Trang

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Giải pháp "kì quặc" cho giao thông tại các thành phố lớn của Việt Nam

Vietstrong Innovative Tank [*]
 
Trước hết, để bài báo này đến với quý vị độc giả, thính giả một cách nhẹ nhàng và dễ hiểu, rất mong quý vị bắt đầu từ lòng vị tha "ừ, thì cứ thử đọc xem hắn viết cái chi chi cho biết", và có một chút lòng tôn trọng cái lẽ phải tự nhiên như một đứa trẻ ra đường hỏi "bố ơi, sao đèn đỏ mà bố cứ đi?" Do vậy, tác giả cố tình sử dụng cách viết rất chi "rườm rà, luộm thuộm" và "dân dã", hầu mong bất kì người dân nào không cần đọc, vì không nhìn thấy chữ, hay bị “mù chữ”, mà chỉ cần nghe người khác đọc cũng hiểu được. Nghe ra không có chi khoa học, ai mà thèm nghe theo, nhưng thực tình cách trình bày vấn đề "hóc búa" này đã được nghiên cứu theo trường phái "chân tự nhiên", có khi "lộng ngôn", thậm chí "ngu ngôn" nhằm tìm kiếm sự chê bai, phản biện của quý độc giả.

Bài báo này nhằm đưa ra vài giải pháp "kì quặc" để giảm tần suất, thời gian tắc nghẽn giao thông tại một vài thành phố lớn hiện nay, và các thành phố chưa lớn khác có thể đi trước để tránh được tình trạng giao thông hỗn độn diễn ra. Gì thì gì, cũng như làm toán thôi, để giải quyết cái bài toán "hóc búa", thì phải có đề bài, giả thiết, rồi mới áp dụng kiến thức đã học được từ thầy cô để làm bài.
Sau đây, mời quý vị thưởng thức cái gọi là cách hình thành các giải pháp "kì quặc". Suốt cả mấy năm qua, giao thông ở Hà Nội, Sài Gòn ngày càng tệ hại, nên ai ai cũng ca thán. Lục lại internet và báo chí, thấy đủ các tầng lớp cán bộ, nhân dân lên tiếng. Từ cán bộ các ngành công an, giao thông, nhà khoa học, rồi công chức nhỏ, đến bác tài xế ta-xi, đến em học sinh bé tí tuổi, đến cả người mù, vân vân và vân vân, ai cũng tham gia phát biểu ý kiến của mình một cách rất nhiệt tình và tâm huyết. Điều đó, chứng tỏ nó rất "hóc búa", tức đến mức gõ búa vào đầu mà nó vẫn cứ hóc.
Rất tình cờ, nhớ lại cách đây 4 năm, tác giả được một người bạn gửi cho 1 mớ tài liệu trình bày về giao thông đô thị, được trình bày trong một hội thảo về giao thông được tổ chức tại Sài Gòn. Khi đó, nghĩ đơn giản là chỉ đọc cho biết thêm, vui thêm tí thôi. Ai dè, đến giờ phải đem ra đọc lại. Rồi cũng bởi cách đây chừng 4 năm, gặp được cái gọi là "tư duy hệ thống", thấy nó hay hay nên tò mò tham gia cho biết. Đọc thấy thích, có khi áp dụng được cho mình. Kể chuyện linh tinh như vậy chỉ tổ tốn giấy mực, thời gian của người đọc, nay xin trích lại, xào nấu mấy cái thứ "hầm bà lằng" thành một bài báo mang hơi hướng của cá tính "kì quặc".
Nguyên nhân của vấn đề tắc nghẽn giao thông, mà hậu quả có thể là tiêu cực thì nhiều, nhưng tích cực có người nói là cũng có. Tuy vậy, rõ ràng nhìn lướt qua, đã "ùn tắc" thì không thể coi là tích cực được. Do vậy, chỉ xét về tiêu cực, không xét đến tác động tích cực nghịch, kiểu "phản hồi" hay "tái ông thất mã", hay tính hai mặt của tắc nghẽn giao thông. Chẳng hạn có quý vị có thể cho rằng, vì tắc đường nên xăng bán chạy, lượng bia tiêu thụ nhiều hơn do quý ông không chịu về nhà sớm, thuế và phí giao thông sẽ thu được nhiều hơn… Liệt kê nguyên nhân một cách có hệ thống giản đơn như sau, có 3 nguồn gốc chính:
A. Vật chất
1. Lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, với chất lượng không đảm bảo - Phương tiện
- Tốc độ tăng số lượng phương tiện (đặc biệt là của cá nhân) tăng nhanh hơn nhiều so với việc tăng của hạ tầng giao thông
- Một số phương tiện không đủ điều kiện nhưng vẫn được đăng kiểm
- Dịch vụ vận tải công cộng có nhiều bất cập
2. Năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông tăng chậm - Hạ tầng
- Đường bộ hiện nay còn chật hẹp, chất lượng kém. Đường sắt lạc hậu, và đắt hơn vận tải đường bộ thông thường.
- Quy hoạch, bố trí và sử dụng các công trình giao thông không khoa học.
- Thi công sửa chữa hạ tầng chậm.
iii. Nguồn lực tài nguyên, kinh tế có hạn - Kinh tế-xã hội
- Nguồn lực kinh tế, tài nguyên (về giao thông) dần cạn kiệt, và càng làm gia tăng chi phí cho đầu tư để phát triển giao thông
- Khi tham nhũng còn nhiều thì rõ ràng là kết quả của một sự đầu tư không được trọn vẹn, làm cho mục đích hay kết quả của khoản đầu tư không thể thực hiện đúng bản chất, tính chất mong muốn. Kéo theo hậu quả tai hại dây chuyền.
- Niềm tin của nhân dân giảm sút nghiêm trọng, nên việc kêu gọi người dân "chung lưng đấu cật" với chính phủ rất khó khăn, sự đồng thuận là hiếm có.
- Hiệu quả vận chuyển của các phương tiện chưa cao, đẩy giá cả giao thông tăng bất hợp lí.
- Chính sách thuế, phí liên quan đến giao thông đôi khi rất khó hiểu, thiếu sự đồng thuận của dân.
B. Phi vật chất
1. Hệ thống luật pháp về giao thông, điều chỉnh hoạt động giao thông bất cập, chưa hoàn thiện, thiếu nhất quán.
2. Các nghiên cứu về giao thông chưa thực sự được coi trọng hoặc chỉ có ý nghĩa về mặt lí thuyết.
3. Công nghệ về giao thông nói chung có thể nói là rất lạc hậu, trừ một vài đột phá trong xây dựng cầu, hầm nhờ nguồn vốn ODA hay viện trợ, nhờ tuân theo những nguyên tắc quản trị hiện đại.
4. Giáo dục, truyền thông, hướng dẫn và thông tin về giao thông chưa được chú ý.
C. Con người, chủ yếu là do: Thu nhập một cách lương thiện, đúng pháp luật (tức là lương) của đa số cán bộ và nhân dân đều rất thấp; Đạo đức xuống cấp, coi thường kỷ cương phép nước; Pháp luật thiếu nghiêm khắc, công bằng, minh bạch.
1. Đạo đức, và ý thức của người tham gia giao thông (của dân)
- Ý thức người tham gia giao thông nói chung là chưa tốt: Ý thức kém nhất là lái xe buýt, tắc xi, tiếp theo là xe máy; Lái xe ô tô cá nhân là có ý thức chấp hành luật lệ giao thông tốt nhất.
- Người dân dung túng và tạo điều kiện cho thói quen và hành động sách nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công an.
- Đối với nhân dân, các cụm từ "xấu hổ", "tự trọng" và "sợ hãi" được dùng "xa xỉ" bởi sự có thừa, nhưng cũng không hiếm khi "tằn tiện" do suy nghĩ về sự hèn kém, tự ti. Nhưng, không thể cho rằng "phông văn hóa" của nhân dân là thấp được, bởi phải biết câu ''Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên", có nghĩa là ''Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu.''
2. Đạo đức công chức, và việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của người thực thi quyền hành pháp (của các cơ quan chính phủ: ngành công an, giao thông, thanh tra, đào tạo điều khiển phương tiện, và chính quyền địa phương.
- Vấn nạn lãng phí và rút ruột công trình giao thông rất nghiêm trọng
- Lái xe được đào tạo chưa tốt, không đảm bảo về tay nghề và đạo đức
- Xử lí vi phạm chưa nghiêm, có cảnh sát tiêu cực, “làm luật, mãi lộ” là vấn đề nhức nhối.
3. Khả năng chấp nhận tính đột phá về tư duy trong giải quyết vấn nạn giao thông (của lãnh đạo các cấp)
- Lãnh đạo phải dám nghĩ với một tầm tri thức.
- Lãnh đạo phải dám làm với một ý chí ít tư lợi cá nhân.
- Lãnh đạo phải dám chịu trách nhiệm với một cái tâm sáng.

* * *

Giải pháp trung hạn và dài hạn:

Bài báo này không bàn về các giải pháp trung, dài hạn, sẽ tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian, công sức nghiên cứu và triển khai. Chỉ xin được tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, thực thi nhanh gọn khoảng từ 3 tháng đến chừng dưới 1 năm, và có thể thấy ngay được kết quả. Dĩ nhiên, kết quả đó phải lâu dài, tránh hiện tượng "đánh trống bỏ dùi", hay là "đầu voi đuôi chuột".

* * *

Giải pháp đột phá "kì quặc":

Các giải pháp này có thể triển khai ngay hoặc trong vòng 3-6 tháng, với chi phí tương đối thấp, trong khả năng chấp nhận được về tài chính, kinh tế, xã hội. Chắc chắn sẽ có nhiều phản biện, tranh luận xung quanh các giải pháp được nêu ra trong bài báo này. Nhưng, xin nhắc lại lần nữa, cần lắng nghe, thấu hiểu và có cái nhìn bao dung và tỉnh táo!
A. Các giải pháp đều cần có cơ sở khoa học, và do đó cần các giả định về việc thông tin có được từ các nghiên cứu (đã hoặc sẽ có, là sẵn sàng hoặc có thể thu thập được ngay trong thời gian ngắn):
1. Bản đồ (hay thông tin, số liệu) phân bố theo thời gian:
- Dân cư trú (nhân khẩu)
- Phương tiện giao thông
- Người đi làm việc, đi học (lao động) theo trụ sở (theo ô bàn cờ địa lý hành chính)
2. Số liệu, thông tin về giao thông :
- Cơ sở hạ tầng giao thông
- Điểm đen ùn tắc, cung đường đông đúc thường có tắc nghẽn
- Nhân sự liên quan đến giao thông: công an, thanh tra, giao thông vận tải...
- Số liệu về tiêu thụ xăng dầu tại tất cả các trạm xăng trong địa bàn
3. Tại một địa điểm, hay khu vực bất kì nào đó trong thành phố luôn có 2 khung giờ cao điểm sáng và chiều - CĐS và CĐC. Giờ cao điểm tại 1 khu vực có thể được định nghĩa như sau: đó là khung thời gian trong ngày mà mật độ người tham gia giao thông (bất kể phương tiện nào) / đơn vị diện tích mặt đường nằm trong vùng có giá trị lớn nhất.
4. Chia giao thông thành phố theo vành đai. Đánh số vành đai từ trung tâm tâm thành phố (vành 1) lớn dần ra ngoại ô (vành 4). Đối với Hà Nội có 4 vành đai chính (không kể kiểu vành đại phụ mang tính công nghệ kiểu như vành đai 2.5!). Xét trên các đường đường hướng tâm, theo thực trạng phân bố địa điểm làm việc hiện nay tại các thành phối, gần như không cần bàn cãi, vào CĐS thì phương tiện từ vành đai ngoài đi vào nhiều hơn từ trong ra, và ngược lại vào CĐC thì từ trong ra nhiều hơn từ ngoài vào.
5. Xem rằng chính phủ cam kết tôn trọng ý kiến có lí do chính đáng của người dân thông qua việc đánh giá ý kiến của người dân đã cung cấp trên các phản hồi của họ trên mạng internet. Có nghĩa rằng, chính sách cần đặt lợi ích của số đông dân chúng (trong khu vực từ lớn, đến nhỏ) cần được tôn trọng ở mức độ thích hợp.
6. Sự vinh danh hay đền đáp đối với một sáng kiến, giải pháp tốt cần phải nghiêm túc, có giá trị tinh thần và vật chất thật sự.
B. Đạo đức và tri thức, đặc biệt là đạo đức của người làm quan luôn là then chốt khi muốn thực thi một giải pháp nào đó.
Đột phá về tư duy, ý thức, được ví như việc phẫu thuật để cắt bỏ khối ung nhọt, cần làm ngay và dứt điểm. Các giải pháp này, đôi khi phải đi kèm với công nghệ, thông tin, và đóng góp của cộng đồng xã hội.
B.1. Đối với ngành công an, cảnh sát giao thông.
1. Cho phép công an giao thông được quyền sử dụng, thụ hưởng 50-60% số tiền phạt vi phạm. Số tiền này sẽ phân bổ như sau (100%), số trong ngoặc là đề xuất, cần có nghiên cứu chi tiết hơn:
- Tăng thêm lương cho chiến sĩ, nhằm bổ sung thu nhập, hạn chế tiêu cực, động viên lao động cho chiến sĩ và gia đình chiến sĩ: (30-40%?)
- Trang bị phương tiện hành nghề hiện đại, thuận tiện, an toàn: (20-30%?)
- Trang bị chỉ dẫn giao thông của ngành công an được hiện đại, tùy biến và cơ động cao, như ô-tô kéo bảng báo có loa, có đèn, bảng đèn báo theo giờ tự động hay bị động (để phân làn, báo hiệu, hướng dẫn…): (10-20%?)
- Bảo hiểm nghề nghiệp và sức khỏe tăng thêm: (5%?)
- Hỗ trợ đào tạo tăng cường cho hoạt động nghề nghiệp và đạo đức: (5%?)
- Các chi phí phát sinh thêm khác, chưa phân bổ: (10%?)
2. Công an khi làm nhiệm vụ trực tiếp với người vi phạm bắt buộc phải mang theo máy ghi âm. Ghi âm có yêu cầu và bản chất như sau:
- Máy phải bật liên tục từ khi chiến sĩ nhận lệnh vào ca việc đến khi về đơn vị để trả lại máy cho bên bàn giao máy. Chiến sĩ không được phép bật, tắt máy ghi âm. Bên chỉ huy bàn giao có trách nhiệm lưu trữ tất các ghi âm trong tất cả các phiên công tác. Có người sẽ cho là sẽ tốn không gian lưu trữ lắm. Dạ thưa, nên lựa chọn chất lượng ghi âm phù hợp. Tiền mua thiết bị cũng không quá đắt đỏ. Chỉ sợ không dám làm mà thôi. Sợ cái gì nhỉ? Sợ lộ bí mật à?
- Ghi âm phải ghi lại 2 thời điểm bàn giao giữa chiến sĩ ra làm nhiệm vụ ngoài đường và lãnh đạo cấp trên, hay chiến sĩ trực ban.
- Máy ghi âm phải được đeo ở vùng ngực, hay túi áo của chiến sĩ.
- Ghi âm không được nghe lại thường xuyên, việc lưu trữ để phục vụ khi có khiếu nại, nghi vấn.
- Khi có yêu cầu, ghi âm được nghe bởi cả phía yêu cầu, cấp trên của chiến sĩ, chiến sĩ, và có thể cả bên liên quan trong ghi âm.
- Nhằm xử lí nghiêm khắc chiến sĩ vi phạm, không bao che, xử nhẹ tội.
3. Cảnh sát giao thông sẽ thực thi nghiêm túc áp dụng chế tài khi người dân có vi phạm, bởi lẽ họ không cần "cưa đôi" với người vi phạm, và người vi phạm cũng có ít cơ hội để "xin xỏ". Không được áp đặt, đưa ra chỉ tiêu phạt vi phạm cho chiến sĩ công an, bởi chính nó giết chết tính người của pháp luật! Trong thời điểm hiện nay, ngành giao thông, công an được coi là thành công chỉ khi số lượng người vi phạm, tai nạn giao thông giảm xuống.
4. Nghiên cứu để phát hành thẻ cào nộp phạt, tương tự thẻ cào nạp điện thoại để tăng tốc độ và tính thuận tiện cho việc nộp phạt khi người dân vi phạm. Bộ Công an và Bộ tài chính sẽ liên kết để phát hành thẻ cào. Quy trình này có thể tìm kiếm sự tư vấn của các công ty chuyên về thẻ cào, và ngành tài chính ngân hàng, góp phần tăng thanh toán không dùng tiền mặt. Hy vọng, một ngày nào đó, nhìn thấy khắp nơi ở Hà Nội có bảng quảng cáo "Bán thẻ cào nộp phạt giảm giá 50%".
B.2. Đối với việc cung cấp xăng dầu:
1. Nghiên cứu để chuyển việc thu phí giao thông, môi trường qua giá xăng.
2. Quy định giá xăng tùy theo vị trí của trạm xăng, càng gần trung tâm giá xăng càng cao. Giá xăng ngoài thành phố sẽ bằng với giá xăng quy định của Chính phủ chung cho cả nước.
3. Tất cả trạm xăng trong thành phố phải được theo dõi chặt chẽ.
4. Tiền chênh lệch do tăng giá xăng phải được sử dụng đúng mục đích ban đầu của nó.
5. Thông tin về tiền chênh lệch giá xăng, thông tin về các trạm xăng phải được vi tính hóa, và công khai để dân chúng giám sát.
6. Giải pháp này có một số nhược điểm, nhưng việc có hành động tận dụng các nhược điểm này chỉ là thiểu số, không đáng kể. Chắc chắn có nhiều tranh luận ở giải pháp này, nhưng có lẽ hy vọng có nhiều người sẽ đi đến nhận định rằng "không nên bỏ qua nhiều lợi ích, hay bỏ ra khoản tiền quá lớn để hạn chế hay loại bỏ một thiệt hại không đáng kể". Cũng không muốn nghe chuyện người bố phải ân hận vì sai con đi mua xăng tận trên Vĩnh Phúc mà bị tai nạn giao thông, hay chuyện nhà nhà mặt phố tận dụng khái niệm "cây xăng mi-ni" hay "cây xăng di động" để kiếm ăn.
B.3. Đối với cách thu các loại thuế, phí có liên quan đến giao thông
1. Thuế, phí về giao thông cần hướng đến mục tiêu giảm nhập khẩu ô-tô, tăng khả năng tự sản xuất phương tiện, tăng tỷ lệ nội địa hóa đúng nghĩa.
2. Thuế, phí phải đánh nặng vào tầng lớp số ít người giàu có, bởi chính họ là người đã tích cóp nhiều nhất những của cải, nguồn lực kinh tế-xã hội. Cổ xúy cho việc nhà giàu đóng góp phần lớn tài sản sau khi chết, bằng cách ban cho họ một đặc ân “cho đỗ xe miễn phí hết đời tại bất kì đường phố nào cho phép đỗ xe.” Dĩ nhiên, khi đó, chiếc xe đó phải mang biển màu xanh, với số xe đặc biệt, để người dân còn có dịp ngắm nghía và ngã mũ kính chào.
3. Khi dân đang còn phải vất vả kiếm sống, tránh tăng thêm những phí nghe rất chi là “vô lí”, cái kiểu như phí để được “ngồi tù”.
B.4. Khoản còn lại 40-50% của tiền phạt vi phạm, và tiền chênh lệch giá xăng được sử dụng để:
1. Chi phí phục hồi và cải thiện môi trường
2. Chi phí cải thiện, duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông
3. Phát triển giao thông công cộng
4. Chi phí để thông tin, chỉ dẫn nhằm tăng nhận thức của nhân dân về giao thông
5. Khen thưởng cho những người có giải pháp giao thông có giá trị
6. Tăng ngân sách cho các nghiên cứu về giao thông theo đơn đặt hàng
7. Chi phí theo dõi trạm xăng trong thành phố
8. Chi phí khác có liên quan đến giao thông đô thị, các chiến dịch đặc biệt.
B.5. Đặt hàng nghiên cứu ngay để có kết quả phục vụ cho việc tăng nhanh số lượng bảng, biển báo, chỉ dẫn sau đây trên các cung đường, ưu tiên bắt đầu gắn biển báo trên các cung đường gây ra hoặc hay có xung đột, ùn tắc. Quy định theo khung thời gian từ 0-24h/ngày, ghi rõ trong các khoảng thời gian khác nhau trong ngày, trong tuần tùy theo đặc tính giao thông của cung đường.
1. Bảng chỉ dẫn ghi rõ cung đường chỉ cho phép tối đa bao nhiêu làn ô-tô cùng lúc trên đường
- Trong văn bản luật cần quy định rõ số làn ô-tô được phép di chuyển tùy theo chiều rộng của đường.
- Làn ô-tô được áp dụng cho bất kì loại xe ô-tô nào, không phân biệt làn lớn, làn nhỏ nếu không có vạch ngăn cách.
- Việc quy định các loại ô-tô nên có tiêu chí căn cứ vào kích thước, ngoài căn cứ vào chức năng.
- Thực tế, một số bảng chỉ dẫn trong thành phố hiện nay thể hiện làn ô-tô, xe máy, xe đạp có lẽ không phù hợp, bởi lẽ, xe máy, xe đạp có thể tự do đi lại khắp nơi, mà hình như không có chế tài để phạt. Nên chăng, chỉ cần thể hiện số làn ô-tô mà thôi.
2. Tăng nhanh số lượng các giao lộ có đèn giao thông, bố trí thời gian chuyển pha hợp lí. Đừng tiếp tục "ngồi xổm" trên văn minh nhân loại, làm sao để nhanh chóng giảm bớt các chốt bịt kín, biến ngã tư thành ngã ba, hình thành nên những bùng binh, vòng xuyến khổng lồ. Nếu không thể nhanh chóng đưa điện lưới đến cột đèn, tìm cách áp dụng pin điện mặt trời, hay bình nạp điện tốc độ cao.
3. Các biển Cấm tất cả ô-tô, xe máy (trừ xe đặc biệt như hộ đê, công an, quân đội); Cấm tất cả ô-tô tải; Cấm ô-tô tải lớn, Cấm xe khách >30 chỗ, có thể miễn trừ xe buýt khi cần thiết; Cấm xe máy; Cấm xe đạp, xe thô sơ; Cấm người đi bộ.
4. Hãy bắt đầu từ việc cấm người đi bộ (dưới lòng đường!), và cuối cùng là cấm tất cả xe cộ trừ người đi bộ - đó mới là văn minh!
5. Xe chuyên dụng phải có giấy phép đặc biệt mới được vào thành phố, và phải trả phí cao một cách công khai. Giấy phép đặc biệt phải được để trong kính xe, người dân có thể kiểm tra, giám sát, báo với công an khi cần.
B.6. Giải pháp khác liên quan trực tiếp đến công nghệ, xã hội
1. Tất cả thông tin về hướng dẫn giao thông trong thành phố cần được đưa lên internet để người dân có thể tra cứu bất kì lúc nào.
2. Cần có hướng dẫn chi tiết về việc tách, nhập làn khi cần thiết, để người lái ô-tô thực hiện. Hầu hết người lái xe ô-tô trong thành phố đều lắng nghe VOV Giao thông, nên việc truyền thông, giáo dục cho lái xe ô-tô rất đơn giản. VOV Giao thông có thể kết hợp với tổ chức nghiên cứu khác có sử dụng công nghệ GIS và dự báo, tiên lượng giao thông để đưa ra khuyến cáo cho người tham gia giao thông.
3. Gắn thêm loa phóng thanh, bảng nhắc nhở để người dân cảm thấy thấy "xấu hổ" và sẽ bị "phạt nặng" khi vi phạm giao thông mà không thể "xin xỏ".
4. Thuê sinh viên tham gia điều hành giao thông, cùng dân giám sát việc cảnh sát làm nhiệm vụ.
5. Người dân được phép gọi điện đến "đường dây nóng" của công an giao thông để tìm kiếm sự hỗ trợ, cũng như thông báo về việc vi phạm giao thông.
6. Công bố thường xuyên các số liệu, thông tin liên quan đến giao thông, an toàn giao thông, thu ngân sách từ giao thông. Những động thái của chính quyền nên định hướng, lắng nghe tín hiệu từ dân chúng. Báo chí, thông tin trong vấn đề giao thông nên được cởi mở và tránh có “khoảng tối”. Hãy làm sao để người dân có thể vào mạng internet, gõ biển số xe, tìm ngay được chủ nhân, và thông tin liên quan.
7. Hình ảnh của con dấu mà cơ quan có xe biển xanh sử dụng phải được in 2 bên hông (thường ở phần cánh cửa trước) của xe, để người dân có điều kiện giám sát khi xe tham gia giao thông cùng với dân.
Rõ ràng, sau khi đọc đến đoạn này của bài báo, không thấy sự tham gia, liên đới nhiều về trách nhiệm của Bộ Giao thông, quý vị sẽ hỏi tại sao? Theo thiển ý của tác giả, giao thông của 2 thành phố lớn nên để cho chính quyền 2 thành phố tự giải quyết một cách đặc thù. Chính quyền thành phố nếu thấy cần thiết sẽ trình Chính phủ. Bộ Giao thông nên giải quyết các vấn đề lớn lao hơn! Lại có người hỏi, tiền đâu mà làm nhiều việc thế? Dạ xin thưa, cứ nghiên cứu khả thi rồi thì đi vay, rồi lại thu tiền mà trả nợ. Lâu nay chúng ta nợ nhiều rồi, giờ nợ thêm tí nữa, đâu có sao. Đơn giản nhất là nợ dân. Thành phố Hà Nội, Sài Gòn thử phát hành trái phiếu đô thị xem thế nào, dân có đồng lòng cái vụ kinh doanh "dở hơi biết bơi" này hay không?
Lại có người sẽ nói, giao thông là vấn đề "hóc búa", vậy cần cả xã hội quan tâm, mà chưa chắc đã giải được. Cái gì mà thuận lẽ trời đất (phải khoa học, phải có lí) và hợp lòng dân (có tình) rồi cũng sẽ được yên. Mà dân ở 2 thành phố này thì không thiếu người tài giỏi. Rất mong các cấp lãnh đạo, quan lại, nhà khoa học, người trí thức tự đến hồi cần phát huy mọi năng lực để cải thiện tình trạng giao thông rất chi là "hỗn mang" tại 2 cái thành phố lớn nhất Việt Nam, để không phụ lòng mong mỏi của nhân dân cả nước! Bắt đầu từ ngày Giỗ tổ Hùng Vương, viết xong bài thì đến ngày "nói láo" nhớ đến Trịnh xin một công-án "vỗ một tay vào hư không" bởi biết rằng "đông tay thì vỗ nên kêu."
[*] Tác giả xin được không nêu tên. Chỉ xin đặt tên nhóm làm đại diện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét