Từ vài ngày nay, một loạt số điện thoại hòa mạng Viễn thông quân đội Viettel
của người dân Văn Giang đã không thể liên lạc được.
Trong khi đó số điện thoại bàn hòa mạng Viettel của cụ bà Lê Hiền Đức cũng
gặp tình trạng tương tự. Việt Hà có bài tường trình.
Sự trùng hợp của một số người bị cắt điện thoại
Vào sáng ngày hôm nay, công dân đấu tranh chống tham nhũng, bà Lê Hiền Đức
cho chúng tôi biết số điện thoại để bàn hòa mạng Viettel của bà đã bị khóa không
rõ nguyên nhân suốt từ ngày 30 tháng 4 tới nay. Đây là số điện thoại được bà Lê
Hiền Đức sử dụng để liên lạc với những dân oan ở khắp nơi, trong đó có nhiều
nông dân huyện Văn Giang. Trả lời qua điện thoại di động với chúng tôi vào sáng
ngày 2 tháng 5, bà Lê Hiền Đức bức xúc nói:
Bà Lê Hiền Đức: ngày 30 tháng 4 bác gọi điện thoại nhưng không thực hiện được
và tổng đài nói là số máy này đã bị khóa. Ngay chiều 30 tháng 4 bác đã gọi điện
cho lãnh đạo của hãng vì ít nhất nếu anh khóa của tôi thì anh phải có thông báo.
Trong khi đó bác gọi cho mấy số di động của Viettel của bà con Văn Giang thì 5
số bác gọi đều không liên lạc được. Bác không hiểu sao.
Người phụ trách Viettel tại Hà Nội hứa sẽ điều tra và sớm trả lời cho bà Lê
Hiền Đức biết kết quả trong ngày 2 tháng 5.
Bà Lê Hiền Đức cho biết bà không hề nợ tiền của Viettel và số máy này đã được
sử dụng nhiều tháng qua mà không có trục trặc gì. Viettel cũng không có văn bản
thông báo hay trực tiếp gọi điện nói chuyện với bà Đức về việc khóa máy đột xuất
này. Bà Lê Hiền Đức nghi ngờ việc khóa máy này có liên quan đến vụ cưỡng chế đất
tại Văn Giang hôm 24 tháng 4 vừa qua. Bà cho biết:
Bà Lê Hiền Đức: Bác nghi đây là một hành động đen tối bởi vì
vì lý do gì mà khóa thì phải thông báo với tôi bằng văn bản, bằng điện thoại
hoặc đến gặp trực tiếp mà cả 3 cách đều không thực hiện. Tôi nghi như thế bởi
trước đây máy đó không bao giờ có trục trặc. Bác nghi vì vụ Văn Giang mà nó khóa
bác. Chính vì bác liên lạc với những người dân Văn giang cũng bằng số sim của
Viettel thì đều không liên lạc được.
Đài Á châu Tự do cũng đã tìm cách liên hệ với một số số điện thoại Viettel
của một số nông dân Văn Giang và cũng không có tín hiệu trả lời. Sau nhiều lần
thử nhiều số khác nhau, cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được với một người dân
ở huyện Văn Giang. Chị dè dặt cho biết:
Người dân giấu tên: Bây giờ là tổng đài khóa hết máy rồi,
máy tôi hôm qua con tôi phản đối kịch liệt lên tổng đài thì mới được nhưng bây
giờ muốn liên lạc thì chưa vội vì nó đang theo dõi.
Vào ngày 24 tháng 4, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã huy động hàng nghìn công an
và bộ đội đến cưỡng chế hơn 70 ha ruộng thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang,
giữa những phản đối quyết liệt của người dân địa phương. Bà Lê Hiền Đức cũng đã
có mặt tại Văn Giang vào ngày xảy ra cưỡng chế. Bà Lê Hiền Đức cùng một số người
dân Văn Giang đã trả lời phỏng vấn đài Á châu tự do cùng các hãng tin khác qua
điện thoại về vụ việc cưỡng chế này.
Từ nhiều tháng qua, bà Lê Hiền Đức cũng đã cùng người dân Văn Giang đi gặp
các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương để khiếu nại về quyết định
cưỡng chế đất của huyện Văn Giang nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Cũng liên quan đến vụ cưỡng chế đất Văn Giang, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã
bắt 20 người dân phản đối vụ cưỡng chế vào ngày 24 tháng 4. Đã có 15 người được
thả sau đó vài ngày nhưng hiện vẫn còn 5 người đang bị giam giữ, trong đó có 4
người thuộc xã Phụng Công, 1 người thuộc xã Xuân Quan. Một người dân huyện Văn
Giang cho biết gia đình của những người này hiện vẫn chưa được gặp người thân
của mình.
Người dân giấu tên: gia đình họ cũng như bọn tôi. Xóm tôi có
bà Vinh bị bắt thì gia đình cũng không liên hệ được gì mà cũng chả biết ở đâu.
Giấy tạm giam của tỉnh thì nói là tạm giữ ở công an tỉnh Hưng Yên nhưng gia đình
có liên hệ được đâu, không được gặp. Có đi xuống đó gặp thì họ cũng không cho
gặp.
Vụ cưỡng chế đất ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang
là một trong nhiều vụ việc thu hồi cưỡng chế đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ
phát triển các khu công nghiệp và dịch vụ tại Việt Nam. Trong một số trường hợp
đã xảy ra xung đột giữa lực lượng cưỡng chế và người dân. Chính quyền thường
ghép những người bị bắt giữ trong các vụ cưỡng chế vào tội chống người thi hành
công vụ.
Nguồn: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét