Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Tiên Lãng, Văn Giang đã trở thành đường?

Vụ cưỡng chế tại Văn Giang-Hưng Yên đã chấm dứt.
Tuy nhiên, sau cái im ắng bất thường ấy là những nỗi lòng oan khuất, những vấn nạn chưa được giải quyết trong tình hình bồi thường bất hợp lý cũng như tình trạng lạm quyền vẫn đang được dung dưỡng một cách lộ liễu. Mặc Lâm lật lại vấn đề với ý kiến của nhiều người qua các góc nhìn khác nhau về sự kiện nóng bỏng này.

Trắng tay chỉ sau vài giờ

Trong lúc vụ Tiên Lãng Hải Phòng đang được dư luận chờ đợi một kết quả hợp với nguyện vọng của người dân chưa kết thúc thì vụ cưỡng chế cho dự án Ecopark tại Văn Giang lại nổi lên nóng bỏng gấp trăm lần. Cũng cưỡng chế và thu hồi đất như Tiên Lãng nhưng Văn Giang có hình thái khác. Tiên Lãng chỉ có gia đình một Đoàn Văn Vươn trong khi Văn Giang tập trung hàng trăm gia đình với nỗi đau trăm lần lớn hơn.
Ngày 24 tháng 4 năm 2012, UBND tỉnh Hưng Yên đã phát pháo lệnh cho hàng ngàn cảnh sát cơ động cũng như an ninh chìm nổi các loại tiến hành cưỡng chế đất tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang để giao lại cho chủ đầu tư Khu Đô thị Thương mại Du lịch Ecopark.
Bà con nông dân nạn nhân đã cùng quây quần bên nhau vào đêm trước cưỡng chế. Họ thắp lửa trại với nhau chờ đợi một trận càn quét từ chính quyền với tâm trạng đáng thương của những con cừu không người chăn dắt, tuyệt vọng trước viễn ảnh bị mất đất mà không biết làm gì hơn. Sự tập trung của họ chưa kịp đánh động dư luận thì bình minh đã tới mang theo những điều mà bà Lê Hiền Đức kể lại như sau:
“Tôi hai ngày hai đêm ở tại Văn Giang kề vai sát cánh với bà con. Có một điều mà tôi cảm thấy đau lòng nhất là những người dân của tôi người ta tay không nhưng có chính nghĩa bởi vì người ta giữ đất đai của người ta hợp pháp bao nhiêu đời nay. Họ sống bằng đồng ruộng mà bây giờ trong nháy mắt trong vài tiếng đồng hồ trở thành trắng tay.
Phía bên tay phải tôi là bà con. Bên tay trái tôi là dàn hàng ngang hàng dọc những người công an gọi là lực lương vũ trang. Hơn một nghìn người. Tôi thấy một bên này là những người già, nhiều người già hơn tôi đứng khóc lóc, kêu khóc một cách rất thảm thương. Những người phụ nữ thì cũng nóng tính cũng chửi bới, gào thét khóc lóc.”
Việc cưỡng chế đất đai đã xảy ra nhiều chục năm nay trên cả nước, tuy nhiên trong thời gian gần đây dư luận chú ý nhiều hơn bởi hệ thống Internet đã mang những thông tin khó thể tưởng tượng đã và đang xảy ra trong các vụ cưỡng chế. Tiên Lãng là một ví dụ, để từ đó các nhà làm luật đã chú ý tới khía cạnh luật pháp đang bị luồn lách và lạm dụng trong luật Đất đai và sự lên tiếng của họ đã kéo theo niềm tin của người nông dân mất đất. Luật sư TS Trần Đình Triển cho biết:
“Về luật Đất đai ở Việt Nam thì nó có đặc thù riêng đó là đất đai sở hữu toàn dân. Người dân chỉ có quyền sử dụng thôi và từ cái quyền sử dụng đó nó có thể sai về mặt nguyên lý của quyền sở hữu. Nó có thể có ba quyền năng đó là quyền sử dụng, quyền chiếm đoạt và quyền định đoạt. Nhưng ở đây chỉ có quyền sử dụng và nhà nước có quyền thu hồi đất.
Tuy nhiên trong Luật đất đai cũng nói rất rõ là khi thu hồi đất thì cũng tùy theo mục đích của việc thu hồi. Nếu thu hồi vì lợi ích quốc gia, vì an ninh quốc phòng thì đền bù theo khung giá của nhà nước, mà trong Luật Đất đai thì giao cho Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh quy định khung giá đất cộng với hệ số ca ở từng địa phương của mình.”
Luật Đất đai ngăn cấm sở hữu tư nhân là tấm giấy phép cho các quan tham củng cố tài sản của mình qua các thủ đoạn mà pháp luật không dễ gì phát hiện. Theo luật thì những khu vực đất bị trưng thu để nhà nước sử dụng vào việc công ích hay an ninh quốc phòng thì khung giá đền bù rất thấp. Điều này dễ hiểu vì lợi ích quốc gia luôn luôn đứng trên lợi ích cá nhân và người dân đa số đều chấp hành trong tư thế tự nguyện nếu biết rõ ràng mục đích trưng thu.
Tuy nhiên có rất nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước đã cấu kết với doanh nghiệp để trả tiền bồi thường giải tỏa mặt bằng với khung giá của các công trình lợi ích quốc gia mặc dù trên thực tế người bị mất đất biết rõ là số tiền họ nhận được đã bị cắt đi hơn 90% giá trị thật mà lẽ ra doanh nghiệp phải trả cho họ.

Phải sửa đổi Luật đất đai

Cảnh dân oan khiếu kiện đòi đất diễn ra khắp nơi
Người dân không có quyền mặc cả với doanh nghiệp vì chính quyền địa phương đã nhận phần trung gian nhằm chận lại tất cả mọi chống đối. Từ thái độ này bùng nổ đã xảy ra và rõ ràng người thắng cuộc luôn là nhà nước. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch MTTQVN –TPHCM cho biết nhận xét của ông:
“Việc ở Văn Giang nghiêm trọng ở chỗ anh xây dựng một dự án kinh tế du lịch rất lớn thì theo nguyên tắc phải để cho người dân trực tiếp thương lượng với chủ đầu tư, thuận mua vừa bán. Mặc dù chưa công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân nhưng mà họ vẫn có năm quyền theo quy định hiện nay. Cớ gì nhà nước phải đứng ra làm trung gian rồi ép dân để bồi thường cái giá rẻ mạt?
Bồi thường mỗi mét vuông là 135 ngàn đồng rồi chủ đầu tư khuyến khích người dân đi sớm thì được thêm 35 ngàn đồng nữa. Trong khi đó họ xây dựng xong họ bán giá mỗi mét vuông với giá trên trời, chênh lệch giá rất là lớn, mà chênh lệch giá nầy rơi vào tay ai? Rõ ràng rơi vào chủ đầu tư và bọn tham nhũng trong chính quyền.”
Luật sư Trần Đình Triển cho biết suy nghĩ của ông trước việc nhà nước tổ chức cưỡng chế để giao đất cho doanh nghiệp. Ông đặt câu hỏi:
“Khi thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế thì câu hỏi đặt ra là cưỡng chế cho ai? Chỉ sử dụng bộ máy cưỡng chế cho việc thu hồi vì lợi ích của nhà nước như mở đường quốc lộ hay lĩnh vực an ninh quốc gia chứ sử dụng bộ máy cưỡng chế cho kinh doanh thì nhà nước không đi làm thuê cho doanh nghiệp.”
Đã nhiều năm qua báo chí và các chuyên gia về đất đai đã thúc giục Quốc hội nhanh chóng sửa đổi hiến pháp để luật Đất đai được mang ra thảo luận lại nhằm điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng và thực tiễn của hơn 90% dân số vốn đang sống vói ruộng đồng trên khắp nước. GSTSKH Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội cho biết cảm nhận của ông về những gì xảy ra tại Văn Giang:
“Có thể nói tôi rất buồn về việc xảy ra ở Văn Giang. Tuy hình thức thu hồi có khác với Tiên Lãng nhưng dù sao nó vẫn giống nhau ở bản chất, vì vậy mình phải làm sao thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Nếu không giải quyết vấn đề căn bản này thì những chuyện xảy ra như ở Văn Giang hay nhiều địa phương khác nó cứ quay đi quay lại mãi và gây nên bức xúc trong xã hội. Thứ hai là về cách ứng xử khi xảy ra những việc thu hồi đất đai trong khi chúng ta chưa có luật về sở hữu đất đai cho người dân.”
Luật sư Trần Đình Triển cho rằng giải pháp duy nhất là phải xem xét lại Luật Đất đai qua Quốc hội, ông nói:
“Văn Giang cũng chỉ là một sự việc thôi, rất nhiều chỗ khác đang xảy ra giống như Văn Giang. Tôi cho rằng Quốc hội cần phải xem xét lại Luật đất đai chứ nếu như thế này thì tình trạng phân hóa người giàu kẻ nghèo và chính trong lĩnh vực đất đai là nơi chứa nhiều yếu tố tham nhũng nhất.”
GSTS Phạm Duy Nghĩa hiện đang giảng dạy tại ĐHQG Hà Nội viết trên trang blog của ông rằng “quyền sử dụng đất của dân làng dù chưa được công nhận là sở hữu tư nhân tuyệt đối, song cũng là một quyền tài sản được nhà nước bảo hộ. Quyền tài sản ấy chỉ bị trưng mua hoặc trưng dụng trong những trường hợp ngoại lệ với các lý do và thủ tục khắt khe.
Mọi đạo luật và hành vi của bất kỳ ai chống lại những nguyên tắc hiến định ấy phải được coi là vi phạm Hiến pháp, chúng phải được tuyên là vô hiệu, tức là không có giá trị thi hành.”
Khi luật pháp có kẻ hở thì việc tu chính hiến pháp là điều cần thiết. Người dân không thể yên lặng nhìn các quan tham địa phương ăn dần từng tấc đất của ông cha họ một cách hợp pháp. Họ cần sự lên tiếng đồng loạt của nhiều người nhiều giới bênh vực bởi người nông dân từ bao đời nay trong xã hội Việt Nam vẫn là thành phần thiệt thòi và đau khổ nhất.
Khi người dân Văn Giang nhận được thông báo đất đai của họ sẽ bị chính quyền chính thức cưỡng chế vào sáng ngày 24 tháng 4 thì luồng sóng phẫn nộ đã lan rộng ra khắp nơi trong huyện. Người dân các xã mất đất đã tập trung lại vào sáng hôm ấy với một tinh thần tuy quyết liệt nhưng rất mù mịt, họ không biết phải làm gì trước lực lượng vũ trang hùng hậu hơn 3 ngàn người mà chính quyền sử dụng để chống lại họ.
Theo bà Lê Hiền Đức, một khuôn mặt nổi tiếng chống tham nhũng cho biết thì người dân như những con cừu ngơ ngác trước bầy sói vũ trang tận răng. Họ nháo nhác dựa vào nhau nhìn cảnh sát cơ động xiết vòng vây và tấn công đám đông bằng các loại trái nổ cũng như lựu đạn cay.
Họ là những nông dân chất phác chưa từng kinh nghiệm về các cuộc biểu tình. Đám đông thụ động và bị xé rách nhanh chóng khi lực lượng an ninh của chính phủ triển khai các bài học chống biểu tình mà họ được huấn luyện rất nhuần nhuyễn.

Đàn áp dân một cách dã man

Bà Lê Hiền Đức kể lại câu chuyện đau lòng mà bà chứng kiến cảnh lực lượng vũ trang đánh người như sau:
“Tôi là người bằng con mắt thực, đứng trên cao xa xa nhìn xuống thấy một anh thanh niên mặc áo trắng, hoàn toàn tay không mà bị những người trong lực lượng vũ trang nhảy qua tường của những cái mộ liệt sĩ để vào mà bắt anh ấy.
Một người thanh niên tay không thực sự không có tội tình gì cả và ban ngày không phải là trộm cướp, không phải là đánh nhau, không vi phạm một điều gì đối với pháp luật cả. Anh ta bị những người cùng đồng lứa tuổi, những thanh niên trong lực lượng vũ trang. Công an, tự vệ, cảnh sát cơ động và những người đeo băng đỏ. Họ túm vào giằng xé, kéo tay lôi anh ấy đi xềnh xệch và rồi dùng dùi cui, gậy gộc đánh tới tấp vào đầu vào cổ anh này. Chân thì đá vào bụng trông đau xót lắm.”
Bằng chiến thắng tuyệt đối chính quyền bắt giữ 20 người trong khi giải tán đám đông. Theo báo Người Cao Tuổi thì việc cưỡng chế này hoàn toàn trái luật và ít nhất bốn người bị bắt đã phải ký giấy cam kết không khiếu nại nữa mới được thả ra.
Trả lời đài RFI Việt ngữ hôm 27-04-12, một người dân Văn Giang cho biết một phụ nữ có con nhỏ còn bú, phải ký cam kết không khiếu kiện để được thả về. Người dân này còn nói họ phải ký cả trên tờ giấy khống chưa ghi chép gì và chị không lượng định được những gì sẽ xảy ra.
Trước hành động khó chấp nhận này, dưới cái nhìn của luật pháp LS Trần Đình Triển cho biết:
“Không thể có cái việc bắt người ta không được khiếu tố khiếu nại vì hiến pháp đã quy định công dân có quyền khiếu tố khiếu nại và trong luật Khiếu tố khiếu nại người ta thấy nhà nước vi phạm lợi ích thì người ta có quyền tố cáo. Những vấn đề có liên quan đến quyền lợi thì người dân có quyền tố cáo. Việc đưa cho họ một tờ giấy bắt ép họ ký không được khiếu tố khiếu nại thì mới thả họ ra đấy là sự vi phạm nghiêm trọng về mặt pháp luật.”
Người dân huyện Văn Giang cho báo Đất Việt biết nhiều điều khó tin sau khi đất nước đã thống nhất gần bốn mươi năm. Những người không đồng ý ký vào giấy chấp nhận tiền đền bù sẽ bị chính quyền dùng các biện pháp khống chế bằng nhiều hình thức. Côn đồ công khai vào nhà người dân dọa nạt và yêu cầu mau chóng đồng ý nhận tiền đền bù. Những người là đảng viên thì dọa sẽ bị khai trừ còn giáo viên thì sẽ đổi sang nơi khác công tác. Nếu gia đình nào có yêu cầu cưới vợ gã chồng sẽ không được cấp giấy đăng ký kết hôn khi chưa ký giấy đồng ý nhận tiền đền bù. LS Trần Vũ Hải nhận xét những việc này như sau:
“Theo tôi vấn đề này cần phải điều tra và phải làm rõ xem xã hội đen được lực lượng nào thuê. Tôi nghĩ rằng chính quyền sẽ không thuê nhưng những nhóm lợi ích liên quan đến dự án thì sẽ sử dụng. Luật Đất đai không ràng buộc nếu không giao đất sẽ bị trừng trị bằng các phương thức khác. Thí dụ như đăng ký kết hôn thì rõ ràng theo luật thì khi tôi đến đăng ký thì đương nhiên. Nếu phát hiện ra thì chính quyền phải bị xử lý.
Đăng ký kết hôn mà không tạo điều kiện thì phải làm rõ, tất nhiên là có thể có chuyện đó nhưng mà sau này khi điều tra người ta nói anh chị ấy có đề nghị gì đâu?….vì vậy những người có liên quan phải lập bằng chứng một cách rõ ràng để tố cáo chính quyền đã vi phạm luật hôn nhân gia đình của Việt Nam.”
Sau khi cuộc cưỡng chế chấm dứt, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên đăng lời phát ngôn của ông Bùi Văn Thanh, chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên cho rằng
“Trong quá trình tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng bàn giao đất tại xã Xuân Quan đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Văn Giang nói chung, xã Xuân Quan nói riêng đồng tình ủng hộ”.
Phản ứng trước lời lẽ này bà Lê Hiền Đức lên tiếng:
“Cái anh chánh văn phòng của huyện tên là Bùi Văn Thanh trả lời công luận báo chí rất lăng nhăng vì mắt tôi nhìn thấy, còn anh kia là cán bộ chả biết anh ta ngồi đâu giữa lúc xảy ra vụ cưỡng chế. Anh ta trả lời là cuộc cưỡng chế thành công…ối giời ôi! Đi tàn sát những người đồng loại của mình, những người dân lành của mình mà kêu là thành công. Không có súng nổ không có đánh đập không có gì cả…tôi thấy điều đó là nói hoàn toàn sai sự thực.”
Ông Lê Hiếu Đằng, một người nổi tiếng tranh đấu trong thời kỳ sinh viên học sinh trước năm 1975 khi được hỏi cảm tưởng của ông trước vấn đề người nông dân bị đàn áp liên tục như vậy nếu so với chế độ cũ thì ông có so sánh gì, ông nói:
“Chỉ có thể hiểu rằng một số vị trong chính quyền đã gắn với lợi ích nhóm, lợi ích của các tập đoàn mà không đặt lợi ích người dân lên trên do đó đã bất kể những bất hợp lý trong vấn đề giải tỏa đền bù. Khi xảy ra lại đi đến hành động hết sức dã man, hết sức phi chính trị, xua cả ngàn quân đi đàn áp người dân tay không.
Tôi thấy còn tệ hại hơn thời kỳ mà chúng tôi đấu tranh ở Sài Gòn nữa. Nếu các vị muốn ổn định chính trị bằng cách bắt bớ bằng cách giam cầm, dẹp bỏ thì đừng hòng. Nhân dân Việt Nam với truyền thống của mình không thể khuất phục trước các việc đó, và chúng tôi những người trước kia đã từng đấu tranh trong chế độ Sài Gòn thì chúng tôi dứt khoát khẳng định như vậy.
Chúng tôi chấp nhận tù đày, chấp nhận bắt bớ nhưng không thể nào để tình hình này nó cứ diễn ra như vậy được. Tôi nghĩ là cuối cùng thì quyết định vẫn là lòng dân, vẫn là lực lượng của quần chúng và điều đó là những cảnh báo cho các vị lãnh đạo.”

Dân sẽ sống ra sao?

Tuy báo chí chính thống không đưa tin Văn Giang như đã từng làm với Tiên Lãng nhưng người dân cả nước vẫn theo dõi và biết tường tận những gì đang xảy ra qua Internet. Tuy thua cuộc nhưng người dân Văn Giang vẫn cần một lời giải thích của lãnh đạo cao nhất nước để xem sự chiến thắng của chính quyền có chính đáng để cho nhân dân tâm phục hay không.
Trong lúc nền kinh tế Việt Nam phải phấn đấu rất nhiều để vượt qua lạm phát hai con số và mọi nỗ lực của giới đầu tư là làm cách nào giữ được tình trạng kinh doanh không bị sa sút để chờ ngày có lãi thì dự án Ecopark xuất hiện vài năm trước đang là một thử thách thật sự đối với những ai xem việc đầu tư vào các công trình đô thị cao cấp là món mồi béo bở tại Việt Nam.
Ecopark được quảng cáo như một khu đô thị mới lý tưởng nằm ngay cạnh làng gốm Bát Tràng và chỉ cách hồ Hoàn Kiếm 13 cây số. Địa thế đắc lợi này sẽ chứa đựng trong nó những khu mang tên hết sức “sang trọng” như Vườn Tùng, Vườn Mai, Núi Trúc, Rừng Cọ… tên những khu bất động sản này biểu hiện cho những gì quý phái nhất đã tăng thêm sức hấp dẫn cho người có tiền cộng với giá của căn hộ khoảng 20 triệu đồng/m2 và biệt thự, nhà phố là 45 triệu đồng/m2.
Những con số hàng chục triệu trên mỗi mét vuông nói lên tầm đắt đỏ của khu đất mà Ecopark chiếm dụng rồi bán lại cho người mua của nó. Trong khi đó cũng trên mỗi mét vuông này Ecopark đã trả cho người chủ đất thật sự với cái giá rẻ như cho là “một trăm bảy mươi ngàn đồng”.
Nếu làm một con tính đơn giản người ta thấy ngay sự bóc lột của kẻ đầu tư đối với người chủ đất. Tuy nhiên sự bóc lột này được thực hiện qua một trung gian chứ bản thân công ty Việt Hưng không đủ khả năng để làm chuyện đó. Người trung gian đầy quyền lực ấy là UBND huyện Văn Giang.
Trên trang Web của Ecopark ghi rõ khi trở thành đô thị loại IV thì người dân Văn Giang được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại; từ người dân nông thôn trở thành người dân đô thị.
Ecopark xem việc người dân Văn Giang bị buộc phải từ bỏ nghề nông làm công việc của một thị dân là một nỗ lực mà dự án mang đến tặng cho những nông dân khốn khổ. Đây cũng là cách Ecopark trả lại phần thiệt thòi cho người dân trong khi giao đất. Trong ngôn ngữ quảng cáo này người dân Văn Giang hình như là thành phần chịu ơn hơn là kẻ bị bóc lột.
Luật sư Trần Đình Triển, người có khá nhiều kinh nghiệm trong việc giúp nông dân khiếu kiện đất đai cho biết kinh nghiệm của ông trong vấn đề này, đặc biệt dưới góc nhìn xã hội:
“Bao nhiêu năm chúng ta không nghiên cứu cái đặc điểm của tính dân tộc tính làng bản, tính giòng họ của người dân Việt Nam. Họ ăn ở bao nhiêu đời nay bằng làm nông bằng đánh cá. Không chỉ Văn Giang không thôi đâu mà nhiều xã ở Kỳ Anh Hà Tĩnh cũng đang gặp cảnh tương tự. Lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp bồi thường một ít tiền…nhiều khi người dân mua xe máy, mua ô tô thậm chí công ăn việc làm không còn nữa, chỉ vài ba năm cả nhà rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Họ không biết đời sống của họ mai sau như thế nào nữa vì vậy mà họ bảo vệ đất của họ nơi mấy nghìn năm mà họ sống bằng nghề ông cha để lại. Không tính đến lợi ích người dân mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt và chỉ nghĩ đến chuyện trải thảm đầu tư mà không hiểu rằng biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt họ đã đổ ra tên mảnh đất đó.”
Ông Lê Hiếu Đằng lấy kinh nghiệm của khu đô thị Phú Mỹ Hưng để nói về Ecopark như sau:
“Thí dụ như Phú Mỹ Hưng bây giờ chúng ta ca tụng là khu đô thị mới đẹp đẽ nhưng bây giờ hỏi ai đang ở trong đó, ai thụ hưởng cái thành quả đó? Toàn là người giàu có! Còn người dân Phú Mỹ Hưng từ trước tới giờ, sống ở đó bởi vì đây là vùng đất trũng, vùng thoát nước tự nhiên của thành phố. Bây giờ đã bê tông hóa hết và bắt người dân phải ly tán nơi khác thì những người đó họ làm gì, họ sống như thế nào mình không biết.”

Bất công xã hội

Nông dân huyện Văn Giang biểu tình về đất đai bên ngoài văn phòng Quốc hội hôm 21/2/2012. AFP photo
Ông Bùi Kiến Thành, nhà tư vấn tài chánh cao cấp hiện làm việc tại Hà Nội cho biết sự tăng trưởng dân số là thách thức đối với những dự án xóa sổ tam nông do đó tính về hiệu quả kinh tế sẽ không bao giờ bù đắp nổi cho bài toán dân số này:
“Hiện giờ Ecopark cách Hà nội không xa lắm, lấy hơn 500 héc ta ruộng lúa để biến nó thành một đô thị. Biến một khu nông nghiệp thành một khu đô thị như thế nếu tính về lâu về dài thì đánh đổi một mét vuông đất nông nghiệp thì bao nhiêu bát cơm sẽ mất đi. Không phải chỉ cho thế hệ này mà còn bao nhiêu đời sau nữa. Trong khi dân số của mình nó tăng lên như thế này đã hơn tám mươi mấy triệu dân. Cách đây hơn bốn chục năm chỉ có bốn mươi triệu thì nó đã gấp đôi rồi. Phải xem thử đánh đổi cái đó đối với dân tộc với đất nước nó sẽ ra sao?”
Đối với TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn cho Bộ Kế Hoạch Đầu tư thì nhận xét:
“Theo tôi dự án Ecopark có ích đến mức độ nào thì hiện nay tôi không có sự đánh giá tuy nhiên trong việc cưỡng chế dùng sức mạnh như vậy thì bất kỳ một lợi ích kinh tế nào cũng sẽ bị làm lu mờ. Việc cưỡng chế mà dùng một sức mạnh hùng hậu như vậy với súng nổ và từng ấy quả nổ ném về phía dân thì nó sẽ để lại một di chứng rất sâu đậm không chỉ ở trong lòng người dân Văn Giang mà ở trong lòng tất cả mọi người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Cái giá phải trả cho cuộc cưỡng chế đó theo tôi là vô cùng lớn cho nên tôi nghĩ rằng sẽ rất là khập khiễng nếu chỉ lấy lợi ích kinh tế của dự án Ecopark để biện minh cho hành động cưỡng chế một cái giá phải trả cho người dân và cho đất nước Việt Nam.”
Sự bất công xã hội to lớn là điều mà ông Bùi Kiến Thành đồng ý với TS Lê Đăng Doanh:
“Ngay trước mắt Ecopark có giấy phép rồi thì phải giải tỏa. Mà giải tỏa thì nhân dân người ta đang làm ruộng, tới bây giờ đã bao đời người ta làm ruộng nuôi cả gia đình bây giờ tới đòi trả cho người ta mấy trăm nghìn đồng mỗi mét vuông, rồi đuổi người ta đi. Người ta không đi thì đem quân đội tới cả nghìn người để cưỡng chế thì có hợp lý hay không?
Bán một mét vuông trong một đô thị như thế gấp trăm lần cái giá mình bồi thường cho dân chúng sẽ tạo ra một sự bất công xã hội mà bao nhiêu người hàng bao nhiêu thế hệ làm ruộng ra để mà nuôi cả dân tộc này. Bây giờ lại đánh đổi bằng một cái giá bèo như thế để cho một số người nào đó làm giàu thì cần phải suy nghĩ, cái chế độ của mình như thế nó có hợp lý hay không?”
Người nông dân Văn Giang sau khi mất đất sẽ là gánh nặng cho toàn xã hội và đời sống của gia đình họ cũng thay đổi tận gốc rễ. Họ sẽ trở thành những lưu dân vào thành phố kiếm sống thay vì an nhàn trên đồng ruộng của mình. Những kẻ may mắn giàu có đang ung dung sống trên mảnh đất của người Văn Giang nay là Ecopark đã vô tình trở thành người tiếp tay cho các thế lực đen tối.
Một lúc nào đó khi những con người Văn Giang trở thành “thị dân” của Ecopark qua vai trò của người làm vườn, cắt cỏ, lao công, bồi bếp thì giai cấp “thị dân” mới này sẽ là vết đen trong quá trình phát triển kinh tế của Hà Nội.
Đồng cảm với những hình ảnh tăm tối được báo trước này, GSTSKH Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
“Nếu như ở Văn Giang đền bù cho người dân chỉ một trăm nghìn đồng Việt Nam một mét vuông thì người ta cầm đồng tiền ấy người ta sống thế nào? Trong khi chỉ cần mấy sào ruộng thì người ta có thể sống đến đời cháu đời chắt người ta vẫn sống được”.
Mầm mống bất công phát sinh từ những luật lệ lỏng lẻo là nguyên lý từ ngàn đời nay. Hiệu quả kinh tế dành cho một thiểu số nhà giàu nhưng lấy đi nguồn sống của hàng ngàn người khác là cách tính ăn xổi ở thì mà không một hiệu quả kinh tế nào có thể bù đăp nổi.
Sau khi Tiên Lãng được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo dõi và lên tiếng đòi UBND tỉnh Hải Phòng phải giải quyết dứt điểm thì ngay sau đó một làn sóng khiếu nại tăng lên đến mức ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ báo động rằng trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến ngày 25/3/2012, số lượng khiếu nại tăng 50% so với tháng 2, tăng 30% số đoàn khiếu kiện đông người.
Nếu nhìn theo hướng tích cực thì hình như động thái của Thủ tướng đã phần nào gây lại niềm tin cho người dân mất đất khiến họ mạnh dạn tập hợp với nhau thành khối nhằm chống lại những thế lực của chính quyền địa phương từ bao lâu vẫn khống chế và bỏ ngoài tai những lá đơn khiếu kiện của hàng ngàn dân oan trên khắp nước.
Vết xe Tiên Lãng-Văn Giang lăn qua khu rừng tăm tối đã được hình thành và người dân tiếp tục làm con đường mòn ấy ngày một thoáng đãng hơn bất chấp nguyện vọng của họ có được giải quyết hay không.

Hậu quả dây chuyền

Nhân dân xã Liên Hiệp tập trung tại trụ sở UBND xã ngày 26/4/2012 để phản đối việc trưng thu đất đai. Photo courtesy of infonet.vn
Hai ngày sau khi vụ cưỡng chế Văn Giang chấm dứt, hơn một ngàn dân mất đất đã bao vây trụ sở UBND xã Liên Hiệp thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội để yêu cầu chính quyền trả lời họ về đất đai mà chính quyền đã trưng thu trái phép trong thời gian trước đây.
Người dân bao vây trụ sở và tổ chức nấu nướng ngay trước cửa Ủy Ban chờ được gặp mặt ông Chủ tịch xã Từ Tất Tuấn để trả lời những gì mà ông này đã làm trong việc lấy đất của họ giao cho doanh nghiệp.
Theo báo Tuổi Trẻ ghi lại chi tiết thì ông Từ Tất Tuấn thừa nhận chính quyền xã hầu như tê liệt không làm được việc gì vì bà con tập trung ở trụ sở quá đông. Ông Tuấn đã báo cáo trực tiếp đến chủ tịch huyện Phúc Thọ là ông Hoàng Mạnh Phú nhưng không nhận được bất cứ sự chỉ đạo nào. Đến chiều tối 26.4, hàng trăm người dân vẫn tụ tập, “vây” trụ sở xã.
Bản tin này cho thấy sự giận dữ của người dân như một đám cháy đang lan rộng trong nước bất kể các hành động đàn áp của chính quyền sau vụ Văn Giang vừa qua. Luật gia Lê Hiều Đằng cho biết nhận xét của ông về phong trào tự phát này:
“Mới đây tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ cái hệ lụy về mặt chính trị nó rất là lớn. Báo Tuổi Trẻ có đăng là ở một xã gần Hà Nội cả ngàn nông dân người ta đến bao vây trụ sở xã. Họ tố cáo cán bộ xã đã lấy đất của dân chia chác và bồi thường giá trị không thỏa đáng. Bây giờ họ đòi trả lại đất cho họ. Rõ ràng hậu quả dây chuyền rất là lớn, mà xảy ra ở đâu? Xảy ra ngay cái nơi mà chúng ta gọi là cái nôi của Chủ nghĩa xã hội! Gần thủ đô Hà Nội. Nếu ở miền Nam thì nhiều vị còn gọi là dân ngụy, dân ảnh hưởng Mỹ thế này thế kia nhưng mà ngay ở Hà Nội thế thì ảnh hưởng ai?”
Không phải chỉ ở Hà Nội hay Hải Phòng mới có phong trào khiếu kiện tập thể mà hầu như trên khắp nước ngọn lửa Tiên Lãng-Văn Giang đang âm ỉ chờ ngày bùng lên. Luật sư Trần Đình Triển kể lại những gì ông chứng kiến khi bào chữa cho người dân tại huyện Kỳ Anh Hà Tĩnh, nơi có tranh chấp lớn hơn Văn Giang nhiều lần và hứa hẹn một cuộc bùng phát lớn sẽ xảy ra, ông kể:
“Nhân dân rất nhiều xã của Kỳ Anh, Hà Tĩnh đến gặp tôi họ phàn nàn việc liên quan đến dự án Phong Sa lấy hơn 33 Km2 để cấp cho một dự án đầu tư của một công ty Đài Loan, nó còn vi phạm pháp luật hơn vụ Tiên Lãng. Chính quyền của huyện Kỳ Anh cũng sử dụng lực lượng quân đội, không có quyết định thu hồi đất thậm chí về việc giá cả với dân cũng không có.
Ra quyết định cưỡng chế hành chính thì cưỡng chế cái nhà của người ta đã tồn tại cách đây mười mấy năm rồi bây giờ lại bảo đất của người ta sử dụng không hợp pháp tìm mọi cách gạt bớt quyền lợi của người dân. Tổ chức cưỡng chế khi người dân người ta ngồi trên mái nhà thì dùng cả máy ủi đất đập tan cả cái nhà làm người ta rơi từ nóc nhà xuống như con chuột.
Những việc như vậy gây nên một sự bức xúc cho người dân và phiên tòa xảy ra thì có thể nói hàng nghìn người dân đúng quanh phiên tòa nghe xử và người ta phản đối rất kịch liệt trong vụ đó.”
Nếu Văn Giang đàn áp và sách nhiễu người có đất thế nào thì Kỳ Anh cũng thực hiện những thao tác giống như khuôn đúc. LS Trần Đình Triển kể câu chuyện Kỳ Anh làm người nghe liên tưởng ngay những gì mà báo chí loan tải về Văn Giang trước đó:
“Khi họ đưa ra việc bồi thường đấy nếu người không chấp hành là gia đình đảng viên thì người ta gọi đảng viên lên mà không chấp hành thì người ta tìm cách khai trừ. Hai nữa có người con tham gia lực lượng vũ trang xin xác minh lý lịch kết nạp đảng họ cũng không xác nhận. Những học sinh đi làm hồ sơ để thi đại học hay xin việc nơi khác mà gia đình không ký giấy nhận bồi thường thì họ cũng không ký. Nếu trong gia đình có cán bộ làm việc ở chính quyền nơi đó họ gọi lên nếu không động viên gia đình nhận tiền đền bù thì tìm cách đuổi việc…những việc như vậy nó diễn ra ở Kỳ Anh đã trở thành phong trào.”
Luật sư Lê Đức Tiết Phó chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ – Pháp luật UBTUMTTQ Việt Nam viết trên tờ Tuổi trẻ rằng “Trên toàn thế giới, số nước công nhận một hình thức duy nhất về sở hữu đất đai-sở hữu toàn dân, chỉ là số rất ít. Hiện chỉ có 3 nước. Mục đích của việc chuyển đổi hình thức đa sở hữu về đất đai, đã có lịch sử tồn tại nhiều ngàn năm nay ở Việt Nam, sang hình thức duy nhất – hình thức sở hữu của toàn dân, là nhằm tạo điều kiện thuân lợi cho việc nhanh chóng chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp manh mún, tự cung tự cấp sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”

Bất ổn chính trị

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp với UBND huyện Tiên Lãng về vụ Đoàn Văn Vươn. Photo courtesy of eyedrd.org
Trước những luận điểm mà Việt Nam mang ra nhằm bảo vệ cho Luật Đất đai hiện nay, ông Lữ Phương, nguyên Thứ trưởng Văn hóa của Chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam cho biết theo những gì mà ông nghiên cứu trong hơn ba mươi năm qua:
“Chủ nghĩa cộng sản qua thời kỳ thực hiện, đem ra áp dụng thực tế sau năm 1954 thì nó bộc lộ hoàn toàn những sự không tưởng. Không tưởng của chương trình thực hiện cương lĩnh hay mô hình xây dựng mà chỉ còn lại cái quyền lực mà thôi. Thế cho nên lý tưởng đã tan vỡ hoàn toàn chỉ còn lại quyền lực. Ông Hồ Chí Minh không hình dung điều này được.
Khi sự việc nó xảy ra rồi thì ông Hồ có cảm giác như ổng đã lỡ rồi, hầu như cuộc chơi mình lao vào bây giờ không biết làm sao nữa trong khi quyền lực nằm ở đó. Đụng đậy một chút là tiêu! Cho nên sự giằng xé tất cả mọi thứ. Tôi nghĩ rằng đây là sự suy thoái. Sự suy thoái của một lý tưởng vì thực tế đây là chỉ là một sự không tưởng. Một lý tưởng không tưởng mà đem ra thực hiện bằng quyền lực thì nó sẽ diễn ra dưới dạng ngược lại. Không phải Văn Giang không thôi, có thể nói khái quát là tất cả. Từ cuộc cải cách ruộng đất, đến đánh tư sản…tất cả các chương trình ấy đều do không tưởng cho nên khi thực hiện rồi thì nó lộn ngược tất cả, Văn Giang chỉ là một thí dụ.”
Quay trở lại với hành động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tiên Lãng so với sự im lặng của lãnh đạo cao nhất nước trong vụ Văn Giang, luật gia Lê Hiếu Đằng nhận xét:
“Rõ ràng người ta rất ngạc nhiên vì qua vụ Đoàn Văn Vươn lẽ ra chính phủ phải rút kinh nghiệm để ngăn chặn những việc làm mất lòng dân nhưng người ta không ngờ sau vụ Đoàn Văn Vươn thì lại xảy ra vụ Văn Giang. Người ta nghĩ có lẽ đây là một việc làm có ý thức của nhà nước bởi vì cái vụ lớn xảy ra có trách nhiệm của trung ương. Một nhà nước thống nhất mà lại để sự việc xảy ra lớn như vậy, xua hàng ngàn quân kiểu như đi dẹp loạn mà trung ương lại trơ mắt nhìn thì không có lý.
Các vị lãnh đạo thường hay nhắc là phải giữ gìn ổn định chính trị mà qua việc làm này chính quyền địa phương ở Hưng Yên-Văn Giang đã tự mình gây ra sự bất ổn định chính trị.”
Sự bất ổn chính trị mà ông Lê Hiếu Đằng cảnh báo đang dần dần xuất hiện. Không một thế lực nào gây ra sự mất ổn định này mà chính lòng dân mới là thế lực duy nhất và quyền lực nhất mặc dù trong tay họ không một tấc sắt. Lịch sử những cuộc kháng chiến đã chứng minh điều đó và không ai có thể tiên đoán lịch sử ấy sẽ được lập lại vào lúc nào.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
01-05-2012
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét