫn, trang 150.
6. “Báo cáo về phí giao thông trước Quốc hội” (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/571238/bao-cao-ve-phi-giao-thong-truoc-quoc-hoi-tpp.html)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét