Một cuộc thi hát hết sức đặc biệt, không đem về danh lợi cho người thắng
giải, không hứa hẹn một giải thưởng giá trị về vật chất hay một sự nổi tiếng, mà
ngược lại còn có thể mang lại cho người tham gia những rắc rối, khó khăn với
chính quyền. Một điểm đặc biệt khác nữa là các thí sinh không cần phải xuất hiện
trước ban giám khảo vì cuộc thi được tổ chức và diễn ra trên mạng internet. Cuộc
thi này còn đặc biệt ở chỗ do người trẻ tổ chức, thành phần thí sinh tham dự là
thanh niên trong nước, và những bài hát họ trình bày bao gồm các ca khúc yêu
nước mà hầu hết là của các nhạc sĩ trẻ, những tác phẩm mà trong mắt chính quyền
Việt Nam có thể bị xem là nhạy cảm. Và đặc biệt hơn nữa là cuộc thi này nhằm
vinh danh một cô gái trẻ trong độ tuổi đôi mươi đang bị cầm tù về tội danh “phá
rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” vì những hoạt động
tranh đấu, cổ võ cho quyền lợi của người công nhân. Cuộc thi Tiếng hát Dòng nhạc
yêu nước-Đỗ Thị Minh Hạnh.
Thí sinh tham gia sẽ trình bày và tự ghi âm một ca khúc trong danh sách các
bài nhạc yêu nước được đề nghị, rồi tải lên các trang mạng như Youtube,
Multiply, nhaccuatui.com, hay mp3.zing.vn, hoặc post lên các trang xã hội như
Facebook, Google plus để cư dân mạng bình chọn. Sau đó, thí sinh gửi các đường
link này về cho ban tổ chức để ban tổ chức chọn ra phần dự thi có số người yêu
chuộng nhiều nhất, tức được nhiều người bấm Like nhất từ 2 nguồn link khác
nhau.
Các bài hát ban tổ chức đưa ra bao gồm tác phẩm Việt Nam tôi đâu, Anh Là Ai
của nhạc Sĩ Việt Khang, Trái Tim Việt Nam, sáng tác của nhạc Sĩ Tuấn Khanh, Này
người anh em của nhạc Sĩ Trần Lê Quỳnh, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Nhạc Sĩ
Nguyễn Đức Quang, Đáp lời Sông Núi của nhạc sĩ Trúc Hồ, và ca khúc Bữa cơm
tù.
Phần thưởng khích lệ dành cho thí sinh đoạt giải nhất là 10 triệu đồng. Giải
nhì trị giá 5 triệu, giải ba 2 triệu, cùng ba giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu
đồng. Ngoài các giải nhất, nhì, ba do người nghe trên mạng bình chọn, ban tổ
chức cũng mời một số nhạc sĩ giúp chọn ra một giải đặc biệt về năng khiếu ca
nhạc trị giá ít nhất 2 triệu đồng.
Người phát động cuộc thi lấy tên hiệu là ‘Đường đời sỏi đá’ cho biết:
“Mình muốn mượn âm nhạc, đưa các bài nhạc yêu nước tới các bạn trẻ Việt
Nam để khơi dậy lòng yêu nước đang tiềm ẩn trong mỗi người. Đất nước chúng ta
hiện giờ đang rất cần những người có tấm lòng, có trái tim yêu nước vì chúng ta
đang đứng trước hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc. Đây cũng là món quà tinh thần
mà mình muốn tặng làm quà sinh nhật cho Đỗ Thị Minh Hạnh đang ở trong tù, tiếng
hát từ trái tim của những người yêu nước, khơi dậy lòng yêu nước từ những bài
nhạc có ca từ rất trong sáng. Rất mong các bạn trẻ đừng vô cảm trước hiện tình
đất nước. Đó là ý chính mà mình muốn tổ chức cuộc thi này. Đây là cuộc thi xuất
phát từ tấm lòng của mình, không nhân danh một tổ chức,nhóm, hay đảng phái nào
cả.”
Một thí sinh từ Sài Gòn tên Thành chia sẻ lý do khiến bạn không ngần ngại
đăng ký tham gia cuộc thi này dẫu biết rằng có thể không được chính quyền hoan
nghênh:
“Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt giam với một bản án rất nặng, 7 năm tù. Lý do
khiến Hạnh bị giam là đòi hỏi quyền cho người công nhân, một việc làm mình cảm
thấy rất đúng đắn. Mình mến Hạnh vì hành động của Hạnh. Hạnh là một người yêu ca
hát. Trong trại giam Hạnh cũng hay sáng tác và hay hát. Cuộc thi hát những ca
khúc yêu nước, mình không quan trọng giải thưởng, nhưng mình thấy nội dung nó
hay. Mình mong muốn đây là món quà nhỏ tặng cho Hạnh. Và việc giao tiếp với
nhau, tặng một ca khúc và hát với nhau một ca khúc, mà hơn nữa đó là một ca khúc
yêu nước, mình nghĩ đây là việc rất bình thường. Hạnh có chung với người trẻ và
các anh em một tinh thần yêu nước. Mình tham gia không để nhận giải thưởng mà
tham gia để hưởng ứng tinh thần. Có thể mình sẽ bị làm khó vì hát những bài hát
yêu nước, nhưng đó cũng là một vinh hạnh cho mình.”
Anh Nguyễn Bắc Truyển, nguyên Giám đốc Công ty vận tải quốc tế
Việt-Thịnh-Phát, từng bị 3 năm rưỡi tù giam vì các hoạt động bị chính quyền Việt
Nam tố cáo là “tuyên truyền chống phá nhà nước” nhưng giới ủng hộ dân chủ gọi là
cổ võ cho dân chủ-nhân quyền. Anh là một trong những người đầu tiên hăng hái
đăng ký dự thi. Anh nói về Cuộc thi Tiếng hát Dòng nhạc yêu nước-Đỗ Thị Minh
Hạnh:
“Đỗ Thị Minh Hạnh là một cô gái trẻ có tinh thần dấn thân cho công cuộc
đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đấu tranh cho quyền lợi của
người công nhân. Tôi rất mến phục. Anh Việt Khang là một nhạc sĩ đã vắt tim óc
của mình để viết hai bài hát rất nổi tiếng: Anh là ai và Việt Nam tôi đâu. Đối
với hai người bạn trẻ này, tôi dành một tình cảm rất đặc biệt. Khi có cuộc thi
này, tôi thấy mình nên tham gia. Ngoài những thông cảm giữa những tù nhân chính
trị với nhau, tôi còn muốn hát lên rằng lời ca của Việt Khang trong bài Việt Nam
tôi đâu, từng chữ từng lời trong đó, tôi thấy không thừa một chữ, đã nói lên tất
cả hiện tình và những nỗi lòng của người dân đang ưu tư trong tim óc mình. Cho
nên, tôi muốn hát lên để nói với mọi người rằng tôi cũng đang có những tâm trạng
như vậy.”
Ban tổ chức cho biết cuộc thi đã thu hút nhiều mạnh thường quân trong nước.
Trong số này có Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội, mộtnhà bất đồng
chính kiến được nhiều người biết đến. Ông nói ông vui mừng khi thấy cuộc thi này
được phát động:
“Mừng trước hết vì thấy các anh em trẻ bây giờ vẫn quan tâm đến tình hình
chính trị đất nước. Cái mừng thứ hai khi thấy tình người giữa các bạn trẻ dù
trong hay ngoài nước vẫn rất thắm thiết. Dù đã luống tuổi, nhưng tôi thấy cuộc
thi này, tôi rất sung sướng. Cho nên, tôi hưởng ứng ngay. Mặc dù bây giờ về mặt
tài chính tôi cũng chỉ có lương hưu là chính, nhưng tôi sẵn sàng đóng góp một
phần nhỏ vào đấy với hy vọng động viên những việc làm như thế này của các anh em
trẻ, đồng thời để kích thích mọi người cũng hưởng ứng quỹ này. Còn về cuộc thi
này có mang tính nhạy cảm hay không, đối với tôi, Đỗ Thị Minh Hạnh không có tội.
Việc bỏ tù người con gái đáng quý đã xả thân vì giai cấp công nhân Việt Nam mà
bỏ tù họ là một điều vô đạo lý. Cho nên, tôi không xem cuộc thi này là nhạy cảm
mà sẵn sàng đứng ra để bênh vực và lúc nào cũng sẵn sàng vinh danh những người
trẻ biết nghĩ đến nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân hiện vẫn là những
người lao khổ tại Việt Nam.”
Cuộc thi Tiếng hát Dòng nhạc yêu nước – Đỗ Thị Minh Hạnh được phát động từ
giữa tháng 3 và hạn chót đăng ký là ngày 5/5. Kết quả sẽ được công bố ngay ngày
Nhân Quyền Việt Nam 11/5.
Địa chỉ email để các mạnh thường quân và các thí sinh liên lạc về cuộc thi
này là: duongdoisoida@gmail.com. Ban tổ chức cho biết
các bạn có thể dùng nickname hay số thứ tự của thí sinh tùy theo nhu cầu an ninh
cá nhân. Ngoài ra, nếu thí sinh cần hỗ trợ kỹ thuật, ban tổ chức cũng sẽ giúp
các thí sinh tải phần dự thi của mình lên các trang mạng. Thí sinh chỉ cần email
phần dự thi của mình về địa chỉ email vừa kể.
Ban tổ chức nói ngoài các phần thưởng tượng trưng cho các thí sinh, số tiền
còn lại từ nguồn quỹ do các mạnh thường quân đóng góp cho Cuộc thi Tiếng hát
Dòng nhạc yêu nước-Đỗ Thị Minh Hạnh sẽ được chuyển tặng cho Minh Hạnh.
Các bạn có thể tìm hiểu mọi chi tiết về cuộc thi và thưởng thức phần dự thi
của các thí sinh trên trang Facebook: Cuộc Thi Tiếng Hát Dòng Nhạc Yêu Nước Đỗ
Thị Minh Hạnh (ĐTMH).
Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây và hẹn đón tiếp quý vị và
các bạn trên làn sóng phát thanh của đài VOA trong chương trình 10 giờ tối thứ
sáu và chủ nhật hằng tuần cũng như trên trang web voatiengviet.com, trong phần
Chuyên mục-Tường trình đặc biệt ngay trang chính.
Nguồn: Trà Mi (VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét