Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012
Khuất tất thân nhân bà Yến
Là đảng viên nhưng trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, ở mục Ngày vào Đảng (nếu có), bà Đặng Thị Hoàng Yến lại khai là: Không
Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là đảng viên. Xác minh về tư cách đảng viên của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ngày 17-1-2012, Ban Tổ chức Quận ủy quận 5 đã có Công văn số 99/CV-BTC gửi Ban Công tác ĐB của QH cho biết bà Yến có thời gian công tác tại quận 5 và đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Phòng Thương nghiệp quận 5 (Quyết định kết nạp Đảng số 11/QĐ – KN ngày 27-11-1986).
Tháng 4-1992, bà Yến được UBND quận 5 điều động về Phòng Tổ chức Chính quyền quận 5 để tạo điều kiện cho đi học. Sau đó, bà Yến đã chuyển công tác về Trung tâm Phát triển Ngoại thương TPHCM (Thời gian tiếp theo, bà Yến sinh hoạt Đảng ở đâu, có tiếp tục sinh hoạt hay không, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc trong các số báo tới). Điều khuất tất ở đây là vì sao từng là đảng viên nhưng bà Đặng Thị Hoàng Yến lại ứng cử ĐBQH với tư cách người ngoài Đảng?
Theo nguồn tin chúng tôi có được, khi ứng cử ĐBQH, bà Đặng Thị Hoàng Yến khai nhiều phần, nhiều thông tin không thống nhất. Cụ thể: Bà Yến khai có 7 mục khen thưởng, trong đó bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003 đến 2007 góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; bằng khen của UBND TPHCM năm 2006, 2007… Trong khi đó, bà Yến có 5 năm (từ 2002 đến 2007) sinh sống, cư trú liên tục ở Mỹ.
Đầu tháng 11-2011, Ban Công tác ĐB của QH đã đề nghị bà Yến khai lại sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt (theo mẫu số 2 và số 3) cho chính xác, thống nhất. Riêng phần khen thưởng, bà Yến khai thêm: Khen thưởng của Tập đoàn Tân Tạo do bà Đặng Thị Hoàng Yến lãnh đạo (chỉ nêu thành tích từ cấp Chính phủ và tương đương phong tặng) nhưng bà đã liệt kê 20 mục thành tích, trong đó chủ yếu vẫn là những danh hiệu, giải, cúp do các tổ chức phi chính phủ… trao tặng hoặc cấp chứng thư.
Ngoài ra, trong hồ sơ ứng cử ĐBQH, có những khoảng thời gian bà Đặng Thị Hoàng Yến khai không đúng. Ví dụ, về quá trình lịch sử bản thân: Từ tháng 1-1992 đến tháng 10-1993, bà Yến khai là giám đốc Ban Đầu tư – Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Phát triển TPHCM trực thuộc UBND TPHCM. Tuy nhiên, theo quyết định điều động cán bộ của UBND quận 5 thì ngày 1-4-1992 mới điều bà Yến từ Văn phòng UBND quận đến Phòng Tổ chức Chính quyền quận, thời gian 3 tháng (đến 30-6-1992) để tạo điều kiện cho đi học.
Ủy ban Thường vụ Q.H sẽ họp về trường hợp bà Yến
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết như trên bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-4.
Ngày 13-4, bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc đại biểu (ĐB) QH Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) vừa rút đơn xin ly hôn với chồng là Việt kiều Jimmy Trần (đang bị Bộ Công an truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Việc này cần bàn tập thể và Ủy ban TVQH sẽ họp để xem xét làm rõ. Tinh thần là Ủy ban TVQH sẽ bàn công khai, minh bạch và khách quan. Tuy nhiên, để Ủy ban TVQH họp bàn thì Ban Công tác ĐB phải có báo cáo và đưa vấn đề này ra nhưng hiện vẫn chưa có đề nghị từ phía cơ quan này”.
Cũng về vấn đề này, một quan chức của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đến chiều 13-4, vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía Ủy ban MTTQ tỉnh Long An. Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cử người nắm sự việc mà báo chí nêu là bà Đặng Thị Hoàng Yến rút đơn xin ly hôn với Việt kiều Jimmy Trần. Theo vị quan chức này, việc thẩm tra, xác minh thông tin báo chí nêu về tư cách một ĐBQH là trách nhiệm của Ủy ban TVQH mà trực tiếp là Ban Công tác ĐB.
Về việc qua 3 vòng hiệp thương nhưng thông tin bà Đặng Thị Hoàng Yến có chồng là ông Jimmy Trần vẫn không được phát hiện và trong lý lịch không ghi rõ, vị quan chức này giải thích theo quy định hiện hành, việc xác nhận vào hồ sơ của người ứng cử là chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan tổ chức đơn vị nơi người đó làm việc.
Về trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến thì nơi xác nhận là doanh nghiệp mà bà làm việc (Tập đoàn Tân Tạo – PV). “Với xác nhận có dấu đỏ thì Ủy ban MTTQ tỉnh Long An không có cơ sở nào để khẳng định việc này là sai cũng như phải tiến hành xác minh ngay, trừ trường hợp có đơn tố cáo nhưng khi đó bà Yến không có đơn tố cáo” – vị quan chức nói.
Trả lời việc Tập đoàn Tân Tạo xác nhận lý lịch không đầy đủ cho bà Yến tham gia ứng cử ĐBQH có phải chịu trách nhiệm về việc khai man, vị quan chức của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói: “Hồ sơ ứng cử ĐBQH là một dạng hồ sơ hành chính nói chung nên người xác nhận phải chịu trách nhiệm nào đó. Còn có chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không thì cần có sự vào cuộc của Bộ Công an để làm rõ là vô ý hay cố ý”.
Nguồn: Báo Người Lao Động
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét