Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

LS Trần Vũ Hải: 'Giao đất cho Ecopark là trái luật'

HÀ NỘI (NV) - Hai văn bản, một của UBND tỉnh Hưng Yên và một của ông phó thủ tướng chính phủ, vừa được hai Luật Sư Trần Vũ Hải và Lưu Vũ Anh dùng làm căn cứ để nêu vấn đề cho thấy quyết định giao đất Văn Giang cho công ty Việt Hưng là quyết định trái luật và có nhiều dấu hiệu mờ ám.



Dân huyện Văn Giang biểu tình ngồi, đòi hỏi công lý. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)


Ngày 4 tháng 5, trang blog xuandienhannom của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện phổ biến bức thư của hai Luật Sư Trần Vũ Hải và Lưu Vũ Anh gửi cho ông Ðặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam, về những đặc điểm của vụ giao đất hơn 5.4 triệu m2 đất của 9 xã và một thị xã của hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên.

Ðây chỉ là một bức thư trao đổi, một bên là luật sư và một bên là nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, nhưng dựa vào đó, người ta thấy vừa ngỡ ngàng và không khỏi nghi ngờ về những sự mờ ám nào đó, đem lợi lộc tiền bạc cho những ai đó.

Ông Ðặng Hùng Võ phát biểu trên đài BBC ngày 28 tháng 4 là vụ cưỡng chế ở xã Xuân Quan huyện Văn Giang là “đúng luật.” Nhà cầm quyền muốn xây dựng một đoạn đường liên tỉnh từ Văn Giang tới Hà Nội nhưng không muốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước nên đã cho phép một công ty tư nhân lập dự án xây nhà để bán. Ðổi lại, công ty tư nhân này phải xây dựng đường lộ thay cho chính phủ. Ðây là sự trao đổi mà mang tính công ích mà người dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao của huyện Văn Giang phải chịu mất nghiệp. Nhiều gia đình đã bị tước đoạt mất ruộng lúa, ao cá, vườn ương cây cảnh và đổi lại được đền bù bằng những số tiền nhỏ, không đủ để mua một cái nền nhà ở chỗ khác để ở, chưa nói tới chuyện đầu tư sản xuất để sinh sống.

Có 166 gia đình đã không chấp nhận lấy tiền đền bù nên đã xảy ra vụ cưỡng chế mà nhà cầm quyền trung ương và địa phương phối hợp với nhau đưa 3,000 Công an, Cảnh sát Cơ động và cán bộ tới đàn áp.

Qua bức thư, 2 Luật Sư Trần Vũ Hải và Lưu Vũ Anh trình bày, người ta thấy UBND tỉnh Hưng Yên gửi tờ trình số 704 ngày 28 tháng 6, 2004 xin chính phủ “thu hồi đất, giao cho công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Ðô Thị Thương Mại-Du Lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên-Hà Nội.” Chỉ hai ngày sau, tức ngày 30 tháng 6, 2004, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc này là phó thủ tướng (ông leo lên ghế thủ tướng năm 2006) ký (thay mặt ông Thủ Tướng Phan Văn Khải) “Quyết định của thủ tướng chính phủ” giao đất. Ðây là sự quyết định theo một tốc độ “kỷ lục” với sự đề nghị của Bộ Tài Nguyên Môi Trường ngày 29 tháng 6, 2004.

Theo các Luật Sư Hải và Anh, ông Phan Văn Khải hay ông Nguyễn Tấn Dũng “không phải là người có thẩm quyền giao đất. Ðúng ra “trường hợp chính phủ giao đất, việc này sẽ được quyết định trong một cuộc họp của chính phủ hoặc được lấy ý kiến bằng văn bản đầy đủ từ ý kiến của các thành viên chính phủ. Nếu đa số thành viên đồng ý, thủ tướng ký quyết định giao đất nhân danh chính phủ (gọi là quyết định giao đất của chính phủ không gọi là quyết định giao đất của thủ tướng chính phủ như văn bản 742/QÐ-TTg nêu trên.)

Như vậy, quyết định thu hồi đất nêu trên không do cơ quan có thẩm quyền theo Luật Ðất Ðai 1993 ban hành, nói cách khác quyết định này được ban hành trái thẩm quyền. Một quyết định ban hành trái thẩm quyền không phải là một quyết định đúng luật.”

Một điểm đáng để ý là ngày ông Nguyễn Tấn Dũng ký “Quyết định giao đất” là ngày cuối cùng có hiệu lực áp dụng của Luật Ðất Ðai có từ năm 1993 và được sửa đổi vào các năm 1998 và 2001. Từ ngày 1 tháng 7, 2004 thì phải áp dụng Luật Ðất Ðai mới (2003) đã được Quốc Hội thông qua.

Trong quyết định giao đất do ông Nguyễn Tấn Dũng ký, không thấy xác định giao đất cho ai, dù là cá nhân hay tổ chức, mà chỉ nói chung chung thu hồi diện tích hơn 5.4 triệu m2 đất nói trên rồi “giao cho chủ đầu tư,” như cái kiểu cướp đất của dân giao “khống.”

Theo hai luật sư, quyết định như vậy là “ủy quyền cho cấp dưới lựa chọn người được giao đất.” Ðúng luật là phải nêu rõ tên người hay tổ chức được giao và theo điều 25 của Luật Ðất Ðai 1993 (sửa đổi 1998 và 2001) thì “Cơ quan có thẩm quyền giao đất (trường hợp này là chính phủ) không được ủy quyền cho cấp dưới (tức ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp này).”

Nói khác, “Thực tế Công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển Ðô thị Việt Hưng chưa được ghi tên tại một quyết định giao đất hợp pháp nào. Như vậy quyết định giao đất trên có thiếu sót nghiêm trọng và không phù hợp với Ðiều 25 Luật Ðất Ðai 1993 nêu trên.”


Trang cuối có chữ ký của ông Nguyễn Tấn Dũng (khi còn là phó thủ tướng) của bản “Quyết định” giao đất cho một đối tượng không biết là ai. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)


Trong bức thư hai luật sư còn nêu ra cho thấy ngày 18 tháng 6, 2004, Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư có văn bản cho biết, “Phương án đền bù giải phóng mặt bằng dự án chưa bảo đảm tính khả thi; hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư, khả năng tài chính cho việc thực hiện dự án... chưa đủ.”

Thêm nữa, cái công ty Việt Hưng “tại thời điểm ngày 30 tháng 6, 2004, (được coi là chủ đầu tư dự án này) chưa quá 10 tháng hoạt động. Một quyết định giao đất cho đối tượng chưa đủ điều kiện được giao đất rõ ràng không phải là một quyết định đúng luật.”

Từ đây, người ta đặt nghi vấn, công ty Việt Hưng là “sân sau” làm ăn của ông nào hay những ông bà nào mà được chấp thuận “giao đất” trái luật dù đây chỉ là một công ty mới được thành lập (có thể vội vã) để chớp thời cơ? Tiền bạc góp vốn góp cổ phần của cái công ty Việt Hưng này đến từ đâu? Mà lúc đó công ty Việt Hưng đã có tiền chưa? Chắc là chưa có bao nhiêu cho một dự án rất lớn nên mới bị Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư nghi ngờ khả năng.

Nếu giải đáp được những điều bí ẩn này, những bộ hài cốt của các người đã bị công ty Việt Hưng cho xe cơ giới cày xới, hất tung tóe ở cánh đồng xã Xuân Quan hôm 24 tháng 4, 2012 có được câu trả lời vì sao nên nông nỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét