Trang

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Nên dựng tượng đài mỹ nữ trên đảo Song Tử Tây



Gần đây báo Việt Nam đưa tin Việt Nam vừa cho dựng tượng Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây. Nghe ra thì hay lắm nhưng thực sự là không hợp lý về mặt tình tiết. Đức Thánh Trần đối với đảo Song Tử Tây là quá xa rời về mặt thời sự đại diện hai giai đoạn lịch sử khác biệt. Việt Nam cũng cho xây chùa trên các đảo ở Trường Sa, rước sư ra đó trụ trì coi như mà một dạng “trấn quốc tự” dưới vỏ bọc của tự tình Phật Giáo.
Nhưng hiện nay, vấn đề chính là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa tranh chấp với Trung Quốc. Việt Nam có đòi lại được Hoàng Sa từ tay Trung Quốc hay không chứ ra ngoài Trường Sa mà dựng tượng đài kiểu trấn quốc với Phi Luật Tân trên chẳng qua là một biện pháp tránh né đối phương chính là Trung Quốc, mang đầy tính chất dối lòng.
Cũng trong không khí vui buồn trân trối chuyện kẻ thắng người thua của 37 năm về trước, báo Thanh Niên ở Việt Nam ra bài “Mítting kỷ niêm 37 năm ngày giải phóng Trường Sa” – trong đó có đoạn: “Cách đây 37 năm, với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, Quân chủng Hải quân Việt Nam đã mở các cuộc tấn công, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa… góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam…”
Nếu nói giải phóng thì hôm ấy nhằm lúc “Quân chủng Hải quân Việt Nam” ra khơi sao không tiện đường “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ” làm tới luôn Hoàng Sa cho trọn vẹn giang san.
Địa lý Song Tử Tây
Lại nhắc về hòn đảo Song Tử Tây mà đang có trong tay là một câu chuyện ly kỳ khác không liên quan gì đến việc phô trương chuyện giải phóng vào năm 1975. Thực sự, Song Tử Tây về tay Việt Nam làm sao là một đề tài quan trọng ít người biết đến.
Song Tử Tây thực ra là một hòn đảo lớn thứ sáu trong quần đảo Trường Sa. Cùng với Song Tử Đông có diện tích và hình dạng tương đương nằm kề nhau hợp thành hệ thống Song Tử có nghĩa là hai hòn sinh đôi.
Tên tiếng Anh định hướng hai hòn đảo này có hơi khác biệt, Song Tử Tây (Southwest Cay) và Song Tử Đông (Northeast Cay) và tên tiếng Trung Quốc (ăn theo) gọi là Bắc Tử và Nam Tử. Ngày nay Song Tử Tây do Việt Nam quản lý và Song Tử Đông do Philippine chiếm đóng với tên gọi là Parola.
Nếu quốc tế hóa biển Đông thành công lôi kéo được nước Phi này vào bàn tiệc Đông Nam Á đứng về phía Việt Nam, thì coi như Song Tử Đông trở thành món lại quả không thể nào đòi lại được.
Khoảng cách giữa hai hòn này có thể nói là ngắn nhất giữa Việt Nam và Philippine khoảng 3 km. Nếu như phải chấp nhận nguyên trạng như hiện nay thì hai nước Phi Việt trở thành hàng xóm mở mắt thấy nhau. Nếu một mai Việt – Phi mở khu mậu dịch thương mại du lịch chung thì điểm hẹn chính tại đảo Song Tử chứ không phải là nơi nào khác.

Sau khi Pháp chuyển nhượng chủ quyền cho Việt Nam Cộng Hoà thì quần đảo Trường Sa vẫn là nơi hoang vắng. Chính quyền thời đó cho quân ra dựng bia cắm mốc coi như là những nỗ lực bảo vệ chủ quyền.
Trong lúc đó phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không biết làm sao lại công nhận hai quần đảo HS-TS là của Trung Quốc qua công văn Phạm Văn Đồng 1958.
Các nước đồng minh lân cận cũng không vừa, Philippine cũng như Đài Loan cho quân đồn trú một số hòn đảo quan trọng. Phillipine chiếm được đảo lớn Thị Tứ, đảo Dừa và hai hòn Song Tử Đông Tây cộng lại. Đài Loan dưới danh nghĩa Trung Hoa Dân Quốc chiếm đảo lớn nhất Thái Bình (Itu Aba Island) mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình. Vậy là hiện nay các hòn đảo lớn nhất là Ba Bình vào tay Đài Loan và hòn lớn nhì, thứ ba nằm vào tay Philippine.
Trong lúc Việt Nam Cộng Hòa phải lo đánh nhau sát sườn với người anh em phía Bắc thì các “đồng minh” cũng thừa cơ vớt vát một vài cái đảo để phòng thủ cho vùng đệm biên cương. Xét cho cùng về mặt địa lý, một số đảo này cũng gần Philippine và mang tên bằng tiếng Phi trong Anh ngữ cho nên các bạn Phi này rất khôn chỉ giành những hòn thuộc loại lớn có mặt bằng.
Mỹ Nữ Song Tử Tây
Theo tài liệu, để giựt lại một hòn đảo từ phía Philippine, Song Tử Tây quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải dùng mỹ nhân kế như sau.
Đợi lúc sinh nhật của tư lệnh đảo trưởng Song Tử, Việt Nam gởi đến vài “ca sĩ” để giúp vui. Binh lính Phi nghe có gái Việt Nam sang đờn ca xướng hát bên Song Tử Đông chúc vui thủ trưởng, thế là dồn hết sang hòn Song Tử Đông xem hát. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa nhận được ám hiệu đảo Song Tử Tây không có người, bèn xung phong tràn qua cắm cờ vàng ba sọc, hát quốc ca, tuyên bố chủ quyền.
Đảo chiếm xong không tốn một giọt máu nào mà hai bên Phi Việt còn phải nhìn nhau cười hố hố. “Cho mày chết! mê gái đẹp thì cho mày chết.” Dĩ nhiên lính Phi chỉ còn nước đứng chửi thề.
Sau hoạt cảnh đó hải quân Phi chấn động và lo sợ rằng hòn Song Tử Đông sẽ là mục tiêu kế tiếp mà không biết Việt Nam Cộng Hòa sẽ dùng kế sách gì. Nhưng không lâu thì Bắc Việt tràn vào miền Nam, những người lính VNCH lúc xưa chiếm Song Tử Tây bằng mưu phải lội sang Song Tử Đông xin tị nạn. (Nếu chuyện này mà dựng thành phim chắc là sẽ tạo nên một kịch tình rất dạt dào Phi-Việt tình thâm).
Câu chuyện này được coi là truyền kỳ vì nội dung bên trong của nó. Tuy nhiên sử sách Việt Nam hiện nay không ghi lại phần mỹ nhân kế này nhưng không ai thử đặt câu hỏi vì sao Việt Nam không có hòn Song Tử Đông và làm sao lại có hòn Song Tử Tây trong tay ở một cự ly quá gần giữa biển khơi như thế.
Không loại trừ khả năng các bạn Phi dựng nên chuyện này để bôi nhọ mỹ nữ Việt Nam Cộng Hòa, “các cô gái đẹp Việt Nam lừa tình thủ trưởng của bên mình nhé!”. Nhưng bôi nhọ như thế này thì cũng coi như tự tát vào kỷ luật của quân đội Phi Luật Tân rồi.
Hiện nay, tuy không trấn thủ được các đảo lớn, nhưng Việt Nam vẫn có ưu thế nhất tại quần đảo Trường Sa vì Việt Nam đã dựng các nhà giàn trên các bãi đá ngầm thành đảo.
Trong những lúc trời yên bể lặng, quân đội Việt Nam cũng thường hay thuê cả ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng từ đất liền ra nhà giàn trình diễn làm náo nhiệt cả một góc trời. Tuy nhiên, hát hò gào thét làm như hay lắm chứ không lấy thêm được đảo nào đẹp mắt như mỹ nữ Việt Nam Cộng Hòa từng thu phục hải đảo xa xôi chỉ bằng một đêm vui văn nghệ.
Ngày nay Song Tử Tây thuộc về quản lý của Việt Nam vốn nhờ vào mấy nàng ca nương cài cắm mê hoặc quân Phi.
Song Tử Đông và Song Tử Tây là hai hòn đảo đẹp mà tên cũng đẹp. Lấy lại được Song Tử Tây cũng là một câu chuyện lãng mạn bến bờ của mỹ nữ Việt Nam, không ngoại trừ đó là những nữ quân nhân được giao nhiệm vụ.
Tuy nhiên các nữ quân nhân ấy trôi dạt phương nào không ai còn biết. Trên đảo hiện nay không ghi lại một di tích nào của họ.
Trong sách sử, người Phi vẫn còn cay cú khi nhìn sang Song Tử Tây với ký ức ngọng ngịu không thể nào quên. Tuy nhiên, hai bên đành chấp nhận nguyên trạng một cách hoà bình. Sáng sớm khi ánh bình minh hiện ra hai bên Phi Việt nhìn nhau trong tầm mắt. Gần đây, phía Việt Nam đưa tin hai bên Phi-Việt còn tổ chức đá bóng giao hữu. Việc Việt Nam dựng tượng Trần Hưng Đạo lên ở Song Tử Tây thật sự không có ý nghĩa lịch sử một cách trung thực.
Phải dựng tượng mỹ nữ thời Việt Nam Cộng Hòa mới phản ánh đúng thực tế của hòn đảo này.
Trần Đông Đức
08-05-2012
Theo Blog Trần Đông Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét