Thưa chư vị,
Sáng nay, những người biểu tình và ủng hộ biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông đã gửi văn bản ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI PHẠM QUANG NGHỊ VỀ VIỆC THỰC THI CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN TẠI ĐỊA BÀN HÀ NỘI.
Văn thư đã được gửi qua bưu điện phát chuyển nhanh, có chữ ký của các vị lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức như: Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên UV TƯ Đảng, nguyên Đại sứ VN tại TQ), Cụ bà chống tham nhũng Lê Hiền Đức, các Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, Chu Hảo, các Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Xuân Diện, Nhà văn Nguyên Ngọc, Luật sư Trần Vũ Hải, ông Phan Tất Thành (cựu thiếu sinh quân), bà Đặng Bích Phượng (Phương Bích),...
Toàn văn văn bản:
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_________________________
Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2012
V/v: Thực thi các quyền cơ bản của công dân tại địa bàn Hà Nội
Kính gửi: Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị
Chúng tôi những công dân, cử tri cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội (Danh sách họ, tên và chữ ký kèm theo) xin gửi tới Quý Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội khóa XIII lời chào trân trọng và đề nghị sau đây.
Chúng tôi đánh giá cao trách nhiệm của ông tại buổi gặp ngày 27/08/2011, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội do ông đứng đầu đại diện cho lãnh đạo Đảng, Chính quyền thành phố Hà Nội chủ động tổ chức để đối thoại với các công dân, cử tri mà có một số người ký tên trong danh sách dưới đây đã tham gia. Cuộc đối thoại hôm đó xoay quanh chủ đề quyền biểu tình của công dân, tính pháp lý của Thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam của UBND thành phố Hà Nội, và ý kiến phản đối việc đàn áp người biểu tình yêu nước…Cuộc gặp nói trên tuy chưa thỏa mãn được yêu cầu của hai bên, nhưng chúng tôi cho rằng nó được diễn ra với “tinh thần xây dựng và thẳng thắn”, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Trong buổi gặp, ông còn nói (với ông Nguyễn Trọng Vĩnh): “Ngoài ra, có vấn đề gì cần trao đổi thêm, xin Bác cứ nói với anh em chúng tôi”.
Nhưng sau đó UBND thành phố Hà Nội lại có hành động đi ngược lại với tinh thần đối thoại ngày 27/08/2011 đối với công dân nói chung, và nói riêng là trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng, người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đã bị bắt, đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà ngày 27/11/2011 theo Quyết định số 5225/QĐ-UBND ngày 08/11/2011 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ngày 18/12/2011, Bà Bùi Thị Minh Hằng đã ủy quyền cho luật sư gửi Đơn khiếu nại Quyết định số 5225/QĐ-UBND đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Đến nay đã quá thời hạn giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo (khoản 1, Điều 36 là 30 ngày) nhưng không có kết quả giải quyết. Chúng tôi ý thức rằng đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến những quyền tự do cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, quy định, đó là:
- Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật – Điều 69;
- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm – Điều 71;
- Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật – Điều 72;
- Quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước, hoặc bất cứ cá nhân nào – Điều 74;
- Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân – Điều 77.
Việc các cơ quan chức năng của Thành phố tiếp tục gây khó khăn, ngăn cản các quyền công dân nói trên và việc áp dụng biện pháp đưa bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong xã hội, xúc phạm tình cảm yêu nước thiêng liêng của người Việt Nam, gây bất lợi cho thế trận toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong khi chủ quyền quốc gia ở Biển Đông, tài sản, tính mạng của ngư dân hàng ngày bị xâm phạm, đe dọa.
Căn cứ Điều 53, Hiến pháp quy định:
“Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.”
Căn cứ Điều 51, Luật Tổ chức Quốc hội 2001, sửa đổi, bổ sung 2007, trích:
“Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan.”
Nay chúng tôi đề nghị có buổi đối thoại với Quý ông trên cương vị là Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, người đứng đầu tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước của thành phố Hà Nội, và là Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.Nội dung buổi đối thoại:
Những vấn đề liên quan đến việc thực thi các quyền cơ bản của công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và yêu cầu trả tự do cho bà Bùi Thị Minh Hằng;
Thời gian dự kiến:
Vào tuần trung tuần tháng 4 năm 2012;
(từ ngày 10 tháng 4 đến 20 tháng 4 năm 2012)
Địa điểm:
Do ông hoặc chúng tôi thu xếp;
(Đề nghị Ông gửi giấy mời đầy đủ cho 25 người trong danh sách ký tên)
Chúng tôi, hy vọng tiếp tục nhận được thiện chí và sự quan tâm của Quý Bí thư thành ủy Hà Nội đối với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của người dân Thành phố./.
Đại diện liên hệ:
Bà Đặng Phương Bích (Đặng Bích Phượng)
Địa chỉ: P.1002, nhà No 6, đường Trần Đăng Ninh, Quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội
Điện thoại:
Danh sách những người ký tên:
1. Nguyễn Trọng Vĩnh
2. Lê Hiền Đức
3. Nguyễn Huệ Chi
4. Chu Hảo
5. Nguyên Ngọc
6. Ngô Đức Thọ
7. Nguyễn Quang A
8. Nguyễn Văn Khải
9. Phan Tất Thành
10. Nguyễn Xuân Diện
11. Đặng Bích Phượng (Phương Bích)
12. Nguyễn Văn Phương
13. Hồ Thanh Tâm
14. Phạm Quỳnh Hương
15. Phan Trọng Khang
16. Nguyễn Văn Viễn
17. Trần Vũ Hải
18. Lã Việt Dũng
19. Nguyễn Hữu Vinh
20. Mai Xuân Dũng
21. Lê Dũng
22. Nguyễn Lân Thắng
23. Nghiêm Ngọc Trai
24. Trương Văn Dũng
25. Phạm Văn Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét