Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Nghe Bùi Thị Minh Hằng trả lời phỏng vấn trên Đài Việt Nam Sydney Radio

Hôm nay vào mạng Internet nghe lại buổi nói chuyện ngắn ngủi của Bùi Hằng trên Việt Nam Sydney Radio ngày 1/5/2012 (http://vnsr.net/), thật xúc động vì nghe chị kể lại là mình đã bị cưỡng bức rời trại tù như thế nào, với còng tay và xích sắt xích chân, rời trại với đoàn “tùy tùng” công an hàng mấy chục người, hành trình suốt chặng đường trên 1000 km từ Hà Nội vào tận Vũng Tàu. Chị Bảo Khánh – người phỏng vấn chị Bùi Hằng cũng nói rõ là “muốn dành thì giờ cho Bùi Hằng nghỉ ngơi”, có lẽ vì vậy nên chị chỉ hỏi vài câu cho người hâm mộ Úc Châu được nghe tiếng Hằng nói…

Tôi chợt hình dung ra 2 con người – hai người phụ nữ yêu nước, hai người phụ nữ dũng cảm – ở hai đầu dây của cuộc phỏng vấn trực tiếp trên sóng phát thanh. Một người phụ nữ bất khuất ở Việt Nam – Bùi Thị Minh Hằng – nổi tiếng như là một thủ lĩnh biểu tình yêu nước. Và bên này đầu dây là một người phụ nữ yêu nước khác – Bảo Khánh – nổi tiếng trên cương vị phát thanh viên và cũng là thủ lĩnh (giám đốc) Đài phát thanh Việt Nam Sydney Radio.
Không bao giờ chị Bảo Khánh vắng mặt tại các cuộc biểu tình chống Cộng ở Sydney - New South Wales - Australia
Đối với Bùi Hằng, một người phụ nữ can trường mạnh mẽ đến độ công an cũng phải khiếp sợ. Chị sẵn sàng đối đầu trực tiếp đối với những viên công an lạnh lùng và tàn nhẫn như những cái máy tấn công. Chính vì sự mạnh mẽ của chị, cộng với áp lực đấu tranh cương quyết từ những người, những giới ủng hộ Hằng từ bên ngoài mà chị đã được tự do. Đất nước Việt Nam, nhất là giai đoạn hiện nay đang rất cần những người như Bùi Thị Minh Hằng.
Và đây là "nữ tướng biểu tình" tại Hà Nội
Và Đất Mẹ Việt Nam cũng cần, và đã có những người phụ nữ như Bảo Khánh của Việt Nam Sydney Radio. Nếu so với Bùi Thị Minh Hằng, Bảo Khánh có nhiều nét giống: Cũng hăng hái, xông xáo dám nghĩ dám làm. Cũng đấu trang kiên định với lập trường ủng hộ dân chủ tự do và ghét quân xâm lược. Chị cũng là một biểu tình viên – một thủ lĩnh biểu tình bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa – như Bùi Thị Minh Hằng. Cái khác nhau của hai người phụ nữ đó có thể chỉ là không gian của những cuộc biểu tình của họ mà thôi…
Trong cuộc phỏng vấn ngày 1/5 có thể Bùi Hằng chỉ biết phóng viên, MC, kiêm phát thanh viên Bảo Khánh, mà không biết rõ về Bảo Khánh là người như thế nào. Đó cũng là điều đơn giản vì Bùi Hằng là một người mới tham gia vào các cuộc biểu tình yêu nước và có lẽ bây giờ chị mới ý thức được trách nhiệm (hay là nhu cầu) đấu tranh chống Độc tài.
Đối với tất cả các nhà đấu tranh trong nước, không ai là người không biết chị Bảo Khánh, không phải chỉ với vai trò của một phát thanh viên, mà còn với vai trò của một nhà đấu tranh chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, họ còn biết đến chị như là một vị cứu tinh của họ về những nan giải tài chánh, khi họ bị công an bao vây kinh tế tại quốc nội. Trong một vị trí khác, có lẽ quan trọng không kém gì việc vận hành đài phát thanh, chị Bảo Khánh là đồng thành viên của Khối 1706 – một tổ chức yểm trợ cho Khối 8406 trong nước – và cũng là thành viên chính thức của Khối 8406.
Không ai có thể dám đánh giá Bùi Hằng là người non nớt trên đường đời. Nhưng dẫu vậy, chị vẫn là người non nớt trong đấu tranh dân chủ. Đó là điều đương nhiên đối với một người mới dấn thân. Nhưng với ý chí và quyết tâm, có lẽ chị sẽ đủ bản lĩnh ngang hàng với chị Bảo Khánh trong tương lai.
Ngược lại, đối với MC, phát thanh viên Bảo Khánh, chị đã có nhiều năm lăn lộn không chỉ với truyền thông, mà còn nhập cuộc đấu tranh từ rất sớm. Là một thuyền nhân tị nạn chế độ Cộng Sản đã 32 năm, đang sống tại Australia, chị đã ủng hộ các nhà tranh đấu trong nước ngay từ trước khi Khối 8406 thành lập. Từ rất lâu, chị đã là người bạn thân thiết của hàng trăm đồng bào trong nước: Nhà đấu tranh, dân oan, những người gặp hoạn nạn do bị đối xử bất công trong nước, trong đó có cả người viết bài này…
Có lẽ điểm giống nhau nhất lúc này đối với hai người phụ nữ dễ mến, đáng yêu và đáng kính, là Bảo Khánh và Bùi Hằng, đó chính là họ đều rất nghèo. Chị Bùi Hằng thị đã rõ: Những xô đẩy của sóng gió đời thường cộng với bất công xã hội, đã tước đoạt của chị nhiều thứ. Nhưng đối với chị Bảo Khánh, cái nghèo của chị xuất phát từ sự hy sinh cho đại cuộc, cho công cuộc giải trừ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam: 32 năm đã sống trên một đất nước tự do và giàu có như Australia, chị vẫn chưa có nổi một ngôi nhà cho riêng mình, vẫn phải sống trong những căn phòng thuê lại…
“Hai người phụ nữ tội nghiệp”- đúng như vậy! họ đã cùng phải hứng chịu những bất công không đáng có: Họ đều bị công an nói xấu, coi là thành phần phản động. Họ đều bị những kẻ xấu, có thể là những viên công an giấu mặt dưới nhiều vỏ bọc, bôi nhọ danh dự cá nhân các chị bằng những thủ đoạn hèn hạ. Bùi Hằng thì bị bươi móc, bóp méo đời tư. Bảo Khánh thì bị chúng đặt điều là biển thủ tài chánh.
Để tấn công lại kẻ địch, Bùi Hằng có thể gặp khó khăn về khâu minh định vì lý do tế nhị là kẻ xấu đã dùng chính người thân của chị tấn công chị. Bảo Khánh cũng gặp một khó khăn lớn, đó là những khoản tiền chuyển về nước trợ giúp đời sống cho những nhân vật đấu tranh công khai trong nước hay là người thân của họ, thì có thể chứng minh đơn giản, nhưng đối với những công việc chi tiêu cho tổ chức đấu tranh hoặc là cung cấp tiền cho những thành viên hoạt động bí mật thì rất khó, vì đây là nguyên tắc an toàn.
Có lẽ chính vì những khó khăn riêng của chị Bảo Khánh, đó cũng là khó khăn chung của Đài phát thanh Việt Nam Sydney Radio và Khối 1706 cho nên họ đã thiết lập một Ban điều hành Khối lên tới 10 người, đồng thời họ cũng xin đề cử 2 cố vấn cho tổ chức của mình. Như vậy để đảm bảo minh bạch, tất cả các khoản hỗ trợ cho các thành viên chưa được phép công khai danh tính hoặc vì những hoạt động khác trong nước, đều được ban điều hành kiểm soát. Mặt khác, Khối 1706 và Đài Việt Nam Sydney Radio đều chịu sự thanh kiểm tra tài chính chặt chẽ của chính phủ, vì họ hoạt động có giấy phép. Như vậy chị Bảo Khánh cũng nhẹ lòng được phần nào…
Đối với chị Bùi Thị Minh Hằng, rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ và bảo vệ chị. Nhưng đối với chị Bảo Khánh, rất ít người biết rõ về những hoạt động giúp đỡ tài chính của chị cho quốc nội. Xin được “bật mí” rằng: Chị không phải là người quản lý tài chính. Làm việc đó đã có kế toán, thủ quỹ, thống kê chuyên nghiệp hẳn hoi, chị chỉ làm công việc liên lạc. Ví dụ như bản thân người viết bài này đã nhận sự trợ giúp của Khối 1706 và Đài Việt Nam Sydney Radio số tiền lên tới trên 100 triệu Đồng VN, nhưng tất cả số tiền trên đều nhận từ người gửi là thủ quỹ của Khối 1706. Cũng thầm cảm ơn chị Bảo Khánh là, tuy người viết bài này không những chưa một lần xin trợ giúp, và đã có nhiều hơn 3 lần từ chối sự giúp đỡ, nhưng biết rằng người viết vẫn đang gặp khó khăn nên chị Bảo Khánh vẫn đề nghi Khối 1706 trợ giúp.
Các chị Bùi Hằng và Bảo Khánh cứ bình tâm. Cuộc đấu tranh chống Độc tài Cộng Sản chưa đến hồi kết, các chị còn phải tiếp tục hứng chịu những đòn roi bất công từ chế độ, thông qua bộ máy tay chân của họ. Nếu các chị cứ buồn phiền và quá bận tâm đến những trò tiểu xảo của kẻ xấu, e là chỉ mất thì giờ.
Các chị hãy tin rằng, cuối cùng chân lý và công lý luôn thuộc về chính nghĩa. Hôm nay nghe đài Việt Nam Sydney Radio, người viết chợt nhận ra một điều: Người phụ nữ sinh ra không phải chỉ là để được thương yêu, chiều chuộng, chăm sóc. Đôi khi họ được sinh ra là để tự nguyện đứng mũi chịu sào một cái gì đó. Và muốn làm tốt vai trò của mình, họ buộc phải là người mạnh mẽ…
Lê Nguyên Hồng
03-05-2012
Theo Công Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét