Công an Long An đang tiến hành điều tra nguyên nhân một lão nông treo cổ tự tử: Ông Trần Văn Mỹ, nông dân nuôi heo, hộ cận nghèo. Tiền của tập trung cả vào đàn heo. Mới rồi bầy heo dính bệnh lăn ra chết, người nông dân khốn khổ rơi xuống hố nghèo, mắc thêm căn bệnh “đứt vốn, lụn nợ” hiểm nghèo. Điều gì sẽ xảy ra với những con nợ? Bị bắt cóc tra tấn. Bị khủng bố tinh thần. Bị trói nghiến rồi đem đốt sống như ở TP HCM. Hay một sợi dây thừng. Có lẽ người nông dân già đã chặc lưỡi. “Tìm ba ngoài gốc cây mù u, cạnh chuồng heo”- đây là những dòng tuyệt mệnh trước “dấu chấm hết cuối cùng” của người nông dân khốn khổ. Dường như cái chết của mỗi một cá nhân khi cùng quẫn, không lối thoát, là một nét cọ tối màu vẽ nên cái gọi là “bi kịch xã hội”.
Hôm rồi, một quan chức ngành công an cho biết dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế đã tác động mạnh đến hoạt động của các loại tội phạm. Băng nhóm bảo kê, bắt cóc xiết nợ, tống tiền.. mọc như nấm sau mưa do ảnh hưởng từ các vụ vỡ nợ “tín dụng đen”. 8 vụ bắt cóc, siết nợ đã xảy ra. Đến bây giờ, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng xung quanh vụ “thiêu sống con nợ” xảy ra ở TP HCM tháng trước.
Vì thế, đừng mong những “gốc cây mù u” chỉ là sự cá biệt. Chỉ số giá tháng 4 đang ghi nhận sự khốn quẫn của người nông dân khi nhóm giá hàng hóa lương thực thực phẩm giảm 0.08 điểm phần trăm. Dịch cúm ở gà. Dịch “siêu nạc” ở heo. Dịch “lở mồm” với nỗi oan của cá. Ngay cả khi thóc lúa được mùa cũng làm nên một thứ “dịch bệnh” triền miên “được mùa mất giá”. Nếu như chỉ số giá, ở bình diện chung, đang phản ánh chất lượng ngày càng thảm hại của những đồng tiền trong túi người dân, thì với nông dân nói riêng, nó còn là thứ ăn dần ăn mòn những đồng tiền đầy mồ hôi tưởng rằng đã không thể còm hơn.
CPI tháng 4 đang cười nhạo những dự báo. Đơn giản là những dự báo ấy không lường được sự đuối sức của người mua. Một sự đuối sức hoàn toàn không giống với “biểu hiện của một thứ phản ứng”, mà là một “tình trạng bệnh lý”.
“Đuối sức” là từ mà TS Lê Đăng Doanh hồi hôm đã dùng để chỉ tình trạng người dân ngoảnh mặt với hàng hóa. Suy cho cùng, sự đuối, hay kiệt sức là hậu quả của một logic đơn giản: Nền kinh tế suy thoái, sản xuất đình đốn- DN phá sản, giải thể hoặc cầm chừng- Người lao động không lương- Thu nhập của người dân giảm- Cắt giảm chi tiêu- đúng hơn là hết tiền để chi tiêu. Và điểm đầu của “chuỗi thức ăn”, những người tạo ra heo gà, thóc, muối đương nhiên chịu “thảm họa kép” khi vừa không có tiền mua hàng, vừa không bán được hàng, trong khi thuế phí thì cả quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn phải nộp “đều như vắt chanh”.
Sức mua của nền kinh tế, ở một nghĩa nào đó, cũng chính là sức dân vậy.
Hôm qua, “sức dân” có vẻ lại tiếp tục đặt trước một cơn sóng ngầm mới. Thông tin từ Tuổi trẻ cho biết “Bộ trưởng hành động” Đinh La Thăng chính thức phê duyệt một đề án cho riêng ngành giao thông với tổng chi phí lên tới 223.000 tỷ đồng. 12.174 tỷ trong số này được dùng để đầu tư trụ sở. Yếu tố “đầu tiên” sẽ được lấy 40% từ nguồn ngân sách nhà nước. 60% còn lại thì dãn nhãn “xã hội”.
“Xã hội” là gì nhỉ? Không lẽ lại có một thứ “xã hội” phi dân chúng ?
Hôm Bộ trưởng Thăng “đi thi” trước Ủy ban Pháp luật, đại biểu QH Phùng Văn Hùng khi chất vấn về “phí hạn chế phương tiện” đã đặt câu hỏi: Phải chăng cách dễ dàng nhất hiện nay là thu tiền của dân?
Đây đáng ra phải là lời khẳng định.
Có khi nào trụ sở của Bộ GTVT được xây dựng bằng những thân gỗ mù u?
Có khi nào sẽ lại có những dòng tuyệt bút “tìm cha dưới gốc tre”?
Đào Tuấn
26-04-2012
Theo Blog Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét