Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Đề án tái cơ cấu kinh tế - lạ và quen

TS Phan Minh Ngọc
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế giai đoạn 2011 - 2012 và định hướng đến 2020 trình lên UBTVQH. Có thể thấy một số điểm lạ bên cạnh những điểm quen trong báo cáo này.



Bao quát toàn bộ Đề án, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh rằng, công cuộc tái cơ cấu kinh tế phải được thực hiện “vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá”. Trong đó, “tuần tự tiệm tiến” ở những ngành có công nghệ ít thay đổi song phải “tăng tốc đột phá” với các ngành công nghệ thay đổi nhanh, bởi những ngành này cần chọn, áp dụng các công nghệ hiện đại nhất để cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức bật đối với nền kinh tế.
Có thể coi đây là cái lạ nổi bật nhất so với những đề án và kế hoạch tương tự về hoạch định chiến lược và chính sách phát triển kinh tế cho đến nay. Tuy nhiên, thật khó mà nói rằng cái lạ này là cái mới, cái hay về nội dung, ngoài chuyện (thuật dùng) chữ nghĩa quả là có lạ, có mới thật.
Vì không biết thật rõ được mô tả chi tiết cho cái chiến lược “tuần tự tiệm tiến” áp dụng ở những ngành có công nghệ ít thay đổi nên chúng ta không thể bàn luận được gì nhiều ở đây. Nhưng suy luận logic cho thấy đây có thể là chiến lược phát triển theo chiều rộng, áp dụng ở những ngành mà đầu tư chiều sâu, ví dụ vào đổi mới máy móc, công nghệ là không cần thiết, không đòi hỏi (nhiều). Cùng một suy luận logic như vậy thì chiến lược “tăng tốc đột phá” là chiến lược phát triển theo chiều sâu, nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong đầu tư cho công nghệ hiện đại (và thay đổi nhanh chóng) để ngõ hầu luôn ở tư thế bắt kịp và cập nhật tiến bộ công nghệ của thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam duy trì được sức cạnh tranh quốc tế trong những ngành này.
Lột tả được một cách dễ hiểu và cụ thể hơn bản chất của chiến lược được gói gọn trong 10 chữ trên, ta lại thấy rằng nó chẳng có gì là lạ, và càng không phải là mới, chỉ là những cái nghe quen quen. Trong các văn kiện về đường lối phát triển kinh tế từ trước đến nay, ta vẫn nghe nói đến cụm từ phát triển kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu. Thậm chí, chúng ta cũng đã cho ra đời cái cụm từ “đi tắt đón đầu”, là một cách biểu hiện khác của cái vế sau của chiến lược 10 chữ nói trên. Và nhân đây cũng cần nhấn mạnh rằng, chiến lược “tăng tốc đột phá” hay “đi tắt đón đầu” không phải cứ muốn là áp dụng được vì đơn giản là còn nhiều yếu tố kèm theo phải được thỏa mãn. Ví dụ, công nghiệp điện tử là một điển hình cho ngành có công nghệ và thiết bị luôn thay đổi, và cũng là một trong 7 nhóm ngành được bản đề án xác định cần phải ưu tiên (ở đây ta chưa bàn đến tính hợp lý, đúng đắn của việc chọn ra 7 nhóm ngành này, mặc dù rõ ràng là có một số vấn đề liên quan). Nhưng để phát triển được ngành này trước tiên cần phải có một đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân viên lành nghề để có thể đảm đương được những công đoạn thiết kế, chế tạo đòi hỏi chuyên sâu. Nếu yêu cầu này không được đáp ứng đầy đủ thì rốt cuộc chúng ta chỉ có thể phát triển được một ngành công nghiệp điện tử dựa trên lắp ráp là chủ yếu như hiện tại. Mà vấn đề lại nằm ở chỗ để phát triển được đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề này không phải là đơn giản, và khó có thể thực hiện được ngay kể cả trong hàng thập kỷ nữa chứ chưa nói đến trong một vài năm.
Tương tự như vậy, tất cả các ngành được xác định ưu tiên sẽ cần một lượng nhân lực chất xám khổng lồ, càng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt nhân lực thuộc loại này mà chắc chắn nền giáo dục và đào tạo ở Việt Nam còn lâu mới có thể theo kịp đòi hỏi. Tự thân điều này cho thấy nhìn thấy vấn đề và giải quyết được vấn đề là 2 chuyện khác nhau hoàn toàn, không mấy khi song hành với nhau.
Những định hướng và chính sách khác trong Đề án cũng khó có thể nói là lạ và mới. Ví dụ, Đề án đề cập khá rõ về định hướng về vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp, người đầu tư. Theo đó, “đối với chuyển dịch tăng tốc, đột phá thì vai trò của Nhà nước là kiến tạo và hỗ trợ phát triển bằng việc xác định ngành ưu tiên phát triển, trực tiếp hoặc tham gia đầu tư dưới các hình thức thích hợp, trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, dẫn dắt, định hướng và lôi kéo các nhà đầu tư, các bên khác có liên quan cùng tham gia thực hiện chương trình tăng tốc, đột phá phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên”. Định hướng trên dường như thấy phảng phất tinh thần của chiến lược phát triển với doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo, định hướng, ví dụ, đầu tư vào những lĩnh vực mũi nhọn, những lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức, không quan tâm v.v... mà thực ra đều thuộc những lĩnh vực được ưu tiên trong đề án này và từ trước đến nay đều chịu sự chi phối và độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước.
Về các giải pháp, Đề án cũng trình ra 12 nhóm giải pháp để tái cơ cấu kinh tế, trong đó đề nghị “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước”. Khỏi cần nói rằng những giải pháp này đã quá quen thuộc, điều quan trọng, xin nhấn mạnh lại lần nữa, là liệu có biến được những nhận thức như vậy thành thực tế được không mới là điều đáng nói.
Tương tự, kiến nghị: “Cần phải đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển”, thoạt nghe có vẻ là một bước tiến mới về lập trường chính sách. Nhưng nếu xét cho kỹ và công bằng thì tinh thần “đổi mới” này đã có từ thời “Đổi mới” hồi những năm 80!
Các định hướng và quan điểm khác trong Đề án cũng chịu chung số phận (tức là chẳng có gì mới lạ về bản chất) khi chúng chỉ lặp lại các nhận thức về sự cần thiết phải làm điều này, điều kia, ví dụ tái cơ cấu tổ chức tín dụng và mục đích của việc này. Bình thường, chẳng cần phải có một chương trình tái cơ cấu kinh tế đồ sộ, toàn diện, tốn kém và đầy xáo trộn, việc lành mạnh hóa hệ thống tài chính mỗi khi có vấn đề phát sinh là một việc làm thường xuyên, tất yếu và cách làm, công cụ thì cũng chẳng có gì mới lạ nữa, còn mục đích thì cũng đương nhiên như Đề án đề ra.
Giải pháp đảm bảo sự bình đẳng về quyền và cơ hội kinh doanh giữa các doanh nghiệp để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh vi mô của môi trường kinh doanh cũng đã xưa như trái đất. Còn định hướng “cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức… phấn đấu đến năm 2020 nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại v.v...” chỉ là sự lặp lại của các văn kiện Đại hội Đảng đã qua.
Như vậy, có thể nói không quá rằng Đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể lần này chỉ là một sự tập hợp một cách có hệ thống và chọn lọc (hơn) tất cả các định hướng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm từ trước đến nay. Song, các mục tiêu và giải pháp thì vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, nặng về tính duy ý chí (muốn làm, phải thực hiện...) và nhẹ về tính khả thi (muốn nhưng có làm được không, làm như thế nào...).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét