Trang

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Thế lực thù địch nào đứng sau các dự án đầu tư nhằm vào đất của nông dân?

Phúc Lộc Thọ
... Tại sao các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước không đưa vào tầm ngắm, nghiên cứu xem những kẻ đứng sau các dự án đầu tư nhắm vào đất của bà con nông dân để soi xét động cơ, mục đích và hệ quả của chính sách, biện pháp này xem có đúng là nguy hại gấp vạn lần những thế lực thù địch siêu hình, tưởng tượng khác... Chính những kẻ ban hành và thực thi chính sách cướp đất của nông dân mới là thế lực thù địch hữu hình của nông dân, của chế độ nhưng lại đang được tiếp tay, dung túng, bảo kê của chính quyền của một số nơi, một số cấp...
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ tổng kết trong nhiều năm: 70% số vụ khiếu nại dân sự mà cơ quan này phải đứng ra giải quyết liên quan tới đất đai; Cụ thể hơn liên quan tới các dự án công nghiệp, dự án kinh doanh dịch vụ liên quan tới việc thu hồi đất canh tác, đất thổ cư của nông dân... Cụ thể hơn: do người nông dân bị thu hồi đất, tuy có được đền bù theo chính sách nhưng sự đền bù đó không thể bù đắp được thiệt hại của người nông dân vì đất là tư liệu sản xuất truyền đời của người nông dân, không có nó người nông dân không biết dựa vào đâu để kiếm sống; chưa kể viện đền bù này lại được triển khai không minh bạch, không công bằng thậm chí còn bị xà xẻo, hà lãm...
Người Trung Quốc có câu: Phi nông bất ổn; 60% dân số sống ở nông thôn, thử hình dung khi một bộ phận không nhỏ người nông dân bị cướp mất nhà cửa ruộng vườn, tất yếu họ sẽ mang theo cả một núi hận thủ đối với chế độ vì đất đai, vườn tược, nhà cửa của họ mà họ đang thừa hưởng bị tước đoạt. Khi người nông dân bị đẩy ra khỏi ruộng vườn và thường được đền bù theo giá tượng trưng, sau đó cũng chính mảnh đất đó vào tay các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên nhiều khu đất đã được mua đi bán lại với giá cao gấp nhiều lần so với số tiền đã trả cho người nông dân... Trước tình cảnh đó làm sao người nông dân không cay đắng?! Cách đây mấy năm, dự án khu đô thị Ciputra ở Nhật Tân Tây Hồ Hà Nội được triển khai; nhiều người đều biết; đây là một khu trồng đào nổi tiếng của Hà Nội, gắn với một làng nghề tồn tại hàng thế kỷ nay... Thế nhưng khi Hà Nội ban hành chính sách biến khu này thành khu đô thị mới, lập tức hàng ngàn nông dân ở đây bị trắng tay trong phút chốc...
Theo thông tin mà người viết bài này biết: mỗi mét vuông đất ở Nhật Tân nếu có cây đào trên đó được đền bù 350.000 đ, vì là đất nông nghiệp; thế nhưng khi thu hồi đất, Hà Nội quay sang cho đấu giá và giá đất của khu đô thị này lên tới 50 triệu đồng/m2... Điều trớ trêu cuộc đấu thầu này đã có những đề thầu khiến cho chính những chủ nhân của khu đất đó muốn quay trở lại tham gia đấu thầu cũng bị loại ngay...

Đọc thêm: Khu đô thị "khủng" nhất Việt Nam

Mấy ngày gần đây theo dư luận trên mạng đang nổi lên vụ bà con nông dân Văn Giang Hưng Yên đang vùng lên đấu tranh với một dự án đầu tư khu du lịch sinh thái ở đây; mọi người đều biết Văn Giang là nơi có nghề trong quất, ươm giống cây cảnh nổi tiếng cung cấp cho thị trường Hà Nội, do vậy sự vùng lên của người nông dân ở đây xuất phát từ miếng cơm manh áo của họ...
Một câu hỏi: tại sao các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng lại cứ ngắm vào Văn Giang, ngắm vào vùng đất “bờ xôi ruộng mật“ này để mà tranh cướp với bà con nông dân? Tại sao không tìm những vùng đất trống đồi trọc nơi thưa thớt dân cư đang còn rất nhiều xung quan Hà Nội mà khoảng cách tới trung tâm Hà Nội bằng hoặc thậm thì còn gần hơn Văn Giang ? Nếu đi theo trục đường năm, dọc đường đã sắp đầy các dự an khu công nghiệp được xây lên từ các mảnh ruộng thượng đẳng điền hàng ngàn năm nay ? Trong khi đó chỉ cách đường năm khoảng dăm bảy cây chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhưng khu gò đồi hoang hóa hoặc được trồng những loại cây không có nhiều giá trị thương phẩm, dân cư lại thưa thớt.
Tôi đã nghiên cứu chính sách thu hồi đất để phát triển các dự án công nghiệp của Romania, Nhà nước Romania rất hạn chế lấy đất nông nghiệp của nông dân để phát triển các khu nông nghiệp mà thường tìm đến những nơi nói theo kiểu Việt Nam “chó ăn đá gà ăn sỏi”... Nhà nước đầu tư làm đường, điện, nước tới đó, còn đất thì cho không hoặc thuê với giá tượng trưng. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định cấm lấy đất nông nghiệp để xây dựng các dự án công nghiệp, dịch vụ nhưng quyết định này đã bị lãng quên? Mới đây thấy Thủ tướng cũng đã ban hành lại quyết định có nội dung tương tự nhưng có vẻ như ban hành để làm cảnh, để làm đồ trang trí; còn bà con nông dân tiếp tục bị rơi vào tình cảnh “chó cắn giẻ rách“, đất đai vườn tược bị cướp... Vậy thì có thể coi những tác giả đứng đằng sau các dự án thất nhân tâm này có khác gì các thế lực thù địch vì họ đang đẩy số đông người dân xung đột với chính quyền, quyết tử với chính quyền, đẩy xã hội vào tình trạng bất ổn toàn diện cả chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường...
Khi xưa, do mất cảnh giác nên Thục An Dương Vương đã nhận Trọng Thủy, con trai Triệu Đà làm con rể để mong thiết lập quan hệ hòa hiếu với các thế lực diều hâu phương bắc. Kết cục là bí mật quân sự nỏ thần bị bại lộ nên Thục An Dương Vương phải bỏ trốn vào Nghệ An; Tại đây Thần Kim Quy đã nổi lên chỉ vào mặt Thục An Dương Vương mà trách: Giặc ngồi sau lưng mà nhà ngươi không biết ?!
Không có văn kiện quan trọng nào của Đảng mà nhà nước không đề cập tới các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chống lại Đảng và nhà nước? Tại sao các vị không đưa vào tầm ngắm nghiên cứu xem những kẻ đứng sau các dự án đầu tư nhắm vào đất của bà con nông dân để soi xem động cơ, mục đích và hệ quả của chính sách, biện pháp này xem có đúng là nguy hại gấp vạn lần những thế lực thù địch siêu hình, tưởng tượng khác... Chính những kẻ ban hành và thực thi chính sách cướp đất của nông dân mới là thế lực thù địch hữu hình của nông dân, của chế độ nhưng lại đang được tiếp tay, dung túng, bảo kê của chính quyền của một số nơi, một số cấp... Chính những kẻ này nấp dưới chiêu bài dự án đầu tư theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nông dân?!
P.L.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét