Trang

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Cuộc họp báo bất thường?!

Bút Lông
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ họp báo công bố kết quả thanh tra một số tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có kết quả thanh tra Tập đoàn Dầu khí (PVN) với tổng số tiền khoảng 18.000 tỷ đồng, PVN lập tức “phản pháo” bằng một cuộc họp báo, diễn ra hôm qua 9-4.

Đáng nói, PVN đã chuẩn bị sẵn một tài liệu trên 3000 chữ, dài 5 trang với 9 đề mục cho cuộc “phản pháo”, nhưng lại “ém” dưới tiêu đề “Họp báo quý I/2012” với phương thức trực tuyến hai đầu Hà Nội – TP HCM và sự xuất hiện kỳ lạ của một số “phóng viên mồi”, tức là những người dự họp báo nhưng đã chuẩn bị sẵn câu hỏi “mồi” đồng thời “diễn giải giùm” sai phạm của PVN và phê phán báo chí!
Vì thế, lãnh đạo PVN đã ra sức biện minh cho những vấn đề đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, rằng đó chỉ là “khuyết điểm” chứ không phải “sai phạm”; “báo chí nêu không đúng bản chất” v.v… và hoàn toàn dẫn mục đích để biện giải cho việc thực hiện các hoạt động đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra, tức là lấy “mục tiêu bù phương pháp”.
Khá nhiều phóng viên dự họp báo cho rằng đây là cuộc họp công bố thông tin “phản bác Thanh tra Chính phủ” chứ không phải chỉ là công bố hoạt động quý I như tiêu đề. Hơn thế, theo quy định tại Luật Thanh tra, để ban hành được bản Kết luận thanh tra số 124 ngày 18-1-2012, Thanh tra Chính phủ đã ít nhất 3 lần tạo cơ hội cho PVN giải trình, trong đó lần giải trình cuối cùng là khi có dự thảo kết luận thanh tra và lý lẽ của PVN sau mấy lần đó đều không có gì mới. Thậm chí kết luận này đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận (công văn 1775 ngày 20-3-2012 của Văn phòng Chính phủ) và trước đó chính PVN cũng đã gửi công văn báo cáo lên Thủ tướng.
Ai cũng biết sau vụ “chìm tàu” ở Vinashin (VNS), dư luận xã hội “lo ngay ngáy” về hoạt động của các Tập đoàn Kinh tế nhà nước, mà điển hình là các ý kiến nêu ra tại cuộc hội thảo mang tên “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2012” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 8 và 9-4. Tại hội thảo này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã bày tỏ lo ngại về hoạt động của DNNN, một loại DN “lời ăn, lỗ dân chịu”, mà tiêu biểu là hoạt động của Tập đoàn VNS. Tại TAND TP Hải Phòng vừa qua, bị cáo-cựu chủ tịch VNS Phạm Thanh Bình luôn đưa ra các chủ trương chính trị để diễn giải cho các quyết định tuỳ tiện, bất chấp hậu quả của mình, tức là cũng là “mục tiêu bù phương pháp”. Trong khi theo tòa án, các quyết định đầu tư, kinh doanh, các quyết định cử nhân sự đều thấy sự tuỳ tiện và kéo dài trong nhiều năm, kể cả khi các khiếm khuyết hay thất bại (nếu có) đã được chỉ rõ và hậu quả đã phần nào đã xảy ra… nhưng chậm được sửa chữa!
Vì thế lẽ ra dư luận cần được nghe PVN giải trình đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật những cá nhân nào, thu hồi được bao nhiêu tiền (trong số 18.000 tỷ đồng) về và phương án phòng ngừa sai sót ra sao, chứ không phải đến để được “huấn thị”, “chấn chỉnh” về cách thức viết báo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét