LTS: Liên tiếp trong những ngày qua, báo chí phản ánh nhiều
trường hợp chết bất thường của các sản phụ và thai nhi tại nhiều bệnh viện
trong cả nước. Thực ra chuyện này không phải bây giờ mới có nhưng người dân giờ
đây đã phản ứng một cách
mạnh mẽ trước cái chết tức tưởi của người thân, chứ không còn im lặng như
trước kia.
Phản ứng của họ đã khiến dư luận và báo chí chú ý. Do đó, những cái chết
thương tâm đó mới được cộng đồng trong và ngoài nước biết tới. Vẫn biết, nghề
nào cũng có “tai nạn nghề nghiệp”, kể cả ngành Y. Nhưng điều đáng nói là, tai
nạn ở đây phần nhiều không phải do chuyên môn mà do thái độ tắc trách, khinh
thường sinh mạng con người, vòi vĩnh tiền bạc của các nhân viên y tế.
Bẩy năm trước đây, con trai của Người Buôn Gió cũng suýt chết trong một
ca đỡ đẻ cẩu thả như vậy. Chúng tôi xin đăng lại bài viết của anh.
—————————————-
Con thân yêu của bố,
Con ở nhà ăn nhiều và ngủ ngoan chứ. Bố còn đang làm công trình dưới Hải
Phòng. Mấy hôm nay mưa rất nhiều khiến công việc của bố bị đình chỉ, tối nay
trời vẫn mưa khiến bố nhớ con đến cồn cào. Bố nhớ cái miệng cười tủm tỉm khi con
tí mẹ no, nhớ ngẩn ngơ cả người con trai ạ!
Con trai của bố, con sinh ra khi bố đã 34 tuổi. Trong cái thời đại Hồ Chí
Minh mà dọc đường vào thành phố có tấm băng rôn:
- Vẻ vang thay thời đại Hồ Chí Minh Vậy là con của bố được may mắn sinh ra
trong một thời đại vẻ vang, mọi biên bản, đơn từ đều có dòng chữ đầy ắp hy
vọng:
- Độc lập – Tự Do- Hạnh phúc
Rồi người ta còn tung hô dài dài câu – Xã hội công bằng, dân chủ văn minh
Lịch sử nước ta có nhiều thời đại. Sau này con sẽ được học về thời đại Hùng
Vương, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… Nhưng những thời đại ấy, bố cũng chỉ học
được từ sách giáo khoa như con sau này thôi. Vậy bố sẽ kể dần cho con nghe về
thời đại mà con đã sinh ra, cũng là thời đại mà bố chứng kiến, sống và làm việc
theo hiến pháp thời đại đó. Một thời đại mà nhà nước ta bảo rằng hào hùng, vinh
quang và vẻ vang hơm mọi thời đại khác.
Đất nước ta hiện nay có rất nhiều người tốt việc tốt. Học sinh thì học giỏi,
cán bộ, công chức cần cù liêm khiết, lãnh đạo sáng suốt…
Hôm mẹ con trở dạ, bố đưa mẹ vào viện Nhi Trung Ương. Cô bác sĩ đeo kính cận
chăm sóc mẹ con rất tận tình. Cô ấy là người quen của bạn mẹ con. Bố và mẹ đã
gặp cô ấy từ trước để nhờ săn sóc và khám sức khoẻ, theo dõi cho cả hai mẹ con.
Bởi vậy cô ấy đã không phải rào đón, thân thiện như người nhà bảo với bố
rằng
Thi thể chị Hạnh được đưa đi khám nghiệm. Ảnh: VnExpress
- Vợ anh tử cung
hẹp, phải mổ đấy anh ạ!
Bố không nghĩ gì nhiều. Làm sao mà bố dám tính toán với đứa con trai của bố
sắp chào đời tốn bao nhiêu. Bố chỉ hỏi
- Em cần bao nhiêu? Cô ấy bảo:
- Bác sĩ mổ 5 trăm, y tá 200, tiền bệnh viện 500, hộ lý 100.
Bố không nhớ rõ, chỉ nghe cô ấy tổng kết là triệu rưởi. Tiền cược viện phí
một triệu thì bệnh viện đã thu ngay từ lúc vào cổng. Cái bác thu tiền ấy thấy bố
cuống quýt còn quát:
- Cứ nộp tiền xong đã, đẻ ngay đâu mà lo!
Bố không biết lúc ấy bố quên tiền thì con trai bố có phải sinh ra ở gốc sấu
phố Tràng Thi không. Nhưng nhờ ơn Đảng và Bác Hồ, dạo này ai đến viện cũng chuẩn
bị tiền nộp trước cả. Bố cũng cầm theo mấy tháng lương cho nên một triệu để lấy
tờ giấy đưa hai mẹ con cho cô bạn bác sĩ kia đưa vào trong cũng là chuyện
nhỏ.
Bố đưa cho cô bác sĩ ấy hai triệu với lời dặn:
- Em cứ liệu mà lo, thiếu bao nhiêu bảo anh đưa thêm.
Cô ấy rút điện thoại gọi ngay bác sĩ Hưng là người phụ trách phòng mổ. Lúc
này thì mẹ con đang ở trong phòng đỡ đẻ, bấy giờ là 6 giờ chiều ngày 28/10/2005.
Bác sĩ Hưng đến rút điện thoại gọi bác sĩ Hà trực phòng đỡ đẻ xin được phép mổ
cho mẹ con. Nhưng bác sĩ Hà không đồng ý. Nguyên nhân là thế này:
Thường mỗi ca đỡ đẻ, cái luật bất thành văn là trường hợp sinh ở phòng đỡ đẻ,
ca đỡ được bồi dưỡng 700. Nếu ca nào khó thì mới chuyển qua phòng mổ. Tiền bồi
dưỡng đương nhiên là phòng mổ nhận.
Bố cũng thấy cái khó trong việc này, nên bố đề nghị gặp bác sĩ Hà để xin mổ
cho mẹ con theo yêu cầu. Nhưng bác sĩ Hà nhất quyết không gặp, không cho bố cơ
hội dúi cái phong bì bẩy lít. Hoá ra bác sĩ Hà tử tế, bác ấy cho rằng mẹ khoẻ,
con khoẻ cứ đẻ thường cũng được. Có nghĩa bác ấy quân tử, muốn nhận tiền thì
cũng mó tay vào việc chứ nhất quyết chả chịu ăn không?
Đến 3 giờ sáng thì mẹ con vỡ ối, mẹ con quằn quại, nhăn nhó nhìn bố cầu cứu.
Bên ngoài bác sĩ Hưng thúc bố nói chuyện với bác sĩ Hà. Nhưng bố thiếu nước quỳ
xuống van xin, hai tay cung kính dâng tiền mà bác sĩ Hà kiên quyết không đồng ý.
Bác ấy cứ khăng khăng là để đẻ thường.
Đến 6 giờ sáng hết ca của bác sĩ Hưng, thì bác sĩ Hà đồng ý cho mổ. Con trai
của bố 3,2 kg, đủ tháng. Siêu âm hàng kỳ đều khoẻ mạnh. Lúc sinh ra người tím
ngắt, thở không nổi. Bác sĩ điều trị Trách nói rằng con có thể bị bệnh
tim.
Cứ thấy bóng dáng áo blu là bố muốn quỳ lạy vì sợ hãi, bố dúi tiền cho
bất cứ ai để van xin.
Bố dựa vào tường khóc, bố nhìn con nằm trong lồng kính thở ô-xy mà bố đứng
không nổi. Bố chỉ muốn moi tim mình ra cho con trai bố mạnh khoẻ. Bố ngã quỵ
xuống sàn bệnh viện ôm mặt khóc từng cơn. Mọi người đỡ bố dậy, khuyên bố bình
tĩnh. Bố lấy hết hơi sức run rẩy lấy điện thoại gọi cho bác Hưng, bác Oanh và
các ông bà hai bên nội ngoại cầu cứu.
Lúc sau, cũng nhanh mọi người kéo đến vì đều ở quanh đó. Bác Hưng đỡ bố dậy
bảo:
- Thôi mày đừng khóc, tao sẽ làm hết sức mình. Nhưng có gì thì mày cũng phải
chấp nhận số phận.
Bác Oanh gọi điện nhờ người sang Khoa Nhi Thuỵ Điển để phòng tình huống
chuyển con sang đấy chạy chữa.
Bà Thoa gọi bà Lan là bác sĩ khoa Nhi. Bà Lan dẫn bố vào gặp mọi người trực
ca phòng sơ sinh. Nói rằng bố là em họ, mọi người cố giúp đỡ cho cháu. Còn nhiều
người nữa đến phòng sơ sinh nhận con là họ hàng. Các bác sĩ trực bảo:
- Em bé này có người nhà khắp bệnh viện!
Họ bảo bố cứ yên tâm, sẽ chụp phim và gửi mẫu xét nghiệm con sang khoa nhi
Thuỵ Điển. Sau đó sẽ hội chẩn.
Bố như kẻ mất hồn, bố chạy về chỗ mẹ con nằm. Hai người sản phụ một giường
nằm. Những sản phụ vừa qua ca mổ đang oằn mình vì đau đớn, chỉ nghiêng một chút
là rơi xuống đất. Bố ngồi xuống tựa cái ngực vào giường làm thành đỡ cho mẹ con
khỏi lăn. Bà bác sĩ khoa sản phụ đi qua. Bố hỏi:
- Cô ơi, sao cái giường góc kia còn trống, không cho vợ cháu nằm?
Bà ấy bảo:
- Chỗ ấy có người đặt rồi!
Bố đẩy mẹ con nằm sâu vào trong đuổi theo bà ấy dúi vào túi áo blu rộng hai
trăm:
- Cô cho vợ cháu nằm, lúc nào người ta đến cô trả cũng đuợc. Cháu phải chạy
đi xem con cháu thế nào, cô ngó giúp vợ cháu một lát.
Bà ấy vẫy tay gọi hai y tá mang xe đến để chuyển mẹ con sang giường trống,
lại còn ân cần cúi xuống hỏi gì mẹ con. Bố mới chạy sang khoa sơ sinh bám cửa
ngoài nhìn con đang nằm trong lồng kính, dây rợ lằng nhằng với máy móc. Bố lại
khóc.
Bố khóc một lát rồi tự nhủ, bố phải gắng hết sức không thể bỏ qua bất cứ điều
gì để lo cho con. Bố chạy tìm cô bác sĩ người quen của mẹ. Bố đưa cô ấy một
triệu, bảo rằng cứ mỗi ca trực 24 tiếng. Đầu mỗi ca em hãy vào đưa 500. Tuy đã
nhờ rồi nhưng em cứ phải đưa họ tiền.
Bố tìm người phụ trách việc xét nghiệm, cô ấy bảo chiều có xe sang Nhi cô ấy
đi luôn. Bố đưa cô ấy ba trăm, van xin cô ấy đi tắc xi luôn bây giờ. May cô ấy
tử tế cũng nhận lời đi ngay.
Mẹ con gọi điện. Bố chạy về bên mẹ, cố lau hết nước mắt để mẹ con không biết.
Mẹ hỏi con mình thế nào. Bố bảo bình thường. Anh phải chạy ra đây một tí, bố
chạy vội ra ngoài trước khi nước mắt trằn ra. Bố không thể để cho mẹ con biết
trong lúc mẹ con còn đang yếu.
Chiều về có kết quả, con không có bệnh tim gì hết. Chỉ vì mẹ con vỡ ối mấy
tiếng mà họ không cho mổ. Cho nên con bị ngạt và viêm phổi.
Con nằm trong lồng kính năm ngày. Hàng ngày bố cầm bình sữa vắt từ vú mẹ ủ
trong lòng chạy sang phòng sơ sinh. Mấy hôm ấy trời rất lạnh. Sữa mẹ ra ít, được
chút nào bố mang luôn đi chút đó. Cứ thấy bóng dáng áo blu là bố muốn quỳ lạy vì
sợ hãi, bố dúi tiền cho bất cứ ai để van xin. Mà bố van xin có thành lời đâu,
nghẹn hết, đến từ thứ ba là bố khóc. Mọi người ở đấy đều nhẵn mặt bố cả mấy ca
trực.
Trời đổ mưa, bố luôn thủ trong người bình sữa và những cái phong bì chạy đi,
chạy lại giữa phòng sản phụ và sơ sinh.
Cuối cùng nhờ ơn Đảng, bác Hồ và tổ tiên phù hộ. Con của bố đã khoẻ mạnh. Hôm
bố mang sữa sang, bác sĩ bảo:
- Anh không phải mang, cháu khoẻ rồi, chúng tôi cho về với mẹ bây giờ!
Bố mừng lắm, nỗi mừng lớn hơn bất cứ nỗi mừng nào mà bố trải qua hơn ba mươi
năm mà bố đã sống. Bố chạy về báo tin cho mẹ, bố kể lại câu chuyện, bố vừa kể
vừa lau nước mắt vì sung sướng.
Xong bố chạy sang để đón con. Một cô y tá đang đẩy cái xe, cô ấy bế con lên
định băng qua làn mưa sang bên mẹ. Bố thấy con khóc, bố đập nhẹ vào con nói:
- Nín đi con, bố đây này!
Thế mà con cũng nín ngay, cô y tá hỏi:
- Con anh số bao nhiêu?
Bố đọc số. Cô ấy nhìn trời mưa ngại ngần rồi nói:
- Mưa này vào lấy cái xe nôi cho cháu đi vậy.
Bố lôi ví ra, còn lại tờ một trăm. Bố đút vào túi cô ấy. Con được nằm trong
cái xe nôi kính phủ sang bên mẹ. Cô y tá nhìn hồ sơ nói:
- Mẹ phường Hàng Mã, bố phường Hàng Buồm à? Gần nhau nhỉ? Em đưa cái số điện
thoại này, nếu có cần người tắm cho cháu thì gọi em nhé.
Con thân yêu, con sinh ra ở một thời đại thật là vẻ vang. Thời đại mang tên
vị lãnh tụ kính yêu. Hình ảnh vị lãnh tụ này xuất hiện nhiều nhất, hay gặp nhất
trên những đồng tiền chúng ta vẫn hay sử dụng hàng ngày.
Sau này bố sẽ con sử dụng nhiều hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu này để xin con
đi học mẫu giáo. Khi con có mặt lần đầu tiên trên cuộc đời đã gắn liền với vị
lãnh tụ anh minh này, khi con bắt đầu đến trường mầm non, tuổi thơ vị lãnh tụ
lại cần có mặt. Sau này con đi làm, học nghề hay bất cứ cái gì đó. Con hãy nên
nhớ công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã mang lại cho nhân dân ta, một thời đại
ấm no, hạnh phúc.
Hãy luôn cầm bên mình những tấm hình vị lãnh tụ cao cả đó bất kể lúc nào, sẽ
giúp con rất nhiều trên cuộc đời. Đây là lời dạy đầu tiên của bố. Cái mà bố đúc
kết ở cuộc đời. Để con ghi nhớ lời dạy đầu tiên này. Bố đặt tên con là Bùi Minh
Huấn…
Nguồn: Facebook Người Buôn Gió
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét