Trang

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Nạn Bằng Cấp Giả

Bạn thân,
Có cách nào để tận diệt nạn bằng cấp giả? Nhìn đi nhìn lại, ai cũng thấy thực sự là khó đối với trường hợp Việt Nam. Trừ phi là thay đổi tận gốc cơ cấu tiến thân của các tài năng đất nước.

Sẽ có một số ngành nghề không cần nhiều tới bằng cấp, thí dụ như ca sĩ, kịch sĩ, và các nghề tương tự cần nhiều năng lực thiên phú. Nhưng thực tế, những nghệ sĩ có năng lực thiên phú đó nếu theo học chính quy trường lớp thì vẫn tự có cách vượt thắng những giới hạn riêng của mình. Bởi vì tăng được kiến thức, là sẽ thêm được cơ hội thăng tiến, vì ông bà mình nói, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Nghĩa là, vốn học không bao giờ là vô ích.


Tuy nhiên, tại VN, bằng cấp giả là một trong các chìa khóa để vào công quyền, và từ quyền lực nhà nước mới có cơ hội để kiếm tiền dễ dàng.

Bản tin trên thông tấn Người Đưa Tin hôm Thứ Hai có nhan đề “Cách chức khó "tận diệt" được nạn bằng cấp giả” đã ghi nhận:

“...Từ lâu, chuyện lạm dụng bằng cấp giả để thăng tiến là một vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức năng nhà nước.

Mới đây, Chính phủ đã sửa đổi quy định xử phạt tội danh này lên một mức nghiêm khắc hơn. Đó là cách chức và khởi tố các cán bộ có hành vi sử dụng bằng cấp giả. Tuy nhiên, dư luận tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của quy định mới này.”

Đặc biệt, một cán bộ ẩn danh nói với thông tấn Người Đưa Tin về một bí mật xã hội chủ nghĩa rằng, bằng cấp giả vẫn là tiện lợi để cho Đảng CSVN hợp pháp hóa đưa các cán bộ trong “diện quy hoạch” lên các cức vụ sắp sẵn.

Bản tin ghi rõ:
“Một số trường hợp có thể châm chước

Một chuyên gia xã hội học nhận định: "Chuyện cán bộ, công chức sử dụng bằng giả để thăng quan, tiến chức khó có thể nhận được sự chấp thuận của dư luận. Tuy nhiên, thực tế có nhiều "quan" vẫn "sống sót" do "nương tựa" vào bằng cấp. Nhưng cũng có một số cán bộ, có năng lực nằm trong diện "quy hoạch". ở thời điểm được bổ nhiệm, họ lại chưa có đủ điều kiện (như thiếu bằng cấp, chứng chỉ…) vì lý do chưa sắp xếp được thời gian đi học. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Không phải bất cứ ai trong số họ cũng mượn chiêu "lập lờ đánh lận con đen". Theo tôi, trong trường hợp này, chuyện "mượn", "tạm ứng" bằng vì sợ đánh mất cơ hội, vì chưa kịp đi học cũng có thể châm chước được?!"...”

Như thế, Đảng CSVN đã lặng lẽ chấp thuận bằng cấp giả để đưa cán bộ quy hoạch vào chỗ đã cơ cấu mà không bị dân thắc mắc.

Đó là lý do vì sao bằng giả tập trung là cán bộ. Do vậy, Người Đưa Tin ghi theo lời GS.Phạm Minh Hạc: "Năm 2001, Bộ GD &ĐT phát động phong trào thanh tra bằng giả, đưa thành chủ trương của ngành. Đến năm 2005, sau 4 năm, đã phát hiện được 10.000 bằng giả. Số bằng giả này chủ yếu tập trung ở công chức nhà nước trong đó có cả cán bộ ở cấp Trung ương... Động cơ là kiếm "cái ghế"...”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét