Khó có thể tưởng tượng một sự thay đổi chiến thuật nào kịch tính hơn. Chưa đầy 5 năm trước, quân đội Myanmar, còn được gọi là Tatmadaw, đã “đón chào” những lời kêu gọi thay đổi của dân chúng bằng dùi cui và súng đạn, khét tiếng với sự đè bẹp “cuộc Cách mạng Áo Cà Sa” một cách tàn bạo. Nhưng cuối tuần vừa qua, những người trong bộ quân phục ka-ki đã làm người ta chú ý bởi sự vắng mặt của họ trong suốt cuộc bầu cử, được xem là tương đối tự do, dường như đã giúp bà Aung San Suu Kyi và các ứng cử viên khác của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành được ghế trong quốc hội.
Tuy nhiên, sẽ ngây thơ khi cho rằng định chế từng nắm quyền lực tuyệt đối trong suốt nửa thế kỷ qua, giờ đây lại ngoan ngoãn chấp nhận vai trò đứng bên lề so với phe dân chủ Myanmar. Giới quân sự Myanmar vẫn là diễn viên chính trong các vấn đề quốc gia, quá trình cải cách chỉ có thể thành công nếu giới quân sự Myanmar được tạo cảm giác rằng, họ cũng có khả năng trở thành một trong những kẻ chiến thắng trong quá trình chuyển đổi của đất nước. Điều này có hai ý nghĩa: giới quân sự Myanmar phải được đền bù cho sự mất mát quyền lực chính trị; và chính quyền dân sự phải biết kiềm chế, tránh vượt qua bất kỳ lằn ranh đỏ nào được vạch ra bởi giới lãnh đạo quân sự.
Nếu nền kinh tế Myanmar sẵn sàng cất cánh với nhịp độ như một số nhà kinh tế hiện đang dự đoán, thì việc “trả nợ” cho giới quân sự không có gì khó khăn. Ngân sách quốc gia Myanmar công bố trong tháng 3 bao gồm khoản tăng lương trên quy mô lớn dành cho quân đội: đó là động cơ tốt cho giới quân sự chóp bu gắn bó với chính quyền của tổng thống Thein Sein, đặc biệt nếu xét theo điều kiện và mức lương tồi tệ mà quân đội Myanmar hiện đang phải chịu đựng. Không kém phần quan trọng so với ngân sách quốc phòng chính thức chính là những hoạt động kinh doanh mạo hiểm “ngoài sổ sách” mà quân đội Myanmar tham gia. Các hoạt động kinh doanh này thậm chí sẽ trở nên sinh lợi nhiều hơn khi nền kinh tế quốc gia bắt đầu mở cửa. Và nếu những tiền lệ tại Indonesia là điều có thể noi theo, việc nhắm mắt làm ngơ trước những kế hoạch kiếm tiền đầy mờ ám này sẽ là điều dù không muốn, nhưng phải chấp nhận đối với chính phủ theo khuynh hướng cải cách trong ngắn hạn đến trung hạn.
Trong khi lôgic của một cuộc đảo chính quân sự thường rất dễ hiểu, thì lôgic nguyên nhân vì sao một chính quyền quân sự lại chọn đường lối từ bỏ quyền lực, là một điều phức tạp hơn rất nhiều. Các học giả phải mất hàng năm nữa để dựng nên một bức tranh hoàn chỉnh, lý giải tại sao công cuộc cải cách được cởi trói và giải phóng bất ngờ đến như vậy ở Myanmar, sau rất nhiều thập niên bị giới quân đội ngăn chặn.
Tuy nhiên, trong lúc giới quân sự Myanmar rõ ràng đã nhìn nhận nhu cầu cần phải từ bỏ độc quyền chính trị, nhưng người ta không hề nghi ngờ rằng phe quân sự vẫn muốn giữ lại một số ảnh hưởng chính trị. Như tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, từng tuyên bố trong thời gian trước khi cuộc bầu cử bổ sung diễn ra, rằng “thực hiện nhiệm vụ đối với nền chính trị quốc gia” vẫn là một trong những ưu tiên của quân đội Myanmar. Do đó, nỗ lực tách quân đội Myanmar ra khỏi chính trị có vẻ là điều nhạy cảm hàng đầu cần tránh trong số những lằn ranh đỏ, ít nhất trong vài năm.
Vấn đề nào khác có thể khiêu khích giới quân sự, khiến họ phải tạm ngưng tiến trình dân chủ hóa của Myanmar? Quy mô nhỏ của cuộc bầu cử bổ sung gần đây – chỉ vỏn vẹn có 45 ghế quốc hội được đưa ra cho các đảng tranh cử, trong tổng số 664 ghế ở Thượng viện và Hạ viện – rõ ràng không đủ để gây ra một sự phản ứng của quân đội. Một tỷ lệ thấp đến mức khó chấp nhận.
Tuy vậy, cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 có thể là câu chuyện hoàn toàn khác. Một chiến thắng vang dội của NLD – kết cục rất có khả năng xảy ra, như đã thấy qua kết quả cuộc bầu cử bổ sung – có thể kích hoạt sự tái lập màn đảo chính như năm 1990, trừ phi giới quân sự được bảo đảm chắc chắn về sự định hình trong tương lai của Myanmar và chỗ đứng của quân đội trong tiến trình đó. Những gì giới quân đội Myanmar chắc chắn không thể chấp nhận là sự thua trận trong tay kẻ thù mà họ đã và đang chiến đấu ròng rã suốt 50 năm – cụ thể là các lực lượng, trong thế giới quan của họ, muốn làm tan rã đất nước Myanmar. Bằng tất cả năng lực cải cách của mình, đương kim tổng thống Thein Sein, trước đây từng là một vị tướng, có lẽ cũng chia sẻ cách nhìn này.
Do vậy, có thể không cần đặt câu hỏi về việc Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà được phép nắm quyền mà lại thiếu sự tác động, làm cho giới quân sự tin tưởng vào chương trình nghị sự của NLD. Điều này bao trùm lên các vấn đề: đàm phán với các nhóm sắc tộc thiểu số, vai trò chính trị trong tương lai của quân đội, bảo đảm các nhân vật của chế độ cũ và gia đình họ sẽ không bị truy tố, và có thể còn nhiều lời hứa khác không dễ chịu chút nào. Khi bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị tranh cử vào quốc hội, dư luận có rất nhiều nghi ngờ rằng, liệu mức độ tin cậy nào đó có tồn tại giữa bà và phe quân đội hay không. Bà còn ba năm để xây dựng nhiều nhịp cầu, hay mạo hiểm lâm vào một cuộc chiến thảm khốc với một lực lượng quân sự đang có cảm giác bất an và mất đi sự kiểm soát sau kỳ bỏ phiếu hồi cuối tuần qua.
Nguồn: The Diplomat
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét