Trang

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Giá trị đích thực của Dân chủ

Một vài năm gần đây, thỉnh thoảng truyền thông ở Việt nam lại rộ lên các tin tức về sửa đổi Hiến pháp khiến cho không ít người khấp khởi mừng thầm và hy vọng chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt nam sẽ có sự thay đổi. Nhưng những tin túc này chỉ rộ lên rồi lại chìm xuống sau khi mấy ông lãnh đạo về hưu “chém gió’ khi trả lời phỏng vấn của báo chí nhằm tạo hy vọng cho người dân. Sự việc này diễn ra lặp đi lặp lại năm lần, bảy lượt để rồi vẫn đâu vào đấy, khiến không ít người vốn nuôi hy vọng đã phải nghi ngờ là chính quyền đang diễn trò.

Cá nhân tôi thì không mấy lạc quan hay tin tưởng về cái trò bịp bợm này, vì nếu nghĩ đến tận gốc của vấn đề là: đảng CSVN có chịu từ bỏ quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội như quy định của điều 4 Hiến pháp hay không? Thì dễ có câu trả lời, con nếu không thì đâu vẫn hoàn đấy, vì dẫu có thành lập Uỷ ban Sửa đổi Hiến pháp thì chắc chắn Uỷ ban này cũng chịu sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đảng CSVN. Và khi bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi thông qua Quốc hội phê chuẩn, thì lại đến câu hỏi Quốc hội Việt nam là của ai? Điều này không nói thì ai cũng rõ. Tóm lại một khi còn tiếp tục việc bầu cử đại biểu nhân dân vào Quốc hội cơ quan Lập hiến vẫn theo kiểu công thức đảng cử dân bầu thì không bao giờ có sự thay đổi đối với chính trị ở Việt nam.
Từ vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang.
Vụ cưỡng chế hôm 24/4 gần như không được báo chí trong nước tường thuật
Mấy ngày qua sự việc tỉnh Hưng Yên ngày 24.4.2012 đã huy động lực lượng công an gồm hàng ngàn cảnh sát cơ động, giao thông, học viên các trường nghiệp vụ cùng các lực lượng an ninh, dân phòng kết hợp với đám xã hội đen tổ chức cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ nông dân tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang. Đây là phần diện tích nằm trong tổng số 72 ha sẽ giao đợt hai cho chủ đầu tư Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư để tiến hành xây dựng khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark).
Những ai đã từng là những người lính khi xem các hình ảnh của cuộc cưỡng chế này đều gợi lại cho họ những ngày máu lửa của cuộc chiến tranh năm xưa, khi một lực lượng vũ trang hùng hậu tiến hành càn quét những xóm thôn của những người nông dân hiền lành, cần cù vì bất kỳ mục đích gì. Những hình ảnh trong khói súng bắn lựu đạn cay hay hình ảnh cả chục cảnh sát “nhân dân” trong và ngoài sắc phục dùng dùi cui đánh hội đồng một người nông dân nằm lăn ra với tay không một tấc vũ khí nhưng vẫn kiên quyết hy vọng giữ lại mảnh đất vốn là tài sản của họ mà ông cha họ để lại. Điều đáng buồn là tại sao một chính quyền nhà nước nhân danh nhà nước Xã hội chủ nghĩa, với khẩu hiệu của dân, do dân và vì dân lại sử dụng dùng lực lượng vũ trang của nhân dân để cướp đất của dân cho một tổ chức kinh tế tư nhân Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) là đối tác của Savills, một tập đoàn bất động sản hàng đầu cũng của Anh đã có mặt tại Việt Nam từ thập niên 1990. Mà mục đích tất cả cuối cùng là ăp cướp tài sản ruộng đất của nông dân nhằm phục vụ cho một đối tượng khách hàng thuộc giai cấp giàu có đang lên tại Việt Nam, nhấn mạnh vào các nhu cầu hướng ngoại của họ như mua “hàng hiệu đẳng cấp, nhu cầu giải trí ẩm thực”?
Đồng ý Việt nam là một quốc gia đang phát triển, do đó việc đô thị hóa các vùng ven đô như các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao và các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang là vấn đề cần thiết. Vì tính trên bản đồ, có thể thấy thị trấn Văn Giang chỉ cách hồ Gươm khoảng 12 km trong khi điểm gần nhất của huyện này là điểm đầu của khu đô thị Ecopark cũng chỉ cách hồ Gươm khoảng 9 km theo đường chim bay. Với các cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang xây dựng, khoảng cách từ Văn Giang về Hà Nội đã và đang được rút ngắn đáng kể so với trước đây. Song việc cưỡng chế đất đai ở Văn Giang không đúng nguyên tắc, đó là “chỉ có những dự án phục vụ quốc phòng an ninh,.. nhà nước mới thu hồi đất.” và “Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thỏa thuận với dân”. Qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang cho thấy chính quyền nhà nước không làm đúng vai trò trọng tài và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người nông dân. Điều đó cho thấy ở Việt nam, pháp luật đã bị một số quan chức thuộc các nhóm lợi ích nhân danh nhà nước sẵn sàng bóp méo để trục lợi. Đó cũng là lý do vì sao người ta đã quyết liệt cưỡng chế nông dân Văn Giang đến như vậy? Trong khi giá đền bù đất cho nông dân Văn Giang chỉ ở mức bình quân khoảng 100.000 đ/m2, nhưng khi giá bán căn hộ của các nhà tư bản là 20.000.000đ/m2, còn biệt thự và nhà phố là 45.000.000đ/m2.
Điều này quả không ngoa khi trong bộ Tư bản, Marx từng trích dẫn lời nói sau đây của nhà hoạt động công đoàn người Anh T. J. Dunning: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”(*). Điều đó cho thấy chuyện chính quyền sử dụng một lực lượng vũ trang, mà theo thông tin lan truyền trên mạng cho biết chính quyền đã huy động một lực lượng lên đến 3.000 cảnh sát mặc đồng phục lẫn thường phục, dân phòng, nhân viên trật tự mang băng đỏ cùng nhiều xe ủi, sử dụng cả hơi cay để tấn công vào những người dân nằm vạ nằm vật trên đồng để bám trụ giữ đất khi tổ chức cưỡng chế ở xã Xuân Quang – huyện Văn Giang là điều cũng dễ hiểu.
Đến những phát biểu của bà ĐBQH Hoàng Yến
Cách đây mấy ngày trên trang Financial Times có bài viết “Đại Gia Việt Nam đụng độ với đảng” của nhà báo Ben Bland bình luận về sự kiện bà ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến sẽ có nhiều khả năng bị bãi nhiệm trong kỳ họp Quốc hội lần tới. Theo bài báo cho biết bà Yến có thể từng thành công trong việc xây dựng nên một gia đình giàu có nhất Việt Nam nhưng nhà doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến luôn biết rằng bước vào thế giới tối tăm của nền chính trị cao cấp trong một nhà nước độc tài độc đảng là một canh bạc. Cũng theo bản báo cho biết, điều đáng chú ý là trong một cuộc phỏng vấn thực hiện tại tầng kinh doanh trên cùng của khách sạn Melia ở Hà Nội trước đó không lâu, bà Yến đã nói với tờ FP (Financial Times) rằng “Trước khi quyết định tham gia vào Quốc hội, tôi đã biết rằng trong trường hợp xấu nhất, họ có thể tìm một cách nào đó để đuổi tôi ra”“Tôi đã sẵn sàng cho điều đó”.
Nhắc đến phát biểu của bà bà ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến cũng phải nhắc lại Điều 6 Chương I Hiến pháp Nước CH XHCN Việt nam có ghi rõ “Nhân dân làm chủ nhà nước bằng cách sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”, và Điêu 97 Chương VI “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.” Điều đó cho thấy Quốc hội Việt nam, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước CH XHCN Việt nam, do cử tri bầu ra chỉ là trò bịp bợm và trá hình. Mà trên thực tế Quốc hội và các ĐBQH là các tổ chức của đảng CSVN, do đảng CSVN và vì đảng CSVN. Bằng chứng như bà ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến đã nói “Trước khi quyết định tham gia vào Quốc hội, tôi đã biết rằng trong trường hợp xấu nhất, họ có thể tìm một cách nào đó để đuổi tôi ra” và “Tôi đã sẵn sàng cho điều đó”.
Xin hỏi họ ở đây bà ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến ám chỉ là ai, cá nhân hay tổ chức nào? Nếu không là đảng CSVN đã công khai cướp quyền làm chủ của người dân về tay họ trong một thời gian quá dài. Điều này chỉ có thể xảy ra ở thể chế dân chủ nghị viện mà các chính quyền nhà nước là chính quyền độc tài hay các chính quyền nhân danh cộng sản để có quyền làm được điều đó. Nhất là ở Việt nam, trong một nhà nước theo chế độ kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì là cơ hội vàng cho các thế lực kinh tế liên kết với thế lực chính trị liên tục sửa Luật đất đai, Luật về sử dụng tài nguyên khoáng sản… để họ dễ bề nhân danh nhà nước cấp phép cho các cá nhân và tổ chức tiến hành chiếm đoạt đất đai, tài nguyên thiên nhiên để làm giầu một cách nhanh chóng thông qua việc chuyển nhượng đất đai, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ bằng nhiều thủ đoạn. Điều đó cho thấy việc đảng CSVN giả danh nhân dân để dựng lên cái gọi là Quốc hội – cơ quan Lập pháp là một hành động cực kỳ nguy hiểm cho đời sống xã hội trước mắt và trong tương lai.
Sự hạn chế về sự hiểu biết vấn đề Dân chủ của người dân
Ở Việt nam hiện nay, không chỉ ở các phương tiện truyền thông đại chúng của nhà nước luôn ra rả, mà bất kỳ ở đâu khi bạn bước chân ra đường đều thấy nhan nhản các baner với khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Ở đây không nói tới sự vô lý trong nội dung của cái khẩu hiệu này là nhân dân làm chủ nhưng cái quyền lãnh đạo và quản lý lại trao cho thằng khác. Mà ở đây muốn nói cụm từ Nhân dân làm chủ đơn giản chính là từ Dân chủ mà nhiều người cho rằng là vấn đề nhạy cảm phải tránh đụng tới mà họ không biết rằng Hiến pháp – Luật pháp cao nhất của Nhà nước CH XHCN Việt nam đã khẳng định quyền làm chủ của người dân. Nhưng từ Dân chủ lâu nay đã bị truyền thông nhà nước cố tình xuyên tạc để biến nó thành một từ để dành những kẻ bị coi là phản động chống lại chính quyền, có nghĩa là chứng tỏ chính quyền ở Việt nam hiện nay là chính quyền phi dân chủ nếu không muốn nói một cách chính xác là chính quyền độc tài toàn trị và phản động.
Một thực tế hiện nay, ở Việt nam rất ít người hiểu đúng về khái niệm Dân chủ kể cả thành phần trí thức có điều kiện tiếp cận với các luồng thông tin. Hầu hết họ đều hiểu Dân chủ chỉ đơn giản có nghĩa là người dân thực sự dùng quyền cử tri của mình để lựa chọn các đại biểu đại diện cho mình vào làm việc trong cơ quan Lập pháp trong một cuộc bầu cử tự do, công bằng, đa đảng chính trị tham gia… Nếu chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy thì cử tri chỉ phát huy quyền làm chủ của mình trong thời gian từ 2-3 phút trong mỗi nhiệm kỳ bầu cử 5 năm khi đi bỏ phiếu bầu chọn lựa ĐBQH. Đây là những suy nghĩ sai lầm rất cơ bản, mà vấn đề Dân chủ phải được hiểu đồng nghĩa với những đại biểu của nhân dân phải thực sự của nhân dân bầu ra, để thay mặt nhân dân trong công việc của cơ quan lập pháp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Như trong việc quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên của quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý cũng là một trong những ví dụ thiết thực.
Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân (Điều 17 – Chương I, Hiến pháp 1992). Và về đất đai thì quyền sử dụng đất của người dân được ghi trong Hiến pháp: Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài (Điều 18 – Chương I, Hiến pháp 1992). Nhưng trên thực tế chúng ta thấy một số kẻ đã giàu lên nhanh chóng thông qua sự liên kết của những nhóm quyền lực kinh tế kết hợp với quyền lực chính trị để mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù, mau lẹ và dễ dàng bằng đất đai hay tài nguyên thiên nhiên. Bằng các hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất rừng, đất có các mỏ khoáng sản hay bằng các dự án bất động sản như khu đô thị Ecopark – Văn Giang là một ví dụ. Để rồi đền bù cho dân 1 để rồi bán thu lãi gấp hàng trăm lần. Các khoản thu nhập bất minh đó chảy vào túi những ai hẳn ai ai cũng rõ, vì thế việc chính quyền tỉnh Hưng Yên huy động hàng ngàn công an trang bị võ trang đến tận răng, đánh đập những người nông dân chủ đất, cày xới mổ mả tổ tiên của họ để ăn cướp đất vì quyền lợi của một nhóm nhỏ những cá nhân và các ông chủ người Việt và tư bản nước ngoài. Nếu không có sự chống lưng của một nhóm lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN và chính quyền của họ, thì liệu sự việc trên có thể diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật ở Văn Giang một nơi cách trung tâm thủ đô Hà nội không quá 10 km được hay không?
Trở lại vấn đề đại biểu của nhân dân (ĐBQH) trong cơ quan Lập pháp – Quốc hội, trong một cuộc bầu cử trung thực, công bằng và bình đăng có nhiều đảng phái tham gia thì một điều chắc chắn cử tri sẽ không bao giờ lựa chọn các đại biểu đi ngược lại quyền lợi trực tiếp của họ. Cử tri nông dân sẽ dứt khoát không lựa chọn đại biểu của họ là những người ủng hộ việc cướp đất của nông dân giao cho các ông chủ tư bản, cử tri là công nhân sẽ dứt khoát không lựa chọn đại biểu của họ là những người ủng hộ việc chống công nhân đình công đòi hỏi quyền lợi của người lao động, cử tri là thương nhân hay người buôn bán sẽ không lựa chọn đại biểu của họ là những người ủng hộ nền kinh tế không có sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hay kinh tế tư bản thân hữu v.v…
Kết
Nhiều người trong số bạn bè tôi trước đây vẫn cổ súy và bảo lưu ý kiến ủng hộ cho chế độ độc đảng ở Việt nam, vì theo họ có dân chủ đa đảng sẽ dẫn tới tình trạng xã hội hỗn loạn. Sở dĩ như vậy cũng bởi họ nhìn nhận hai chữ dân chủ chỉ đơn giản là có đa đảng chính trị trong Quốc hội, mà bản thân họ không thấy hết vai trò của việc có đa đảng chính trị ngoài tác dụng kích thích sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị mà mục tiêu cao nhất là để phục vụ và vì nhân dân, những người dùng lá phiếu đưa họ vào Quốc hội. Mà cái đó nó còn là phương tiện và công cụ hữu hiệu của người dân trong việc kiểm tra và điều chỉnh công việc lập pháp của các đại biểu Quốc hội nhằm giảm thiểu sự lạm dụng quyền lực của các nhóm lợi ích trong việc ban hành các văn bản pháp luật mang tính trục lợi cho nhóm lợi ích của họ.
Nhưng đến nay, qua các sự việc Tiên Lãng, Văn Giang hay sự giàu lên nhanh chóng đến khó hiểu của một số cá nhân cấu kết với các quan chức nhà nước thì họ đã hiểu rằng nếu có đa đảng chính trị thì chắc chắn sau sự kiện cưỡng chế trái pháp luật ở Tiên lãng, phe đối lập và báo chí sẽ không để yên cho xảy ra vụ cưỡng chế ở Văn Giang ngày 24.4.2012. Đó là điều chắc chắn. Đơn giản vì chính đảng cầm quyền nếu chỉ vì lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì trong kỳ bầu cử sau không ai sẽ lựa chọn họ, đó là một thử thách của những người lãnh đạo chính đảng cầm quyền. Họ sẽ phải đắn đo, thận trọng trong việc lựa chọn giữa các lợi ích của nhân dân và của cá nhân trong khi ra các quyết định, nhất là khi họ đang chịu áp lực nặng nề của phe đối lập, truyền thông và dư luận xã hội.
Đơn giản vì trong xã hội dân chủ thì người dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ ngay chính bản thân mình. Còn các nhà lãnh đạo hay các chính trị gia luôn luôn thực sự là những kẻ tôi tớ trung thành của nhân dân với nghĩa vụ phụng sự nhân dân hết mình.
Hà nội, ngày 02 tháng 5 năm 2012
Kami
————
Chú thích:
* Các Mác, Tư bản, tập I, quyển I, phần 2, Chương XXIV, Nxb Tiến bộ – Mat-xcơ-va, Nxb Sự Thật – Hà nội, 1984, tr. 315, chú thích số 250.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét