Trang

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Trung Quốc: con rồng già đang thức giấc

Con rồng
Từ xưa, người Trung Hoa đã tự coi mình là trung tâm tinh hoa của nhân loại, coi vua của mình là thiên tử, coi khắp thế giới đều là thiên hạ của nhà vua, thế giới cũng chẳng khác gì cái gậm giường của vua Trung Quốc. Dĩ nhiên, người Trung Quốc không phải chỉ có nói không, họ thực sự là trung tâm của thế giới.
Vào lúc Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, lập nên 1 đất nước rộng lớn vào năm 221 Trước Công Nguyên (TCN) thì các nước phương Tây vẫn đang trong thời kỳ thành bang Hy Lạp. Và đến thời Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh tổng sản lượng quốc gia của nước này đã chiếm 1/3 tổng sản lượng thế giới. Rõ ràng, thời kỳ phong kiến rực rỡ của Trung Hoa đã làm lu mờ hết thảy mọi quốc gia khác. Họ tự coi mình là tinh hoa, còn các dân tộc khác là man di mọi rợ. Cũng phải thôi khi người Trung Hoa, với lịch sử hàng ngàn năm, đã trở thành người sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa của thế giới. Chính Hòa tìm ra châu Mỹ trước Colombo, người Trung Hoa đã có tứ đại phát minh làm thay đổi cả thế giới. Vào thời kỳ phong kiến, người châu Âu luôn phải kính nể Trung Quốc.

Trải qua thời kỳ lịch sử đầy biến động, bị các nước tư bản xâu xé và xâm chiếm, Trung Quốc đã đánh mất vị trí trung tâm của mình, nhưng như thế không có nghĩa là họ chấp nhận coi đứng đầu thế giới chỉ là những hồi ức của một thời đẹp đã qua. Người Trung Quốc đã luôn nung nấu ý định trở thành trung tâm thế giới.
Những nhân vật như Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, không ai là không có quyết tâm đưa Trung Quốc quay trở lại vị trí dẫn đầu thế giới. Thời kỳ của Tôn Trung Sơn, Trung Quốc bị các nước đế quốc xâu xé, thậm chí còn bị một nước phiên thuộc chịu triều cống suốt bao năm là Nhật Bản đô hộ, vậy mà ông vẫn nuôi mơ ước đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới. Và rồi đến Mao Trạch Đông, ông còn đi xa hơn khi lập kế hoạch “Đại nhảy vọt” với khẩu hiệu “đuổi kịp Anh, vượt qua Mỹ, thi đua với Liên Xô” về sản xuất gang thép hay thực hiện “5 năm đuổi kịp Anh, 7 năm đuổi kịp Mỹ”. Mặc dù kế hoạch này thất bại thảm hại khi Trung Quốc sau 20 năm sắt thép nhiều hơn lương thực, nhưng cũng phải khâm phục ý chí ngông cuồng vĩ đại của Mao. Sau này, các lãnh đạo Trung Quốc tuy không đưa ra những kế hoạch khủng khiếp như của Mao nữa nhưng nhìn chung vẫn còn quyết tâm đứng đầu thế giới.

Con rồng đã thức giấc


Biểu tượng Rồng Trung Quốc được thể hiện qua bộ tem kỷ niệm năm con Rồng được Cục Bưu chính Trung Quốc mới phát hành.
Trung Quốc hiện nay có thể coi là quán quân của thế giới: nước có tốc độ phát triển nhanh nhất (9,7% kể từ thập niên 70), dân số đông nhất, công ty PetroChina là công ty lớn nhất thế giới, dự trữ nhiều ngoại tệ nhất, nước xuất khẩu lớn nhất, nước đầu tư nhiều tiền cho xây dựng nhất, nước có nhiều cử nhân nhất, và nước tiêu dùng năng lượng nhiều nhất. Cộng với việc thu nhập quốc dân đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc dường như đang tiến nhanh tới ngai vàng của mình. Không chỉ làm chủ các con số hoành tráng, Trung Quốc đang bắt đầu giành giật ảnh hưởng với Hoa Kỳ, trước hết là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, họ đã trở thành đối tác quan trọng nhất của nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Philippines. Mới đây nhất, Philippines đã dẫn độ 14 tội phạm người Đài Loan về Trung Quốc, một động thái cho thấy nước này đang ngày càng xu nịnh “thiên triều” hơn. Trung Quốc có vẻ có được thiện cảm lớn từ châu Phi, nơi Mỹ đã bỏ quên bao năm. Họ cũng cho Mỹ thấy rằng nếu không có họ thì vấn đề Triều Tiên không thể giải quyết được. Trung Quốc dường như đã kiếm được cho mình một đồng minh quân sự đắc lực vốn dựa hoàn toàn vào Trung Quốc. Hiện nay, Triểu Tiên sở hữu quân đội có thể nói là vào hàng mạnh nhất khu vực. Không chỉ tranh giành ảnh hưởng với Mỹ tại châu Á, Trung Quốc còn đang tiến tới Nam Mỹ, nơi vẫn được coi là sân sau của Hoa Kỳ, trước hết là để thỏa mãn cơn khát dầu mỏ. Có lẽ trong năm tới, nước Mỹ sẽ phải thấy ít nhất 10% lượng dầu đáng nhẽ ra nhập vào nước họ lại chảy qua Trung Quốc. Nhiều người đã bắt đầu kêu gào về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Con rồng đã già

Nói đi cũng phải nói lại, với dân số hơn 1,3 tỉ người như hiện nay, mặc dù có tổng thu nhập đứng thứ 2 thế giới nhưng Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ 90 về thu nhập bình quân. Và người ta vẫn than phiền về sự thiếu dân chủ, minh bạch trong hệ thống lãnh đạo Trung Quốc cũng như sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn khiến hình ảnh nước này, như đa phần các nước châu Á khác, trở nên lệch lạc. Người ta vẫn gọi đội ngũ lao động trẻ của Trung Quốc là những đoàn quân kiến, khi họ đổ xô về các thành phố lớn, vắt kiệt sức lao động của mình để đổi lấy mức lương vừa đủ sống kham khổ. Nếu không kể đến các con số Trung Quốc dường như chẳng có vẻ gì là 1 lãnh đạo của thế giới cả.
Mặc dù là nhà máy sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới, một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc không được thế giới tin tưởng về chất lượng hàng hóa của mỉnh. Họ cũng đang từng bước hiện đại hóa quân đội nhưng nhìn chung quân đội nước này số lượng áp đảo chất lượng, vũ khí của họ lạc hậu hơn của Mỹ tới vài chục năm là ít nhất.
Dường như bản thân Trung Quốc cũng nhận biết được thế yếu của mình, và với bản tính thâm nho từ ngàn xưa, người Trung Quốc đang lợi dụng điểm yếu này một cách triệt để. Mặc dù là nước xả nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất, nhưng Trung Quốc lại lập luận rằng tính bình quân đầu người thì dân nước họ không làm bẩn bầu khí quyển nhiều như Anh hay Mỹ. Cũng núp sau cái vỏ nước đang phát triển, Trung Quốc từ chối phần lớn các nghĩa vụ tài chính quốc tế mà một cường quốc phải làm.
Người Trung Quốc xưa nay vẫn thích thú với quan điểm “vô vi nhi trị” gắn với vua Thuấn, vua Nghiêu, hai vị vua mẫu mực trong truyền thuyết hàng ngàn năm của họ, vốn dĩ chỉ tu thân cho tốt là có thể khiến thiên hạ thái bình. Giờ đây, dường như người Trung Hoa đang cố thuyết phục thế giới rằng vương đạo của họ chính là ở chỗ họ sẽ học tập theo những vị vua trong truyền thuyết.
Có thể thấy rằng, qua một thời kỳ dài bị coi là một đế chế cổ lỗ sĩ với những bức tường văn hóa khổng lồ che đậy một thực tế đáng buồn là nền kinh tế kém phát triển, Trung Quốc cuối cùng cũng chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ đang quay lại chuỗi ngày huy hoàng làm cái rốn của thế giới. Có lẽ, con rồng Trung Hoa đã thực sự thức giấc, nhưng, qua bao nhiêu năm ngủ vùi, ngày nay, có lẽ không chỉ bản thân nó mà cả thế giới đều nhận thấy rằng nó đã già yếu rồi, có thể đến một lúc nào đó, con rồng này sẽ hồi phục, nhưng đó chắc chắn không phải là tương lai gần.
Quách Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét